Đặc điểm của tập trung kinh tế theo luật cạnh tranh 2018

dac-diem-cua-tap-trung-kinh-te-theo-luat-canh-tranh-2018

Hiện nay có thể thấy dưới sức ép của cạnh tranh, nhà kinh doanh luôn tìm mọi cách để nâng cao năng lực kinh doanh của mình trước đối thủ trên thị trường nhằm tìm kiếm cơ hội tồn tại và phát triển, theo đó các nhà kinh doanh đã tập trung các nguồn lực kinh tế ngay từ thời kỳ phôi thai của thị trường. Hiện nay thì hình thức tập trung kinh tế đang rất phổ biến. Vậy tập trung kinh tế là gì, đặc điểm của hình thức tập trung kinh tế là gì? Hãy cùng luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Luật cạnh tranh 2018

1. Khái niệm tập trung kinh tế

Tương tự như cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 không nêu ra định nghĩa tập trung kinh tế được pháp luật cạnh tranh điều chỉnh. Tập trung kinh tế, trước hết, là một hiện tượng kinh tế. Theo đó, các doanh nghiệp độc lập nâng cao khả năng cạnh tranh của chúng trên thị trường bằng cách “liên kết vốn” với nhau. Chính vì vậy, hiện tượng này còn được gọi là “tích tụ tư bản” và hoàn toàn khác bản chất với hiện tượng “tích luỹ kinh tế” mà trong đó các doanh nghiệp tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua những biện pháp như nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; phát triển công nghệ mới;

Thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh từ đó gia tăng được nguồn vốn. Pháp luật cạnh tranh các quốc gia nói chung và pháp luật cạnh tranh Việt Nam nói riêng chỉ điều chỉnh hoạt động tích tụ tư bản hay chính là tập trung kinh tế vì thông qua các hoạt động tập trung kinh tế, cấu trúc thị trường sẽ bị thay đổi theo hướng giảm số lượng các doanh nghiệp và tập trung quyền lực thị trường cho một doanh nghiệp từ đó có khả năng tác động đến môi trường cạnh tranh trên thị trường đó.

Như vậy, có thể khái quát được rằng tập trung kinh tế là những hoạt động mà thông qua đó cấu trúc cạnh tranh trên thị trường bị thay đổi do các doanh nghiệp độc lập trên thị trường tích tụ doanh thu/doanh số, tài sản, nhân công … và do đó làm giảm số lượng các đối thủ cạnh tranh.

2. Đặc điểm tập trung kinh tế

Khác với Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 không còn quy định tập trung kinh tế là một hành vi hạn chế cạnh tranh. Cách tiếp cận này cho thấy rằng tập trung kinh tế không đương nhiên hoặc không luôn luôn gây ra những tác động tiêu cực cho thị trường, cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và do đó khác với các hành vi hạn chế cạnh tranh. Điều này cần được lý giải thông qua các đặc điểm của hoạt động tập trung kinh tế.

Thứ nhất, tập trung kinh tế là quyền của doanh nghiệp được quy định trong Hiến pháp 2013 (Điều 33) và được cụ thể hoá trong LDN 2020. Điều 7 LDN 2020 ghi nhận doanh nghiệp có quyền được “… chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh” (khoản 2); “Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn” (khoản 3); “Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng” (khoản 4). Để một tổ chức kinh tế được pháp luật nhìn nhận là một doanh nghiệp khi và chỉ khi tổ chức kinh tế đó có tài sản (bên cạnh các điều kiện khác) và doanh nghiệp chính là chủ sở hữu tài sản đó. Với tư cách là chủ sở hữu tài sản, doanh nghiệp cần được trao quyền được tự do sử dụng và định đoạt tài sản, trong đó có vốn của doanh nghi

Thứ hai, tập trung kinh tế là xu thế tất yếu của từng thị trường nói riêng và nền kinh tế thị trường nói chung. Vì những lý do khác nhau trong nền kinh tế như biến động chính trị – xã hội, xu thế hội nhập, cạnh tranh gay gắt, nhu cầu áp dụng công nghệ mới, nhu cầu về vốn và sức mạnh tài chính hay thậm chí là thiên tai, dịch bệnh… mà khả năng của từng doanh nghiệp đơn lẻ không thể đáp ứng được và do đó các doanh nghiệp có xu hướng hoặc bắt buộc phải tập trung vốn với nhau để chia sẻ rủi ro, để tồn tại và nâng cao khả năng cạnh tranh. Mục tiêu cụ thể của các hình thức khác nhau của tập trung kinh tế suy cho cùng là tạo ra những doanh nghiệp có tiềm lực đủ mạnh trên cơ sở tập trung sức mạnh của nhiều doanh nghiệp sẵn có trên thương trường. Trong nền kinh tế thị trường, tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp được xem là một trong những phương thức để sắp xếp, tổ chức lại nhằm hợp lý hóa sản xuất, để đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực trong sản xuất, kinh doanh.

Tại Việt Nam, các hoạt động tập trung kinh tế trong nhiều năm qua diễn ra theo xu hướng vừa gia tăng về cả số lượng và về cả giá trị các thương vụ. Giai đoạn 2009 – 2011, có khoảng 750 thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam với tổng giá trị giao dịch ước đạt 6,89 tỷ đô la Mỹ. Giai đoạn 2012 – 2014, tổng giá trị các vụ việc mua bán, sáp nhập tăng khá cao, đạt khoảng 11,13 tỷ đô là Mỹ. Trong đó, năm 2012, tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đạt khoảng 3,85 tỷ đô la Mỹ. Năm 2013, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 4,78 tỷ đô la Mỹ, tăng 24% so với năm 2012.

Năm 2014, Việt Nam có khoảng 285 giao dịch M&A được thực hiện với giá trị khoảng 2,5 tỷ USD. Việc gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài và thu hút nguồn vốn từ nước ngoài khi các Hiệp định thương mại tự do kết 1 Cục Quản lý Cạnh tranh: Báo cáo tập trung kinh tế Việt Nam 2011 thúc đàm phán và có hiệu lực như TPP, Việt Nam – EU, RCEP,… Cùng với việc mở cửa thị trường và những cơ hội kinh doanh do các hiệp định thương mại tự do đem lại, M&A sẽ diễn ra ngày càng nhiều vì tập trung kinh tế là một kênh tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài có hiệu quả. Mặt khác, từ góc độ các doanh nghiệp trong nước, nhu cầu tích tụ, tập trung nguồn lực là tất yếu và cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng; khi đó, tập trung kinh tế chính là con đường được cho là ngắn nhất để giải quyết vấn đề trên.

Đồng thời với xu hướng trên, việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong năm 2015 cũng sẽ là một yếu tố gia tăng các hoạt động mua bán và sáp nhập tại Việt Nam do các nhà đầu tư lớn ở các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia,… thực hiện. Theo dự báo của ngân hàng HSBC, bán lẻ, sản xuất, ngân hàng và viễn thông sẽ là các lĩnh vực thu hút các tập đoàn lớn của các nước trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Malaysia,..) gia nhập thị trường Việt Nam thông qua hoạt động M&A. Xu hướng này có thể được minh chứng với việc BJC dự kiến mua lại Metro Việt Nam hay một tập đoàn Thái Lan đã từng bước mua lại Công ty cổ phần xây dựng Cotec thông qua việc mua cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.

Thứ ba, các hình thức tập trung kinh tế là rất đa dạng. Với tư cách là quyền mà các doanh nghiệp vận dụng để liên kết vốn, tập trung tư bản, tập trung kinh tế, do đó, có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ thuộc vào khả năng, điều kiện, mục đích … của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Nếu xét dưới góc độ vị trí của các doanh nghiệp tham gia vào tập trung kinh tế trong chuỗi giá trị trên thị trường, tập trung kinh tế có thể biểu hiện dưới dạng:

  • Tập trung kinh tế theo chiều ngang: là sự sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc liên doanh của các doanh nghiệp trong một thị trường liên quan (sản phẩm và không gian).
  • Tập trung kinh tế theo chiều dọc: là sự hợp nhất, sáp nhập, mua lại hoặc liên doanh giữa các doanh nghiệp có quan hệ người mua – người bán với nhau.
  • Tập trung kinh tế theo đường chéo là sự hợp nhất, sáp nhập, mua lại, liên doanh của các doanh nghiệp không cùng hoạt động trên một thị trường sản phẩm đồng thời cũng không có mối quan hệ khách hàng với nhau.

Nếu xét dưới góc độ vai trò hoặc tư cách của các doanh nghiệp tham gia vào tập trung kinh tế trên thị trường, tập trung kinh tế có thể được phân chia thành

  • Tập trung kinh tế giữa doanh nghiệp “bán ra”: đây là hoạt động tập trung kinh tế diễn ra giữa các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ ra thị trường.
  • Tập trung kinh tế giữa doanh nghiệp “mua vào”: đây là hoạt động tập trung kinh tế diễn ra giữa các doanh nghiệp là các chủ thể thu mua hàng hoá hoặc thụ hưởng dịch vụ trên thị trường.

Nếu xét dưới góc độ nội dung giao dịch mà các doanh nghiệp thực hiện khi tập trung kinh tế, có thể phân loại tập trung kinh tế thành: sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh … và thường được gọi chung là các hoạt động M&A.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon