Về nguyên tắc, việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tạo ra thiệt hại sẽ dẫn đến áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào có thiệt hại xảy ra cũng bị áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều này phản ánh tính thực tế của hành vi cũng như tính nhân văn từ quy định pháp lý. Trong bài viết này, chúng tôi đề câp và phân tích một vài bất cập và hoàn thiện quy định liên quan tới các căn cứ miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
1. Sự tùy tiện trong việc áp dụng giảm mức BTTH
Sự tùy tiện trong việc áp dụng giảm mức BTTH. BLDS năm 2015 quy định căn cứ giảm mức BTTH nhưng không quy định định mức giảm hoặc công thức cụ thể cho việc giảm là như thế nào. Điều này có thể dẫn tới việc tuỳ tiện trong áp dụng khi xuất hiện căn cứ miễn trừ này. Do đó, chúng tôi cho rằng cần phải định mức cụ thể như sau:
“Người gây thiệt hại có thể được giảm mức BTTH theo tỷ lệ giữa thiệt hại và khả năng kinh tế của mình nếu chứng minh được mình không có lỗi hoặc có lỗi vô ý gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra là quá lớn so với khả năng kinh tế của mình”
2. Cả hai bên chủ thể đều có lỗi dẫn đến thiệt hại xảy ra
Liên quan tới quy định miễn trừ TNBTTH trong trường hợp cả hai bên chủ thể đều có lỗi dẫn đến thiệt hại xảy ra. BLDS 2015 đã ghi nhận việc san sẻ vấn đề BTTH cho cả hai bên tương xứng với mức độ lỗi của bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Như trên đã phân tích, BLDS 2015 và các văn liên quan không hề đề cập tới việc xác định mức độ lỗi nhưng xác định TNBTTH lại hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ lỗi. Chúng tôi cho rằng quy định như tại Điều 363 BLDS 2015 chưa đảm bảo tính thuyết phục, nên sửa đổi theo hướng sau: “Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi do lỗi của mình gây ra, nếu không xác định được mức độ lỗi cụ thể thì mỗi người sẽ phải BTTH ngang nhau”.
Khi quy định như vậy tại BLDS, điều luật này phải được định hướng áp dụng tại một văn bản dưới luật với mục đích làm rõ các vấn đề sau:
Một là, mức độ lỗi của mỗi người trong một vụ việc cụ thể sẽ dựa theo các kết luận có liên quan của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hai là, nếu không xác định được mức độ lỗi của mỗi người khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết thì xác định thiệt hại cụ thể và mỗi người sẽ phải BTTH một phần bằng nhau trước pháp luật.
3. Phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết
Hai thuật ngữ pháp lý “phòng vệ chính đáng” và “tình thế cấp thiết” được pháp luật hình sự thừa nhận là các căn cứ miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều này khiến các nhà làm luật ngay từ thời kỳ soạn thảo và cho ra đời BLDS 1995 cũng đã ghi nhận đây là hai trường hợp được xem xét miễn trừ toàn bộ TNBTTH. Sự khác biệt giữa quy định của BLDS 1995 và BLDS 2005 về hai vấn đề này không nhiều những có một chi tiết hết sức quan trọng đó là, nếu BLDS 1995 quy định chung chung rằng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết phải BTTH thì BLDS 2015 lại quy định phải bồi thường phần vượt quá.
Điều này phản ánh một thực tế khi xây dựng BLDS 2015, các nhà làm luật đã nhận thức được việc phải làm rõ quy định khi có tình thế cấp thiết xảy ra và thiệt hại được xác định từ hành vi vượt quá yêu cầu đó sẽ phải BTTH nhưng vì vẫn rơi vào trường hợp tình thế cấp thiết nên sẽ được miễn trừ một phần TNBTTH, quy định này hoàn toàn hợp lý nhưng điều đáng nói là trường hợp phòng vệ chính đáng cũng cần phải được quy định như vậy mới phù hợp thì lại không được làm rõ. Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp này cần phải có một quy định cụ thể để áp dụng:
- Phải quy định lại một lần nữa tại một văn bản có hiệu lực pháp luật các tiêu chí để xác định trường hợp thực tế là phòng vệ chính đáng;
- Thiệt hại do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng sẽ phải bồi thường phần thiệt hại tương xứng với mức độ lỗi của mình gây ra.
- Thiệt hại do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng mà gây ra cho chủ thể thứ ba sẽ phải bồi thường toàn bộ.
4. Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Định hướng hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan tới Khoản 2 Điều 596 BLDS 2015: Chúng tôi cho rằng cần thiết phải có trong một văn bản hướng dẫn chỉ ra rõ hơn khả năng người gây thiệt hại trong trường hợp này được miễn trách nhiệm khi nào. Trên thực tế, nếu đơn thuần theo câu chữ mà điều luật này quy định sẽ dẫn tới sự sai lệch trong việc quy kết trách nhiệm cho một chủ thể vi phạm, do vậy cần có quy định hướng dẫn trong trường hợp này. Chúng tôi xin đưa ra ý kiến như sau: Người thuộc vào trường hợp ở Khoản 2 Điều 596 sẽ được miễn trừ TNBTTH nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
(i) Có lỗi cố ý của người thứ ba trong việc dùng chất kích thích của người gây thiệt hại;
(ii) Người dùng chất kích thích phải rơi vào tình trạng mất đi khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình mà gây thiệt hại.
Bên cạnh kiến nghị này, chúng tôi mong muốn rằng, cơ quan có thẩm quyềnchuyên môn nghề nghiệp nên đưa ra một tiêu chí hoặc khái niệm để nhận diện chất kích thích là gì? Hay chất kích thích bao gồm những gì? Nhằm mục đích tránh những tranh chấp không đáng có.
5. Xác định chủ thể phải BTTH hoặc được miễn trừ
Khi nghiên cứu về TNBTTH do tài sản gây ra có một bất cập lớn đó là sự liệt kê các loại tài sản ở tại các điều luật trong phần BTTH ngoài hợp đồng thể hiện sự thiếu sót và khó hiểu. Ví dụ: Tiêu chí nào dẫn đến sự lựa chọn các loại tài sản (nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật, nhà cửa, công trình xây dựng, cây cối…) để đưa vào phần này? Còn các tài sản khác mà gây thiệt hại được đặt vào đâu? Giải quyết như thế nào?
Nếu phần này trong BLDS 2015 mới chỉ giải quyết được ở khía cạnh quy kết trách nhiệm dân sự cho chủ sở hữu hoặc một số người khác thì thực sự chưa đủ và chưa xác đáng. Thực tế đời sống của xã hội khá đa dạng các hình thức nắm giữ, quản lý tài sản của người khác cũng tương ứng là sự phong phú về thiệt hại bị xâm phạm…Nên nếu chúng ta dừng lại ở các quy định hiện hành về vấn đề này chưa thể bao quát được hết giá trị thực tiễn. Do đó, giải pháp cho pháp luật hiện hành đối với quy định về vấn đề xác định chủ thể phải BTTH hoặc được miễn trừ có thể đi theo hai hướng:
Một là, đã quy định chế định BTTH do tài sản gây ra phải quy định cụ thể, rõ ràng các vấn đề sau: (i) cách xác định chủ thể BTTH trong từng trường hợp; (ii) các loại tài sản và nguy cơ gây thiệt hại của các loại tài sản để bao quát được hết khả năng gây thiệt hại của tài sản trên thực tế. Tuy nhiên, theo cách này dễ rơi vào tình trạng thiếu sót vì sử dụng phương pháp liệt kê;
Hai là, không nhất thiết phải quy định các điều luật mang tính liệt kê thể hiện tài sản gây thiệt hại và cách xác định chủ thể phải BTTH như hiện nay mà thay vào đó là những quy định chung ở một điều luật đối với tài sản khác gây thiệt hại ngoài nguồn nguy hiểm cao độ. Đồng thời ghi nhận khả năng chủ thể phải BTTH sẽ được miễn trừ khi nào vì mấu chốt của vấn đề BTTH là xác định ai được bồi thường, ai phải chịu TNBTTH.
Bên cạnh đó, ngay khái niệm về tài sản ở phần thứ hai của BLDS 2005 còn đang gây nhiều tranh cãi mà liệt kê chúng sẽ không tránh khỏi sự mâu thuẫn nhiều hơn về mặt quan điểm và đương nhiên sẽ dẫn đến sự sai sót trong nhận thức cũng như đánh giá tầm quan trọng của BTTH do chính đối tượng này gây ra.
Chúng tôi cho rằng pháp luật chỉ cần quy định một điều luật thể hiện tinh thần của đối tượng gây thiệt hại trong thực tế là tài sản ngoài nguồn nguy hiểm cao độ như sau:
BTTH do tài sản khác gây ra
“Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do tài sản gây ra trừ các trường hợp sau:
- Thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết;
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thứ ba;
Trong TNBTTH do tài sản gây ra, pháp luật hiện hành đang đi theo hướng quy kết trách nhiệm cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp tài sản (tùy từng trường hợp) ngay cả khi họ không có lỗi. Nhưng rõ ràng, yếu tố lỗi không phải không có ý nghĩa khi chủ thể đáng ra phải chịu TNBTTH lại không phải thực hiện do chứng minh được mình rơi vào một trong ba trường hợp trên.
Chúng tôi vẫn thừa nhận cách xác định TNBTTH do tài sản gây ra phải dựa vào các tiêu chí cơ bản như: Có thiệt hại xảy ra; có sự kiện gây thiệt hại của tài sản; có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện gây thiệt hại của tài sản và thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nghiên cứu bản chất của vấn đề đều đưa chúng ta tới một hình dung chug: nếu không thuộc về một sự kiện khách quan (thường được lưu tâm tới là một sự kiện bất khả kháng) thì chắc chắn nó phải được xuất phát từ hành vi của con người.
Tài sản gây thiệt hại cũng như vậy, thực tế là tài sản đó gây thiệt hại, nhưng sâu xa của vấn đề chính là hành vi trái pháp luật của con người do vi phạm những quy định của pháp luật dẫn đến gây thiệt hại cho người khác. Điều này đưa đến kết luận, yếu tố lỗi không được đề cập tới như một điều kiện không thể thiếu trong TNBTTH do tài sản gây ra nhưng đối với miễn trừ trách nhiệm dân sự không ít thì nhiều nó vẫn có tầm quan trọng nhất định.
Sở dĩ chúng tôi xây dựng một điều luật về các tài sản khác gây thiệt hại và loại trừ nguồn nguy hiểm cao độ gây ra vì một vài lý do:
(i) vẫn phải ghi nhận loại tài sản này ở một điều luật độc lập vì tính chất nguy hiểm của nó đối với xã hội;
(ii) cần quy định để tránh sự nhầm lẫn trong việc xác định thiệt hại xảy ra do hành vi của con người gây ra hay tài sản gây ra khi quy kết TNBTTH cho một chủ thể nào đó, vì dường như nguồn nguy hiểm cao độ là một loại tài sản có liên quan tới hành vi của con người nhiều nhất trong quá trình hoạt động của tài sản đó. Điều quan trọng là cần xây dựng một quy chế pháp lý như thế nào đó để được tránh được những mâu thuẫn trong cách hiểu và áp dụng điều luật này dưới góc độ thực tiễn. Thiết kế điều luật quy định về nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, chúng tôi đưa ra quan điểm của mình như sau:
BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
1. Nguồn nguy hiểm cao độ là tài sản mà khi đưa vào hoạt động hoặc sử dụng mang nguy cơ tiềm ẩn vượt khỏi khả năng kiểm soát và khắc phục của con người gây ra thiệt hại đối với những lợi ích được pháp luật bảo vệ.
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết;
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của của người thứ ba;
Trong trường hợp chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi để thiệt hại xảy ra cho chủ thể thứ ba phải liên đới chịu TNBTTH.
Miễn trừ TNBTTH nói riêng và trách nhiệm dân sự nói chung là một vấn đề quan trọng được ghi nhận từ những văn bản quy phạm đầu tiên của Việt Nam. Vì suy cho đến cùng, quy định các căn cứ miễn trừ trách nhiệm dân sự này cũng nhằm mục đích thể hiện tính nhân văn của pháp luật, đồng thời thể hiện sự phù hợp, tương thích giữa lý luận và thực tiễn trong mọi vấn đề của đời sống xã hội. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng vẫn có thiếu sót cũng như bất cập của PLDS Việt Nam hiện hành khi quy định về miễn trừ trách nhiệm dân sự, điều này cho thấy nghiên cứu định hướng sửa đổi, bổ sung các căn cứ về miễn trừ trách nhiệm dân sự là cần thiết và quan trọng./.