Gia đình được xây dựng trên nền tảng hôn nhân hạnh phúc. Một mối quan hệ hôn nhân bền vững có thể tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội, cho nét văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, không phải quan hệ vợ chồng nào cũng có thể lâu dài và hạnh phúc. Hiện nay, thông tin về những vụ việc ngoại tình rất nhiều, kèm theo đó là những hậu quả khôn lường ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của các chủ thể. Nhận thấy được vấn đề này, bài viết này sẽ phân tích về nội dung ngoại tình là gì và ngoại tình sẽ bị xử lý thế nào.
Căn cứ pháp lý
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
- Nghị định 82/2020/NĐ-CP
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
1. Ngoại tình là gì?
Ngoại tình là một hiện tượng xã hội phổ biến và được cho là hành vi trái đạo đức xã hội. Nếu tra cứu từ khoá “ngoại tình” trên thanh tìm kiếm, chưa đầy 1 phút sẽ xuất hiện hàng loạt gợi ý thông tin về cụm từ này. Hiểu một cách đơn giản, ngoại tình là một quan hệ bên ngoài một mối quan hệ tình cảm nào đó. Nhưng theo pháp luật học, ngoại tình là hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, đã kết hôn nhưng có hành vi quan hệ lén lút với người khác, thậm chí là chung sống như vợ chồng với người khác. Các hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng thuộc một trong các trường hợp sau:
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.
– Người chưa có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.
Trong đó, hành vi chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…
Thực tế trong tình yêu hay là trong hôn nhân ngoại tình xuất hiện đều không là điều tốt đẹp, và nó là nguyên nhân trực tiếp và rõ ràng cho sự rạn nứt, đổ vỡ mối quan hệ tình cảm của những đôi đang yêu nhau hoặc cuộc sống hôn nhân. Song không phải trường hợp ngoại tình nào cũng được pháp luật điều chỉnh. Trong mối quan hệ tình yêu nam nữ đơn thuần, chưa xác lập về mặt pháp lý thì hành vi ngoại tình của một trong hai bên sẽ không được pháp luật điều chỉnh.
Còn đối với hành vi ngoại tình trong quan hệ hôn nhân đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ thì hành vi này được điều chỉnh nhằm đảm bảo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, đối với người có hành vi ngoại tình “lén lút” (không kết hôn, không tổ chức chung sống như vợ chồng) thì pháp luật chưa có chế tài xử lý. Hiện nay pháp luật chỉ có các chế tài đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
2. Ngoại tình bị xử lý như thế nào?
Thuật ngữ “ngoại tình” được dùng để diễn tả chung nhất nhưng về mặt pháp lý, chỉ hành vi “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” mới là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi ngoại tình. Cụ thể:
– Xử phạt hành chính: Người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 59 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
Như vậy, mức xử phạt của người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng (ngoại tình) là từ 03 đến 05 triệu đồng. Để xử phạt vi phạm hành chính, người có hành vi ngoại tình phải ở mức độ “kết hôn với người khác” hoặc “chung sống như vợ chồng với người khác“. Nếu người ngoại tình chỉ ở mức có tình cảm yêu đương nam nữ hoặc có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân thì không thể xử phạt.
– Trách nhiệm hình sự: Hành vi ngoại tình sẽ bị xử lý hình sự nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 182 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Thứ nhất, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Thứ hai, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Tuy nhiên, hành vi ngoại tình phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn hoặc làm cho vợ, chồng, con tự sát và phải có mối quan hệ mật thiết giữa nguyên nhân và hậu quả. Nếu một người có hành vi ngoại tình dẫn đến ly hôn, nhưng trước đó cuộc hôn nhân của người này vốn đã không hạnh phúc và có nguy cơ tan vỡ thì không bị xử lý hình sự.
Để chứng minh cho các hành vi trên phải có bằng chứng. Bằng chứng ngoại tình có thể là hình ảnh, tin nhắn, băng ghi âm, ghi hình,….. thể hiện việc một bên có tình cảm, tình dục với người khác. Những bằng chứng này phải được thu thập hợp pháp, khách quan, đúng sự thật và được Tòa án công nhận. Trong trường hợp ngoại tình có con riêng thì có thể yêu cầu Tòa án giám định ADN của người con riêng, việc giám định với mục đích chứng minh đứa trẻ không phải là con chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân mà chỉ là con của vợ/chồng với một người khác.
3. Cán bộ, công chức, viên chức ngoại tình bị xử lý thế nào?
Tuỳ vào mức độ, tính chất vi phạm mà cán bộ công chức khi vi phạm các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, cụ thể là ngoại tình sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP bằng các hình thức:
– Hình thức kỷ luật khiển trách: áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng. Tại điểm a khoản 2 Điều 6 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
– Hình thức kỷ luật cảnh cáo: đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách mà tái phạm hoặc khi vi phạm lần đầu mà gây hậu quả nghiêm trọng. Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
– Hình thức kỷ luật hạ một bậc lương đối với công chức, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà còn tái phạm hoặc có hành vi, vi phạm lần đầu mà gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
– Hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ( áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà đã bị xử phạt bằng hình thức cảnh cáo mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng.Vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn gây tác động lớn đến toàn xã hội gây bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức.
– Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà đã bị xử phạt bằng hình thức giáng chức mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng mà chưa đến mức bị buộc thôi việc.
– Hình thức kỷ luật buộc thôi việc: áp dụng đối với công chức có hành vi, vi phạm đã bị xử lý kỷ luật cách chức hoặc hạ một bậc lương mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Như vậy, một cán bộ, công chức, viên chức ngoại tình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có tình chất, mức độ tác hại đặc biệt lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của cán bộ công chức, viên chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác thì có thể bị đuổi việc.
4. Bản án liên quan đến “ngoại tình”
Bản án số 26/2018/HS-ST
Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn
Cấp xét xử: Sơ thẩm
Về tội: Vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Sau khi kết hôn và sinh con, Đ thường đi làm ăn xa nên không có thời gian quan tâm, chăm sóc vợ con nên xảy ra mâu thuẫn, chị T bỏ về nhà mẹ đẻ sinh sống. Trong khoảng thời gian T về mẹ, Đ quen biết với S, sau một thời gian tự nguyện giúp đỡ Đ, giữa Đ và S nảy sinh tình cảm. S chuyển đến chung sống như vợ chồng với Đ và có một con chung. Vì Đ chưa ly hôn với chị T nhưng có hành vi sống chung như vợ chồng với người khác nên Đ và S bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, sau đó 2 người vẫn tiếp tục chung sống. Biết được điều này, chị T đã có đơn tố cáo mối quan hệ của Đ và S, đề nghị cơ quan chức năng xử lý.
Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm: tuyên bị cáo Đ và S phạm tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Xử phạt bị cáo Đ và bị cáo S mỗi người 06 tháng cải tạo không giam giữ,
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về ngoại tình và chế tài đối với hành vi ngoại tình. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.