Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường và việc cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như ngoài nước trong bối cảnh nền kinh tế có xu hướng toàn cầu hóa… là những dấu hiệu để hoạt động sáp nhập doanh nghiệp phát triển và tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí… Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập cũng xảy ra những hệ lụy không đáng có và có trường hợp lợi dụng để trục lợi. Vậy pháp luật quy định Tội lập quỹ trái phép như thế nào, cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua nội dung sau đây.
Căn cứ pháp lý:
1. Tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ luật Hình sự 2015
Tội lập quỹ trái phép hiện nay được quy định tại Điều 205 của Bộ luật hình sự năm 2015. Tội lập quỹ trái phép là một trong những tội thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là những hành vi nguy hiểm cho xã hội và xâm phạm đến nền kinh tế quốc dân, những hành vi phạm tội này gây ra tác hại cho lợi ích của nhà nước và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của công dân thông qua việc thực hiện những hành vi vi phạm quy định của nhà nước trong lĩnh vực quản lý kinh tế.
Lập quỹ trái phép là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã dụng chức vụ, quyền hạn để lập quỹ trái với quy định của Nhà nước và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Lập quỹ trái phép là một trong những tội phạm mang tính chất khá phức tạp và đang xảy ra rất phổ biến, để có thể hạn chế tội phạm này cần có sự hiểu biết cụ thể và nhìn nhận tội phạm một cách chính xác.
2. Cấu thành tội phạm của Tội lập quỹ trái phép
Theo quy định tại Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái quy định của pháp luật và đã sử dụng quỹ đó gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát;
b) Để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác;
c) Gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2.1. Khách thể
Khách thể của tội phạm Xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước về lập ra các loại quỹ. Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền hoặc tài sản mà người phạm tội dùng vào việc lập quỹ trái phép.
2.2. Chủ thể
Đây là chủ thể đặc biệt. Tội phạm này chỉ áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-chính trị và các tổ chức khác, không áp dụng đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc các tổ chức có tính chất tư nhân khác.
Ngoài ra, chủ thể của tội phạm này phải đáp ứng đủ điều kiện từ đủ 16 tuổi và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện nay phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm (trong đó có tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015).
Như vậy chủ thể của tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015 phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015.
2.3. Mặt khách quan
Hành vi được quy định là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hại lập quỹ trái phép. Trong đó, quỹ trái phép được hiểu là quỹ tiền mặt hoặc quỹ các loại hành hóa khác được lập mà không có sự báo cáo và do đó không chịu sự kiểm soát của cơ quan có chức năng hoặc cơ quan cấp trên có thẩm quyền. Việc lập quỹ trái phép bị coi là tội phạm khi quỹ có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tuy chưa sử dụng nhưng người lập quỹ đã bị xử lí kỉ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm (tiếp tục phát triển quỹ hoặc không giải tán quỹ trái phép).
2.4. Mặt chủ quan
Lỗi của người phạm tội lập quỹ trái phép là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép, biết rõ hành vi sử dụng quỹ đó là gây hậu quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lập quỹ trái phép thường vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
3. Hình phạt đối với tội lập quỹ trái phép
Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015 quy định 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung, cụ thể như sau:
Thứ nhất, khung hình phạt cơ bản có mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Thứ hai, khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát;
– Để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác;
– Gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 200 triệu đồng đến dưới 01 tỉ đồng.
Thứ ba, khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm được quy định cho trường hợp gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước từ 01 tỉ đồng trở lên.
Thứ tư, khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Trên đây là nội dung của Tội lập quỹ trái phép, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 0931.548.999 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.