Tội gây rối trật tự công cộng

gay-roi-trat-tu-cong-cong

Trong xã hội hiện nay, trật tự công cộng, an toàn xã hội được coi là điều kiện đảm bảo cho mọi người dân có cơ hội để phát triển, sử dụng tốt năng lực của mình, xây dựng cuộc sống, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc. Vì vậy, việc đảm bảo trật tự công công là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và bảo vệ trật tự xã hội. Những hành vi xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng đều gây nên những thiệt hại nhất định cho cuộc sống bình thường của người dân cần thiết phải bị xử lý, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm mà áp dụng các hình thức xử lý khác nhau. Vậy, hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu nội dung về Tội gây rối trật tự công cộng qua bài viết sau đây.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;

Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021.

Luật sư tư vấn pháp luật tại Đà Nẵng

1. Khái niệm về gây rối trật tự công cộng

Gây rối trật tự công cộng có thể hiểu là nhóm các hành vi xâm phạm trật tự công cộng được Nhà nước bảo vệ, là những hành vi làm phá vỡ sự ổn định của trật tự công cộng, vi phạm pháp luật, văn hóa, chuẩn mực xã hội, phong tục tập quán bảo đảm trật tự công cộng, làm cản trở hoạt động bình thường của mọi người tại không gian công cộng.

2. Quy định về Tội gây rối trật tự công cộng

Theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

2.1. Mặt khách quan

– Cấu thành tội phạm cơ bản thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Hành vi nêu trên phải gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

+ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm.

+ Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Về tính chất mức độ của hành vi: Đây là hành vi của những người có thái độ coi thường trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phản ánh thông qua những hành vi cụ thể để tác động lên các chủ thể, các đối tượng, như:

+ Có lời nói thô tục, thiếu chuẩn mực, nhằm xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng;

+ Có hành vi thô bạo, làm ảnh hưởng quyền lợi trong sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng;

+ Có hành vi dùng vũ lực tác động lên các sự vật, hiện tượng. Tập hợp nhóm để quậy phá, làm thiệt hại về tài sản của nhà nước, của công dân ở nơi công cộng: như đập phá, làm hư hỏng các biểu tượng, tranh cổ động, xe ô tô, xe máy… trong khi các tài sản đó mang đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được pháp luật bảo vệ. Những hành vi gây rối, phá phách tại nơi công cộng làm cản trở, ách tắc giao thông hoặc cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, các đơn vị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội…

Lưu ý: Ngoài những hành vi khách quan xâm phạm đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác tương ứng với những hành vi do mình gây ra khi đủ yếu cấu thành như: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 BLHS, tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 BLHS…

2.2. Khách thể:

Đối với khách thể của tội gây rối trật tự công cộng là tội phạm xâm phạm đến trật tự an ninh xã hội, cuộc sống sinh hoạt ổn định của cộng đồng. Ngoài ra còn xâm phạm đến các hoạt động đi lại, làm việc, vui chơi nguyên tắc an toàn nơi công cộng tại nơi có nhiều người qua lại, đồng thời xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của những người xung quanh. Hành vi này cũng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện những đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong quá trình ổn định đời sống của người dân.

2.3. Mặt chủ quan:

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Chủ thể có hành vi vi phạm có đầy đủ năng lực hành vi biết rõ hành vi của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lối sống lành mạnh ổn định của xã hội, quy tắc sinh hoạt, đi lại, vui chơi của người khác nhưng vẫn thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

2.4. Chủ thể:

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Và phải chịu các trách nhiệm trong mức độ, hậu quả của hành vi gây ra. Theo khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm.

3. Xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng

Trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo quy định của Bộ luật hình sự thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021.

“Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này;

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;

b) Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

b) Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

c) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

d) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;

…”

Như vậy, đối với hành vi gây rối trật tự công cộng, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 300.000 đồng đến cao nhất là 8.000.000 đồng, tùy vào trường hợp vi phạm mà sẽ có chế tài, mức xử phạt riêng.

Trên đây là nội dung phân tích các quy định của pháp luật về Tội gây rối trật tự công cộng. Trường hợp cần hỗ trợ tư vấn hoặc sử dụng dịch vụ luật sư, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Dương Gia theo số hotline 1900.6586 để được hỗ trợ, giải đáp.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon