Hậu quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn

hau-qua-phap-ly-cua-viec-nam-nu-chung-song-nhu-vo-chong-khong-dang-ky-ket-hon

Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng được công nhận là vợ chồng là những trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (trước ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực). Trường hợp này “Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng”. Tuy nhiên đến hiện tại dù họ không đăng ký kết hôn thì họ vẫn được pháp luật thừa nhận quan hệ hôn nhân được tính từ thời điểm có hành vi chung sống với nhau như vợ chồng. Giải quyết hậu quả pháp lý của việc chung sống như vợ chồng là cách thức mà pháp luật quy định để giải quyết các quan hệ nhân thân, tài sản và con cái giữa hai bên nam, nữ chung sống như vợ chồng với nhau, giữa hai bên nam, nữ chung sống như vợ chồng với người thứ ba (nếu có) khi họ chấm dứt việc chung sống.

1. Trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn được pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng

Tại Thông tư liên tịch số 01/2016//TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có hướng dẫn về “Người đang có vợ, có chồng” sẽ thuộc trường hợp người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ/chồng của họ chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết109 Bên cạnh đó, Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 hướng dẫn cách ghi “Tình trạng hôn nhân” đối với trường hợp chung sống như vợ chồng trước 03/01/1987 như sau: “Nếu là trường hợp chung sống với nhau nhu vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và vẫn chung sống với nhau mà chưa đăng ký kết hôn thì ghi “Hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông…”. Như vậy, căn cứ vào những văn bản đã nêu trên thì trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 vẫn được nhà nước thừa nhận quan hệ hôn nhân, tức là giữa họ tồn tại quan hệ vợ chồng.

1.1. Xem xét, xác định tính hợp pháp của quan hệ nam, nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (hay còn gọi là hôn nhân thực tế)

Hiện tại căn cứ Khoản 1 Điều 131 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”. Trường hợp này, hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước thời điểm ngày 03/01/1987 mà không đăng ký kết hôn, do vậy sẽ áp dụng quy định của Nghị Quyết số 35/2000/NQ-QH10ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật HN&GĐ năm 2000 và Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị Quyết số 35/2000/NQ-QH10 để xem xét tính hợp pháp của quan hệ chung sống giữa hai bên. Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị Quyết số 35/2000/NQ-QH10ngày 09/6/2000 của Quốc hội thì “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 1 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”. Như vậy, đối với những trường hợp nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, hiện họ chưa đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế).

Nhận thấy, TTLT số 01/2001/ TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP đã khắc phục được thiếu sót của Nghị Quyết số 35/2000/NQ-QH10 khi TTLT số 01/2001 đã quy định rõ điều kiện cần và đủ để được công nhận có quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, điều kiện này chỉ áp dụng đối với những trường hợp chung sống như vợ chồng trong giai đoạn từ sau 03/01/1987 đến trước 01/01/2003. Như vậy, nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn trước 03/01/1987 hiện đến nay vẫn chưa quy định rõ ràng về điều kiện được công nhận hôn nhân thực tế. Điều này sẽ gây ra những cách hiểu không thống nhất và dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng luật và giải quyết tranh chấp liên quan.

1.2. Quy định về việc xem xét căn cứ ly hôn, khi các bên nam, nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 có yêu cầu ly hôn

Ngày 19/06/2014, Quốc hội đã thông qua Luật HN&GĐ năm 2014 thay thế cho Luật HN&GĐ 2000 kể từ ngày 01/01/2015 với những sửa đổi cơ bản trong quy định về căn cứ ly hôn. Luật HN&GĐ năm 2014 đã tách biệt căn cứ ly hôn áp dụng cho trường hợp thuận tình ly hôn (Điều 55) và ly hôn theo yêu cầu của một bên (Điều 56). Cùng với đó là sự thay đổi về nội dung của căn cứ ly hôn trong mỗi trường hợp ly hôn.

  • Trường hợp thuận tình ly hôn

Theo quy định tại Điều 55 Luật HN&GĐ trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn thì căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn là “thật sự tự nguyện ly hôn”. Khi cả hai vợ chồng đều được tự do bày tỏ ý chí của mình, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối trong việc thống nhất ly hôn. Việc thể hiện ý chí thật sự tự nguyện ly hôn của hai vợ chồng đều phải xuất phát từ trách nhiệm đối với gia đình, phù hợp với yêu cầu pháp luật và những chuẩn mực về đạo đức xã hội. Nếu trong quá trình xác minh Tòa thấy thiếu sự tự nguyện của một trong hai bên hoặc cả hai bên thì không công nhận thuận tình ly hôn. Bên cạnh đó việc xác định về thuận tình ly hôn đòi hỏi hai vợ chồng có sự thỏa thuận thống nhất về chia tài sản, về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Nếu vợ chồng không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi chính đáng của của phụ nữ và trẻ em thì Tòa án quyết định giải quyết việc ly hôn.

  • Căn cứ ly hôn trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn

Ly hôn theo yêu cầu một bên quy định như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

  • Căn cứ ly hôn trong trường hợp cha, mẹ, người thân thích của vợ, chồng yêu cầu ly hôn.

Tại Khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định trong trường hợp này Tòa dựa vào căn cứ là hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của vợ hoặc chồng mà người vợ hoặc chồng đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc những bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình.

Khi một bên bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình vậy họ là những người không có khả năng tự mình thực hiện quyền yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn. Do vậy, trong trường hợp này, cha mẹ, người thân thích của vợ, chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Vậy là, Luật HN&GĐ năm 2014 đã mở rộng đối tượng có quyền yêu cầu ly hôn là “cha, mẹ, người thân thích khác” cũng có quyên yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp trên. Theo đó “Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời”

1.3. Giải quyết về chia tài sản chung trong trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 khi có yêu cầu ly hôn

a. Yêu cầu chung về áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án HN&GĐ tranh chấp về chia tài sản cũng theo nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật đối với vụ án HN&GĐ. Đó là nguyên tắc Luật áp dụng là luật có hiệu lực ở thời điểm thực hiện hành vi, trừ trường hợp văn bản pháp quy cụ thể có quy định khác. Do đó, thường là giao dịch ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó.

Phạm vi tài sản có tranh chấp trong vụ án HN&GĐ thường là rất nhiều loại tài sản, được hình thành trong nhiều thời điểm khác nhau. Vì vậy, trong vụ án chia tài sản của vợ chồng, có thể phải áp dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũ (đã hết hiệu lực thi hành ở thời điểm xét xử) để xác định tính chất của tài sản cũng như các yếu tố liên quan khác115. Vậy trong trường hợp chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 cũng tương tự như vậy (vì đây là trường hợp pháp luật thừa nhận về quan hệ hôn nhân) nên khi có yêu cầu để giải quyết thì sẽ căn cứ thời điểm phát sinh của tài sản nhưng khi áp dụng chia tài sản chung sẽ áp dụng luật tại thời điểm các bên có yêu cầu.

b. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp cụ chế độ tài sản cả vợ chồng theo luật định

– Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận.

– Nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định sau cũng căn cứ vào các yếu tố:

+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật HN&GĐ. Chia tài sản khi ly hôn có cân nhắc cho bên gặp khó khăn hơn hoặc ưu tiên nhận loại tài sản để duy trì, ổn định cuộc sống và phù hợp với hoàn cảnh thực tế của vợ, chồng.

+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung: là đóng góp công việc gia đình, thu nhập, tài sản riêng hoặc lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người ở nhà chăm sóc gia đình, con cái không đi làm được coi là lao động có thu nhập tương đương với bên vợ hoặc chồng đi làm. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập: là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

c. Chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn trong một số trường hợp cụ thể

  • Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình.

– Nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào việc tạo lập, phát triển, duy trì, công sức đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

  • Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn.

– Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.

– Việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:

+ Đối với đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm nếu hai bên vợ chồng đều có nhu cầu và điều kiện sử dụng đất trực tiếp thì chia theo thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết trên nguyên tắc chung.

Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;

+ Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo thỏa thuận nếu không thỏa thuận được yêu cầu TA giải quyết TA sẽ dựa vào nguyên tắc giải quyết tài sản khi ly hôn;

+ Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

+ Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.

– Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định tại Điều 61 của Luật này.

  • Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh

Nếu một bên vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung thì có quyền nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn không vi phạm pháp luật và không được pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng

Trường hợp này đã được phân tích ở phần trước và trên thực tế số cặp đôi chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn nhưng không vi phạm pháp luật chiếm số lượng lớn. Đây là trường hợp không vi phạm pháp luật về việc chung sống tuy nhiên quan hệ này cũng không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng nên trường hợp này còn có cách gọi khác là chung sống như vợ chồng không có giá trị pháp lý.

2.1. Về nhân thân

Vì quan hệ chung sống này không có giá trị về mặt pháp lý nên họ cũng không được công nhận là vợ chồng. Khi có đơn yêu cầu giải quyết hậu quả của việc chung sống này thì “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng”. Tại khoản 7 Điều 3 lần đầu tiên Luật HN&GĐ năm 2014 đưa ra định nghĩa về chung sống như vợ chồng như sau “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Đây là một khái niệm có ý nghĩa mang tính chính thống và là cơ sở pháp lý cho công dân hiểu và cho việc áp dụng, thực thi pháp luật. Tuy nhiên, định nghĩa này cũng đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau và chưa thống nhất vì những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về chủ thể, luật chưa có những hướng dẫn, giải thích trong quan hệ chung sống như vợ chồng thì chủ thể chung sống bao gồm những ai? Như vậy, dựa vào nội hàm khái niệm này có quan điểm cho rằng chủ thể chung sống như vợ chồng chỉ có thể là nam và nữ. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng chủ thể trong quan hệ này cần hiểu rộng hơn có thể là nam với nữ; nam với nam; nam với nữ cả những người đồng tính, chuyển đổi giới tính. Chung sống như vợ chồng nếu pháp luật thừa nhận chỉ tồn tại giữa nam và nữ điều này đã vô tình làm thiếu đi một nhóm các chủ thể khác. Đồng thời cũng là sự bất bình đẳng với những người đồng tính, chuyển giới. Trên thực tế, xác định giới tính là nam hay nữ sẽ được căn cứ vào các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, giấy khai sinh, hộ khẩu… chứ không phải căn cứ vào ngoại hình hay bản chất con người thật.

Thứ hai, về xác lập hành vi, các bên “tổ chức cuộc sống chung”, đây là một cụm từ mơ hồ và khó hiểu. Do đó, để hiểu một cách đầy đủ thì ta cần hiểu là việc hai bên cùng chung sống dưới một mái nhà một cách công khai hoặc không công khai, thường xuyên, liên tục, có quan hệ tình dục với nhau hoặc không, quan hệ được họ hàng, làng xóm biết và họ coi hai người là vợ chồng.

Thứ ba, cụm từ “coi nhau là vợ chồng” cũng là cụm từ chưa rõ ràng, có thể hiểu là cách thức mà hai bên chung sống, đối xử với nhau và xuất phát từ đây sẽ phát sinh ra hậu quả của hành vi như đã trình bày ở trên. Hai bên “coi nhau là vợ chồng” nên đối xử với nhau trên cơ sở bình đẳng, họ trao cho nhau những quyền và gánh vác các nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho các cặp đôi đã đăng ký kết hôn như việc tôn trọng, yêu thương, vun đắp cuộc sống gia đình.

 2.2. Về tài sản

Chế độ tài sản của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất thì chế độ tài sản của các bên chung sống như vợ chồng trong trường hợp này là tài sản chung theo phần. Nên xác định tài sản chung, riêng của mỗi bên cũng sẽ theo phần. Bên cạnh đó Điều 16 Luật HN&GĐ 2014 quy định về vấn đề này như sau:

“1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Việc phân chia tài sản cũng cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, đối với tài sản chung, nguyên tắc đầu tiên Luật HN&GĐ năm 2014 để các bên tự thỏa thuận chia tài sản chung khi chấm dứt việc chung sống như vợ chồng. Pháp luật tôn trọng quyền tự định đoạt tài sản của các bên cho họ có quyền tự thỏa thuận. Cần khẳng định rằng, việc nhà làm luật ưu tiên giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ hợp và hợp đồng của các bên nam, nữ thỏa thuận là rất hợp lý. Song, sự thỏa thuận này sẽ không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, quy định của Điều luật không đặt ra tình huống nếu thỏa thuận giữa các bên vô hiệu thì giải quyết ra sao? Khoản 1 Điều 16 Luật HN&GĐ năm 2014 lại không đề cập đến trường hợp thỏa thuận vô hiệu. Trường hợp giữa các bên có thỏa thuận nhưng thỏa thuận vô hiệu và không có thỏa thuận là hai vấn đề khác nhau. Giả sử, giữa các bên chung sống có thỏa thuận về quan hệ tài sản, nhưng thỏa thuận đó là giả tạo nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì bị xem là vô hiệu.

Thứ hai, xác định “công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập” cũng rất khó khăn khi quy định không rõ ràng rất chung chung. Điều này gây ra những cách hiểu không thống nhất trong quá trình giải quyết vụ, việc. Trong Luật HN&GĐ sử dụng rất nhiều cụm từ “các luật khác có liên quan”, hay “các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Quy định như vậy không trái pháp luật nhưng không đáp ứng được tính rõ ràng, cụ thể, tạo ra những khó khăn nhất định trong việc áp dụng các điều luật này vào cuộc sống.

2.3. Về quyền thừa kế

Vợ chồng có quyền thừa kế di sản của nhau bao gồm cả thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Vợ, chồng được hưởng thừa kế di sản theo di chúc tức là theo ý chí của người vợ, chồng chết để lại di sản cho vợ, chồng còn sống. Ngay cả trong trường hợp người lập di chúc không cho vợ, chồng còn sống được hưởng hoặc cho hưởng nhưng ít hơn 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật thì vợ, chồng còn sống vẫn được hưởng bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Người vợ, chồng còn sống là người hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Đối với thừa kế theo pháp luật thì vợ, chồng hưởng di sản thừa kế theo pháp luật, vợ chồng sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nhau. Nhưng các trường hợp chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn mà không được pháp luật thừa nhận thì hai bên chung sống không được hưởng thừa kế theo pháp luật của nhau. Hai bên chung sống này chỉ được quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc của người kia nếu một bên cùng chung sống chết và cho hưởng theo di chúc.

Như vậy, trường hợp người chồng để lại di sản là nơi cư trú duy nhất của vợ con. Nếu chia di sản mà gia đình không còn chỗ để ở, thì đây được xem là ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người đang sống. Trường hợp này, bên vợ/chồng còn sống có thể yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

2.4. Về quan hệ giữa cha, mẹ và con

Tinh thần này đã được cụ thể hóa ở Điều 15 Luật HN&GĐ năm 2014: Việc nuôi con sẽ do hai bên cùng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Tuy nhiên, trên thực tế không phải sự thỏa thuận nào cũng hợp lý và hướng tới vì quyền lợi của con. Có những trường hợp không đủ điều kiện để đảm bảo cuộc sống cho con lại nhận nuôi con, còn người có đầy đủ khả năng lại trốn tránh trách nhiệm nuôi con. Do đó khi lựa chọn ai là người trực tiếp nuôi con Tòa án cũng cần xem xét sự thỏa thuận của các bên vợ chồng có hợp lý hay không? Có đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của con hay không? Như vậy, người trực tiếp nuôi con là người đáp ứng tốt nhất các điều kiện đảm bảo cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của con. Vì thế, Tòa án cần xem xét cẩn thận và chính xác.

3. Trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn vi phạm pháp luật

Luật hiện hành chỉ đưa khái niệm về chung sống như vợ chồng mà không đưa ra khái niệm hoặc các trường hợp cụ thể về chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Tuy nhiên, ta hiểu chung sống như vợ chồng trái pháp luật là việc nam, nữ chung sống với nhau nhưng không tiến hành đăng ký kết hôn; đồng thời, việc chung sống này đã vi phạm các quy định cấm của pháp luật. Theo Thông tư liên tịch số 01/2016 quy định như sau: “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình”. Vậy nên về cơ bản, việc giải quyết về nhân thân, tài sản và con chung thì trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn vi phạm pháp luật sẽ tương tự như trường hợp chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn không vi phạm pháp luật.

3.1. Về quan hệ nhân thân

Tòa án sẽ không công nhận quan hệ vợ chồng. Như vậy, từ quy định trên của Luật HN&GĐ cho thấy pháp luật không phân biệt giữa việc nam, nữ chung sống như vợ chồng không trái pháp luật và việc nam, nữ chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Tuy nhiên, hai trường hợp này dẫn đến hậu quả trên thực tế là khác nhau. Chẳng hạn, trong trường hợp hai bên nam, nữ chung sống như vợ chồng không vi phạm hành vi cấm, nếu sau đó họ muốn chấm dứt việc chung sống họ có thể tự chấm dứt việc chung sống đó hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết nếu có tranh chấp về các vấn đề có liên quan. Khi đó, Tòa án sẽ tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng để giải quyết các vấn đề về con cái và tài sản126. Tuy nhiên, việc chung sống như vợ chồng trái pháp luật có nhiều hậu quả tiêu cực trên thực tế.

3.2. Về quan hệ tài sản

Giải quyết về tài sản trong trường hợp này giống như trường hợp chung sống như vợ chồng không vi phạm pháp luật như đã phân tích. Dựa trên nguyên tắc tài sản riêng của bên nào vẫn thuộc về bên đó. Về tài sản chung, các bên vẫn được ưu tiên tự thỏa thuận về việc chia tài sản sẽ phù hợp với nguyện vọng của các bên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án sau này. Tuy vậy, đặt vấn đề nếu là chung sống như vợ chồng trái pháp luật khi một bên đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp thì việc thỏa thuận giữa hai bên liệu có phù hợp nếu tài sản đó được coi là tài sản chung của vợ chồng hợp pháp? Trong trường hợp có tranh chấp có thể phải yêu cầu người vợ hoặc người chồng hợp pháp vào tham gia tố tụng.

3.3. Về quan hệ giữa cha, mẹ và con

Sự kiện không công nhận quan hệ hôn nhân giữa cha và mẹ nhưng quan hệ giữa cha, mẹ và con cái về nguyên tắc không thay đổi. Cha mẹ vẫn phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình đối với con cái như đã phân tích ở phần. Trên khía cạnh xã hội cũng như khía cạnh pháp lý thì quan hệ giữa cha, mẹ không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con. Tức là, dù cha mẹ có thiết lập về quan hệ hôn nhân hay không hoặc quan hệ của cha mẹ là quan hệ trái pháp luật (có thể là kết hôn trái pháp luật hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trái pháp luật) thì về pháp lý hay đạo đức xã hội thì việc quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng con cái của cha, mẹ đối với con không thay đổi.

Trường hợp thứ nhất: cha, mẹ là người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Đây là trường hợp khá phổ biến trên thực tế, dù về tình cảm hoặc về vật chất cả cha, mẹ đều muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất nhưng khi một bên hoặc cả hai bên cha, mẹ lại đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp khác thì việc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con sẽ bị hạn chế. Những quan hệ “ngoài luồng” sẽ dễ bị lên án bởi dư luận xã hội và đứa trẻ sinh ra có trường hợp vô tình trở thành mục tiêu để chỉ trích, để làm khó và có thể bị người nhà (vợ, chồng hợp pháp của một bên cha, mẹ mình) hành hung. Bên cạnh đó, về những vấn đề thủ tục pháp lý cũng là những quyền của đứa trẻ khi sinh ra cũng sẽ bị hạn chế.

Trường hợp thứ hai: Cha mẹ chung sống như vợ chồng là những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Trường hợp này không phổ biến như trường hợp trên nhưng hậu quả thì rất nặng nề. Đây là trường hợp chung sống như vợ chồng vi phạm nguyên tắc cận huyết thống vừa có trường hợp vi phạm về đạo đức xã hội. Đối với trường hợp nếu cha, mẹ chung sống như vợ chồng mà có quan hệ cận huyết thống thì khi mang thai đứa trẻ đã có nguy cơ bị quái thai, dị tật, đao hoặc tỉ lệ tử vong cao vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được sống của đứa trẻ. Khi đứa trẻ sinh ra ở trạng thái đao, di tật, bệnh tật thì những quyền khác như quyền được đi học, vui chơi, quyền được học tập, lao động rất khó khăn để thực hiện. Bên cạnh đó, chưa kể đứa trẻ sẽ bị đàm tếu, dị nghị, mỉa mai, chê bai về nhận thức và về hình hài khi ra ngoài xã hội.

Trường hợp thứ ba: Ngoài ra đối với trường hợp trẻ em sinh ra khi cha mẹ khi xét về độ tuổi thì chưa đủ tuổi kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì có thể rơi vào trường hợp vi phạm những quy định trong pháp luật hình sự.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon