Quyền hưởng dụng những điểm giống nhau giữa BLDS Việt Nam và BLDS Pháp

quyen-huong-dung-nhung-diem-giong-nhau-giua-blds-viet-nam-va-blds-phap

Lần đầu tiên, BLDS năm 2015 của nước CHXHCNVN quy định về quyền hưởng dụng với tư cách là một quyền khác đối với tài sản. Tuy nhiên, so sánh với các quốc gia khác, điển hình như Pháp và BLDS Pháp[1] cũng đóng vai trò luật gốc của luật tư, thì quy định về quyền hưởng dụng của Việt Nam bên cạnh một số điểm tương đồng thì còn có nhiều điểm khác biệt. Bài viết trọng tâm vào việc đối chiếu để tìm những điểm tương đồng giữa quy định quyền hưởng dụng của Việt Nam với Pháp để từ đó đưa ra các nhận xét, đánh giá và có thể mạnh dạn đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về nội dung này.

1. Bộ luật Dân sự Pháp

Bộ luật dân sự Pháp (viết tắt là BLDS Pháp) được phác thảo lần đầu trong giai đoạn từ 1793 đến 1797 trong cuộc Cách mạng Pháp. Đến năm 1800, Napoléon chỉ định một uỷ ban gồm có bốn người dưới sự chỉ đạo của Jean-Jacques Régis de Cambacérès[2] nhằm mục đích xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất cho nước Pháp. Dần dần, cùng với sự mở rộng của lãnh thổ của Pháp, sự áp đặt chính sách áp dụng pháp luật và đặc biệt là những điểm mới, phù hợp của của BLDS này, BLDS Napoleon không chỉ có hiệu lực, được áp dụng trên lãnh thổ quốc gia Pháp mà còn áp dụng các quốc gia, lãnh thổ là thuộc địa Pháp và cũng là nguồn quan trọng để nhiều quốc gia học hỏi trong quá trình xây dựng BLDS của mình, điển hình như BLDS của Đức, Nhật. Đến thời điểm hiện nay, trong 2285 điều luật đang có hiệu lực của BLDS Pháp thì có đến 1200 điều vẫn giữ nguyên so với tác phẩm nguyên thuỷ đầu tiên – BLDS Napoleon. BLDS Pháp đang có hiệu lực được chia thành ba quyển, trong đó quyển thứ nhất về Cá nhân, quyển thứ hai về Tài sản và những thay đổi về sở hữu, quyển thứ ba về Các phương thức xác lập quyền sở hữu – Những quy định chung.

Phần quyền hưởng dụng nằm trong quyển 2, Thiên 3 với tên gọi “Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức, quyền sử dụng và quyền cư dụng”[3]. Trong Thiên này được chia thành hai chương, chương I là “Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức”, chương II là “quyền sử dụng và quyền cư dụng”. So sánh với quy định về quyền hưởng dụng trong BLDS năm 2015 của Việt Nam nhận thấy các điểm đáng lưu ý sau:

2. Một số điểm tương đồng của BLDS năm 2015 với BLDS Pháp về quyền hưởng dụng

Trong BLDS năm 2015, quyền hưởng dụng được nhà làm luật Việt Nam quy định từ Điều 257 đến Điều 266. Trong đó, BLDS Việt Nam trọng tâm quy định về các nội dung như khái niệm quyền hưởng dụng, căn cứ xác lập, hiệu lực quyền hưởng dụng, thời hạn, quyền và nghĩa vụ của người hưởng dụng, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản, quyền hưởng hoa lợi, lợi tức, chấm dứt quyền hưởng dụng và hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng. Với 10 điều luật, BLDS năm 2015 đã ghi nhận những nội dung cơ bản về quyền hưởng dụng. Qua các quy định, với góc nhìn đối chiếu, so sánh với BLDS Pháp có thể thấy những điểm tương đồng sau:

Thứ nhất, quyền hưởng dụng đều được quan niệm và quy định dưới góc độ vật quyền. Các chủ thể có quyền hưởng dụng đều tự mình thực hiện các quyền năng mà mình có, không bị lệ thuộc vào các chủ thể khác, bao gồm cả chủ sở hữu tài sản. Như vậy, các chủ thể có quyền hưởng dụng được bảo đảm tuyệt đối trong suốt thời hạn được hưởng quyền hưởng dụng. Quyền hưởng dụng không đương nhiên chấm dứt theo ý chí của chủ sở hữu và đây cũng là một đặc điểm cho thấy tính tuyệt đối của quyền khai thác công dụng, chiếm hữu tài sản so với quan hệ trái quyền (như cho thuê, cho mượn).

Thứ hai, quyền hưởng dụng cũng được xác lập theo hai trường hợp: theo ý chí của chủ thể và theo quy định pháp luật. Trường hợp pháp luật quy định cụ thể thì quyền hưởng dụng được xác lập theo các quy định này. Quyền hưởng dụng xác lập theo ý chí của chủ thể thì có thể rơi vào một trong hai trường hợp: Trường hợp đầu tiên là theo ý chí của người lập di chúc, tức là trong di chúc của người để lại di sản cho phép chủ thể khác (có thể là cá nhân hoặc tổ chức) được hưởng dụng trong một thời hạn nhất định hoặc thậm chí cho đến hết đời của một cá nhân (nếu người hưởng dụng là cá nhân) hoặc hết 30 năm nếu người hưởng dụng là pháp nhân.

Thứ ba, người có quyền hưởng dụng về cơ bản được phép chuyển giao cho người khác thực hiện quyền hưởng dụng của mình. Trong BLDS năm 2015 của Việt Nam, người có quyền hưởng dụng được phép cho người khác được thực hiện quyền hưởng dụng của mình (Điều 261). Theo đó, người có quyền hưởng dụng có thể cho thuê, cho mượn quyền hưởng dụng của mình. BLDS Pháp tại Điều 595 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65-570 ngày 13/7/1965) thì người hưởng hoa lợi, lợi tức cũng có quyền cho người khác thuê tài sản, thậm chí có thể bán hoặc chuyển giao không có đền bù quyền hưởng hoa lợi, lợi tức của mình cho người khác.

Thứ tư, quyền hưởng dụng chấm dứt trong một số trường hợp giống nhau như: Thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết, người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản hưởng dụng, người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong một thời hạn nhất định… Trong một số trường hợp nhất định, quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt. BLDS của Việt Nam và BLDS Pháp có một số quy định tương đồng giữa nhóm quyền này.

Như vậy, về cơ bản, BLDS năm 2015 của Việt Nam và BLDS Pháp có những điểm tương đồng nhất định. Điểm tương đồng này xuất phát từ việc, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia theo hệ thống Civil Law (hệ thống lấy BLDS làm gốc trong lĩnh vực luật tư và hệ thống luật thành văn), luôn học hỏi kinh nghiệm từ các quy định trong BLDS Pháp (nòng cốt là BLDS Napoleon) – BLDS đầu tiên của hệ thống Civil Law. Đồng thời, quyền hưởng dụng là một vật quyền ra đời từ lâu, bắt nguồn từ Luật La Mã và đã được ghi nhận trong pháp luật nhiều nước.

Các quy định về quyền hưởng dụng cho thấy, thực tiễn cuộc sống đã phát sinh, duy trì các giao dịch cũng như ghi nhận sự thực hiện quyền hưởng dụng trong đời sống. Do đó, pháp luật các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Pháp phải ghi nhận, điều chỉnh quyền hưởng dụng như một sự tất yếu, một lẽ dĩ nhiên.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền hưởng dụng

Trên cơ sở nội dung phân tích nêu trên cho thấy, nhà làm luật cần cân nhắc các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần quy định chi tiết thực hiện quyền hưởng dụng trong một số trường hợp đặc biệt như tài sản tiêu hao, quyền sử dụng đất (đặc biệt để phân biệt với quyền bề mặt), vật quyền bảo đảm, quyền khai thác rừng… Cần có các quy định đảm bảo cho mục đích bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn đất, nguồn nước, nguồn khoáng sản tự nhiên, buộc các chủ thể khi thai thác (đặc biệt là khai thác cây cối) phải tuân thủ.

Thứ hai, cần quy định chi tiết các trường hợp chấm dứt quyền hưởng dụng, đặc biệt là trường hợp bên hưởng dụng sử dụng tài sản không đúng, không phù hợp làm cho tài sản bị hư hỏng, giảm sút giá trị. Trường hợp này cho phép chủ sở hữu có quyền yêu cầu chấm dứt quyền hưởng dụng hoặc chuyển thành thanh toán phần giá trị tương ứng với giá trị được phép hưởng dụng đối với tài sản.

Thứ ba,  BLDS Việt Nam cần phải xác định ranh giới đối tượng hưởng dụng, có nên cho phép vợ/chồng và con của người hưởng dụng cùng được phép hưởng dụng đối với tài sản hưởng dụng không. Thực tế, một cá nhân khi lập gia đình, gía trị hưởng dụng không chỉ phục vụ đời sống cho họ mà còn cho cả gia đình của họ nên việc cho phép cùng hưởng dụng là hoàn toàn hợp lý.

Thứ tư, BLDS Việt Nam nên ghi nhận cụ thể quyền của người có quyền tài sản đối với chủ sở hữu hoặc đối với người hưởng dụng được phép yêu cầu thanh toán như thế nào liên quan đến quyền hưởng dụng. Chủ nợ của chủ sở hữu tài sản vẫn có quyền yêu cầu xử lý tài sản đang là đối tượng hưởng dụng của một chủ thể khác nhưng chủ thể trở thành chủ sở hữu mới vẫn phải đảm bảo cho quyền hưởng dụng của người hưởng dụng. Tương tự, chủ nợ của người có quyền hưởng dụng có quyền yêu cầu được hưởng một phần trong giá trị tài sản hưởng dụng để bù đắp phần nghĩa vụ họ đang bị vi phạm.

Trên đây là một số đề xuất của tác giả trong việc hoàn thiện pháp luật khi thực hiện việc  đối chiếu giữa BLDS năm 2015 của Việt Nam với BLDS Pháp./.

[1] Bản dịch được tác giả sử dụng để viết bài viết là bản dịch của Nhà pháp luật Việt Nam thực hiện do NXB Tư pháp tiến hành in ấn, xuất bản vào năm 2005.

[2] Ông được biết đến là một luật sư, một người hoạt động chính trị có uy tín trong thời kỳ Cách mạng Pháp và một trong các tác giả của Bộ luật dân sự Napoleon. Ông sinh vào 18/10/1753, mất vào 8/3/1824.

[3] Bản dịch được tác giả sử dụng để viết bài viết là bản dịch của Nhà pháp luật Việt Nam thực hiện do NXB Tư pháp tiến hành in ấn, xuất bản vào năm 2005, trang 423.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon