Các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh

cac-hanh-vi-thoa-thuan-han-che-canh-tranh

Thoả thuận hạn chế cạnh tranh được xem là sự liên kết giữa các doanh nghiệp độc lập nhằm mục đích kiểm soát thị trường bằng cách loại bỏ, cản trở, làm biến dạng hoặc giảm sức ép cạnh tranh và xâm phạm đến các lợi ích của nền kinh tế, của thị trường, của các doanh nghiệp khác và của người tiêu dùng mà Nhà nước bảo vệ.

Do đó, để kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh nói riêng và các hành vi hạn chế cạnh tranh nói chung, pháp luật Việt Nam có liệt kê những hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh có thể phát sinh trong tương lai.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Cạnh tranh năm 2018

Các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh được quy từ khoản 1 đến khoản 10 Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2018. Cụ thể như sau:

1. Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp

Thoả thuận được quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 là những thoả thuận mà trong đó các doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp thống nhất với nhau về việc ấn định một mức giá chung cho hàng hoá, dịch vụ của mình trong giao dịch với khách hàng.

Mặc dù nguyên lý chung của thoả thuận này là tác động vào giá cả hướng đến tạo ra mức giá chung cho sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận. Tuy nhiên, phụ thuộc vào cách thức tác động vào giá cá mà các hình thức này có thể phân loại thành các thoả thuận ấn định giá trực tiếp và thoả thuận ấn định giá gián tiếp:

– Các hành vi thoả thuận ấn định giá trực tiếp có thể là áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng; Tăng giá hoặc giảm giá ở mức cụ thể; Áp dụng công thức tính giá chung. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp sẽ tác động “trực tiếp” vào giá cả và do đó có thể tạo ra mức giá sau thoả thuận như nhau trong việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ của mình.

– Các hành vi thoả thuận ấn định giá gián tiếp có thể là: Duy trì tỷ lệ cố định về giá của sản phẩm liên quan; Không chiết khấu giá hoặc áp dụng mức chiết khấu giá thống nhất; Dành hạn mức tín dụng cho khách hàng… Trong trường hợp này, các doanh nghiệp sẽ không tác động trực tiếp vào giá cả mà tác động đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá cả. Do đó, mức giá sau các thoả thuận ấn định giá gián tiếp là không như nhau giữa các doanh nghiệp tham gia thoả thuận.

2. Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Nội dung của thoả thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ có thể hiểu là việc các bên thống nhất về số lượng hàng hóa, dịch vụ; địa điểm mua, bán hàng hóa, dịch vụ; nhóm khách hàng đối với mỗi bên tham gia thỏa thuận.

Nội dung thoả thuận phân chia nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ có thể hiểu là việc thống nhất mỗi bên tham gia thỏa thuận chỉ được mua hàng hóa, dịch vụ từ một hoặc một số nguồn cung cấp nhất định.

3. Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Đây là hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh việc thoả thuận của các doanh nghiệp dưới hình thức này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm áp lực cạnh tranh trong việc cân đối số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá cung ứng dịch vụ ra thị trường bởi các doanh nghiệp đều đã biết được số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của nhau.

Căn cứ về mặt nội dung, thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được phân tách thành hai hành vi với cấu thành có sự khác biệt, cụ thể như sau:

Thoả thuận hạn chế số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ là việc thống nhất cắt, giảm số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trên thị trường liên quan so với trước đó.

Thoả thuận kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là việc thống nhất ấn định số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ ở mức đủ để tạo sự khan hiếm trên thị trường.

4. Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ là quá trình lựa chọn bên cung cấp hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ để kí kết và thực hiện hợp đồng trên cơ sở bên mời thầu sẽ lựa chọn bên dự thầu có chất lượng hàng hoá, dịch vụ tốt nhất với mức giá hợp lý nhất.

Để đạt được mục đích của đấu thầu, nguyên tắc cạnh tranh công bằng cần được tuân thủ tuyệt đối. Nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong hoạt động đấu thầu thể hiện ở sự độc lập về tài chính, tổ chức của bên mời thầu và các bên dự thầu cũng như giữa các bên dự thầu với nhau.

Do đó, sự thông đồng giữa bên mời thầu và bên dự thầu cũng như giữa các bên dự thầu để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia quan hệ này luôn được xem là gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh và do đó luôn bị xem là thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Ví dụ như việc một hoặc nhiều bên tham gia thoả thuận gây khó khăn cho các bên không tham gia thoả thuận khi dự thầu bằng cách từ chối cung cấp nguyên liệu, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác,…

5. Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh

Đây là dạng thoả thuận hướng đến việc tác động vào cấu trúc cạnh tranh trên thị trường theo hướng duy trì cấu trúc hiện tại của thị trường, chống lại sự thay đổi cấu trúc nhằm giảm bớt sức ép cạnh tranh từ các đối thủ hiện hữu hoặc đối thủ tiềm năng. Do vậy, đây cũng là dạng thoả thuận phản cạnh tranh nghiêm trọng và thông thường pháp luật cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới đều kiểm soát thoả thuận này theo hướng cấm tuyệt đối.

Thoả thuận được quy định tại khoản 5 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 thực chất bao gồm hai hành vi cấu thành phụ thuộc chủ yếu vào chủ thể đích của thoả thuận:

– Nếu chủ thể đích của thoả thuận là các doah nghiệp tiềm năng, có ý định nhưng chưa tham gia vào thị trường thì thoả thuận này sẽ được xác định là thoả thuận găn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường, khiến cho các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường phải từ bỏ ý định của mình.

– Nếu chủ thể đích của thoả thuận là các doanh nghiệp tham gia đã có mặt trên thị trường thì thoả thuận này là thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác phát triển kinh doanh, khiến cho các doanh nghiệp ngoài thoả thuận phải chấp nhận quy mô kinh doanh hiện tại của mình.

6. Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận

Đây là một dạng thoả thuận rất nghiêm trọng. Bởi hậu quả của thoả thuận này khiến cho thị trường bị thay đổi cấu trúc cạnh tranh theo hướng tập trung quyền lực thị trường cho các doanh nghiệp tham gia thoả thuận và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này cơ hội thực hiện thêm các hành vi hạn chế cạnh tranh khác.

Hình thức biểu hiện của thoả thuận này có thể là bất cứ hành động nào nhằm mục đích khiến cho các doanh nghiệp ngoài thoả thuận phải rời bỏ khỏi thị trường. Ví dụ như: các hành vi tác động đến đối tác, kênh phân phối, kênh bán lẻ khiến cho hàng hoá của các doanh nghiệp ngoài thoả thuận không thể được sản xuất, lưu thông hoặc doanh nghiệp ngoài thoả thuận không thể tiêu thụ được hàng hoá, không cung ứng được dịch vụ.

7. Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư

Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ là việc thống nhất mua sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp để tiêu hủy hoặc không sử dụng.

Thoả thuận hạn chế đầu tư là việc thống nhất không đưa thêm vốn để mở rộng sản xuất, cải tiến chất lượng hàng hóa, dịch vụ hoặc để mở rộng phát triển khác

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang chuyển mình bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, sự cạnh tranh về khoa học, công nghệ, kỹ thuật cũng như đầu tư là những sự kiện không thể tránh khỏi nên các doanh nghiệp có xu hướng thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư nhằm mục tiêu loại bỏ sức ép cạnh tranh về kỹ thuật, công nghệ cũng như đầu tư, tận dụng được kỹ thuật, công nghệ cũ cũng như quy mô sản xuất cũ, chất lượng cũ để thu được lợi nhuận từ thị trường. Do đó, người tiêu dùng sẽ không còn được thụ hưởng thành quả của tiến bộ khoa học, kỹ thuật cũng như quy mô sản xuất, chất lượng mới đồng thời “sự tiến bộ” của thị trường sẽ bị kéo lùi hoặc bị ngăn cản nghiêm trọng, gây lãng phí các nguồn lực của xã hội.

8. Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng

Đây là dạng thoả thuận mà các doanh nghiệp thông qua hợp đồng để gây ra hạn chế cạnh tranh. Chủ thể phải gánh chịu sự áp đặt là đối tác thương mại của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận như khách hàng, nhà phân phối, nhà bán lẻ. Thoả thuận được quy định tại khoản 8 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 bao gồm hai dạng hành vi cấu thành, cụ thể:

– Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ là việc các doanh nghiệp thống nhất đặt một hoặc một số điều kiện tiên quyết trước khi ký kết hợp đồng. Các doanh nghiệp đối tác buộc phải chấp nhận những điều kiện này nếu muốn tiến tới việc giao kết hợp đồng với các doanh nghiệp tham gia thoả thuận.

– Thoả thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng là việc thống nhất ràng buộc doanh nghiệp khác khi mua, bán hàng hoá, dịch vụ với bất kỳ doanh nghiệp nào tham gia thoả thuận phải mua hàng hoá, dịch vụ khác từ nhà cung cấp hoặc người được chỉ định trước hoặc thực hiện thêm một hoặc một số nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng.

9. Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận

Đây là hành động tẩy chay của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận với các doanh nghiệp ngoài thoả thuận. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia thoả thuận thống nhất không mua, không bán hàng hoá, không nhận, không cung ứng dịch vụ cho/với các doanh nghiệp không tham gia thoả thuận. Thoả thuận này có thể khiến cho các doanh nghiệp không tham gia thoả thuận bị rơi vào thế bất lợi trong cạnh tranh so với đối thủ là các doanh nghiệp trong thoả thuận.

10. Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận

Trong thoả thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận, các bên trong thoả thuận sẽ tác động vào các kênh phân phối, đại lý, khách hàng, đối tác của các doanh nghiệp ngoài thoả thuận nhằm mục đích hạn chế nguồn ung ứng đầu vào hoặc hạn chế thị trường tiêu thụ đầu ra của họ và do đó ảnh hưởng đến doanh thu hoặc doanh số của các doanh nghiệp này.

Phương pháp tác động này có thể là việc yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ khách hàng của mình không mua, bán hàng hoá, không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận hoặc yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ các nhà phân phối, các nhà bán lẻ đang giao dịch với mình phân biệt đối xử khi mua, bán hàng hóa của doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận theo hướng gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp này.

Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon