Quyền con người nói chung và quyền con người trong tố tụng hình sự nói riêng là những quyền thiêng liêng nhất, được thừa nhận rộng rãi ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Quyền con người được coi là tài sản chung của nhân loại vì đây là kết quả quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của đại gia đình các dân tộc trên thế giới. Trong tố tụng hình sự, một lĩnh vực hoạt động nhà nước quan trọng, quyền con người dễ chịu sự tác động bởi các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Vì vậy, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự là nhiệm vụ quan trọng của mọi quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Một trong các quyền con người quan trọng được bảo đảm trong tố tụng hình sự là quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoat động tố tụng hình sự.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015;
– Công ước Quốc tế;
– Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
1. Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại là gì?
Như một lẽ tự nhiên, quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại và quyền nhận được sự bồi thường là quyền con người không thể thiếu trong quy định của pháp luật quốc tế cũng như của các quốc gia. Điều 9 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày16/12/1966 đã ghi nhận “Bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ đều có quyền yêu cầu được bồi thường”.
Khoản 6 Điều 14 Công ước này quy định cụ thể hơn đối tượng có quyền yêu cầu được bồi thường trong tố tụng hình sự “Khi một người bị kết án về một tội hình sự bởi một quyết định và sau đó bản án bị hủy bỏ hoặc nếu người đó lại được tuyên là vô tội trên cơ sở tình tiết mới hoặc phát hiện mới cho thấy rõ ràng có sự xét xử oan, thì người phải chịu hình phạt theo bản án trên, theo luật, có quyền yêu cầu được bồi thường, trừ trường hợp được chứng minh rằng việc sự thật không được làm sáng tỏ tại thời điểm đó hoàn toàn hoặc một phần do lỗi của người bị kết án gây ra”.
2. Phạm vi việc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại của người bị buộc tội oan
Để bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại của người bị oan trong tố tụng hình sự, trước hết cần phải xác định ai là người bị oan.
Trên phương diện pháp lý, nghiên cứu quy định của BLTTHS năm 2015 (Điều 3) và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Điều 18) có thể xác định người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm:
– Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
– Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
– Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;
– Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;
– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm….
3. Bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại của người bị oan trong tố tụng hình sự dưới góc độ lập pháp
Dưới góc độ lập pháp, bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại của người bị oan trong tố tụng hình sự dưới góc độ là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại của người bị oan trong tố tụng hình sự chính là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng hình sự năm BLTTHS 2015 đã quy định nguyên tắc “bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự” tại khoản 1 Điều 31. Theo quy định của nguyên tắc này, bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại của người bị oan trong tố tụng hình sự được quy định lồng ghép với việc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại của những người khác không bị oan nhưng bị thiệt hại bởi hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với nội dung cụ thể sau:
“Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra” ….
Trên phương diện lịch sử lập pháp, việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự đã được quy định và bảo đảm thực hiện từ khá lâu trong pháp luật nước ta. Trước khi có Luật bồi thường của Nhà nước năm 2017 quyền được bồi thường thiệt hại nói chung và bồi thường thiệt hại của người bị oan trong tố tụng nói riêng được bảo đảm theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật như:
Thứ nhất, Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Thứ hai, Nghị quyết 388/2003 NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 Về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có nhiều quy định mới tiến bộ và có tính khả thi hơn so với quy định của Nghị định số 47/1997.
Thứ ba, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ5 thông qua ngày 18/06/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010, thay thế Nghị quyết số 388/2003/NQ- UBTVQH11, Nghị định số 47/CP năm 1997 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Nội dung việc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại
Phần nội dung liên quan đến việc xác định thiệt hại được bồi thường bao gồm các quy định về những loại thiệt hại mà người bị thiệt hại được bồi thường như: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần
Hiện nay việc bồi thường thiệt hại, phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan trong tố tụng hình sự được bảo đảm theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thay thế cho Luật 2009, cụ thể:
Thứ nhất, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định cụ thể hơn phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thứ hai, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 xác định chính xác hơn diện chủ thể có trách nhiệm giải quyết bồi thường và phạm vi phải bồi thường so với quy định trước đâycụ thể như sau:
– Trách nhiệm giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 34 quy định 03 trường hợp).
– Trách nhiệm giải quyết bồi thường của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng hình (Điều 35 quy định 7 trường hợp).
– Trách nhiệm giải quyết bồi thường của Tòa án trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 36).
+ Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong 6 trường hợp (Điều 36)
– Tòa án cấp phúc thẩm là cơ quan giải quyết bồi thường trong 03 trường hợp
– Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong 03 trường hợp.
– Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong 03 trường hợp.
Thứ ba, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định cụ thể căn cứ yêu cầu và hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.
Về hồ sơ yêu cầu bồi thường, Luật quy định rất cụ thể đối với từng trường hợp cụ thể như trường hợp người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu hoặc yêu cầu bồi thường do người đại diện của người bị thiệt hại; nội dung văn bản yêu cầu bồi thường …
Về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định hợp lý hơn về thủ tục thụ lý yêu cầu bồi thường, thủ tục xác minh thiệt hại và thủ tục giải quyết yêu cầu cũng như việc kiện dân sự yêu cầu bồi thường trước tòa án trong trường hợp thỏa thuận không thành công.
5. Bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại của người bị oan trên phương diện thực hiện pháp luật về bồi thường thiệt hại và ý kiến đề xuất.
5.1. Thực tiễn
Theo Báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/5/2015, trong thời gian từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/9/2014, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ án với 338.379 bị can, làm oan 71 trường hợp (chiếm 0,02%). Trong đó, Cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội; 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm; Viện kiểm sát đình chỉ 09 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Trong 03 năm từ năm 2011 đến năm 2014, Cơ quan điều tra đã thụ lý 15 đơn yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 05 trường hợp với số tiền 452.578.000 đồng; 08 trường hợp đang giải quyết, 02 trường hợp không thuộc diện bồi thường. Viện kiểm sát các cấp thụ lý 78 đơn yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 69 đơn: bồi thường 62 trường hợp với số tiền 11.360.264.068 đồng (trong đó 58 trường hợp thương lượng thành, 04 trường hợp khởi kiện ra Tòa án).
Nhìn chung, việc giải quyết bồi thường cho người bị oan thường kết thúc bằng việc thương lượng, không nhiều trường hợp phải giải quyết bằng con đường kiện dân sự. Tuy nhiên, quá trình giải quyết việc bồi thường thiệt hại của người bị oan thường vượt quá thời hạn luật định và phải tiến hành thương lượng nhiều lần và nhiều khi diễn ra rất căng thẳng, các bên thường rất khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung.
Lý do mà các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đưa ra thường là đổ lỗi cho người yêu cầu bồi thường, chẳng hạn do người bị thiệt hại không cung cấp đầy đủ giấy tờ, chứng cứ để chứng minh thiệt hại hoặc do thời gian bị oan hay thời gian đi kêu oan kéo dài nên người bị thiệt hại không thể lưu giữ được đầy đủ các loại giấy tờ, tài liệu làm chứng cứ nhưng vẫn đưa ra yêu cầu quá cao về mức bồi thường, gây khó khăn cho việc xác minh, giải quyết…
5.2. Ý kiến đề xuất
Thực trạng đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân và để khắc phục các nguyên nhân này cần phải có những giải pháp cụ thể cả về lập pháp và tổ chức thực hiện.
– Thứ nhất, thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường chưa hợp lý dẫn đến tình trạng kéo dài việc giải quyết bồi thường.
Để khắc phục tình trạng này Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã có sự sửa đổi, bổ sung theo hướng rút ngắn quá trình này (từ Điều 41 đến Điều 51 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017).
– Thứ hai, quy định về các thiệt hại và mức thiệt hại được bồi thường trong luật hiện hành chưa được cụ thể, nên gây khó khăn cho việc xác minh, định giá, giám định thiệt hại.
Có quá nhiều tài liệu giấy tờ người bị oan phải cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Điều này cũng ít nhiều gây khó khăn cho người có yêu cầu bồi thường dẫn đến việc thương lượng kéo dài. Để khắc phục hạn chế này, trong Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (Luật năm 2017) đã quy định cụ thể về các thiệt hại được bồi thường, các mức bồi thường (từ Điều 23 đến Điều 30), căn cứ và thời hạn để tính thiệt hại, đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải quyết, tạo cơ hội cho việc giải quyết nhanh chóng.
– Thứ ba, thủ tục yêu cầu và giải quyết bồi thường quy định còn quá cứng nhắc, gây khó khăn cho người có yêu cầu bồi thường.
Việc nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường, xác minh thiệt hại, thủ tục thương lượng việc bồi thường là thủ tục bắt buộc dẫn đến tình trạng trong quá trình thương lượng người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường ít khi thống nhất được mức thiệt hại phải bồi thường và mức bồi thường cho các thiệt hại cụ thể, nên phải thương lượng nhiều lần.
Nên sửa đổi quy định về thủ tục yêu cầu và giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan do lỗi của Tòa án trong giai đoan xét xử ở nước ta theo hướng bỏ quy định bắt buộc phải có sự thương lượng trước giữa người bị oan với Tòa án đã xử oan và quy định người bị oan có quyền lựa chọn, quyết định khởi kiện ra tòa án ngay sau khi có phán quyết của Tòa án xác định mình bị oan hoặc yêu cầu thương lượng trước với cơ quan đã làm oan.
– Thứ tư, quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại nói chung và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự nói riêng chưa thật hợp lý.
Cụ thể, quy định hiện hành vẫn sẽ dẫn đến tình trạng tòa án đã làm oan chính là Tòa án xét xử vụ kiện dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan hoặc trong một số trường hợp nhất định Tòa án cấp dưới (tòa án nhân dân cấp tỉnh) vẫn là Tòa án xét xử vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường đối với Tòa án cấp trên. Cần sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự tại Điều 53 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng đối với vụ kiện dân sự yêu cầu bồi thường do tòa án làm oan thì tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án đã xác định hoặc đã ra phán quyết về sự vô tội của họ hoặc một Tòa án trung lập nào đó giải quyết.
– Thứ năm, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về chế tài xử lý các hành vi không tích cực giải quyết bồi thường hoặc không hợp tác với cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường…
Thực tiễn cho thấy nhiều cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường, có thái độ dây dưa, cố tình kéo dài thời hạn giải quyết, đưa ra những yêu cầu vô lý với người yêu cầu bồi thường nhưng không hề bị nhắc nhở, xử lý. Đây là những nguyên nhân cơ bản làm kéo dài thời gian giải quyết bồi thường, gây bức xúc cho dư luận. Nếu vẫn giữ nguyên quy định về trách nhiệm giải quyết bồi thường như hiện nay thì nên có quy định biện pháp xử lý trách nhiệm trong giải quyết bồi thường đối với các bên liên quan./.