Sự cần thiết của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

su-can-thiet-cua-bo-luat-hinh-su-nam-2015-sua-doi-bo-sung-nam-2017

Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 được Quốc hội khóa X thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ ngày 21/12/2000 và được sửa đổi, bổ sung 01 lần vào năm 2009 (sau đây gọi chung là BLHS năm 1999). Đây là BLHS thứ hai của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở kế thừa những quy định và kinh nghiệm lập pháp của BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung 04 lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997). Sau hơn 15 năm thi hành, BLHS năm 1999 đã thể hiện được chức năng của mình trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, bảo vệ các quan hệ xã hội quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của xã hội; góp phần tích cực trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, cần thiết phải ban hành bộ luật hình sự năm 2015 để sửa đổi, bổ sung những vấn đề vướng mắc và điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh.

1. Tầm quan trọng của Bộ luật Hình sự năm 1999

Trước hết, BLHS năm 1999 là cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Với 344 điều luật, BLHS đã có sự tiếp nối với BLHS năm 1985, đồng thời có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình tình kinh tế, xã hội của đất nước. Sự thay đổi có tính toàn diện trong cả các chế định về phần chung (như các nội dung liên quan đến tội phạm, hoàn thiện hệ thống hình phạt, quyết định hình phạt và chấp hành hình phạt…) và phần các tội phạm cụ thể (bổ sung, sửa đổi các dấu hiệu cấu thành tội phạm, hình sự hóa một số hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, thay đổi khung hình phạt…).

Chính vì vậy, có thể khẳng định, BLHS năm 1999 “một mặt đã thể hiện được tinh thần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, mặt khác tạo cơ sở pháp lý góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm về kinh tế, ma túy và tội phạm tham nhũng... qua đó góp phần kiểm soát và kìm chế tình hình tội phạm, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước[1].

Thứ hai, BLHS năm 1999 đã thể hiện được chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước, đặc biệt chính sách nhân đạo và khoan hồng trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, quyền con người, quyền công dân được đề cao. Với hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải chịu là hình phạt – “biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội” (Điều 26), BLHS là một trong những văn bản quy phạm pháp luật thể hiện rõ nét nguyên tắc nhân đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nguyên tắc nhân đạo được thể hiện qua nhiều điều luật khác nhau như nguyên tắc xử lí tội phạm, hình phạt và các quyết định hình phạt, trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội, các chế định liên quan đến chấp hành hình phạt…

Đặc biệt, đối với hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống, tước đi quyền sống của người phạm tội – tử hình, trước xu thế chung của thế giới là giảm dần hình phạt tử hình, Bộ luật hình sự năm 1999 đã có những thay đổi mang tính tích cực như: xác định rõ giới hạn áp dụng hình phạt tử hình, theo đó hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; mở rộng phạm vi không áp dụng và thi hành hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử; loại bỏ quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 về khả năng thi hành án tử hình ngay sau khi xét xử và rõ nét nhất là việc giảm số điều luật quy định về tội phạm có hình phạt cao nhất là tử hình (từ 44 điều trong Bộ luật hình sự năm 1985 còn 29 điều trong Bộ luật hình sự năm 1999 và trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2009 chỉ còn 22 điều luật).

Với những biểu hiện như vậy, BLHS năm 1999 đã thể hiện được chức năng “răn đe, giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện; qua đó, bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm[2].

Và chính những sự thay đổi trên đã thể hiện tinh thần tôn trọng pháp luật quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển chung của pháp luật hình sự thế giới và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt liên quan đến các tội phạm có tính chất quốc tế như tội phạm về ma túy, mua bán người, rửa tiền, khủng bố… Đây cũng là một điểm đang ghi nhận, thể hiện vai trò của BLHS năm 1999.

Trải qua hơn 15 năm thi hành, BLHS năm 1999 đã thể hiện được tầm quan trọng của mình trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, trước những thay đổi to lớn của tình hình thế giới, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và xã hội Việt Nam, rất nhiều hành vi có tính nguy hiểm cao cho xã hội xuất hiện, đòi hỏi chúng ta phải có sự thay đổi, bổ sung trong hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý để xử lý.

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm cũng diễn biến phức tạp với xu hướng gia tăng, nghiêm trọng cả về tính chất và quy mô. Mặc dù sau 10 năm thi hành, Quốc hội khóa XII đã có sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS vào năm 2009, tuy nhiên việc sửa đổi không thể bao quát toàn diện cũng như đáp ứng được yêu cầu của thực tế.

2. Những bất cập, hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999

Thứ nhất, ra đời từ năm 1999, BLHS năm 1999 chưa thể chế hóa được các quan điểm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt liên quan đến cải cách tư pháp. Với Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã đề ra nhiệm vụ thay đổi các nội dung liên quan đến BLHS.

Tiếp đến, Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và đặc biệt Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hương chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế”; đồng thời, phải“xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”.

Bên cạnh đó, việc ban hành Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận và bảo đảm quyền con người, quyền công dân và đặt ra yêu cầu phải thay đổi, hoàn thiện BLHS cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp. Chính vì vậy, việc sửa đổi BLHS nhằm tạo ra một khung pháp lý đủ mạnh để vừa đáp ứng được chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp là một yêu cầu bắt buộc.

Thứ hai, BLHS năm 1999 được ban hành từ những năm cuối của thế kỷ trước, trong bối cảnh nước ta chưa hội nhập sâu rộng với thế giới và tham gia nhiều điều ước quốc tế, do vậy BLHS hiện hành không đảm bảo và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế. Tính đến thời điểm hiện nay, nước ta đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực; ký kết và tham gia nhiều công ước quốc tế, hiệp định… như Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966; Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971; Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988; Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước chống tham nhũng; Công ước chống tra tấn; các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền, cướp biển, bắt cóc con tin, …

Mặt khác, quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt nước ta vào việc đối mặt với sự gia tăng của tội phạm xuyên quốc gia hoặc chủ thể của tội phạm là người nước ngoài. Chính vì những lí do như vậy, việc hoàn thiện BLHS nhằm nội luật hóa các quy định về hình sự trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như đảm bảo đủ cơ sở pháp lý xử lý các tội phạm có tính chất quốc tế là thực sự cần thiết.

Thứ ba, sự phát triển của kinh tế, xã hội, bên cạnh những lợi ích to lớn, lại đang đặt ra nhiều vấn đề cho đất nước ta, đặc biệt liên quan đến đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. BLHS năm 1999, được xây dựng tại thời điểm chuyển đổi từ nền kinh tế quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, do vậy một số quy định không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, đặc biệt liên quan đến nhóm các tội phạm về kinh tế.

Khi cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0; khi Việt Nam đang có những sự chuyển mình toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội; ngày càng xuất hiện nhiều các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, nguy hiểm cao cho xã hội chưa được hình sự hóa như các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, môi trường, công nghệ cao; các hành vi lợi dụng trẻ em trong lao động hoặc các mục đích tình dục; chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người; lợi dụng bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tài sản; đưa hối lộ hoặc nhận hối lộ không chỉ bằng vật chất mà còn các lợi ích phi vật chất…

Đặc biệt, một loạt sự cố môi trường diễn ra do pháp nhân thương mại thực hiện cùng những đại án làm thất thu của nhà nước hàng nghìn tỷ đồng đã diễn ra, yêu cầu phải bổ sung thêm chủ thể của tội phạm nhằm đảm bảo xử lý triệt để; đồng thời có tính răn đe đối với những cá nhân và tổ chức có ý định phạm tội. Trước tình hình và thực trạng đó, yêu cầu hoàn thiện BLHS là thực sự bức thiết.

Thứ tư, BLHS năm 1999, mặc dù đã có những tiến bộ so với BLHS thời kì trước đó, nhưng vẫn còn nhiều bất cập về kỹ thuật lập pháp. Một số vấn đề đặt ra trong Bộ luật như sự thống nhất giữ Phần chung và Phần các tội phạm; dấu hiệu định tội và định khung của nhiều tội danh còn mang tính định tính nên chưa có cách hiểu thông nhất; nhiều tội ghép dẫn đến khó khăn trong áp dụng; khung hình phạt được áp dụng chưa đảm bảo được tính phân hóa hay tên tội danh không có sự tương đồng với hành vi khách quan của tội phạm… là những bất cập dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm chưa đảm bảo.

3. Sự cần thiết của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Từ những bất cập của BLHS năm 1999, ngày 27 tháng 11 năm 2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. BLHS 2015 ra đời thể hiện nhiều điểm mới trong chính sách hình sự của Việt Nam; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm phù hợp với sự thay đổi của kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm cơ bản quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015 các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ luật này. Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan hữu quan khác tiến hành rà soát tổng thể các quy định của BLHS năm 2015 phát hiện những sai sót và đề xuất phương án khắc phục nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất BLHS năm 2015 trong thực tiễn.

Đồng thời, ngày 29/06/2016, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015 cùng với 03 luật khác có liên quan. Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 đã ra đời nhằm sửa đổi, bổ sung những vấn đề bắt buộc phải sửa nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trong các quy định của Bộ luật hình sự, tạo thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích của người phạm tội; đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

[1] Chính phủ, Tờ trình về Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), ngày 27/4/2015, trang 1.

[2] Lời nói đầu BLHS năm 1999.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon