Tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật Hình sự

toi-hiep-dam-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-hinh-su

Cùng với sự phát triển của xã hội và giao lưu văn hóa, sự phát triển không ngừng của Internet và mạng xã hội đã kéo theo mặt trái là sự xâm nhập của những văn hóa phẩm đồi trụy, là một trong những nguyên nhân gây gia tăng các tội phạm về tình dục, trong đó có tội hiếp dâm. Hành vi hiếp dâm của người phạm tội không chỉ gây tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nạn nhân mà còn gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của xã hội. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

– Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về các tội xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

1. Cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm

Bộ luật hình sự hiện hành quy định về tội hiếp dâm như sau:

Điều 141. Tội hiếp dâm

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

c) Nhiều người hiếp một người;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Có tính chất loạn luân;

g) Làm nạn nhân có thai;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm gồm:

* Mặt khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội hiếp dâm là quyền tự do về tình dục của con người, mà đối tượng tác động của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

* Mặt khách quan của tội phạm:

– Hành vi khách quan:

Người phạm tội thực hiện việc hiếp dâm có thể dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với nạn nhân trái với ý muốn của họ.

+ Hành vi dùng vũ lực:

Hành vi dùng vũ lực trong tội hiếp dâm cũng tương tự như hành vi dùng vũ lực ở một số tội phạm khác mà người phạm tội có dùng vũ lực, nhưng ở tội hiếp dâm, hành vi dùng vũ lực là nhằm giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với người bị tấn công, như: vật lộn, giữ chân tay, bịt mồm, bóp cổ, đánh đấm, trói,… Những hành vi này chủ yếu làm tê liệt sự kháng cự của người bị hại để người phạm tội thực hiện được việc giao cấu.

+ Hành vi đe dọa dùng vũ lực:

Đe dọa dùng vũ lực là hành vi của một người dùng lời nói hoặc hành động uy hiếp tinh thần của người khác như: dọa giết, dọa đánh, dọa bắn… làm cho người bị hại sợ hãi phải để cho người phạm tội giao cấu trái với ý muốn của mình. Điều luật không quy định đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, nên có thể hiểu hành vi đe dọa dùng vũ lực quy định ở đây bao gồm cả trường hợp đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và trường hợp đe dọa sẽ dùng vũ lực tương tự như trường hợp đe dọa dùng vũ lực đối với tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 BLHS năm 2015.

+ Hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân:

Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng nếu như bị người khác giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác thì không thể chống cự lại được. Tình trạng này, có thể do chính người phạm tội tạo ra cho nạn nhân để thực hiện việc giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân như nạn nhân bị chuốc thuốc mê,… Hoặc trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng không thể tự vệ được do những lý do khách quan khác, không do người phạm tội gây ra cho nan nhân, nhưng người phạm tội đã lợi dụng tình trạng đó để giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ. Hành vi dùng thủ đoạn khác.

+ Thủ đoạn khác:

Thủ đoạn khác là những thủ đoạn ngoài những hành vi đã được quy định trong cấu thành (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân). Những thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện hoặc lợi dụng phải là những thủ đoạn nhằm đưa người bị hại lâm vào tình trạng không còn khả năng làm chủ bản thân để người phạm tội giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác trái ý muốn của họ, như: cho uống thuốc kích dục hoặc lợi dụng sự kém hiểu biết của nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.

– Việc giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác phải trái với ý muốn của nạn nhân:

Để xác định việc giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác có trái với ý muốn của người bị hại hay không, ngoài lời khai của người bị hại, còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: mối quan hệ giữa hai người, thủ đoạn thực hiện tội phạm, hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra việc giao cấu, nhân thân của cả hai người,… Chỉ khi nào chứng minh việc giao cấu đó là trái với ý muốn của người bị hại, thì người có hành vi giao cấu mới bị coi là phạm tội hiếp dâm.

Dấu hiệu trái với ý muốn của người bị hại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hiếp dâm, nhưng dấu hiệu này chỉ có ý nghĩa đối với trường hợp người bị hại từ đủ 13 tuổi trở lên, còn đối với trường hợp người bị hại chưa đủ 13 tuổi thì dù có trái ý muốn hay không, người có hành vi giao cấu với họ đều là phạm tội hiếp dâm và người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 142 (xem tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi).

– Hành vi giao cấu:

Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về các tội xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự nêu định nghĩa giao cấu như sau:

“1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.”

Theo quy định trên thì giao cấu được hiểu là một người chủ động dùng bộ phận sinh dục của mình tiếp xúc với các bộ phận khác trên cơ thể của đối phương, bất kể là đồng giới hay khác giới. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.

– Hành vi quan hệ tình dục khác đối với nạn nhân:

Hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

+ Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;

+ Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết hành vi của mình là trái pháp luật, trái ý muốn của nạn nhân những vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.

* Mặt chủ thể của tội phạm:

Người phạm tội là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 BLHS năm 2015.

Người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Đối với tội phạm hiếp dâm quy định tại Khoản 2, 3,4 Điều 141 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Một số tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2, 3 Điều 141 BLHS năm 2015

– Có tổ chức: Phạm tội có tổ chức bao gồm nhiều người cùng tham gia, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Đối với tội hiếp dâm có tổ chức, có thể tất cả những người tham gia đều là người thực hành (đều có hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với nạn nhân), nhưng cũng có trường hợp có người không giao cấu với người bị hại mà vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.

– Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh: Trong trường hợp này, người phạm tội là người có trách nhiệm với người bị hại, xuất phát từ quan hệ huyết thống như bố mẹ với con cái, quan hệ giáo dục như thầy giáo đối với học sinh, quan hệ chữa bệnh như bác sĩ đối với bệnh nhân,… Chỉ khi người phạm tội lợi dụng sự chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh để hiếp dâm người được chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì mới thuộc trường hợp phạm tội này.

– Phạm tội 02 lần trở lên: là trường hợp 01 người hiếp 01 người từ 02 lần trở lên và mỗi lần hiếp dâm đều có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

– Có tính chất loạn luân: Tính chất loạn luân được thể hiện ở chỗ giữa người phạm tội với người bị hại có cùng dòng máu về trực hệ: bố mẹ với con cái, ông bà với các cháu, giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

– Làm nạn nhân có thai: Hiếp dâm làm nạn nhân có thai là do hành vi hiếp dâm của người phạm tội mà nạn nhân có thai, tức cái thai của nạn nhân là kết quả của việc giao cấu giữa người phạm tội với nạn nhân. Nếu nạn nhân tuy có bị hiếp dâm nhưng việc nạn nhân có thai lại là kết quả của việc giao cấu giữa nạn nhân với người khác thì người phạm tội hiếp dâm không phải chịu tình tiết “làm nạn nhân có thai”.

– Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội: Nếu có căn cứ cho răng người phạm tội biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm thì mới áp dụng tình tiết này, nếu người phạm tội bị nhiễm HIV nhưng không biết mình bị nhiễm thì không áp dụng tình tiết này. Đồng thời, để áp dụng tình tiết này, chỉ cần người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm là thuộc trường hợp phạm tội này, không cần phải xác định là người bị hại có bị nhiễm hay không.

– Làm nạn nhân chết hoặc tự sát:

Làm nạn nhân chết: Đây là trường hợp nạn nhân do bị hiếp dâm mà chết, nếu nạn nhân chết không phải do bị hiếp dâm mà do nguyên nhân khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm và tội phạm tương ứng với hành vi làm nạn nhân bị chết.

Làm nạn nhân tự sát: nếu nạn nhân vì bị hiếp dâm mà tự sát thì người đã hiếp dâm nạn nhân sẽ phạm tội thuộc trường hợp “làm nạn nhân tự sát”. Chỉ cần xác định nạn nhân bị hiếp dâm có hành vi tự sát, nạn nhân có bị chết hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định tình tiết phạm tội này.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội hiếp dâm. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon