Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng nói: “Phong tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn”. Hằng năm, cứ vào ngày mùng 3 tháng 3 (âm lịch), người dân khu vực Bắc bộ và một bộ phận người dân ở khu các vực khác lại cùng nhau tổ chức Tết Hàn Thực. Vậy bạn đã biết Tết Hàn thực có nguồn gốc từ đâu, và trong ngày lễ này có những nét đặc trưng gì chưa?
1. Nguồn gốc tết Hàn thực
Tết Hàn thực là tết ăn đồ lạnh, vì theo nghĩa chữ Hán thì “hàn” là lạnh, “thực” là ăn. Phong tục này bắt nguồn từ một câu chuyện được lưu truyền trong nhân gian từ xa xưa.
Chuyện kể rằng, vào thời Xuân Thu (770 – 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Trên đường lánh nạn, vua Tấn gặp được hiền sĩ Giới Tử Thôi và được ông hết lòng phò trợ. Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Thậm chí, có một lần trong lúc lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi còn lén cắt một miếng thịt đùi của mình nấu dâng lên vua.
Vua Tấn Văn Công sau khi biết được những việc Giới Tử Thôi làm thì cảm kích vô hạn. Thế nhưng, khi đoạt lại ngôi báu, lúc phong thần cho những người có công, vua Tấn lại quên mất sự giúp đỡ của Giới Tử Thôi.
Thấy tình cảnh như thế, Giới Tử Thôi bèn đưa mẹ lên núi ở ẩn. Một thời gian sau, vua Tấn Văn Công nhớ lại người bạn thuở hàn vi và cho người đi tìm. Nhưng lúc này Giới Tử Thôi lòng đã nguội lạnh, nhất quyết không theo về lãnh thưởng. Thấy vậy, vua ra lệnh cho đốt rừng để ép ông phải ra mặt nhưng tiếc thay cả ông và người mẹ già đều bị chết trong biển lửa.
Cái chết của Giới Tử Thôi kiến cho vua Tấn vô cùng đau lòng và ân hận. Vua cho lập miếu thờ, hạ lệnh cho toàn thể dân chúng không được nấu nướng, dùng lửa và chỉ được ăn đồ nguội lạnh trong 3 ngày, kể cả đồ cúng cũng phải được chuẩn bị từ ngày hôm trước.
Từ đó về sau, cứ đến ngày mùng 3 tháng 3 (âm lịch) cũng là ngày Giới Tử Thu qua đời, nhân dân tổ chức lễ gọi là tết Hàn thực để tưởng nhớ ông
Tết Hàn thực năm 2024 rơi vào ngày 3/3 âm lịch, nhằm thứ Năm, ngày 11/4 dương lịch.
2. Ý nghĩa của ngày tết Hàn thực tại Việt Nam
Mặc dù có nguồn gốc từ phương Bắc nhưng ngày tết Hàn thực ở nước ta không phải để tưởng nhớ Giới Tử Thu mà có ý nghĩa dân tộc sâu sắc khác, trong ngày này người Việt sẽ hướng tới nguồn cội cũng như nhớ đến công lao của những người đã khuất. Tết Hàn thực của Việt Nam mang màu sắc riêng, được lưu giữ qua hàng ngàng năm giữ nước và dựng nước.
Vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên. Ở nhiều nơi, người dân cũng làm bánh trôi, bánh chay cúng thần hoàng. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Ở nước ta, Tết Hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, phong cách sống riêng của người Việt. Thường phải có 5 hoặc 3 đĩa bánh trôi, 3 bát bánh chay dâng lên bàn thờ. Vì đặt trưng của ngày này là việc nấu bánh trôi, bánh chay cúng ông bà tổ tiên nên ở một số vùng đây còn được gọi là ngày bánh trôi, bánh chay.
3. Tại sao Việt Nam lại ăn bánh trôi, bánh chay vào ngày tết Hàn thực?
Theo như nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục lệ ăn bánh trôi, bánh chay vào ngày lễ này đã có từ thời Lê và được du nhập từ Trung Quốc. Trong khoảng thế kỷ XVI, trong Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa có viết: “Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh”. Qua đó có thể thấy, phong tục ăn báng trôi nước đã có ở nước ta từ xa xưa.
Hình dáng chiếc bánh trôi tròn đều, căng bóng, bên trong có nhân đường phèn hình vuông, ngập trong chén nước đường. Ngụ ý cầu mong mọi chuyện đều được tròn đầy, như ý và trôi chảy. Bánh chay lại có vỏ trắng tính dương, bọc lấy phần nhân đậu xanh mềm ngọt bên trong mang tính âm, ý chỉ âm dương giao hoà.
Một điểm tương đồng là bánh chay và bánh trôi đều được làm bằng nguyện liệu chính là bột gạo nếp thơm, thể hiện được nền văn minh lúa nước truyền thống của Việt Nam. Đồng thời, hình ảnh những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn đều được xếp nằm cạnh nhau tượng trưng cho hình ảnh “mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng”, ngụ ý dân tộc Việt Nam là một thể thống nhất và đoàn kết.
4. Những điều nên làm trong ngày tết Hàn thực
– Để thể hiện lòng thành kính và bày tỏ sự biết ơn chân thành đến ông bà, tổ tiên trong tết Hàn thực, gia chủ nên chuẩn bị mâm cúng thành tâm với đầy đủ lễ vật cần thiết. Các gia đình nên sắm hoa tươi, trái cây và không thể thiếu bánh trôi, bánh chay.
– Vì tết Hàn thực theo văn hoá của người Việt ta là để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên nên vào ngày này các gia đình nên tổ chức đi viếng thăm, tảo mộ ông bà. Hành động này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục những thế hệ sau về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Chúng ta cần gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ sau những giá trị văn hóa, tinh thần cao đẹp mà tổ tiên để lại.
– Trong ngày này các gia đình thường tụ họp lại để cùng nhau ăn uống và trò chuyện. Đây là dịp để thế hệ trước nhắc nhở các thế hệ sau về những câu chuyện, hồi ức của những người thân đã khuất trong gia đình hay dòng họ của mình. Chính vì vậy, tết Hàn thực là thời điểm quan trọng để cả gia đình cùng nhau sum vầy và truyền lại những câu chuyện, kỷ niệm về những người thân đã qua đời.
Trên đây là những thông tin chúng tôi gửi đến quý bạn đọc về ngày tết Hàn thực. Hy vọng qua bài viết các bạn đã có thể hiểu rõ hơn về ngày lễ đặc biệt này. Đừng quên theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!