Mẫu đơn yêu cầu thi hành án dân sự và hướng dẫn cách viết

mau-don-yeu-cau-thi-hanh-an-dan-su-moi-nhat

Thi hành án dân sự là giai đoạn kết thúc của quá trình tố tụng dân sự, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thi hành án là việc tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tuy nhiên, trường hợp thi hành án theo đơn, người được thi hành án muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình phải làm đơn yêu cầu thi hành án dân sự. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia xin gửi đến quý khách hàng mẫu đơn yêu cầu thi hành án dân sự mới nhất, chính xác nhất và hướng dẫn cách viết đơn rõ ràng, cụ thể.

Căn cứ pháp lý:

Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014;

Thông tư số 01/2016/TT-BTP hướng dẫn thực hiện thủ tục về quản lý hành chính biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự;

1. Thi hành án là gì?

Theo từ điển Tiếng việt thì “thi hành” mang nghĩa là làm cho quyết định đã đưa ra được thực hiện và có hiệu lực. Trong thuật ngữ luật học thì thi hành án được hiểu là thực hiện bản án, quyết định của tòa án, là việc đưa các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế. Bản án, quyết định là văn bản pháp lý của Tòa án tuyên tại phiên tòa, giải quyết các vấn đề trong vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính,…

Thi hành án là thủ tục tố tụng tư pháp do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tiến hành để thi hành bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước, tổ chức khác do pháp luật quy định nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

2. Thi hành án dân sự là gì?

Thi hành án dân sự là một dạng hoạt động tư pháp trong việc thực hiện bản án, quyết định dân sự của Tòa án và các quyết định của các cơ quan, tổ chức khác được đưa ra thi hành theo quy định của pháp luật.

Thông qua thi hành án dân sự, người phải thi hành án phải thực hiện các nghĩa vụ về tài sản của họ và người được thi hành án dân sự sẽ nhận được các quyền, lợi ích về tài sản.

3. Đặc điểm của thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự là một dạng hoạt động mang tính hành chính – tư pháp của nhà nước, thể hiện quyền lực nhà nước, do Chi cục thi hành án dân sự và Thừa phát lại thực hiện, bảo đảm hiệu lực thực tế của các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước. Tính quyền lực nhà nước trong thi hành án dân sự được thể hiện ở việc cơ quan, tổ chức thi hành án dân sự có quyền ra quyết định thi hành án dân sự, buộc các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải tuân thủ, nghiêm chỉnh chấp hành.

Trong trường hợp người phải thi hành án dân sự không tự nguyện thi hành án dân sự thì cơ quan, tổ chức thi hành án dân sự có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự, buộc người phải thi hành án dân sự phải chấp hành bản án , quyết định dân sự có hiệu lực thi hành.

Việc thi hành án dân sự chủ yếu là thi hành các quyết định của Tòa án mang tính chất tải sản – đặc trưng của quan hệ dân sự, vì vậy, quyền tự định đoạt của đương sự luôn được tôn trọng trong suốt quá trình thi hành án.

Trong thi hành án dân sự, các bên có quyền thỏa thuận với nhau về thời gian, địa điểm, phương thức thi hành án, tuy nhiên việc thỏa thuận đó phải phù hợp và không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội .

Chủ thể thực hiện hoạt động thi hành án dân sự là cơ quan, tổ chức thi hành án dân sự mà cụ thể là các chấp hành viên hoặc các thừa phát lại.

Cơ quan thi hành án có thể lựa chọn biện pháp thích hợp để việc thi hành án được nhanh chóng, đạt hiệu quả trên cơ sở thỏa thuận của các đương sự. Trong những trường hợp này việc thi hành án không nhất thiết phải theo đúng như nội dung quyết định của bản án tại Tòa án.

4. Thẩm quyền và thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự

4.1. Thẩm quyền yêu cầu thi hành án dân sự

Căn cứ tại Điều 35 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 thì thẩm quyền thi hành án là:

– Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện cùng cấp

– Cơ quan thi hành án cấp tỉnh

– Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án cấp huyện nơi khác, cấp tỉnh, cơ quan thi hành án cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.

4.2. Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự

Căn cứ tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định:

Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan như do thiên tai, dịch bệnh,… hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

5. Hướng dẫn viết đơn yêu cầu thi hành án dân sự

Đơn yêu cầu thi hành án dân sự có thể viết tay hoặc đánh máy, có thể gửi trực tiếp tại Cơ quan thi hành án dân sự hoặc gửi qua đường bưu điện.

TẢI : MẪU ĐƠN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN MỚI NHẤT

Căn cứ vào điều 31, điều 32 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 thì đơn đề nghị thi hành án dân sự có các nội dung chính sau đây:

– Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

– Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

– Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

– Nội dung yêu cầu thi hành án;

– Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;

– Ngày, tháng, năm làm đơn;

– Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.

Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có.

Đầu tiên là tên cơ quan cục (chi cục) thi hành án dân sự có thẩm quyền

Về phần họ tên người yêu cầu thi hành án: Ghi rõ họ tên người yêu cầu (có thể là người được ủy quyền hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) gồm họ tên, địa chỉ liên lạc

Về người được thi hành án bao gồm là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. Ghi rõ họ tên, địa chỉ người được thi hành án.

Về người phải thi hành án bao gồm là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. Ghi rõ họ tên, địa chỉ người phải thi hành án.

Trình bày nội dung yêu cầu thi hành án: Nêu rõ những vấn đề cần cơ quan thi hành án giải quyết (việc thi hành án nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người được thi hành án, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, đảm bảo tính khách quan, công bằng,…).

Trình bày danh mục tài liệu, chứng cứ liên quan kèm theo (bản án, quyết định, hay tài liệu có liên quan,…)

Cuối đơn là chữ ký cũng như họ và tên người yêu cầu thi hành án dân sự

6. Quy trình nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự

Cách thức thực hiện: nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự hoặc qua hệ thống bưu chính.

– Thời hạn đương sự được nộp đơn yêu cầu là 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo quy định tại (khoản 1 Điều 30 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014).

– Sau khi tiếp nhận đơn, cơ quan thi hành án tiến hành giải quyết yêu cầu thi hành án dân sự.

7. Một số khó khăn trong vấn đề thi hành án dân sự

Thời gian gần đây, nền kinh tế có nhiều biến động, những bản án, quyết định của Tòa án phát sinh nhiều, đặc biệt là những tranh chấp liên quan đến đất đai, xử lý tài sản chung, tài sản hộ gia đình,…những tranh chấp này thường phải áp dụng các biện pháp kê biên, xử lý tài sản ở giai đoạn thi hành án. Bên cạnh số lượng thi hành án thành công nhiều thì hàng năm vẫn còn số việc cưỡng chế thi hành án dân sự không thành công, tồn tại sai sót, khó khăn trong thực tiễn.

Nguyên nhân đến từ người có tài sản trốn tránh nghĩa vụ, kê khai tài sản không trung thực, không có tính hợp tác với cơ quan thi hành án  hay có nhiều trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam,…

Ngoài ra,. Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự khó nhận biết công việc gì tiến hành trước, công việc gì tiến hành sau trong quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự. Vì thế, có nhiều trường hợp trên thực tế chấp hành viên chưa có kế hoạch cho việc tổ chức cưỡng chế một cách chu đáo, đầy đủ, không dự kiến hết các tình huống để có phương án đối phó, khi tình huống xảy ra thì xử lý lúng túng, có khi cưỡng chế không thành, gây dư luận xấu, tốn kém kinh phí và lực lượng.

Trên đây là mẫu đơn yêu cầu thi hành án dân sự và hướng dẫn cách viết. Trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ thủ tục thi hành án, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty luật TNHH Dương Gia theo hotline 19006586 để được giải đáp.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon