Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền về bí mật gia đình

boi-thuong-thiet-hai-do-xam-pham-ve-quyen-bi-mat-gia-dinh

Pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền về bí mật gia đình phải được nhất thể hóa về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm. Cần có quy định bổ sung trong Bộ luật dân sự để có sự thống nhất với quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Bài viết dưới đây sẽ phân tích các quy định về quyền bí mật gia đình, bồi thường thiệt hại do xâm phạm bí mật gia đình và một số phương hướng hoàn thiện pháp luật.

1. Quyền về bí mật gia đình

Gia đình được hiểu là một thiết chế xã hội được hình thành từ những thành viên khác giới qua hình thức hôn nhân để thực hiện những chức năng sinh học, chức năng kinh tế, xã hội và chức năng tín ngưỡng, duy trì dòng dõi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình là mối quan hệ thân thuộc, gắn bó giữa các thành viên có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng.

Vì vậy, bí mật gia đình là những thông tin về vụ việc, tài liệu liên quan đến các quan hệ giữa các thành viên của gia đình với nhau. Mối quan hệ hữu cơ này mang tính truyền thống bền vững qua nhiều đời. Tính di truyền từ đời này qua đời khác về huyết thống, về bệnh lý, về năng lực trí tuệ của các thành viên. Nếu bí mật gia đình bị bộc lộ có thể sẽ gây ra sự bất lợi cho các thành viên gia đình. Bí mật gia đình được giữ kín, nếu tất cả các thành viên trong gia đình có ý thức không muốn bộc lộ, thì không một chủ thể nào được xâm phạm.

Bí mật gia đình được hiểu là những quan hệ giữa các thanh viên gia đình về quan hệ hôn nhân, huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Quan hệ gia đình có nghĩa rộng hơn hộ gia đình.

Nhưng bí mật gia đình có hàm nghĩa nghĩa rộng hơn nhiều vì nó không đơn thuần về quan hệ kinh tế, mà còn là nững quan hệ về huyết thống, về hôn nhân, về nuôi dưỡng, quan hệ nhân thân và những quan hệ về lịch sử gia đình, về bí mật đời tư của mỗi thành viên và các thành viên có mối quan hệ thân thuộc với nhau. Quan hệ huyết thống được xác định là cơ bản trong những quan hệ bí mật gia đình. Vì vậy trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học, xin tinh trùng, noãn, phôi của người ngoài gia đình để sinh con, hay trường hợp mang thai hộ thì những sự kiện này cũng được xem là bí mật gia đình. Tính chất bí mật của quan hệ này cần được kín, nếu bộc lộ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ tình cảm, yếu tố tâm lý của nhiều người trog gia đình, nhất là những người có liên quan trực tiếp.

Nguyên tắc bảo vệ bí mật gia đình, bí mật cá nhân trong việc mang thai hộ được bảo đảm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thì trẻ em sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ, được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

Viêc giữ bí mật trong quan hệ cho và nhận tinh trùng, noãn, phôi được mã hóa nhằm vô danh các bên chủ thể cho tinh trùng và nhận tinh trùng hoặc noãn. Quyền bí mật cá nhân của các chủ thể được bảo đảm an toàn trong trường hợp này.

Về quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người được quy định trong Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định việc cho và nhận tinh trùng, noãn được bảo mật. Tại khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP cũng như quy định của Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP, việc mang thai hộ, sinh con theo phương pháp khoa học, việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận noãn, cho và nhận phôi là quyền tự định đoạt của cá nhân và được giữ bí mật theo những trình tự, thủ tục, điều kiện pháp luật quy định.

Cá nhân người nhận tinh trùng và cho tinh trùng được giữ bí mật. Những người có liên quan không được tìm hiểu thông tin về người đã cho mình tinh trùng. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”“nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại”.

Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng do người vợ không thể thụ thai do bệnh lý và các bệnh của người phụ nữ này là không có tử cung, tử cung cmang bệnh lý bẩm sinh hoặc u xơ tử cung, mắc các bệnh bệnh lý như suy tim, suy thận, bệnh về đường hô hấp nghiêm trọng mà không đủ sức khỏe để mang thai và sinh con. Vì vậy, người này phải thực hiện các biện pháp xét nghiệm y học theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Kết luận người vợ vô sinh, do vậy muốn có con thì phải áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hoặc biện pháp ghép tinh trùng thông qua việc mang thai hộ.

Những thông tin trên đây liên quan đến quan hệ gia đình của những người gặp hoàn cảnh này, vì vậy thông tin này là bí mật gia đình và được pháp luật bảo vệ.

Trên thực tế, có những thông tin mật liên quan đến di truyền của một dòng tộc, một gia đình như sinh con hay bị dị tật, bị mắc bệnh tâm thần, hay bị chết lưu thai hay nòi giống không phát triển theo chiều cao, hay bị mắc bệnh béo phì hoặc các bệnh mang tính di truyền khó điều trị bằng y học đã có từ đời này sang đời khác…

Những sự kiện là những thông tin gắn với gia đình và mang những dấu ấn khác thường, thành viên gia đình muốn giữ bí mật tuyệt đối để không bị những thông tin này cản trở đến việc học tập, lao động, sản xuất, làm dịch vụ, quan hệ hôn nhân và các quan hệ xã hội khác.

Việc xác định những sự kiện là yếu tố bí mật gia đình thật sự cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam và các nước trên thế giới không có khái niệm hay định nghĩa về bí mật gia đình. Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các nước chỉ có những quy định khái quát và chỉ như một nguyên tắc pháp lý nhằm tuân thủ các quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR, 1966). Do vậy, không có những quy định nhận dạng các yếu tố bí mật gia đình và phạm vi các yếu tố đó. Vì vậy, khi có tranh chấp phát sinh, tòa án thụ lý đơn kiện và giải quyết tranh chấp sẽ thiếu nhiều những căn cứ pháp lý để có thể có được quyết định đúng, thấu tình, đạt lý.

Các yếu tố này thuộc về di truyền, thuộc về bệnh lý, thuộc về quan hệ huyết thống, thực chất là thuộc về gen AND. Mặt biểu hiện của các hiện tượng này như vô sinh, sinh con hay dị tật, nhiều người có bệnh lý về tâm thần hoặc tuổi thọ không cao.

Bí mật gia đình được hiểu là các yếu tố cấu thành quan hệ gia đình bao gồm các sự kiện và thông tin ở trạng thái tĩnh và động chứa đựng các yếu tố của đời sống gia đình về danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân được giữ bí mật và nếu những yếu tố này bị bộ lộ, bị đưa tin sẽ gây ra sự tổn thất về tinh thần, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, đến công việc, gây mất niềm tin vào năng lực của các thành viên gia đình trong đời sống của cá nhân hiện tại và tương lai; gây cản trở đến các quan hệ xã hội, quan hệ pháp luật và sinh hoạt thông thường của thành viên gia đình.

2. Hành vi xâm phạm quyền về bí mật gia đình

Theo các thói quen xấu, một hiện tượng xã hội thường tồn tại trong xã hội trước đây, mà nay vẫn còn sót lại trong cộng đồng dân cư và trong xã hội, đó là hay để ý đến gia đình của người khác. Thói quen để ý, xoi mói, bình luận và thu thập các thông tin của mộ gia đình để so sánh, nhận xét chủ quan và đưa tin có muc đích hoặc chỉ đơn thuần là thông báo về một gia đình nhất định, thể hiện sự nắm vững những thông tin về gia đình nào đó.

Hành vi xâm phạm bí mật gia đình được thể hiện dưới nhiều hình thức như truyền miệng, kể chuyện có thêm bớt; có thể thông qua các phương tiện kỹ thuật, qua mạng e-mail, tin nhắn, mạng xã hội như Facebook, internet…

Những thông tin liên quan đến bí mật gia đình bị bộc lộ trên phạm vi rộng tráo với ý muốn của các thành viên trong một gia đình. Những thông tin của một gia đình bị làm bộc lộ về quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như: Quan hệ huyết thống trực hệ, quan hệ dị bào, các bệnh truyền nhiễm, các bệnh di truyền theo gen (AND), sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mức độ tài sản, cách kiếm tiền, tính cách, quan điểm của mọi người trong gia đình, tham vọng. tất cả những quan hệ liên quan đến ga đình mang tính chất tài sản hay không mang tính chất tài sản đều bị làm bộc lộ trái với ý chí của các thành viên gia đình.

Hành vi xâm phạm bí mật gia đình được thể hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp, công khai hay lén lút thông quan các hình thức:

  • Đăng tải thông tin trên mạng xã hội, trên mạng internet, trên thư điện tử, trên các trang thông tin mạng công khai có sự lan tỏa thông tin nhanh trên phạm vi rộng.
  • Nghe lén điện thoại, bóc và đọc trộm thư từ, điện tín, các hợp đồng dân sự, thương mại mà hộ gia đình tham gia với tư cách chủ thể thông qua người đại diện;
  • Tung tin thất thiệt, thêm bớt, bịa đặt, vu khống nhằm hạ uy tín, danh dự, nhân phẩm của các thành viên gia đình người khác.

Hệ quả của hành vi xâm phạm bí mật gia đình, gây ra những thông tin thất thiệt, gây chú ý của dư luận xã hội, điều chỉnh dự luận, đánh lạc hướng dư luận gây bất lợi cho gia đình, gặp nhiều khó khăn không những trong quan hệ xã hội thông thường, mà gặp nhiều trở ngại, thậm chí thất bại trong một số quan hệ xã hội, kinh tế, thương mại, dân sự khác… (quan hệ hôn nhân, quan hệ nghề nghiệp, quan hệ xã hội khác thuộc nhiều lĩnh vực).

Gán ghép những thông tin thất thiệt liên quan đến truyền thống không tốt đẹp, gây mất thiện cảm của mọi người trong xã hội đối với một gia đình. Bịa đặt tính cách hung dữ của các thành viên của một gia đình mang tính truyền thống hoặc hiện tượng các con, cháu của một gia đình thường vô sinh theo quy luật.

3. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền bí mật gia đình và hướng hoàn thiện pháp luật

3.1. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền bí mật gia đình

Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc sử dụng Email (thư điện tử) là một hình thức thông tin hiện đại qua mạng Internet. Song bên cạnh những lợi ích qua việc sử dụng E-mail mang lại, là mặt trái của nó về mặt xã hội do những người có hành vi trái pháp luật đã sử dụng thư điện tử làm phương tiện để truyền bá những thông tin thất thiệt xâm phạm quyền về bí mật gia đình của người khác. Người sử dụng thư điện tử nhằm mục đích đen tối như sự giấu mặt của chính họ đã gây ra những tổn thất không dễ gì trong một thời gian ngắn có thể khôi phục được danh dự của một gia đình. Với thực trạng quản lý qui trình đăng ký sử dụng E-mail hiện nay ở Việt Nam còn nhiều bất cập, cho nên việc xác định hành vi trái pháp luật của một người cụ thể để qui trách nhiệm do hành vi xâm phạm quyền về bí mật gia đình thật sự phức tạp, khó khăn, hiệu quả không cao. Những thông tin thất thiệt, bịa đặt liên quan đến bí mật gia đình lan truyền mạnh mẽ và rộng khắp trên các trang mạng xã hội, các thành viên gia đình bị xúc phạm, bị nói xấu không còn cơ hội để thanh minh, cải chính và không thể tự bảo vệ danh dự của gia đình.

Thông tin về bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn (Điều 21 Hiến pháp) và Điều 22 Hiến pháp quy định:

“1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”

Quy định bí mật gia đình trong Bộ luật dân sự năm 2015, chưa thể hiện được đầy đủ và chưa xác định rõ thế nào là bí mật gia đình.

3.2. Cần thống nhất quy định về các phương thức bảo vệ bí mật khi bị xâm phạm

Người có hành vi xâm phạm quyền về bí mật gia đình bị áp dụng các chế tài cụ thể như:

  • Xin lỗi
  • Đăng lời cải chính;
  • Xóa bỏ các thông tin trên báo chí, mạng xã hội xâm phạm đến bí mật gia đinh.

Nên áp dụng một biện pháp chế tài theo một mức thống nhất giữa các luật quy định bảo vệ quyền bí mật gia đình trong Bộ luật dân sự, theo đó hành vi xâm phạm đến đối tượng này thì có trách nhiệm bồi thường thiêt hại tổn thất tinh thần cho người bị gây thiệt hại.

Xâm phạm bí mật gia đình trong hoạt động hành chính; trong hoạt động tư pháp; trong lĩnh vực kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong tố tụng hành chính; an ninh mạng; trong hoạt động nghiệp vụ y khoa lấy, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; trong hoạt động báo chí; hôn nhân và gia đình; tố tụng hình sự; tố tụng dân sự; thi hành, phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bảo vệ trẻ em; trong phòng, chống ma túy; xử lý vi phạm hành chính; khám chữa bệnh; công nghệ thông tin; giao dịch điện tử; trong hoạt động xuất bản… tránh được những quy định thiếu thống nhất về mức bồi thường tổn thất về tinh thần của người bị xâm phạm về bí mật gia đình, trong hoạt động xét xử.

3.3. Cần hoàn thiện đồng bộ các quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền bí mật gia đình

Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, lưu trữ, quản lý, sử dụng những thông tin phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ mà có hành vi gây thiệt hại do xâm phạm đến bí mật gia đình chịu trách nhiệm bồi thường theo mức độ như thế nào.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại, cách xác định bồi thường thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người được bồi thường thiệt hại; thời hạn bồi thường thiệt hại nên được quy định cụ thể.

Nên quy định về khoản tiền bồi thường do tổn thất về tinh thần khi quyền bí mật gia đình bị xâm phạm, khoản tiền này có thể được quy định ở mức cao hơn mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Bởi vì quyền về bí mật gia đình liên quan đến nhiều người, xâm phạm đến các quan hệ hôn nhân, huyết thống, ảnh hưởng đến không những một thế hệ, mà có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều thế hệ của một gia đình.

Với những giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định bảo vệ quyền bí mật gia đình nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật điều chỉnh quan hệ nhân thân này, không những các quyền dân sự được bảo đảm thực hiện, mà quyền con người đươc tôn trọng, bảo vệ trong xã hội hiện đại.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon