Tội cưỡng bức lao động

toi-cuong-buc-lao-dong

Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động luôn ở vị trị yếu thế hơn, có sự phụ thuộc và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Do đó, muốn tạo ra quan hệ lao động được bình đẳng hơn, pháp luật lao động đã có những quy định để bảo vệ người lao động, qua đó hạn chế sự lạm quyền của người sử dụng lao động. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định về chế tài xử phạt hành chính và truy cứu TNHS đối với “Tội cưỡng bức lao động”, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con người trong các mối quan hệ lao động. Đồng thời, ngăn chặn các hành vi ngược đãi, cưỡng bức người lao động.

Căn cứ pháp lý

Luật sư uy tín tại Đà Nẵng

1. Khái niệm

Tại khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động 2019 quy định về khái niệm “Cưỡng bức lao động” như sau:

“Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ.”

Theo đó, hành vi ngược đãi người lao động, cưỡng bức người lao động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo pháp luật lao động. Trường hợp người sử dụng lao động thực hiện hành vi cưỡng bức lao động sẽ bị xử phạt hành chính, hoặc nghiêm trọng hơn là phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. “Tội cưỡng bức lao động” được quy định cụ thể tại Điều 297 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2. Dấu hiệu pháp lý

– Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm quyền tự do lao động của con người

– Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động.

Hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ép buộc người khác phải lao động là dùng sức mạng vật chất, đe doạ dùng sức mạng vật chất buộc người khác phải lao động trái với sự tự nguyện của họ.

Thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động có thể là các thủ đoạn khiến người khác lo sợ việc không hay xảy ra cho mình hoặc người thân của mình nên buộc phải lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, như dùng thủ đoạn giữ giấy tờ tuỳ thân không trả hay đe doạ tố cáo với cơ quan có thẩm quyền một việc gì đó mà người lao động muốn giấu kín để buộc họ phải lao động trái với ý muốn của họ…

Hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động cấu thành tội cưỡng bức lao động nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Phạm tội làm chết người là trường hợp phạm tội mà hành vi phạm tội gây hậu quả chết người. Tuy nhiên, người phạm tội không cố ý gây ra hậu quả này.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên thì tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 31% trở lên;

+ Hành vi vi phạm chưa gây ra một trong các thiệt hại trên nhưng người thực hiện hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

Bị coi là đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, nếu trước đó đã bị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cưỡng bức lao động, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính mà còn thực hiện hành vi cưỡng bức lao động.

Bị coi là đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm nếu người đó đã bị Toà án kết án về tội cưỡng bức lao động nhưng chưa được xoá án tích theo quy định của BLHS mà lại thực hiện hành vi cưỡng bức lao động.

– Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý.

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trong trường hợp mặt khách quan của tội phạm chỉ có dấu hiệu hành vi nguy hiểm (điểm a khoản 1 Điều 297 Bộ luật này). Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.

Tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý trong trường hợp mặt khách quan của tội phạm có dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội (làm chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác). Người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó nhưng cho rằng hậu quả nguy hiểm cho xã hội không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy trước hậu quả đó nhưng phải thấy trước và có thể thấy trước.

– Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực TNHS.

3. Hình phạt

Căn cứ theo Điều 297 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về mức hình phạt đối với “Tội cưỡng bức lao động” như sau:

– Khung hình phạt tại khoản 1 Điều này

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

– Khung hình phạt tại khoản 2 Điều này

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi là phạm tội đối với người chưa đủ 16 tuổi, người phạm tội có thể biết hoặc không biết nạn nhân là người dưới 16 tuổi;

Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai là phạm tội đối với phụ nữ đang có thai và người phạm tội biết là người phụ nữ đó đang có thai. Điều này được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: người phạm tội và mọi người đều nhìn thấy được hoặc người phạm tội nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai;

Phạm tội đối với người già yếu là phạm tội đối với người 70 tuổi trở lên, sức khoẻ yếu. Người phạm tội có thể biết hoặc không biết nạn nhân là người già yếu;

Phạm tội đối với người khuyết tật nặng là phạm tội đối với người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật hoặc khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

Phạm tội đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là phạm tội đối với người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật hoặc khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

+ Làm chết người;

Phạm tội làm chết người là trường hợp phạm tội mà hành vi phạm tội gây hậu quả chết người. Tuy nhiên, người phạm tội không cố ý gây ra hậu quả này.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp phạm tội thoả mãn dấu hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 53 Bộ luật này.

Trường hợp người phạm tội đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội cưỡng bức lao động được quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 297 Bộ luật này thì cùng với việc bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “tái phạm nguy hiểm” theo điểm e khoản 2 Điều 297 Bộ luật này, người phạm tội còn phải bị áp dụng điểm tương ứng trong khoản 2 Điều 297 Bộ luật này.

Trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội cưỡng bức lao động được quy định tại khoản 3 Điều 297 Bộ luật này thì phải áp dụng khoản 3 Điều 297 này để truy cứu TNHS đối với người phạm tội. Đồng thời, áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật này để quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

– Khung hình phạt tại khoản 3 Điều này

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;

+ Làm chết 02 người trở lên;

Phạm tội làm chết 02 người trở lên là trường hợp phạm tội mà hành vi phạm tội gây hậu quả chết 02 người trở lên. Tuy nhiên người phạm tội không cố ý gây ra hậu quả này.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

– Hình phạt bổ sung tại khoản 4 Điều này

Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung phân tích các quy định của pháp luật về “Tội cưỡng bức lao động”. Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon