Đại diện cho con là gì? Bồi thường thiệt hại do con gây ra

dai-dien-cho-con-la-gi-boi-thuong-thiet-hai-do-con-gay-ra

Việc xác định người đại diện cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự là điều cần thiết hiện nay. Điều này đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên và người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật dân sự và tố tụng dân sự hiện hành. Trong bài viết này, Luật Dương Gia sẽ phân tích quy định về đại diện cho con và bồi thường thiệt hại do con gây ra.

Căn cứ pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Bộ luật Dân sự năm 2015;

1. Đại diện cho con là gì?

Đầu tiên, phải hiểu đại diện là gì? Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Dân sự năm 2015, đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Quyền đại diện được xác lập theo uỷ quyền giữa người được đại diện và người đại diện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

Từ quy định trên có thể dễ dàng hiểu đại diện cho con là gì? Tại Điều 73 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về người đại diện cho con cụ thể như sau:

– Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật. Con chưa thành niên được xác định là người chưa đủ 18 tuổi căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

– Và con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là những người đủ 18 tuổi nhưng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của chính mình; việc xác định con bị mất năng lực hành vi dân sự dựa trên quyết định của Toà án theo cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

– Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

– Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thoả thuận của cha mẹ. Con chưa thành niên hay con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa thể phát triển toàn diện nên khi có vấn đề liên quan đến tài sản giá trị lớn, những quyết định quan trọng phải có sự thoả thuận của cha mẹ có thể được xem là hợp lý.

– Vì chưa phát triển toàn diện, bị khiếm khuyết về tư duy, tâm lý sẽ chưa thể có những quyết định đúng đắn về tài sản có giá trị lớn và những quyết định quan trọng, nếu không có sự thoả thuận của cha mẹ về vấn đề trên sẽ dễ dẫn đến nguy cơ cao gặp rủi ro, nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của con.

– Cha mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều này và theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.

2. Bồi thường thiệt hại do con gây ra

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một trách nhiệm dân sự. Khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác thì phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra. Nhưng có những trường hợp người gây ra thiệt hại không phải chịu trách nhiệm pháp lý mà chính cha mẹ của họ là người phải chịu thay cho họ. Đó là trường hợp được quy định tại ĐIều 74 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Theo quy định trên, có thể hiểu khi con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự có những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây ra thiệt hại thuộc một trong những trường hợp mà pháp luật yêu cầu cha, mẹ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho con thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà con gây ra.

Điều 586 và Điều 599 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định những trường hợp cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra:

– Về con chưa thành niên. Con chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. (Trừ trường hợp con gây thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý).

Con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì ưu tiên dùng tài sản của con nếu người con có tài sản riêng để bồi thường thiệt hại. Nếu con gây thiệt hại không có tài sản riêng thì cha, mẹ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu con gây thiệt hại có tài sản nhưng không đủ để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.

Cha, mẹ phải bồi thường thiệt hại đối với trường hợp con dưới 15 tuổi gây thiệt hại trong thời gian học tại trường mà trường học chứng minh được rằng họ không có lỗi trong việc quản lý người con đó. Sự khác biệt trong trách nhiệm bồi thường của cha mẹ trong trường hợp này so với trường hợp trên có thể được lý giải là nhằm mục đích đảm bảo những cá nhân từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải cân nhắc và có trách nhiệm đối với hành vi của chính mình.

Bởi lẽ những cá nhân này là người đã có nhận thức và được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, chỉ trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

– Về con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. Con đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà cha, mẹ là người giám hộ thì cha, mẹ được lấy tài sản của người con đó để bồi thường. Nếu người con mất năng lực hành vi dân sự không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ là người giám hộ phải bồi thường bằng chính tài sản của mình.

Cha, mẹ phải bồi thường thiệt hại đối với trường hợp con mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác quản lý mà bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được rằng họ không có lỗi trong việc quản lý người con đó. Tuy nhiên, đối với thiệt hại do con thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra, nếu cha mẹ chứng mình được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

3. Ba mẹ không phải bồi thường cho con

Là người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, cha mẹ phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do con cái gây ra đối với những trường hợp phân tích như trên. Ngoài ra, cha mẹ không phải bồi thường thay cho con trong một số trường hợp người con phải tự bồi thường hoặc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được quy cho cá nhân, tổ chức khác.

Một là, người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 586 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, đối với con đã thành niên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ không phải bồi thường thay cho con mà con tự chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại bằng toàn bộ tài sản của chính mình.

Hai là, căn cứu khoản 2 Điều 586 của Bộ luật Dân sự năm 2015, cha mẹ của người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại sẽ không phải bồi thường thay cho con nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này. Khoản 2 Điều 599 quy định:

Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.”

Theo đó, nếu con dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại, không kể thiệt hại xảy ra trong hay ngoài khuôn viên trường học, nhà trường đều phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu thiệt hại đó xảy ra trong thời gian trường trực tiếp quản lý học sinh trừ khi trường hợp chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý theo khoản 3 Điều 599 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ba là, theo khoản 2 Điều 599 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.”

Do đó, cha mẹ là người giám hộ của con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự không phải bồi thường thiệt hại thay cho con nếu người con gây ra thiệt hại trong thời gian được bệnh viện hoặc pháp nhân khác trực tiếp quản lý, trừ trường hợp bệnh viện, pháp nhân khác chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý theo khoản 3 Điều 599 của Bộ luật này.

Bốn là, đối với người đã thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự, nếu người đó đã có vợ, chồng, con và những người này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người giám hộ sẽ là vợ, chồng, con của người đó sẽ được xác định là người giám hộ đương nhiên theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 53 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong trường hợp này, cha mẹ không phải người giám hộ của con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự nên không phải bồi thường thiệt hại do con gây ra.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về đại diện cho con và bồi thường thiệt hại do con gây ra. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon