Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự Bảo vệ quyển sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Căn cứ pháp lý:
Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2022.
1. Khái niệm bảo vệ quyền SHTT
1.1. Khái niệm hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ
Hành vi vi phạm pháp luật về SHTT được hiểu là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hộ SHTT và thực thi quyền SHTT.
Các hành vi sau đây thì bị coi là hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước về SHTT:
– Vi phạm quy định về thủ tục xác lập quyền SHCN.
– Vi phạm quy định trong hoạt động đại diện SHCN.
– Vi phạm trong hoạt động giám định quyền đối với SHTT.
– Vi phạm về chỉ dẫn bảo hộ quyền SHCN.
– Hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước về SHTT.
1.2. Khái niệm hành vi xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ
Hành vi xâm phạm quyền SHTT là hành vi của tổ chức/cá nhân thực hiện hành vi đối với quyền SHTT không do mình là chủ sở hữu hoặc không được chủ sở hữu quyền SHTT cho phép.
Hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể xảy ra với tất cả các đối tượng khác nhau của quyền SHTT, bao gồm:
– Hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan;
– Hành vi xâm phạm quyền SHCN;
– Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng.
Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHTT khi có đủ căn cứ sau đây:
Một là, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền SHTT.
Hai là, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
Ba là, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền SHTT và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật SHTT.
Bốn là, hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Việc xác định đối tượng bảo hộ được thực hiện bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền theo quy định tại Điều 6 của Luật SHTT.
2. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Quyền năng cần phải nhấn mạnh trước hết, đó là quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền SHTT. Chủ thể quyền SHTT có quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền SHTT của mình, như:
– Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền SHTT;
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc bảo vệ quyền SHTT được tiến hành bởi hai chủ thể, trước hết là quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu quyền SHTT và sau đó là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế để ngăn chặn và xử lý hành vi của các cá nhân, tổ chức xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền SHTT.
Thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT thuộc về các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó, việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án, việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
3. Xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
3.1. Xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan
Yếu tố xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
– Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép;
– Tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép;
– Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả;
– Phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép;
– Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hóa trái phép.
Sản phẩm có yếu tố xâm phạm quy định tại khoản này bị coi là sản phẩm xâm phạm quyền tác giả.
Yếu tố xâm phạm quyền liên quan có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
– Bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn được tạo ra một cách trái phép;
– Bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản sao bản ghi âm, ghi hình, bản sao chương trình phát sóng được tạo ra một cách trái phép;
– Một phần hoặc toàn bộ cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bị sao chép, trích ghép trái phép; một phần hoặc toàn bộ chương trình phát sóng bị thu, giải mã và phân phối trái phép;
– Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền liên quan bị vô hiệu hóa trái phép; bản định hình cuộc biểu diễn bị dỡ bỏ hoặc bị thay đổi một cách trái phép thông tin về quản lý quyền liên
Sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm quy định tại khoản này bị coi là sản phẩm xâm phạm quyền liên quan.
Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả là phạm vi bảo hộ quyền tác giả được xác định theo hình thức thể hiện bản gốc tác phẩm; được xác định theo nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm gốc trong trường hợp xác định yếu tố xâm phạm đối với tác phẩm phái sinh.
Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền liên quan là phạm vi bảo hộ quyền liên quan đã được xác định theo hình thức thể hiện bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Để xác định một bản sao hoặc tác phẩm (hoặc bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng) có phải là yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hay không, cần so sánh bản sao hoặc tác phẩm đó với bản gốc tác phẩm (bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng) hoặc tác phẩm gốc. Bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bị coi là yếu tố xâm phạm trong các trường hợp sau đây:
– Bản sao là bản sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đang được bảo hộ của người khác;
– Tác phẩm (phần tác phẩm) là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đang được bảo hộ của người khác.
Tác phẩm, phần tác phẩm có nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm đang được bảo hộ của người khác.
3.2. Xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
a. Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế
Yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với sáng chế có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
– Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm trùng hoặc tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;
– Quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;
– Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm được sản xuất theo quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế.
Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với sáng chế là phạm vi bảo hộ sáng chế được xác định theo Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
b. Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
– Thiết kế bố trí được tạo ra do sao chép trái phép thiết kế bố trí được bảo hộ;
– Mạch tích hợp bán dẫn được tạo ra một cách trái phép theo thiết kế bố trí được bảo hộ;
– Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm gắn mạch tích hợp bán dẫn quy định tại Điểm b khoản này.
Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với thiết kế bố trí là phạm vi bảo hộ quyền đối với thiết kế bố trí được xác định theo Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
c. Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
Yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm hoặc phần của sản phẩm mà hình dáng bên ngoài không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Sản phẩm, phần sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) của kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu khác đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của người đó;
– Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác.
Kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm (phần sản phẩm) chỉ bị coi là không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này khi kiểu dáng công nghiệp đó là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ.
d. Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
Yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.
Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu là phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, gồm mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.
Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:
– Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
– Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.
Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu:
– Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
– Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ hoặc hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Trường hợp sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày so với nhãn hiệu được bảo hộ cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại thuộc phạm vi bảo hộ thì bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Điều 213 của Luật SHTT.
e. Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý
Yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với tên thương mại được thể hiện dưới dạng chỉ dẫn thương mại gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ.
Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với tên thương mại là phạm vi bảo hộ tên thương mại được xác định trên cơ sở các chứng cứ thể hiện việc sử dụng tên thương mại đó một cách hợp pháp, trong đó xác định cụ thể về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại.
Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với tên thương mại hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với tên thương mại được bảo hộ và phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ, dựa trên các căn cứ sau đây:
– Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với tên thương mại được bảo hộ nếu giống với tên thương mại về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái; một dấu hiệu bị coi là tương tự với tên thương mại được bảo hộ nếu tương tự về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại được bảo hộ;
– Sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là trùng hoặc tương tự với sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại được bảo hộ nếu giống nhau hoặc tương tự nhau về bản chất, chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ.
f. Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh
Nếu một chủ thể tiến hành các hành vi sau đây thì bị coi là đã xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh của chủ sở hữu hợp pháp:
– Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
– Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
– Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;
– Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;
– Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được;
– Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật do pháp luật quy định.
3.3. Xác định hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng
Yếu tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
– Sử dụng cây giống hoàn chỉnh hoặc vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ để thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật SHTT mà không được phép của chủ Bằng bảo hộ. Quy định này cũng áp dụng đối với vật liệu thu hoạch nếu chủ Bằng bảo hộ chưa có điều kiện hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống của cùng giống đó;
– Sử dụng giống cây hoàn chỉnh hoặc vật liệu nhân giống của các giống cây trồng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 187 của Luật SHTT. Quy định này cũng áp dụng đối với vật liệu thu hoạch nếu chủ Bằng bảo hộ chưa có điều kiện hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống của cùng giống đó;
– Quy trình sản xuất giống cây trồng quy định tại khoản 3 Điều 187 của Luật SHTT;
– Sử dụng tên của một giống cây trồng cùng loài hoặc loài gần với loài của giống được bảo hộ mà tên này trùng hoặc tương tự tới mức nhầm lẫn với tên của giống được bảo hộ nói trên;
Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng: (1) Bản mô tả giống cây trồng được cơ quan bảo hộ giống cây trồng xác nhận; (2) Bằng bảo hộ giống cây trồng.
4. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
– Biện pháp tự bảo vệ
– Biện pháp dân sự
– Biện pháp hành chính
– Biện pháp hình sự
– Biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan