Khái quát về cạnh tranh trong kinh doanh

khai-quat-ve-canh-tranh-trong-kinh-doan

Cạnh tranh trong kinh doanh là một trong những hình thức phổ biến nhất và cũng đa dạng nhất của cạnh tranh nói chung bởi cạnh tranh vừa là một phương diện thuộc nội hàm của hoạt động kinh doanh, vừa là nội dung và cũng là hệ quả tất yếu của hoạt động kinh doanh trên thị trường của các chủ thể kinh tế.

Từ khi Việt Nam định hướng phát triển theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì cạnh tranh là một quy luật tất yếu phát sinh trong nền kinh tế này. Tuy nhiên, việc để cho cạnh tranh tự do vận hành mà không có sự điều tiết của Nhà nước bằng các công cụ đặc thù sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Do đó, pháp luật cần kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều tiết, định hướng sự phát triển, vận hành của nền kinh tế nước nhà.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Cạnh tranh 2018

1. Khái niệm cạnh tranh trong kinh doanh

Ta có thể hiểu rằng “Cạnh tranh trong kinh doanh” chính là quá trình nỗ lực, ganh đua mà các doanh nghiệp kinh doanh trên cùng một thị trường tiến hành để giành được những lợi ích chung nhất định và thông qua đó các giá trị kinh tế được phân bổ hiệu quả.

2. Đặc điểm cạnh tranh trong kinh doanh

Định nghĩa khái niệm cho phép khái quát các đặc điểm của cạnh tranh trong kinh doanh, cho phép phân biệt và nhận diện cạnh tranh trong kinh doanh với các hiện tượng cạnh tranh khác trong đời sống xã hội.

– Thứ nhất, cạnh tranh trong kinh doanh diễn ra giữa các doanh nghiệp.

Khác với các hiện tượng cạnh tranh trong các lĩnh vực khác, các chủ thể cạnh tranh trong kinh doanh chính là doanh nghiệp. Đây là các chủ thể luôn luôn bị thôi thúc bởi lợi nhuận, được tạo ra và vận hành trước hết vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận này không thể san sẻ cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường, do vậy, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh với nhau. Sự cạnh tranh này mang tính chất sống còn theo đó các nguồn lợi kinh tế sẽ được trao cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn và các doanh nghiệp thua trong cạnh tranh có thể bị buộc phải rời khỏi thị trường.

– Thứ hai, cạnh tranh trong kinh doanh diễn ra và gắn liền với thị trường.

Tất cả các doanh nghiệp khi xác định việc tham gia thị trường thì luôn phải có sự chuẩn bị nhất định cho cạnh tranh và chỉ có thể thoát ra khỏi cạnh tranh khi doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Cạnh tranh không tách khỏi thị trường và thị trường sẽ không còn mang đầy đủ tính chất nếu thiếu đi cạnh tranh. Tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường đều tất yếu phải cạnh tranh nhưng mỗi một doanh nghiệp luôn chỉ cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh xác định. Các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh với nhau khi các doanh nghiệp này kinh doanh cùng một loại hàng hoá, dịch vụ trên cùng một khu vực địa lý nhất định. Hay chính xác hơn, các doanh nghiệp này phải cùng thuộc một thị trường liên quan.

– Thứ ba, cạnh tranh chỉ diễn ra trong nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường.

Cơ chế thị trường chính là điều kiện cần để cạnh tranh nảy sinh và tồn tại. Trong nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường như hiện nay, thành phần kinh tế tư nhân được thừa nhận, toàn bộ quá trình sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng, sản xuất như thế nào và cho ai đều thông việc mua bán, thông qua hệ thống thị trường và do thị trường quyết định và hạn chế đi sự can thiệp quá mức từ nhà nước. Đây chính là điều kiện cần thiết để cạnh tranh nảy sinh.

3. Các hình thức cạnh tranh trong kinh doanh

Căn cứ vào đặc tính, cấu trúc của thị trường, cạnh tranh được phân loại thành cạnh tranh hoàn hảo, độc quyền, cạnh tranh không hoàn hảo (bao gồm cạnh tranh mang tính độc quyền và độc quyền nhóm).

3.1 Cạnh tranh hoàn hảo

Cạnh tranh hoàn hảo là cạnh tranh diễn ra trong một mô hình kinh tế thị trường lý tưởng, ở đó không có người sản xuất hay người tiêu dùng nào có quyền hay khả năng khống chế được thị trường, làm ảnh hưởng đến giá cả.

3.2 Độc quyền

Độc quyền tồn tại khi một doanh nghiệp cụ thể là nhà cung cấp duy nhất hoặc là người mua duy nhất của một loại hàng hóa cụ thể trên thị trường. Độc quyền được đặc trưng bởi sự thiếu cạnh tranh kinh tế để sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ, thiếu hàng hóa thay thế khả thi và khả năng giá độc quyền cao hơn chi phí cận biên của người bán dẫn đến lợi nhuận độc quyền cao.

Mặc dù doanh độc quyền thường là những doanh nghiệp lớn, nhưng quy mô không phải là đặc điểm của độc quyền. Một doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể có quyền tăng giá trong một ngành (hoặc thị trường) nhỏ.

3.3 Cạnh tranh không hoàn hảo

3.3.1 Cạnh tranh mang tính độc quyền

Cạnh tranh mang tính độc quyền là một dạng thức của cạnh tranh không hoàn hảo, do trong thị trường có nhiều nhà sản xuất cạnh tranh với nhau nhưng các doanh nghiệp này lại bán các sản phẩm không đồng nhất với nhau và do đó không phải là sản phẩm thay thế hoàn hảo cho nhau. Trong cạnh tranh độc quyền, một công ty lấy giá của các đối thủ của mình như đã cho và bỏ qua tác động của giá của chính mình đối với giá của các công ty khác. Một vài ví dụ về thị trường cạnh tranh độc quyền như thị trường quần áo, giày dép và các ngành dịch vụ.

3.3.2 Độc quyền nhóm

Độc quyền nhóm là một hình thức thị trường trong đó một thị trường hoặc một ngành được thống trị bởi một nhóm nhỏ những người bán lớn.

Tình trạng độc quyền nhóm này có thể là kết quả của nhiều hình thức cấu kết khác nhau làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường, dẫn đến người tiêu dùng phải mua với giá cao hơn.

Như việc, khi các doanh nghiệp lớn cung cấp một phần khá lớn sản phẩm ra thị trường, các doanh nghiệp này có một số quyền kiểm soát nhất định đối với giá bán của họ nhưng cũng có một nhược điểm đó là bởi vì các sản phẩm của họ khá giống nhau nên khi một doanh nghiệp giảm giá, các doanh nghiệp khác thường bị buộc phải tuân theo để duy trì tính cạnh tranh. Chúng ta thường thấy tình huống này trong ngành hàng không: Khi Vietnam Airlines thông báo giảm giá vé, Vietjet Air, Jetstar Pacific và các hãng khác cũng sẽ làm như vậy.

4. Khái quát về pháp luật cạnh tranh Việt Nam

4.1. Sơ lược sự phát triển của pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Trước khi Luật cạnh tranh được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2004, việc điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi hạn chế cạnh tranh trong một số lĩnh vực như: quảng cáo, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp,… đã xuất hiện trong một số văn bản pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, các quy định này nhìn chung vẫn còn rất đơn giản, không đủ các chế định để quản lý quá trình cạnh tranh phức tạp, đa dạng của các doanh nghiệp trên thị trường. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về việc kiểm soát, điều tiết nền kinh tế thị trường, Quốc hội đã thông qua Luật cạnh tranh đầu tiên của Việt Nam hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2005. Đến năm 2018, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật cạnh tranh số 23/2018/QH14, nhằm ban hành các quy định đáp ứng một cách kịp thời, phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường trong nước và thế giới.

4.2 Hiệu lực của Luật Cạnh tranh 2018

4.2.1 Hiệu lực về phạm vi điều chỉnh

Điều 1 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về phạm vi điều chỉnh như sau: “Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh”. Có thể thấy rằng, Luật Cạnh tranh giữ vai trò đồng thời là luật nội dung và luật hình thức khi điều chỉnh các quan hệ cạnh tranh.

Về mặt nội dung, Luật Cạnh tranh 2018 quy định ba nhóm hành vi như sau:

  • Thứ nhất, đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế. Theo khoản 2 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018, hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền. Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 cũng tiếp cận các hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế trên cơ sở đánh giá tác động của hành vi lên thị trường Việt Nam.
  • Thứ hai, đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. Theo đó, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp chính là đối tượng mà Luật Cạnh tranh 2018 bảo vệ.

Về mặt hình thức, Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định tố tụng cạnh tranh và xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Theo khoản 8 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018, tố tụng cạnh tranh là hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này.

4.2.2 Hiệu lực về chủ thể

Theo Điều 2 Luật Cạnh tranh 2018 quy định đối tượng áp dụng của bao gồm ba nhóm chủ thể

  • Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp);
  • Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam.;
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.

5. Nguồn của Luật Cạnh tranh

– Thứ nhất, điều ước quốc tế.

Có thể liệt kê một số điều ước quốc tế quan trọng sau: Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp; Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) và Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs)

– Thứ hai, các văn bản luật được Quốc hội thông qua là nguồn của luật cạnh tranh bao gồm:

  • Hiến pháp năm 2013 (các quy định liên quan đến chính sách kinh tế).
  • Luật Cạnh tranh năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019).
  • Bộ luật Dân sự năm 2015 (một số quy định liên quan đến hợp đồng vô hiệu, bồi thường thiệt hại …).
  • Ngoài ra, một số đạo luật như Luật Thương mại năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014,…
  • Các văn bản dưới luật do Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh 2018 (Nghị định 75/2019/NĐ-CP, Nghị định 35/2020/NĐ-CP …).

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Cạnh tranh 2018, trường hợp luật khác có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó.

Trên đây là bài viết khái quát về cạnh tranh trong kinh doanh. Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon