Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng

quy-dinh-ve-di-san-dung-vao-viec-tho-cung

Di sản dùng vào việc thờ cúng là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thông thường trước khi chết, một người sẽ để lại phần tài sản của mình nhằm thờ cúng bản thân và ông bà tổ tiên. Vấn đề này được pháp luật ghi nhận và quy định cụ thể. Vậy dưới góc độ pháp luật, di sản dùng vào việc thờ cúng được quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Di sản dùng vào việc thờ cúng là gì?

Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Di sản được hiểu là phần tài sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Hiểu nôm na là phần tài sản mà người chết để lại cho người sống.

Thờ cúng có nhiều dạng, trong trường hợp này thờ cúng được hiểu là tục lệ trong văn hoá người Việt Nam. Thông thường ở Việt Nam người ta sẽ lập bàn thờ người thân đã mất ở nhà và cúng bái hàng ngày hoặc trong những ngày, những dịp như: giỗ, Tết,…Đây là một trong những tín ngưỡng rất quan trọng và không thể thiếu trong phong tục Việt Nam, là một thành tố tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc

Di sản dùng vào việc thờ cúng là việc theo ý nguyện của người chết sử dụng một phần tài sản của mình để dùng vào việc thờ phụng, hương hoả cho bản thân hoặc cho tổ tiên, ông bà của mình. Các di sản thờ cúng thường gặp là nhà thờ, nhà tổ, tiền, vàng.

Luật sư tư vấn thừa kế tại Đà Nẵng

2. Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng của Việt Nam qua các thời kỳ

2.1. Theo Quốc triều Hình luật và Bộ luật Gia Long

Theo Quốc triều Hình luật, người thờ cúng và những quy định khi người giữ nhiệm vụ thờ cúng vi phạm nghĩa vụ thờ cúng được quy định tại Điều 389. Dưới thời đại phong kiến, thờ cúng tổ tiên là một nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi người, đặc biệt là dưới thời nhà Lê lúc bấy giờ.

Điều 388 Quốc triều Hình luật ghi: “Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh chị em tự chia nhau, thì lấy một phần 20 số ruộng đất làm phần hương hoả, giao cho người con trai trưởng giữ; còn thì chia nhau. Phần con của vợ lẽ, nàng hầu, thì phải kém. Nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư thì phải theo đúng, trái thì phải mất phần mình

Như vậy, có thể thấy trong thời kỳ này di sản dùng trong việc thờ cúng được gọi là “hương hoả”. Việc thờ cúng sẽ ưu tiên cho người con trai trưởng trong gia đình và theo dòng con trai, cháu trai nội, trường hợp không có con trai thì sẽ do con gái trưởng đảm nhiệm. Phần di sản được dùng trong thờ cúng thì sẽ lấy theo tỷ lệ 1/20 tức 5% trên tổng giá trị di sản của người để lại thừa kế. Trường hợp có nhiều người thừa kế mà lại có ít ruộng thì các thừa kế có thể thoả thuận về việc để lại phần hương hoả ít hơn 1/20, nhưng không được để quá 1/20 di sản thừa kế làm hương hoả.

Theo bộ luật Gia Long thì thờ cúng mang ý nghĩa bắt buộc, việc thờ cúng sẽ do con trai đảm nhiệm, trường hợp không có con trai thì mới giao cho con gái. Theo quy định tại Lệnh năm thứ 4 đời Thiệu Trị thì phần hương hoả là 3/10 tổng giá trị di sản và không được vượt quá 3000 quan tiền hoặc 30 mẫu ruộng. Trường hợp nếu di sản để lại quá ít thì có thể chấp nhận dùng toàn bộ để làm hương hoả tức làm di sản dùng để thờ cúng.

2.2 Theo Bộ dân luật Bắc kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ

Theo quy định của Bộ dân luật Bắc kỳ (1931) thì di sản được dùng để thờ cùng được quy định từ Điều 391 đến Điều 448. Di sản dùng trong việc thờ cúng tại thời điểm này cũng được gọi là hương hoả. Điều thứ 394 Bộ dân luật Bắc kỳ quy định: “Hương hoả là phần động sản hay bất động sản dùng để thờ cúng một người và vợ hay chồng cùng là gia tiên bên nội người ấy. Hương hoả là gồm cả các tài sản có thể sinh lời để giữ việc phụng thờ dù người mệnh một thuộc về tôn giáo nào mặc lòng“.

Tại Điều 395 quy định việc lập hương hoả hay không được quyết định bởi ý chí của người để lại di sản thông qua chúc thư hoặc bằng một văn bản riêng hoặc bằng một giấy chia tài sản. Việc lập hương hoả không mang ý nghĩa bắt buộc. Đoạn 2 Điều 405 quy định, trường hợp nếu một người đã đảm nhiệm việc thờ cúng thì việc lập người kế tự để tiếp tục nhiệm vụ thờ cúng lại trở thành nghĩa vụ bắt buộc.

Đối với Bộ dân luật Trung kỳ (1936) thì chế định về di sản dùng để thờ cúng được quy định từ Điều 400 đến Điều 458. Nội dung quy định về vấn đề trên cơ bản cũng giống như Bộ dân luật Bắc kỳ. Theo đó, bộ dân luật quy định việc để lại di sản thờ cúng không phải nghĩa vụ bắt buộc mà tôn trọng ý chí của người để lại di sản, trừ trường hợp được quy định tại đoạn 2, Điều 412 Bộ dân luật Trung kỳ. Đồng thời, bộ dân luật Trung kỳ cũng gọi di sản được dùng để thờ cúng là “hương hoả”. Cụ thể, Điều thứ 400 Bộ Dân luật Trung kỳ quy định: “Của hương hoả là một phần động sản hay bất động sản trong gia tài dùng để thờ cúng một người và vợ hay chồng cùng là gia tiên bên nội người ấy. Những tài sản gì có thể sanh lợi dễ, dùng về việc phụng thờ đều có thể lấy để lập hương hoả, dù người mệnh một thuộc về tôn giáo nào cũng vậy “.

Ngoài ra, hai bộ luật này còn có điểm chung như:

  • Hình thức và thủ tục: được lập bằng văn bản và phải được chứng thực, có chữ ký của cả vợ và chồng người lập hương hoả.
  • Tiêu chí chọn người làm hương hoả: trai trưởng, cháu trai trưởng tính dần xuống theo huyết thống nội tộc, trường hợp không có nam thì con gái trưởng lo hương hoả. Quy định này cũng tương tự quy định của Quốc triều hình luật và Bộ luật Gia Long.
  • Giá trị phần hương hoả: không vượt quá 1/5 tổng giá trị di sản, nếu vượt quá sẽ bị coi là vô hiệu.
  • Những tài sản dùng làm hương hoả thì nghiêm cấm chuyển nhượng hoặc bị tiêu diệt về thời hiệu. Trừ một số trường hợp, có thể bán một phần hương hoả để lấy tiền làm chi phí cho việc sửa sang hương hoả.

2.3. Di sản dùng trong việc thờ cúng trước khi có Pháp lệnh thừa kế và theo Pháp lệnh thừa kế

Trước khi có pháp lệnh thừa kế năm 1990 thì không có văn bản chính thức nào quy định về vấn đề di sản được dùng để thờ cúng.

Sau khi có pháp lệnh về thừa kế, ngay từ điều 21 Pháp lệnh đã quy định rõ như sau: “Nếu người lập di chúc có để di sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản đó được coi như di sản chưa chia. Khi việc thờ cúng không được thực hiện theo di chúc thì những người thừa kế của người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng có quyền hưởng di sản đó. Nếu những người thừa kế đó đều đã chết, thì di sản thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 25 và Điều 26 Pháp lệnh này“. Như vậy có thể thấy di sản dùng để thờ cúng là không bắt buộc, họ có thể chọn để lại toàn bộ di sản của mình dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, trong trường hợp có người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc thì khả năng khi tính phần của người này có thể phải đem di sản thờ cúng ra chia. Như vậy, quy định của pháp luật trong pháp lệnh này vẫn chưa tôn trọng ý chí được thờ cúng của người để lại di sản.

Về sau, di sản được dùng để thờ cúng được quy định cụ thể và rõ ràng hơn tại Điều 673 Bộ luật Dân sự năm 1995 và điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005. Cả hai bộ luật đều quy định tương tự nhau về di sản được dùng để thờ cúng. Cụ thể như sau:

“1 – Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế, thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng, thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.

Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết, thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2 – Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó, thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”

2.4. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Thứ nhất, quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng

Theo quy định tại Điều 626, người lập di chúc có các quyền: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản và đặc biệt là có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

Như vậy, có thể thấy quyền để lại di sản dùng vào việc thừa kế thuộc về trường hợp thừa kế theo di chúc, tức thuận theo ý chí của người chết, không đặt ra trường hợp để lại di sản dùng trong việc thờ cúng khi chia thừa kế theo pháp luật.

Thứ hai, người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế. Bởi Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự  2015 đã có quy định rõ: “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế.”

Thứ ba, cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 về việc quản lý di sản dùng trong việc thờ cúng. Di sản dùng để thừa kế được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. “Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.”

Thứ tư, trường hợp không được dành một phần di sản để thờ cúng như sau: Theo khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 “Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”

3. Tư vấn về nội dung di sản dùng vào việc thờ cúng

Di sản thờ cúng là sự việc phát sinh từ thừa kế nên thuộc các vụ việc liên quan đến thừa kế tài sản. Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về di sản thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nên nếu phát sinh tranh chấp về di sản dùng vào việc thờ cúng xảy ra thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Công ty Luật TNHH Dương Gia chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn luật thừa kế, tư vấn chia thừa kế, tư vấn giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Luật Dương Gia với đội ngũ Luật sư tư vấn giàu kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực và tranh tụng sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo và tốt nhất của khách hàng.

Để sử dụng dịch vụ, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin liên hệ chi tiết như sau:

– Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

– Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900.6568-1900.6586

– Tài khoản nhận phí tư vấn, dịch vụ pháp lý:

+ Chủ tài khoản: Nguyễn Đức Thắng

+ Ngân hàng Tiên Phong (Tpbank), chi nhánh Đà Nẵng.

+ Số tài khoản: 01944245999

+ Nội dung: Họ và tên, số điện thoại (của khách hàng).

– Số điện thoại yêu cầu Luật sư tư vấn: 093.154.8999

– Email tiếp nhận yêu cầu dịch vụ: danang@luatduonggia.vn

Trên đây là nội dung phân tích về “Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng”. Hy vọng bài viết của chúng tôi giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ Hotline: 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon