Bị cáo là gì? Quyền và nghĩa vụ của bị cáo?

Bi-cao-la-gi-Quyen-va-nghia-vu-cua-bi-cao

Trên thực tế, trong quá trình tố tụng hình sự, nhiều người mặc nhiên xem bị cáo là có tội mặc dù chưa có Bản án, Quyết định của Hội đồng xét xử. Chính điều này làm hạn chế về quyền và nghĩa vụ của bị cáo trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, việc đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi bị can, bị cáo được xem là một trong những vấn đề quan trọng của tố tụng hình sự, bởi điều đó nhằm đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động tố tụng. Như vậy, bị cáo có những quyền và nghĩa vụ gì? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề trên.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

1. Khái niệm bị cáo

Nhằm để thể chế hóa các quy định trong Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và quyền công dân, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những thay đổi tiến bộ hơn so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Theo đó Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định cụ thể và mở rộng hơn về quyền của bị can và bị cáo nhằm đảm bảo tính công bằng trong quá trình thực thi pháp luật.

Thuê Luật sư hình sự tại Đà Nẵng

Vậy bị cáo được định nghĩa là gì?

Căn cứ theo khoản 1, Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 61. Bị cáo

1. Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.”

Theo đó, căn cứ theo quy định trên người hoặc pháp nhân chỉ được xem là bị cáo khi đã có quyết định đưa ra xét xử của Tòa án.

2. Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng Anh

Bị cáo được dịch sang tiếng Anh như sau: Accused

Khái niệm bị cáo được dịch sang tiếng Anh như sau: Defendant is a person or legal entity that has been decided to bring to trial by a court. The rights and obligations of the accused being a juridical person shall be exercised through the legal representative of the juridical person in accordance with this Code.

3. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo

3.1. Quyền của bị cáo

Căn cứ theo khoản 2, Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể về quyền của bị cáo như sau:

– Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

– Tham gia phiên tòa;

– Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

– Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;

– Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

– Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

– Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

– Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;

– Nói lời sau cùng trước khi nghị án;

– Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;

– Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3.2. Những điểm mới trong quy định về quyền của bị cáo

Theo đó Điều 61 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi nhận một số quyền mới như sau:

Thứ nhất, bị cáo có quyền “Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”. Theo đó, bị cáo cũng được quyền đưa ra những chứng cứ, tài liệu để bảo vệ mình trước Tòa. Những chứng cứ này có thể trở thành những bằng chứng quan trọng giúp cho bị cáo gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy khi nhận được những tài liệu, chứng cứ mà bị cáo cung cấp, Hội đồng xét xử phải tiến hành kiểm tra, đánh giá, xác minh rằng chứng cứ, tài liệu đó có thể xem là chứng cứ phục vụ cho việc điều tra vụ án hay không. Đồng thời có thể khiến cho vụ án được tiến hành nhanh chóng hơn khi thu thập được nhiều chứng cứ quan trọng.

Thứ hai, bị cáo có quyền “Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa”. Đây là có thể xem là đảm bảo quyền ngôn luận cho mỗi công dân. Việc để cho bị cáo có quyền đề nghị chủ tọa hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nhằm đảm bảo cho bị cáo thực hiện quyền bào chữa cho mình. Việc cho phép bị cáo đối chất tại Tòa cũng nhằm cho việc xét xử được diễn ra toàn diện và khách quan hơn.

Thứ ba, bị cáo có quyền “Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa”. Điều này đồng nghĩa với việc bị cáo có quyền được biết rằng những nội dung trong biên bản ghi nhận tại phiên tòa có ghi chép lại đúng với diễn biến phiên tòa hay không. Theo đó nếu bị cáo không có những yêu cầu sửa đổi, bổ sung tức đã đồng ý với biêm bản phiên tòa.

Thứ tư, bị cáo có quyền khác theo quy định của pháp luật. Những điều này được ghi nhận trong các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành.

3.3. Nghĩa vụ của bị cáo

Ngoài các quyền mà bị cáo có thể yêu cầu và thực hiện thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định bị cáo có các nghĩa vụ như sau. Cụ thể tại khoản 3, Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của bị cáo gồm:

Điều 61. Bị cáo

“3. Bị cáo có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.”

Theo đó, khi tham gia vào quá trình xét xử, bị cáo phải thực hiện những nghĩa vụ sau:

Thứ nhất, bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

Căn cứ theo 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 290. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa

1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:

a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;

b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;

c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;

d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.”

Theo đó, sự có mặt của bị cáo trước Tòa là điều bắt buộc. Bởi lẽ họ đang là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, họ phải có mặt để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc có mặt của bị cáo tại phiên tòa bảo đảm cho nguyên tắc xét xử trực tiếp của Tòa án được diễn ra đúng pháp luật và đảm bảo sự khách quan. Đồng thời điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo được bào chữa tại phiên tòa.

Thứ hai, chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án

Theo đó, khi bản án của Tòa được tuyên và có hiệu lực thi hành, bị cáo phải thực hiện đúng theo nội dung mà Tòa đã tuyên án.

Việc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 mở rộng nội dung về quyền của bị cáo có thể xem là có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả quá trình từ khởi tố, điều tra, xét xử. Theo đó, khi tiến hành xét xử Tòa án phải đảm bảo cho bị cáo thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, không được có bất kỳ hành vi cản trở nào bởi không ai bị xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là tất cả nội dung liên quan đến bị cáo và quyền và nghĩa vụ của bị cáo. Trường hợp có thông tin thắc mắc, vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được giải đáp.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon