Phân tích tập quán về hôn nhân và gia đình

phan-tich-tap-quan-ve-hon-nhan-va-gia-dinh

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với các tập quán đa dạng, phong phú. Nhà nước và xã hội tôn trọng những tập quán tốt đẹp và áp dụng trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Bên cạnh những tập quán tốt đẹp về hôn nhân gia đình thì thực tế vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu gây cản trở cho việc thực thi các nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình. Bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ tập quán về hôn nhân và gia đình để làm rõ nguyên tắc áp dụng tập quán này trong giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gì đình năm 2014;

– Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình.

1. Tập quán là gì? Tập quán hôn nhân gia đình là gì?

– Tập quán là quy tắc xử sự chung, được các chủ thể thừa nhận ở mức độ cao hơn, vượt ra khỏi giới hạn của địa phương, dân tộc trở thành quy tắc xử sự chung và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng. Được Nhà nước thừa nhận và đảm bảo thực hiện. Tập quán được nâng lên thành tập quán pháp và trở thành nguồn của pháp luật.

– Khoản 4 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã giải thích thuật ngữ tập quán về hôn nhân và gia đình:

“Tập quản về hôn nhân và gia đình là những quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng”.

2. Đặc điểm tập quán về hôn nhân và gia đình

– Là những quy tắc xử sự chung tồn tại trong đời sống xã hội được Nhà nước thừa nhận, để điều chỉnh các quan hệ xã hội về hôn nhân và gia đình mà pháp luật không có quy định hoặc các bên không có thỏa thuận.

Trong bất cứ xã hội nào, để xã hội tồn tại và phát triển thì các quan hệ xã hội giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội nói chung và trong quan hệ hôn nhân và gia đình nói riêng phải tuân theo các quy tắc chung nhất định. Khi có sự việc hay tranh chấp xảy ra mà pháp luật không có quy định, các bên không có thỏa thuận thì áp dụng tập quán để giải quyết.

– Tính tự giác, tự nguyện thực hiện tập quán về hôn nhân và gia đình rất cao.

Tập quán là những quy tắc xử sự chung tồn tại trong đời sống xã hội được mọi người thừa nhận, nó trở thành chuẩn mực để mọi người tự giác nơi theo. Tập quán chỉ là những quy tắc chung quy định về những vấn đề không mang tính cưỡng chế, bắt buộc không kèm theo chế tài xử phạt như quy định của pháp luật hiện hành nhưng được tất cả mọi người tự giác thực hiện theo. Hơn nữa, tập quán về HN&GĐ là những nghi thức, lễ nghi, quy định xuất phát từ đời sống sinh hoạt của chính họ nên họ dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện theo. Trong khi đó pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo mục tiêu và định hướng cụ thể. Những quy tắc xử sự này có nhiều câu chữ, nhiều điều khoản, dẫn đến người dân khó hiểu, khó nhớ, khó áp dụng.

– Tập quán về hôn nhân và gia đình có mối quan hệ gắn bó mật thiết với pháp luật.

Pháp luật có ba nguồn cơ bản là tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản quy phạm pháp luật. Tập quán cũng là một bộ phận hình thành nên pháp luật, nên giữa pháp luật và tập quán có mối quan hệ mật thiết với nhau. Pháp luật ghi nhận, bảo vệ, phát triển những tập quán tốt đẹp, tiến bộ và phù hợp với truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc. Trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận thì áp dụng tập quán tốt đẹp của địa phương để giải quyết tranh chấp phát sinh. Việc áp dụng tập quán địa phương trong trường hợp này là thấu tình, đạt lý, lấp được thiếu sót và chỗ hổng của pháp luật đảm bảo quyền và lợi ích cho công dân. Việc nghiên cứu, tìm hiểu tập quán chính là cơ sở, tiền đề để xây dựng các văn bản luật theo hướng khuyến khích các phong tục, tập quán tốt đẹp; còn những tập quán lạc hậu không phù hợp với nếp sống mới, trái thuần phong mỹ tục, trái với nguyên tắc của luật thì cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng.

3. Nguyên tắc áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình

Áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình là sử dụng những quy tắc sự xử chung được hình thành trong đời sống xã hội của một cộng đồng dân tộc, địa phương, vùng, miền, cộng động được nhà nước thừa nhận về kết hôn, quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ nuôi con nuôi và các quan hệ khác trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Nguyên tắc áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 2 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, cụ thể:

– Thứ nhất: Tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.

Tập quán được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình phải là tập quán tốt đẹp, phù hợp với đời sống xã hội tại địa phương được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được cộng đồng dân cư thừa nhận rộng rãi, áp dụng trong thực tế. Tập quán về hôn nhân và gia đình chỉ có giá trị áp dụng giải quyết các tranh chấp liên quan, nếu tập quán đó là quy tắc xử sự đã được hình thành từ lâu và được cả cộng đồng thừa nhận.

– Thứ hai: Tập quán được áp dụng trong trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thỏa thuận và nội dung của tập quán không trái với các nguyên tắc cơ bản và không vi phạm điều cấm của Luật hôn nhân và gia đình.

Khi Nhà nước cần điều chỉnh một quan hệ xã hội, thông thường Nhà nước sẽ ban hành các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội đó, nhưng trong thực tế có những quan hệ xã hội phát sinh nhưng Nhà nước chưa ban hành các quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoặc có những quan hệ xã hội mà Nhà nước cần điều chỉnh lại đang được điều chỉnh bởi các tập quán. Vì vậy, nếu những tập quán này phù hợp với mục tiêu điều chỉnh các quan hệ xã hội của Nhà nước, Nhà nước sẽ sử dụng phương pháp thừa nhận, bảo đảm thực hiện, tập quán đó trở thành quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung.

Các nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình được quy định như sau:

+ Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Trước đây, một số đồng bào dân tộc thiểu số duy trì tập quán cấm kết hôn giữa những người khác dân tộc; kết hôn với người nước ngoài, hiện nay tập quán này đã được xóa bỏ. Đồng bào dân tộc có quyền được kết hôn với người khác dân tộc, nhưng trong nghi thức cưới hỏi thì vẫn áp dụng tập quán riêng của từng dân tộc.

+ Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

+ Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về HN&GĐ; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

+ Kế thừa, pháp huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

Những truyền thống văn hóa, đạo đức và những tập quán tốt đẹp của người Việt Nam nói chung và các đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng về HN&GĐ không trái với quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình thì được pháp luật hôn nhân và gia đình kế thừa và phát huy, những tập quán lạc hậu không phù hợp thì cấm áp dụng hoặc vận động xóa bỏ.

Chính phủ đã ban hành danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng và giao UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng, trình HĐND cùng cấp phê duyệt danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương.

– Thứ ba: Tôn trọng sự thoả thuận của các bên về tập quán được áp dụng.

Trong trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không thỏa thuận thì áp dụng tập quán về HN&GĐ của địa phương.

Trường hợp giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán thì thực hiện việc hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, khuyến khích sự tham gia hòa giải của hòa giải viên cơ sở hoặc người có uy tín tại địa phương. Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc vụ việc hôn nhân và gia đình có thể áp dụng tập quán không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì Tòa án giải quyết vụ, việc đó theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan, người có thẩm quyền tuyệt đối không được áp đặt, cưỡng ép đương sự, đồng thời không được cấm đoán, ngăn cản đương sự lựa chọn, thỏa thuận áp dụng tập quán.

4. Tuyên truyền, vận động nhân dân về áp dụng tập quán

Các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, thực hiện các chính sách, biện pháp sau đây:

– Tạo điều kiện để người dân thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.

– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, vận động người dân phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp và xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.

– Giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết và phát huy các giá trị văn hóa trong tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc.

5. Các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ

Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc vi phạm điều cấm quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ gồm:

– Kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

– Việc đăng ký kết hôn không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

– Cưỡng ép kết hôn do xem “lá số” và do mê tín dị đoan; cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo.

– Cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi từ bốn đời trở lên.

– Nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố, mẹ vợ.

– Quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái.

Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích rõ tập quán về hôn nhân và gia đình tại Việt Nam. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon