Quyền con người theo Hiến pháp 2013

quyen-con-nguoi-theo-hien-phap-2013

Cùng chung với xu thế phát triển của thế giới, vấn đề quyền con người ở Việt Nam cũng được đặt lên hàng đầu. Pháp luật nói chung và Hiến pháp nói riêng quy định như thế nào về quyền con người? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Hiến pháp 2013

1. Khái niệm quyền con người

Có khá nhiều khái niệm về quyền con người được đưa ra dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể hiểu “quyền con người” là toàn bộ những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện trong phạm vi pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.

2. Quyền cơ bản của con người theo Hiến pháp 2013

Quyền con người được chia thành hai nhóm chính

2.1. Nhóm các quyền dân sự, chính trị

– Quyền sống;

– Quyền không bị phân biệt đối xử;

– Quyền được thừa nhận và bình đẳng trước pháp luật;

– Quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục;

– Quyền được bảo vệ để khỏi bị bắt làm nộ lệ hay nô dịch;

2.2. Nhóm các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa

– Quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng;

– Quyền về sức khỏe;

– Quyền được giáo dục;

– Quyền làm việc và hưởng thù lao công bằng, hợp lý;

3. Nội dung quyền con người theo Hiến pháp 2013

3.1. Các quyền dân sự, chính trị

– Quyền không bị phân biệt, đối xử, được thừa nhận và bình đẳng trước pháp luật

“Không bị phân biệt, đối xử, được thừa nhận và bình đẳng trước pháp luật” là một quyền rất quan trọng của con người và là một trong những nguyên tắc bản của luật nhân quyền quốc tế. Quyền này bao gồm ba khía cạnh liên kết với nhau. Đó là không bị phân biệt đối xử; được thừa nhận tư cách con người trước pháp luật và có vị thế bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng.

– Quyền sống, quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục

Tại Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Quy định này thể hiện một bước tiến mới trong tiến trình lập hiến của Việt Nam. Bởi, quyền sống không chỉ được hiểu là sự toàn vẹn về tính mạng mà còn được hiểu từ nhiều khía cạnh nhằm bảo đảm sự tồn tại của con người, “được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực,…”

– Quyền được coi là vô tội; Quyền được xét xử công bằng, công khai, đúng pháp luật; Quyền được bào chữa; Quyền yêu cầu được bồi thường

+ Quyền được coi là vô tội

Tại Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Đồng thời, người bị buộc tội phải được chứng minh theo trình tự luật định.

+ Quyền được xét xử công bằng, công khai

Theo khoản 2 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định thì người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.

+ Quyền được bào chữa

Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa cho mình.

+ Quyền yêu cầu được bồi thường

Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật. Đây là một sự bảo đảm cao hơn quyền con người và đòi hỏi trách nhiệm của những người thi hành và bảo vệ pháp luật.

+ Quyền được bảo vệ đời tư

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn (Điều 21). So với các bản Hiến pháp trước thì trong Hiến pháp 2013 quyền được bảo vệ đời tư được ghi nhận rộng hơn, không chỉ là sự bảo đảm bí mật thư tín, điện thoại,… mà trên tất cả các lĩnh vực như thông tin cá nhân trong máy tính, các ngân hàng dữ liệu và các thiết bị khác,… Quy định này nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm tùy tiện, bất hợp pháp vào đời tư, gia đình, danh dự, úy tín của mọi người.

– Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Điều này thể hiện ý nghĩa quan trọng của tôn giáo đối với đời sống xã hội, quyền tự do tín ngưỡng đã được Nhà nước quan tâm và khẳng định đầy đủ phù hợp với xu thế phát triển của xã hội dân chủ và tiến bộ.

– Quyền kết hôn và lập gia đình, bình đẳng trong hôn nhân

Theo Điều 36 Hiến pháp 2013 quy định nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

3.2. Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa

– Nhóm quyền kinh tế: Quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu thu nhập hợp pháp, quyền thừa kế

Quyền kinh tế được xác lập và thực hiện cùng với quyền của mọi người được bình đẳng và không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 16). Đặc biệt, quyền kinh tế được hiến định và bảo đảm trên thực tế đó là quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33) chứ không phải chỉ bó hẹp “theo quy định của pháp luật” như ở các bản Hiến pháp trước. Nhà nước còn khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.

Để bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, Hiến pháp cũng ghi nhận quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sản xuất; quyền bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật giữa các chủ thể thành phần kinh tế… Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Chỉ trong trường hợp thật cần thiệt vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường theo giá thị trường (Điều 32).

– Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe

Quyền về sức khỏe là một quyền con người cơ bản, không thể thiếu để thực hiện các quyền khác. Mọi người có quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đạt được. Hiến pháp 2013 quy định cụ thể về nội dung này như sau: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồn”(Điều 38).

– Quyền được nghiên cứu và hưởng thụ các thành tựu khoa hoc; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa

Theo Điều 41 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó. Ngoài ra, mọi người còn có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

Bên cạnh quyền được bảo đảm thực hiện thì con người cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Hiến pháp 2013 còn có các quy định về nghĩa vụ của con người như sau:

+ Nghĩa vụ bảo vệ môi trường

+ Nghĩa vụ nộp thuế

+ Nghĩa vụ tuân thủ pháp luật

Trên đây là một số quy định của pháp luật liên quan đến quyền con người theo Hiến pháp 2013. Nếu có bất kỳ thắc mắc, câu hỏi nào xin vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon