Hợp nhất, sáp nhập pháp nhân

hop-nhat-sap-nhap-phap-nhan

Trong bối cảnh kinh doanh đa dạng và phức tạp ngày nay, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với các quyết định quan trọng về cơ cấu tổ chức. Trong số những quyết định này, việc hợp nhất và sáp nhập pháp nhân nổi lên như một phương thức quản lý và phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng và đòi hỏi sự hiểu biết sâu về quy trình, pháp lý và tài chính. Trong bài viết này, Luật Dương Gia sẽ giúp bạn phân biệt rõ ràng về hợp nhất pháp nhân và sáp nhập pháp nhân.

Căn cứ pháp lý:

1. Pháp nhân là gì?

Pháp nhân là một tổ chức hợp pháp hoặc được pháp luật thừa nhận khi đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật quy định. Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Như vậy, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi thoả mãn 4 điều kiện sau đây:

– Được thành lập theo quy định của bộ luật dân sự hoặc là luật khác có liên quan.

– Phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ: Pháp nhân phải có cơ quan điều hành bao gồm các bộ phận, phòng ban được phân chia cụ thể, phân công chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ phận, phòng ban được quy định rõ ràng trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập.

– Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó: Pháp nhân phải sở hữu một lượng tài sản nhất định để sử dụng trong các giao dịch và hoàn toàn chịu trách nhiệm với các tài sản đó.

– Nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Khái niệm hợp nhất, sáp nhập pháp nhân

2.1. Hợp nhất pháp nhân

Hợp nhất (Merger): Hợp nhất là một giao dịch trong đó hai hoặc nhiều công ty độc lập quyết định hợp lại thành một công ty duy nhất. Các công ty ban đầu thường sẽ dừng hoạt động và thụ động chấp nhận trở thành một phần của công ty mới hình thành từ quá trình hợp nhất.

Theo Điều 88 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp nhất pháp nhân như sau:

– Các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới.

– Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.

Theo đó, hợp nhất pháp nhân là quá trình mà các pháp nhân hiện hành quyết định hợp nhất lại để tạo ra một pháp nhân mới. Điều này có thể xảy ra với các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận hoặc bất kỳ đơn vị pháp nhân nào khác. Mục tiêu của việc hợp nhất thường là tạo ra một đơn vị mạnh mẽ hơn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường hoặc tận dụng hiệu quả hơn các tài nguyên và nguồn lực.

Trình tự thủ tục hợp nhất doanh nghiệp:

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020

Bước 1: Công ty bị hợp nhất chuẩn bị hợp đồng hợp nhất, dự thảo, điều lệ công ty hợp nhất

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020, hợp đồng hợp nhất phải gồm các nội dung chủ yếu sau:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị hợp nhất
  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty hợp nhất
  • Thủ tục và điều kiện hợp nhất
  • Phương án sử dụng lao động
  • Thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị hợp nhất thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty hợp nhất
  • Thời hạn thực hiện hợp nhất.

Bước 2: Bầu và bổ nhiệm các chức danh

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty bị hợp nhất thông qua hợp đồng hợp nhất. Điều lệ công ty hợp nhất, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp nhất.

Bước 3: Đăng ký thành lập doanh nghiệp mới

Tiến hành đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp nhất theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, quy định cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp. Theo khoản 3 Điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:

Trường hợp hợp nhất một số công ty thành một công ty mới, ngoài giấy tờ quy định tại các Điều 22, 23 và 24 Nghị định này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp nhất phải có các giấy tờ sau đây:

– Hợp đồng hợp nhất theo quy định tại Điều 200 Luật Doanh nghiệp;

– Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng hợp nhất công ty của các công ty bị hợp nhất và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng hợp nhất để thành lập công ty mới.

2.2. Sáp nhập pháp nhân

– Sáp nhập pháp nhân là kết hợp hai hay nhiều tổ chức có tư cách pháp nhân thành một tổ chức duy nhất. Ở góc độ pháp luật tài sản, sáp nhập pháp nhân có thể được định nghĩa như là việc chuyển giao toàn bộ sản nghiệp (bao gồm tài sản có và tài sản nợ) của một pháp nhân cho một pháp nhân khác, do hiệu lực của một vụ giải thể mà không thanh lí tài sản.

– Sau khi sáp nhập thì công ty nhận sáp nhập giữ nguyên và chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

– Tương tự với hợp nhất thì trong trường hợp này công ty nhận sáp nhập được nhận toàn bộ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của các công ty bị sáp nhập chuyển sang. Theo đó công ty sáp nhập cũng phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, về hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp bị sáp nhập.

– Doanh nghiệp bị sáp nhập chấp dứt tồn tại kể từ thời điểm hoàn tất thủ thục đăng kí, thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp.

Trình tự thủ tục sáp nhập:

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020

Bước 1: Chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải gồm các nội dung chủ yếu sau:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập;
  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập;
  • Thủ tục và điều kiện sáp nhập;
  • Phương án sử dụng lao động;
  • Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập;
  • Thời hạn thực hiện sáp nhập;

Bước 2: Tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020

Tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định của Luật Doanh nghiệp thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.

Bước 3: Nhận kết quả

Sau khi hoàn tất nộp hồ sơ, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.

2.3. Lợi ích của việc hợp nhất và sáp nhập pháp nhân

Hợp nhất và sáp nhập pháp nhân là quá trình kết hợp hai hoặc nhiều công ty hoặc tổ chức kinh doanh thành một pháp nhân mới hoặc tiến hành sáp nhập một pháp nhân vào một pháp nhân khác. Quá trình này có thể mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức và doanh nghiệp, tùy thuộc vào mục tiêu và kế hoạch của họ.

Đối với doanh nghiệp nhận hợp nhất, sáp nhập:

  • Hưởng lợi từ nguồn vốn, lao động, dây chuyền sản xuất từ doanh nghiệp bị sáp nhập.
  • Giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí nhân công.
  • Trong quá trình hội nhập kinh tế, việc sáp nhập sẽ hình thành nên những doanh nghiệp phát triển bền vững với quy mô rộng lớn. Từ đó mở rộng mạng lưới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và có thêm nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Đối với doanh nghiệp bị hợp nhất, sáp nhập:

  • Hạn chế rủi ro và những thiệt hại không đáng có.
  • Mở rộng chiến lược, quy mô kinh doanh.
  • Tăng vị thế trên thị trường.

3. Phân biệt hợp nhất và sáp nhập pháp nhân

3.1. Giống nhau

– Đều là các biện pháp tổ chức lại doanh nghiêp.

– Đều áp dụng cho công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh.

– Đều phải chuyển tất cả tài sản, nghĩa vụ tài sản cho công ty nhận sát nhập và công ty hợp nhất.

–  Về mặt thủ tục :

+ Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thông qua quyết định chia, tách công ty;

+ Gửi chủ nợ và thông báo đến người lao động (trong vòng 15 ngày) về việc chia, tách công ty;

+ Thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm mới thành viên điều hành; đăng ký kinh doanh công ty mới.

3.2. Khác nhau

Hợp nhất doanh nghiệp
Sáp nhập doanh nghiệp

Khái niệm

Khoản 1 điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020: “Hai hoặc một số công ty có thể hợp nhất thành một công ty mới đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất”. Công thức dễ hiểu đối với trường hợp này là: A + B = C

Khoản 1 điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020: “Một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”. Công thức đơn giản với trường hợp này là: A + B = B

Bản chất, hậu quả pháp lý

Tạo ra một công ty mới hoàn toàn so với hai công ty cũ

Vẫn giữ nguyên công ty cũ là công ty nhận sáp nhập và chấm dứt công ty bị sáp nhập

Thủ tục

Hiểu đơn giản hồ sơ hợp nhất bao gồm:
– Hồ sơ thành lập mới công ty C
– Hồ sơ giải thể công ty A
– Hồ sơ giải thể công ty B

Hiểu đơn giản hồ sơ sáp nhập gồm:
– Hồ sơ thay đổi công ty B
– Hồ sơ giải thể công ty A

Trách nhiệm pháp lý

Các công ty bị hợp nhất sẽ chuyển toàn bộ quyền và nghĩa vụ sang công ty mới là công ty hợp nhất. Công ty hợp nhất kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ này

Các công ty bị sáp nhập chuyển toàn bộ quyền và nghĩa vụ sang công ty nhận sáp nhập

Trên đây là nội dung liên quan đến Hợp nhất, sát nhập doanh nghiệp. Trường hợp có thắc mắc, vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 1900 6568 để được hỗ trợ và tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon