Giải pháp thu hồi công nợ của doanh nghiệp

LUẬT DƯƠNG GIA THỐNG LĨNH - TIÊN PHONG

Thu hồi công nợ luôn là một trong những thách thức lớn đối với mọi doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đầy biến động hiện nay. Công nợ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền, mà còn tác động đến khả năng duy trì hoạt động và mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để xử lý công nợ một cách hiệu quả, vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, vừa giữ được mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng?

Qua bài viết này, Luật Dương Gia sẽ làm rõ vấn đề này cũng như đưa ra những giải pháp thu hồi công nợ có hiệu quả cao dựa trên kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và kiến thức chuyên môn để quý doanh nghiệp tham khảo, cân nhắc thực hiện.

1. Khái niệm thu hồi công nợ

Mặc dù pháp luật hiện hành không có bất kỳ định nghĩa hay khái niệm chính thức nào về việc thu hồi công nợ, nhưng dựa trên tình hình thực tế cũng như những quy định pháp luật liên quan, có thể hiểu rằng: “Thu hồi công nợ là quá trình mà chủ nợ thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm yêu cầu khách nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác mà họ đang nợ.”

Việc này diễn ra khi khoản nợ đến hạn hoặc đã quá hạn thanh toán, dựa trên các thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng giữa chủ nợ và khách nợ. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, việc thu hồi công nợ có thể căn cứ theo các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ nợ.

2. Ý nghĩa của việc thu hồi công nợ

2.1. Đảm bảo sự lành mạnh và an toàn về tài chính

– Việc thu hồi nợ giúp duy trì dòng tiền ổn định cho cá nhân và doanh nghiệp. Khi nợ được thanh toán, các chủ thể có thể duy trì được khả năng chi trả các chi phí hoạt động, đầu tư vào các hoạt động phát triển và giảm thiểu rủi ro tài chính.

– Đối với doanh nghiệp, nếu không thu hồi được nợ, họ có thể gặp khó khăn trong việc trả lương, trả nợ vay hoặc tái đầu tư, dẫn đến tình trạng mất cân đối tài chính, thậm chí có thể dẫn đến phá sản.

2.2. Đảm bảo lợi nhuận

– Một trong những mục tiêu chính của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận, và việc thu hồi nợ là yếu tố quan trọng để đạt được điều này. Khi các khoản nợ được thu hồi đầy đủ, doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn tài chính để tái đầu tư vào sản xuất, mở rộng quy mô, hoặc cải thiện dịch vụ, qua đó gia tăng lợi nhuận.

– Thu hồi nợ kịp thời giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh và không bị gián đoạn, từ đó duy trì được lợi nhuận bền vững.

2.3. Giúp vận hành bộ máy hoạt động hiệu quả

– Khi các khoản nợ được thu hồi nhanh chóng và đầy đủ, doanh nghiệp có thể tập trung vào các mục tiêu chiến lược, giảm thiểu căng thẳng tài chính, và tránh việc phải giảm bớt các hoạt động sản xuất hoặc cắt giảm nhân sự.

– Quy trình thu hồi nợ hiệu quả cũng giúp cải thiện sự quản lý tài chính trong tổ chức, tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh và có thể thúc đẩy sự phát triển lâu dài.

– Đặc biệt, việc thu hồi nợ có thể giúp củng cố mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, vì những khách hàng thực hiện thanh toán đầy đủ và đúng hạn sẽ có cơ hội tiếp tục hợp tác trong tương lai.

3. Các giải pháp thu hồi công nợ

Tại Việt Nam, các hình thức thu hồi nợ được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Theo đó, có thể phân chia các hình thức thu hồi nợ thành hai nhóm chính là:

3.1.Hình thức thu hồi nợ không sử dụng biện pháp cưỡng chế

Thu hồi nợ không sử dụng biện pháp cưỡng chế là phương thức đòi nợ mà không áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, ép buộc hay hành động pháp lý nhằm gây áp lực lên con nợ. Thay vào đó, các hình thức này chủ yếu dựa vào thỏa thuận, sự hợp tác và các phương pháp thương thảo, mang lại giải pháp đôi bên cùng có lợi.

– Thương lượng: Đây là hình thức thu hồi nợ phổ biến nhất, trong đó chủ nợ và khách nợ trực tiếp trao đổi, thỏa thuận để khách nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ và tìm cách giải quyết. Đôi khi, các bên có thể đồng ý gia hạn thời gian thanh toán hoặc thỏa thuận một kế hoạch trả nợ theo từng đợt.

– Hòa giải: Đây là hình thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và có thể nhờ sự can thiệp của một bên trung gian (có thể là một luật sư, tổ chức tài chính, hoặc người hòa giải) để đạt được một thỏa thuận hợp lý về việc thanh toán nợ mà không cần phải sử dụng đến các biện pháp cưỡng chế.

– Giải quyết tại Trọng tài thương mại: Đây là hình thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được trọng tài viên giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.

Đây là một phương thức tiếp cận linh hoạt và ít tạo căng thẳng, giúp bảo vệ lợi ích của cả bên chủ nợ và con nợ, đồng thời duy trì các mối quan hệ lâu dài

3.2. Hình thức thu hồi nợ sử dụng biện pháp cưỡng chế

Sau khi đã thực hiện các biện pháp đàm phán và xem xét tính khả thi của vụ việc, Doanh nghiệp có thể cân nhắc quyết định tiến hành biện pháp quyết liệt hơn là khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền hoặc trung tâm trọng tài.

Theo đó, để giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trung tâm vụ việc cần đồng thời đáp ứng được 03 yếu tố sau: (i) giữa các bên có tồn tại khoản nợ và Bên nợ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán đã thỏa thuận dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của Doanh nghiệp bị xâm phạm; (ii) Tòa án hoặc trung tâm trọng tài thụ lý giải quyết vụ việc có đúng thẩm quyền theo như quy định pháp luật Việt Nam; (iii) Các bên phải thực hiện đầy đủ các bước tiền tố tụng như hòa giải, thương lượng, thông báo trong trường hợp hợp đồng hoặc pháp luật có quy định trước khi tiến hành khởi kiện.

Trên cơ sở đó, các hình thức có sử dụng cưỡng chế đều được pháp luật quy định rõ ràng và cụ thể, và sẽ áp dụng khi các phương thức thu hồi nợ hòa giải không thành, cụ thể như sau:

– Kiện ra Tòa án: Đây là hình thức thu hồi nợ bắt buộc, trong đó chủ nợ yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp và buộc khách nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ. Nếu bên nợ không thực hiện nghĩa vụ, Tòa án sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác như kê biên tài sản, khấu trừ thu nhập.

– Tịch thu tài sản: Đây là biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, theo đó tài sản của khách nợ bị kê biên, bán đấu giá để thanh toán cho chủ nợ.

– Khấu trừ tài sản: Đây là biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, theo đó chủ nợ được phép khấu trừ một phần tài sản của khách nợ để thanh toán cho khoản nợ.

– Cưỡng chế thi hành án: Đây là biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, theo đó cơ quan thi hành án dân sự sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực để buộc khách nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ.

Từ những phân tích trên, có rất nhiều giải pháp để thu hồi công nợ, nhưng để các giải pháp này thực sự hiệu quả, doanh nghiệp cần có một hệ thống quản lý công nợ rõ ràng, linh hoạt và luôn theo dõi sát sao tình hình tài chính. Thực hiện các biện pháp trên sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì sự phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến những giải pháp để tiến hành thu hồi công nợ. Trong trường bạn cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon