Các quyền dân sự và chính trị trong luật quốc tế

cac-quyen-dan-su-va-chinh-tri-trong-luat-quoc-te

Cùng với cơ chế quốc tế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, những chuẩn mực quốc tế về quyền con người hay còn gọi là các quy phạm quốc tế về các quyền và tự do của con người là một trong hai bộ phận quan trọng nhất cấu thành luật nhân quyền quốc tế. Theo đó, nội dung của các chuẩn mực quốc tế là về các quyền dân sự, chính trị – một trong hai nhóm quyền chính cấu thành các quyền và tự do cá nhân cơ bản. Vậy các quyền dân sự và chính trị trong luật quốc tế được quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Khái quát về các quyền dân sự và chính trị trong luật quốc tế

Có thể chia các quyền và tự do cá nhân thành 5 nhóm, bao gồm nhóm quyền dân sự, nhóm quyền chính trị, nhóm quyền kinh tế, nhóm quyền xã hội và nhóm quyền văn hóa. Cụ thể, hai nhóm quyền dân sự và quyền chính trị bao gồm các quyền và tự do như sau:

Nhóm quyền dân sự (civil rights), bao gồm:

a, Quyền không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận và bình đẳng trước pháp luật.

b, Quyền sống, tự do và an ninh cá nhân.

c, Quyền về xét xử công bằng.

d, Quyền về tự do đi lại, cư trú.

e, Quyền được bảo vệ đời tư.

g, Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo.

h, Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân.

Nhóm quyền chính trị (political rights), bao gồm:

a, Quyền tự do biểu đạt.

b, Quyền tự do lập hội.

c, Quyền tự do hội họp một cách hòa bình.

d, Quyền tham gia vào đời sống chính trị.

2. Nội dung của các quyền dân sự và chính trị chủ yếu

2.1 Quyền không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận và bình đẳng

Quyền này bao gồm ba khía cạnh liên kết với nhau đó là: (i) không bị phân biệt đối xử, (ii) được thừa nhận tư cách con người trước pháp luật, và (iii) có vị thế bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng.

Quy định về quyền này đầu tiên được đề cập trong các Điều 1, 2, 6, 7, 8 UDHR, sau đó, được tái khẳng định trong các Điều 2,3,16 và 26 ICCPR, cụ thể như sau:

Về khía cạnh thứ nhất, Điều 1 UDHR nêu rõ, mọi người sinh ra đều được tự do và  bình đẳng về nhân phẩm và các quyền… Điều 2 UDHR   quy định, mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do… mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các địa vị khác. Ngoài ra, Điều này cấm phân biệt  đối xử dựa trên địa vị chính trị, pháp lý của quốc gia hoặc lãnh thổ, bất kể là lãnh thổ độc lập,  uỷ trị, quản thác, chưa được tự quản hay đang phải chịu bất kỳ hạn chế nào khác về chủ quyền.

Hai điều kể trên của UDHR được nhắc lại và cụ thể hóa trong các Điều 2 và 3 ICCPR. Về khía cạnh thứ hai, Điều 6 UDHR quy định, mọi người đều có quyền được công nhận tư cách là con người trước pháp luật ở mọi nơi. Quy định này được tái khẳng định nguyên văn trong Điều 16 ICCPR.

Về khía cạnh thứ ba, Điều 7 UDHR quy định, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào… Điều 8 UDHR cụ thể hóa quy định ở Điều 7 khi nêu rằng, mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền cơ bản của họ mà đã được hiến pháp hay luật pháp quy định.

Điều 26 ICCPR tái khẳng định hai quy định kể trên của UDHR, đồng thời nêu rõ, về mặt này, pháp luật phải nghiêm cấm mọi sự phân biệt đối xử và bảo đảm cho mọi người sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả chống lại những phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc  quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc   xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị  khác.

Bên cạnh những khía cạnh đã nêu cụ thể trong các quy định ở trên của UDHR và ICCPR, Ủy ban Quyền con người (Human Rights Committee – cơ quan giám sát thực hiện ICCPR của Liên hợp quốc, sau đây viết tắt là UNHRC ), trong Bình luận chung số 18 thông qua tại phiên họp lần thứ 37 năm 1989 của Ủy ban đã phân tích về ý nghĩa và nội hàm của quyền này một cách khá chi tiết.

2.2 Quyền sống

Quyền sống đầu tiên được đề cập trong Điều 3 UDHR. Điều này gắn kết quyền sống với các khía cạnh có liên quan khác thành một quyền gọi là quyền sống, tự do và an ninh cá nhân.

Điều 6 ICCPR cụ thể hóa quy định về quyền sống trong Điều 3 UDHR, theo đó:  Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền  này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện (Khoản 1). Các Khoản 2,3,4,5,6 Điều này quy định các nguyên tắc cơ bản trong việc áp dụng hình  phạt tử hình ở những nước  còn duy trì hình phạt này mà có thể tóm tắt như sau:

  • Chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện;
  • Việc áp dụng hình phạt tử hình không được trái với những quy định của ICCPR và của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng (CPPCG);
  • Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết;
  • Bất kỳ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin và quyền được xét ân giảm hoặc thay đổi mức hình phạt;
  • Không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi và không
  • được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai;
  • Không được viện dẫn Điều 6 để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xoá bỏ hình phạt tử hình.

Bên cạnh ICCPR, một số công ước quốc tế khác về quyền con người cũng đề cập quyền sống, trong đó bao gồm CRC1, CPPCG2, Công ước về trấn áp và trừng trị tội ác Apácthai  (ICSPCA)…

Ngoài những khía cạnh đã nêu cụ thể ở Điều 6 ICCPR, trong Bình luận chung số 6 thông qua tại phiên họp lần thứ 16 năm 1982, UNHRC đã giải thích thêm một số khía cạnh liên quan đến ý nghĩa và nội dung  của quyền sống. Cũng liên quan đến quyền sống, ngoài Bình luận chung số 6, UNHRC còn thông qua Bình luận chung số 14 (phiên  họp lần thứ 23  năm 1984) trong đó, tái khẳng định tầm quan trọng của quyền sống, coi đó là cơ sở cho tất cả các  quyền con người, đồng  thời, nhắc lại  yêu cầu phải thực hiện Điều 6 của ICCPR trong  mọi  hoàn  cảnh.

2.3 Quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục

Quyền này đầu tiên được đề cập trong Điều 5 UDHR, trong đó nêu rằng, không ai bị tra tấn hay bị đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Điều 7 ICCPR cụ thể hóa nội dung Điều 5 UDHR, trong đó nêu rõ, không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm; không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó.

Bên cạnh các quy định trên của UDHR và ICCPR, vấn đề chống tra tấn còn được đề cập trong một số điều ước quốc tế khác về quyền con người, đặc biệt là Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT, 1984). Bên cạnh những khía cạnh đã được nêu cụ thể, một số khía cạnh khác liên quan đến nội dung Điều 7 ICCPR đã được UNHRC phân tích, đầu tiên  là trong Bình luận chung số 7 (thông qua tại phiên họp lần  thứ 16 năm  1982 của Ủy ban), và sau đó, được sửa đổi và  bổ sung  trong  Bình  luật chung số 20 (thông qua tại phiên họp lần thứ 44 năm 1992 của Ủy ban).

2.4 Quyền được bảo vệ để khỏi bị bắt làm nô lệ hay nô dịch

Quyền này đầu tiên được đề cập trong Điều 4 UDHR, trong đó nêu rằng: Không ai bị bắt làm nô lệ hoặc bị cưỡng bức làm việc như nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm.

Điều 8 ICCPR cụ thể hóa quy định trong Điều 4 UDHR, trong đó nêu rõ: Không ai bị bắt làm nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm. Không ai bị bắt làm nô dịch. Không ai bị yêu cầu phải lao  động bắt buộc hoặc cưỡng bức. Xét nội dung, Điều 8 ICCPR bao trùm tất cả các tình huống mà một người có thể bị buộc phải phụ thuộc vào người khác, kể cả trong những bối cảnh như mại dâm, buôn bán ma túy hoặc trong một số dạng lạm dụng tâm lý. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức, Khoản 3 Điều 8 liệt kê những trường hợp loại trừ.

Cũng cần lưu ý là những quy định về loại trừ phải được áp dụng một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử với bất kỳ chủ thể nào, và phải phù hợp với các quy định khác có liên quan của ICCPR.

Ngoài ICCPR, trước và sau công ước này còn có nhiều điều ước quốc tế do Hội quốc liên, Liên hợp quốc và ILO thông qua có liên quan đến quyền được bảo vệ không bị bắt làm nô lệ hay nô dịch.

2.5 Quyền được bảo vệ để khỏi bị bắt, giam giữ tuỳ tiện

Quyền này là cốt lõi của tự do và an toàn cá nhân. Đầu tiên nó được quy định trong Điều 9 UDHR, trong đó nêu rằng, không ai bị bắt, giam giữ hay lưu đày một cách tuỳ tiện.

Điều 9 ICCPR cụ thể hóa Điều 9 UDHR bằng những quy định khá chi tiết, trong đó nêu rõ: “(1) Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định; (2). Bất cứ người nào bị bắt giữ đều phải được thông báo vào lúc bị bắt về những lý do họ bị bắt và phải được thông báo không chậm trễ về sự buộc tội đối với họ; (3). Bất cứ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ vì một tội hình sự phải được sớm đưa ra toà án hoặc một cơ quan tài phán có thẩm quyền thực hiện chức năng tư pháp và phải được xét xử trong thời hạn hợp lý hoặc được trả tự do. Việc tạm giam một người trong thời gian chờ xét xử không được đưa thành nguyên tắc chung, nhưng việc trả tự do cho họ có thể kèm theo những điều kiện để bảo đảm họ sẽ có mặt tại toà án để xét xử vào bất cứ khi nào và để thi hành án nếu bị kết tội; (4) Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước toà án, nhằm mục đích để toà án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả lại tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp;(5). Bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp đều có quyền được yêu cầu bồi thường”.

Ngoài những nội dung đã được nêu cụ thể như trên, trong Bình luận chung số 8 thông qua tại phiên họp lần thứ 16 năm 1982, UNHRC  đã giải thích thêm một số khía cạnh có liên quan đến Điều 9 ICCPR.

2.6 Quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước tự do

Quyền này được quy định trong Điều 10 ICCPR. Theo Điều này, những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người. Khoản 2 Điều này quy định, trừ những hoàn cảnh đặc biệt, bị can, bị cáo phải được giam giữ tách biệt với những người đã bị kết án và phải được đối xử theo chế độ riêng, phù hợp với quy chế dành cho những người bị tạm giam. Những bị can chưa thành niên phải được giam giữ tách riêng khỏi người lớn và phải được đưa ra xét xử càng sớm càng tốt. Đặc biệt, Khoản 3 Điều này đề cập một nguyên tắc định hướng việc đối xử với những người bị tước tự do, theo đó, việc đối xử với tù nhân trong hệ thống trại giam nhằm mục đích chính yếu là cải tạo và đưa họ trở lại xã hội, chứ không phải nhằm mục đích chính là trừng phạt hay hành hạ họ.

Ngoài những khía cạnh đã được nêu rõ, trong Bình luận chung số 9 thông qua tại phiên họp lần thứ 16 năm 1982, UNHRC đã giải thích thêm một số khía cạnh có liên quan đến nội dung của Điều 10 ICCPR. Những ý kiến bình luận này sau đó được thay thế, bổ sung bằng Bình  luận chung số 21 thông qua tại phiên họp lần thứ 44 năm 1992.

2.7 Quyền về xét xử công bằng

Đây thực chất là một tập hợp các bảo đảm tố tụng nhằm bảo đảm quá trình xét xử được công bằng, trong đó bao gồm các khía cạnh như được bình đẳng trước tòa án (equality before a court), được suy đoán vô tội (assumption of innocence); không bị áp dụng hồi tố (prohibition of ex post facto laws); và không bị bỏ tù chỉ vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (prohibition of imprisonment for debt). Trong một số tài liệu, mỗi bảo đảm này được coi như là một quyền con người cụ thể.

Quyền được xét xử công bằng đầu tiên được đề cập trong các  Điều 10 và 11 UDHR. Các quy định kể trên sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong các Điều 14, 15 và 11 ICCPR. Liên quan đến Điều 14, bên cạnh những khía cạnh đã  được nêu cụ  thể như trên, trong Bình luận chung số 13 thông qua tại Phiên họp lần  thứ 21 năm 1984, UNHRC đã làm rõ thêm một số khía cạnh khác.

2.8 Quyền tự do đi lại, cư trú

Quyền này đầu tiên được đề cập trong  Điều  13  UDHR, trong  đó nêu rằng: Mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình. Quy định này sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong các Điều 12 và 13 ICCPR.

Theo Điều 12 ICCPR thì bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia  đó; mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình; không ai bị tước đoạt một cách tuỳ tiện quyền được trở về nước mình (các Khoản 1,2,4). Về Điều 12 ICCPR, bên cạnh những khía cạnh đã được nêu cụ thể ở trên, trong Bình luận chung số 27 thông qua tại phiên họp lần thứ 67 (1999), UNHRC  đã phân tích thêm một số nội dung của quyền này.

Điều 13 ICCPR đề cập cụ thể tới quyền tự do đi lại, cư trú trong mối quan hệ với người nước ngoài, theo đó, một người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ một quốc gia thành viên Công ước chỉ có thể bị trục xuất khỏi nước đó theo quyết định phù hợp pháp luật, và trừ trường hợp có yêu cầu khác xuất phát từ lý do chính đáng về an ninh quốc gia; người bị trục xuất có quyền phản đối việc trục xuất và yêu cầu nhà chức trách có thẩm quyền, hoặc một người hoặc những người mà nhà chức trách có thẩm quyền đặc biệt cử ra, xem xét lại trường hợp của mình, cũng như có quyền có đại diện khi trường hợp của mình được xem xét lại. Về nội dung Điều 13 ICCPR, trong Bình luận chung số 15 thông qua tại phiên họp thứ 27 năm 1986, UNHRC đã làm rõ thêm một số khía cạnh.

2.9 Quyền được bảo vệ đời tư

Quyền này đầu tiên được đề cập trong Điều 12 UDHR. Theo Điều này, không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy.

Quy định trong Điều 12 UDHR sau đó được tái khẳng định ở Điều 17 ICCPR, trong đó nêu rằng: Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

Một số khía cạnh liên quan đến nội dung Điều 17 ICCPR sau đó được UNHRC làm rõ thêm trong Bình luận chung số 16 thông qua tại phiên họp lần thứ 31 năm 1988 của Ủy ban.

2.10 Quyền tự do chính kiến, niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo

Cùng với tự do biểu đạt, những quyền tự do này thường được gọi là những tự do cơ bản (fundamental freedoms), đầu tiên được ghi nhận trong Điều 18 UDHR. Theo Điều này, mọi người đều có quyền tự do chính kiến, niềm tin, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn  giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ  cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân  hay  tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư.

Nội dung của Điều 18 UDHR sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong các Điều 18 và 20 ICCPR. Một số khía cạnh liên quan đến nội dung Điều 18 ICCPR sau đó được UNHRC làm rõ thêm trong Bình luận chung số 22 thông qua tại phiên họp lần thứ 48 năm 1993 của Ủy ban.

2.11 Quyền tự do ý kiến và biểu đạt

Quyền tự do biểu đạt đầu tiên được ghi nhận trong Điều 19 UDHR. Theo Điều này, mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới. Điều này cũng lưu ý là các quan điểm, tư tưởng phải đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng pháp luật, không được đi ngược lại lợi ích và đạo đức xã hội.

Nội dung của Điều 19 UDHR sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong các Điều 19 và 20 ICCPR. Nội dung Điều 19 ICCPR sau đó còn được UNHRC làm rõ thêm trong Bình luận chung số 10 thông qua tại phiên họp lần thứ 19 năm 1983 của Ủy  ban. Một số khía cạnh liên quan đến nội dung Điều 20 ICCPR sau  đó  được UNHRC làm rõ thêm trong Bình luận chung số 11 thông qua tại phiên họp lần thứ 19 năm 1983 của Ủy ban.

2.12 Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân

Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân đầu tiên được đề cập trong các Điều 16 UDHR. Theo Điều này thì nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong thời gian chung sống và khi ly hôn. Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai (Khoản 1 và 2). Khoản 3 Điều này khẳng định, gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội, được nhà nước và xã hội bảo vệ.

Các quy định kể trên của UDHR sau đó được tái khẳng định và cụ  thể hóa trong Điều 23 ICCPR và Điều 10 ICESCR. Liên quan đến Điều 23 ICCPR, UNHRC đã giải thích thêm về ý  nghĩa và nội dung của các quyền ghi nhận trong Điều này trong Bình  luận chung số 19 thông qua tại phiên họp thứ 39 năm 1990 của Ủy ban.

2.13 Quyền tự do lập hội

Quyền này (cùng với quyền tự do hội họp một cách hòa bình) đầu tiên được ghi nhận trong Điều 20 UDHR. Ngoài việc quy định mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hoà bình, Điều này còn nêu rõ (trong Khoản 2), không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào.

Điều 22 ICCPR tái khẳng định và cụ thể hóa quy định về quyền tự do hội họp trong Điều 20 UDHR. UNHRC hiện chưa có bình luận chung nào về nội dung  Điều 22, tuy nhiên, từ nội dung của nó, có thể thấy quyền này bao gồm cả ba khía cạnh: (i) lập ra các hội mới, (ii) gia nhập các hội đã có sẵn, và (iii) điều hành các hội, bao gồm cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí cho hoạt động.

2.14 Quyền tự do hội họp một cách hoà bình

Như đã  đề cập ở trên, quyền này đầu tiên được ghi nhận trong Điều 20 UDHR (cùng với quyền tự do lập hội).

Điều 21 ICCPR tái khẳng định và cụ thể hóa nội dung Điều 20 UDHR, trong đó nêu rõ: Quyền hội họp hoà bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này chỉ bị những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sự bình yên và đạo đức xã hội hoặc các quyền và tự do của người khác.

Liên quan đến Điều 21, UNHRC hiện cũng chưa có bình luận chung nào, tuy nhiên, cũng từ nội dung của nó, có thể thấy đây không phải là một quyền tuyệt đối.

2.15 Quyền được tham gia vào đời sống chính trị

Quyền này đầu tiên được ghi nhận trong Điều 21 UDHR. Theo Điều này, mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình, một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện mà họ được tự do lựa chọn. Mọi người đều có quyền được tiếp cận các dịch vụ công cộng ở nước mình một cách bình đẳng (Khoản 1 và 2). Khoản 3 Điều này đề cập một quy định mang tính nguyên tắc bổ sung cho nội dung các Khoản 1 và 2, trong đó nêu rằng, ý chí của nhân dân phải là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí đó phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, được tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, hoặc bằng những thủ tục bầu cử tự do tương tự.

Điều 25 ICCPR tái khẳng định và cụ thể hóa quy định trong Điều 21 UDHR. Liên quan đến Điều 25, UNHRC đã giải thích thêm một số khía cạnh của Điều này trong Bình luận chung số 25 thông qua tại phiên họp thứ 57 năm 1996 của Ủy ban.

Trên đây là những phân tích về “Các quyền dân sự và chính trị trong luật quốc tế”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon