Căn cứ quyết định hình phạt đối với người phạm tội

can-cu-quyet-dinh-hinh-phat-doi-voi-nguoi-pham-toi

Quyết định hình phạt là công việc quan trọng trong hoạt động xét xử vụ án hình sự của tòa án. Quyết định hình phạt được hiểu là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội cụ thể.

Khi xét xử các trường hợp phạm tội cụ thể, trước tiên tòa án tiến hành định tội danh và định khung hình phạt đối với hành vi phạm tội. Hay nói cách khác, tòa án phải chỉ ra được người phạm tội đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội thỏa mãn các dấu hiệu được mô tả trong một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định ở điều luật nào trong BLHS, và thuộc trường hợp quy định ở khoản nào của điều luật đó.

Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích cụ thể các căn cứ quyết định hình phạt và các vấn đề pháp lý có liên quan.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

1. Căn cứ chung để quyết định hình phạt

Để có thể quyết định hình phạt một cách phù hợp và thống nhất, tòa án cần phải dựa vào những căn cứ chung nhất định ảnh hưởng đến loại và mức hình phạt cần được áp dụng. Theo quy định tại Điều 50 BLHS năm 2015, các căn cứ quyết định hình phạt bao gồm: Quy định của BLHS; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đây là những căn cứ chung, có tính chất bắt buộc trong mọi trường hợp đối với tòa án khi quyết định hình phạt. Các căn cứ này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng mỗi căn cứ đều có tính độc lập tương đối.

Ví dụ: A lẻn vào nhà B lấy một chiếc xe máy trị giá 22 triệu đồng. A phạm Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS năm 2015 và thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 173 với khng hình phạt quy định là “phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Tuy nhiên, khung hình phạt này chưa cho phép xác định loại và mức hình phạt cụ thể cần áp dụng mà chỉ là khoảng hình phạt mà tòa án có thể lựa chọn để áp dụng đối với người phạm tội với những giới hạn tối thiểu và tối đa nhất định. Vì vậy, công việc tiếp theo của tòa án là trên cơ sở khung hình phạt này, phải tiếp tục cân nhắc các tình tiết khác có liên quan của vụ án để xác định một loại và mức hình phạt cụ thể áp dụng đối với người phạm tội. Công việc này chính là quyết định hình phạt.

+ Khi quyết định hình phạt, trước hết tòa án phải dựa vào các quy định của BLHS. Nếu không coi các quy định của BLHS là một căn cứ để quyết định hình phạt thì có thể dẫn đến tình trạng tòa án quyết định hình phạt tùy tiện, đồng thời bị cáo có thể phải chịu một hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và như vậy, công bằng xã hội không thể đạt được. Các quy định của BLHS được nói ở đây được hiểu là tất cả những quy định phần chung và phần các tội phạm của BLHS có liên quan đến việc quyết định hình phạt, bao gồm: các quy định về nguyên tắc xử lý (Điều 3); các quy định liên quan đến hình phạt (từ Điều 30 đến Điều 45); các quy định về các biện pháp tư pháp (Điều 46 đến Điều 49); các quy định về căn cứ quyết định hình phạt (Điều 50); các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự (từ Điều 51 đến Điều 53); quy định về án treo (Điều 65); các khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung cho từng loại tội cụ thể.

+ Nếu dựa vào căn cứ thứ nhất, tòa án mới xác định được phạm vi hình phạt áp dụng cho người phạm tội thì dựa vào căn cứ thứ hai – tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tòa án có thể lựa chọn hình phạt cụ thể tuyên cho người phạm tội sao cho tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện trên thực tế. Có thể nói, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là căn cứ có ảnh hưởng quyết định đến loại và mức hình phạt cần được áp dụng đối với chủ thể. Để đánh giá được mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tòa cần phải dựa vào nhiều tình tiết khác nhau của vụ án như: Tính chất và mức độ hậu quả đã gây ra hoặc đe dọa gây ra; mức độ lỗi; tính chất của động cơ phạm tội; tính chất của hành vi phạm tội như phương pháp, thủ đoạn phạm tội, công cụ, phương tiện phạm tội; hoàn cảnh phạm tội…

2. Căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

+ Khi quyết định hình phạt, tòa án phải xác định loại và mức hình phạt cụ thể không chỉ tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà đòi hỏi phải phù hợp với những đặc điểm về nhân thân của người phạm tội để đảm bảo hình phạt đã tuyên đạt được mục đích trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội. Những đặc điểm về nhân thân này có thể bao gồm nhóm những tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tiền sự, tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp… Nhóm những tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục của người phạm tội như có thái độ ăn năn hối cải, tự thú, lập công chuộc tội… Nhóm những tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của họ. Đây là những người thuộc đối tượng của các chính sách lớn của Nhà nước như chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo hoặc người có hoàn cảnh đặc biệt như người phạm tội là người già, phụ nữ có thai…

+ Căn cứ cuối cùng tòa án cần dựa vào để quyết định hình phạt là các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 và Điều 52 BLHS năm 2015. BLHS cho phép xác định một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu tình tiết đó được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS hoặc có thể là tình tiết khác được tòa án xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để cân nhắc khi quyết định hình phạt. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể được sử dụng như: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; người phạm tội là phụ nữ có thai, người đủ 70 trở lên, người khuyết tật nặng…

Khác với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, BLHS quy định chỉ những tình tiết đã được nêu trong khoản 1 Điều 52 mới được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Các tình tiết đó có thể là: Phạm tội có tổ chức; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên…

Ngoài ra, khoản 2 Điều 50 BLHS cũng xác định thêm căn cứ bổ sung ngoài các căn cứ nêu tại khoản 1, khi quyết định hình phạt tiền đối với người phạm tội. Theo đó, khi lựa chọn hình phạt tiền và xác định mức phạt tiền áp dụng đối với người phạm tội, Tòa án còn phải căn cứ vào tình hình tài sản và khả năng thi hành của người phạm tội. Đây là các căn cứ đảm bảo cho hình phạt này được thi hành trên thực tế để đạt được mục đích củ hình phạt.

Trên đây là bài viết của Công ty luật TNHH Dương Gia về các căn cứ quyết định hình phạt đối với người phạm tội, trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ pháp lý, Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo hotline: 19006586.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon