Cán bộ, công chức có được đầu tư ra nước ngoài hay không

can-bo-cong-chuc-co-duoc-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-hay-khong

Nội dung câu hỏi:

Xin chào Công ty luật TNHH Dương Gia Chi nhánh Đà Nẵng, tôi hiện nay đang là cán bộ công chức nhà nước nhưng tôi có người quen đang kinh doanh ở nước ngoài. Vậy, tôi có được góp vốn vào công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng hay không?

Đối với vấn đề này, Công ty Luật TNHH Dương Gia chi nhánh Đà Nẵng tư vấn như sau:

I. Cơ sở pháp lý

– Luật Cán bộ công chức sửa đổi bổ sung năm 2019;

– Luật Đầu tư năm 2020;

– Nghị định số: 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đầu tư;

– Luật Doanh nghiệp năm 2020;

– Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018;

II. Nội dung tư vấn

Trước tiên, để xác định cán bộ công chức có được phép đầu tư ra nước ngoài hay không, cần phải tìm hiểu về các trường hợp bị cấm đầu tư ra nước ngoài theo luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, căn cứ Điều 68 Nghị định số: 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư

Điều 68. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài

“1. Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.

Tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Hộ kinh doanh đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp.

Các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.”

Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

“1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

…”

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về Hình thức đầu tư ra nước ngoài

1. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau đây:

a) Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

b) Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;

c) Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;

d) Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;

đ) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.”

Căn cứ vào các quy định nêu trên, cán bộ công chức nói chung bị cấm đầu tư ra nước ngoài nếu thuộc trường hợp: “Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó”.

Như vậy, trường hợp chỉ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp mà không tham gia quản lý, điều hành thì pháp luật không cấm và công chức được phép thực hiện.

Ngoài ra, Quý khách hàng cần lưu ý:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định:

“4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật TNHH Dương Gia về việc Cán bộ công chức có được đầu tư ra nước ngoài hoặc mua cổ phần, góp vốn và công ty nước ngoài hay không. Trường hợp có bất kỳ thông tin nào cần làm rõ, vui lòng liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon