Đối tượng, địa điểm, thời hạn thực hiện nghĩa vụ

doi-tuong-dia-diem-thoi-han-thuc-hien-nghia-vu

Nghĩa vụ là một quan hệ pháp luật, trong đó, quyền dân sự và các nghĩa vụ của các bên chủ thể phát sinh từ quan hệ đó phải được thực hiện dưới sự bảo đảm của pháp luật. Dù hợp đồng được xác lập theo thoả thuận hay theo pháp luật thì nghĩa vụ luôn luôn là sự ràng buộc giữa các bên về việc phải làm hay không được làm một việc nhất định. Bên có nghĩa vụ nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ theo thoả thuận sẽ phải gánh chịu chế tài theo quy định pháp luật. Vậy, pháp luật quy định như thế nào trong việc thực hiện nghĩa vụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu kĩ hơn về nội dung thực hiện nghĩa vụ thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

1. Khái niệm về nghĩa vụ

Nghĩa vụ là mối liên hệ của hai hay nhiều người với nhau, trong đó các bên phải thực hiện hoặc không được thực hiện một số hành vi nhất định. Nghĩa vụ là một bộ phận không thể tách rời khỏi nội dung của một quan hệ dân sự. Căn cứ theo Điều 274 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ như sau:

Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).

2. Thực hiện nghĩa vụ

Thực hiện nghĩa vụ là việc người có nghĩa vụ phải làm hoặc không được làm một công việc theo một thời hạn nhất định đã được xác định trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ, qua đó thoả mãn quyền dân sự tương ứng của bên kia.

Một trong những đặc trưng cơ bản của nghĩa vụ là tính chất tương ứng và đối lập nhau về quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Do vậy, quyền lợi của bên này chỉ đạt được khi bên kia thực hiện các hành vi mang tính nghĩa vụ đã được hai bên xác định hoặc pháp luật quy định trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ ấy.

Kể từ khi một quan hệ nghĩa vụ được xác lập, các bên có nghĩa vụ đối với nhau. Nghĩa vụ này có thể là một hành vi, có thể gồm nhiều hành vi khác nhau. Các hành vi đó có thể phải tiến hành cùng một lúc, vào cùng một thời điểm hoặc có thể được tiến hành theo một quá trình trong một thời hạn nhất định.

Trong giao dịch dân sự, nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự là người có nghĩa vụ dân sự phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Việc thực hiện nghĩa vụ phải được tiến hành tại một nơi nhất định, vào một thời điểm nhất định do các bên thỏa thuận. Về mặt địa điểm, nếu không có thỏa thuận thì, đối với bất động sản là nơi có bất động sản, nếu đối tượng là động sản thì nơi thực hiện nghĩa vụ là địa điểm cư trú hoặc trụ sở của người có quyền. Về thời hạn, nếu không có thỏa thuận và pháp luật cũng không quy định thì các bên có thể thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một khoản thời gian hợp lý.

2.1. Thực hiện nghĩa vụ đúng địa điểm

Địa điểm thực hiện nghĩa vụ là vị trí không gian xác định để các bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình.

Theo Điều 277 BLDS 2015 quy định:

Địa điểm thực hiện nghĩa vụ là nơi mà tại đó người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Các bên có thể căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện mà thoả thuận địa điểm thực hiện nghĩa vụ là nơi ở của bên này hay bên kia hoặc tại một nơi bất kỳ nào đó. Người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng nơi mà hai bên đã xác định.

Trong những trường hợp các bên không có thoả thuận về địa điểm thực hiện nghĩa vụ, thì theo quy định của pháp luật, người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ tại nơi có bất động sản nếu đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản; hoặc nơi cư trú hay trụ sở của người có quyền nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản (Điều 277 Bộ luật Dân sự 2015).

Việc xác định địa điểm thực hiện nghĩa vụ quan trọng đối với các bên, vì nó là cơ sở để xác định ai là người phải chịu chi phí vận chuyển cũng như ai là người phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền.

2.2. Thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ là một thời điểm hay một khoảng thời gian nhất định mà trong thời điểm hoặc khoảng thời gian đó, người có nghĩa vụ phải hoàn thành nghĩa vụ của mình nhằm thoả mãn lợi ích của bên có quyền.

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ có ý nghĩa quan trọng. Trong rất nhiều trường hợp, hợp đồng dân sự chỉ đáp ứng được quyền lợi cho các bên nếu nó được người có nghĩa vụ thực hiện đúng thời hạn. Đồng thời, thời hạn thực hiện nghĩa vụ còn là mốc thời gian để xác định thời hạn khởi kiện của các bên khi có tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, thông qua thời hạn thực hiện nghĩa vụ để xem xét hành vi vi phạm và xác định trách nhiệm dân sự đối với người vi phạm nghĩa vụ.

Tuỳ thuộc vào tính chất, nội dung của quan hệ nghĩa vụ cũng như điều kiện, hoàn cảnh của mình mà các bên có thể thoả thuận về thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Khi thời hạn đã được xác định theo thoả thuận thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn đó.

Trong trường hợp các bên không xác định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ, thì nghĩa vụ sẽ được thực hiện vào bất cứ lúc nào khi một trong hai bên có yêu cầu. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các bên thực hiện nghĩa vụ một cách thuận lợi, thì khi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, các bên phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý. Vì vậy, trong những trường hợp này khoảng thời gian hợp lý đó được coi là thời hạn thực hiện nghĩa vụ.

Nếu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn đã được xác định mà người có quyền đồng ý và đã tiếp nhận sự thực hiện, thì nghĩa vụ được xem như đã thực hiện đúng thời hạn. Mặc khác, khi bên có nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, các bên có thể thoả thuận để hoãn việc thực hiện nghĩa vụ (thực chất là kéo dài thời hạn), thì nghĩa vụ được hoàn thành trong thời hạn kéo dài đó cũng được coi là thực hiện đúng thời hạn (Điều 278 Bộ luật Dân sự 2015).

Nếu các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng định kỳ đó. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ (Điều 282 Bộ luật Dân sự 2015).

Nếu bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ mà bên có quyền lại chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó thì bên có quyền phải thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc bảo quản tài sản là đối tượng của nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ.

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ cũng có ý nghĩa quan trọng. Trong nhiều trường hợp, hợp đồng dân sự chỉ đáp ứng được quyền lợi cho các bên nếu nó được người có nghĩa vụ thực hiện đúng thời hạn. Đồng thời, thời hạn thực hiện nghĩa vụ còn là mốc thời gian để xác định thời hạn khởi kiện của các bên khi có tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, thông qua thời hạn thực hiện nghĩa vụ để xem xét hành vi vi phạm và xác định trách nhiệm dân sự đối với người vi phạm nghĩa vụ.

2.3. Thực hiện nghĩa vụ đúng đối tượng

Thực hiện đúng đối tượng là thực hiện nghĩa vụ đúng với những công việc mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật đã quy định. Đối tượng của nghĩa vụ bao gồm nhiều loại khác nhau nên cần phải dựa vào từng loại đối tượng cụ thể để xác định người có nghĩa vụ đã thực hiện đúng đối tượng hay chưa.

Khi đối tượng của nghĩa vụ là một vật, thì người có nghĩa vụ giao vật chỉ được coi là thực hiện đúng đối tượng trong những trường hợp sau đây:

– Đối tượng là vật đặc định mà người có nghĩa vụ đã giao đúng vật và đúng với tình trạng của vật như hai bên đã xác định.

– Đối tượng là vật cùng loại và các bên chưa thoả thuận về chất lượng nhưng người có nghĩa vụ đã giao vật đó đúng với chất lượng trung bình và đủ về số lượng, trọng lượng, khối lượng như đã được xác định.

– Đối tượng là vật đồng bộ, cùng chủng loại mà bên có nghĩa vụ đã giao vật đó đồng bộ, đúng chủng loại như đã được xác định.

Khi đối tượng của nghĩa vụ là một công việc phải làm hoặc một công việc không được làm mà người có nghĩa vụ đã làm hoặc không làm công việc đó theo đúng cam kết của các bên mới được coi là thực hiện đúng đối tượng (Theo Điều 281 Bộ luật Dân sự 2015).

Khi đối tượng của nghĩa vụ là một khoản tiền, thì người có nghĩa vụ chỉ được coi là thực hiện đúng đối tượng khi đã giao bên kia đủ số tiền đúng thời hạn, đúng địa điểm và theo phương thức mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật đã quy định; bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc trừ trường hợp có thoả thuận khác (Theo khoản 2 Điều 280 Bộ luật Dân sự 2015).

Để được tư vấn pháp luật qua điện thoại, hãy gọi ngay cho Luật sư theo số điện thoại 1900.6568. Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật qua điện thoại sẽ được chúng tôi giải đáp!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon