Lãnh thổ và biên giới trong Luật Quốc tế

lanh-tho-va-bien-gioi-trong-luat-quoc-te

Lãnh thổ là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành nên quốc gia vì đó là môi trường tự nhiên, là cơ sở vật chất cho sự tồn tại của từng quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Sự phân định lãnh thổ dựa trên cơ sở biên giới quốc gia. Biên giới quốc gia là là ranh giới xác định lãnh thổ quốc gia. Về phương diện tự nhiên, lãnh thổ không có ranh giới phân chia vùng, miền nhưng về pháp lý quốc tế.

Luật quốc tế về lãnh thổ biên giới quốc gia là 1 ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật quốc tế, bao gồm tổng thể các nguyên tác và quy phạm điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể về việc xác lập lãnh thổ quốc gia, quy chế pháp lý cho các vùng lãnh thổ và giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề lãnh thổ biên giới quốc gia. Trong phạm vi bài viết này tập trung vào các nội dung “Lãnh thổ quốc gia và biên giới trong luật quốc tế” với các nội dung sau:

1. Lãnh thổ

Trong Luật quốc tế hiện đại lãnh thổ được xác định là toàn bộ trái đất bao gồm các bộ phận cấu thành là vùng đất, vùng nước, vùng trời, vùng lòng đất và kể cả không gian vũ trụ. Về phương diện tự nhiên, lãnh thổ không có ranh giới phân chia vùng, miền nhưng về mặt pháp lý quốc tế, có sự phân biệt các loại lãnh thổ với quy chế pháp lý khác nhau.

1.1. Lãnh thổ quốc gia

Lãnh thổ quốc gia là các bộ phận lãnh thổ thuộc chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối hay riêng biệt của mỗi quốc gia, tại đó quốc gia duy trì giới hạn quyền lực nhà nước đối với công đồng dâu cư nhất định. Lãnh thổ quốc gia là toàn vẹn và bất khả xâm phạm dựa trên quy chế pháp lý về lãnh thổ quốc gia do quốc gia tự xác định phù hợp với luật quốc tế.

1.2. Lãnh thổ quốc tế

Lãnh thổ quốc tế là những bộ phận được sử dụng chúng cho cả cộng đồng quốc tế như biển quốc tế, vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế, vùng trời quốc tế, khoảng không vũ trụ (kể cả hành tinh).

Đối với lãnh thổ quốc tế, tất cả các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế đều có quyền bình đẳng sử dụng… và không chấp nhận bất cứ hành vi xác lập chủ quyền nào ở đây.

1.3. Lãnh thổ có quy chế hỗn hợp

Đây là loại lãnh thổ mà tại đó các quốc gia không có chủ quyền lãnh thổi riêng biệt nhưng có các quyền, chủ quyền hoặc quyền tài phán như đối với các vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

1.4. Lãnh thổ quốc gia sử dụng quốc tế

Lãnh thổ quốc gia sử dụng quốc tế là những bộ phận của lãnh thổ như do sự đặc thù về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế,…. của những vùng lành thổ này mà quy chế pháp lý của chúng được quốc tế hoá một phần nhằm phục vụ cho lợi ích của toàn cộng đồng quốc tế bao gồm quốc tế, kênh quốc tế, ở biển quốc tế.

1.4.1. Kênh quốc tế

Đây là những đoanh kênh nhân tao được đao trên lãnh thổ của một quốc  gia để nối hai bộ  phận của các vùng biển tự do như kênh Panama nổi Đai Tây Dương vơi Thái Bình Dương. Quy chế pháp lý ở đây thừa nhận chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia có kênh nhưng đồng thời ghi nhận tự do lưu thông hàng hai quốc tế của tài thuyền trên kênh.

1.4.1. Sông quốc tế

Sông quốc tế là sông nằm trên lãnh thổ của nhiều quốc gia, có thể là sông chảy kế tiếp từ quốc gia này sang quốc gia khác hoặc có thể là sông xác định biên giới và có quy chế sông quốc tế.

2. Lãnh thổ quốc gia

Lãnh thổ quốc gia là một phần của Trái Đất, nó bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời trên chúng và lòng đất dưới chúng hoàn toàn thuộc chủ quyền của quốc gia.

Lãnh thổ quốc gia bao gồm các bộ phận cấu thành sau:

2.1. Vùng đất

Là toàn bộ phần đất liền và các hải đảo của quốc gia. Các hải đảo cũng có thể nằm gần đất liền và cũng có thể nằm trong vùng biển cả. Có những quốc gia có lãnh thổ là tập hợp của những hải đảo (gọi là quốc gia quần đảo).

Cũng có thể có quốc gia lại có một bộ phận lãnh thổ nằm trọn trong lãnh thổ quốc gia khác và không có đường thông ra biển (Gọi là lãnh thổ kín – anclave). Thí dụ: vùng Bác- le- khéc- tốc lãnh thổ của Bỉ nằm trong lãnh thổ của Hà Lan, Bu- xin- hen và Phê- nê- na- khốp – phần lãnh thổ của Tây Đức nằm trong lãnh thổ Thụy Sĩ; latvia – lãnh thổ của Tây Ban Nha nằm trong lãnh thổ Pháp.

Lãnh thổ của một số nước như Liên Xô, Mỹ, Canađa, Na Uy, Đan Mạch còn gồm những phần đất nằm trong khu vực Bắc cực. Khu vực này có hình dáng như là một hình quạt có đỉnh là cực Bắc và đáy là biên giới lục địa của các nước kề cận.

Quốc gia có toàn quyền sử dụng lãnh thổ của mình theo nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Nhà nước bằng pháp luật của mình quy định các vùng và chế độ pháp lý của từng vùng đó.

2.2. Vùng nước

Gồm toàn bộ phần nước nằm trong quốc gia.

  • Vùng nước nội địa: Gồm nước sông, hồ, kênh, đường dẫn nước nhân tạo nằm trong vùng đất và vùng biển nội địa: cảng, vũng đậu tàu,… Quốc gia có toàn quyền sử dụng phần nước này, quy định chế độ pháp lý của từng phần và điều chỉnh bằng pháp luật của mình việc sử dụng, bảo vệ, hoạt động… trong từng phần nước đó.
  • Vùng nước biên giới: Gồm nước sông, hồ, kênh biên giới kể từ đường biên giới hướng vào nội địa quốc gia.
  • Lãnh hải: Là vùng biển nằm ngoài vùng đất và vùng nước nội địa, thuộc chủ quyền của quốc gia ven bờ. Chiều rộng của lãnh hải do từng quốc gia quy định. Theo Công ước luật biển năm 1982, bề rộng của lãnh hải không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Tuyên bố ngày 12- 5- 1977 của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “lãnh hải của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam tính từ ngấn nước thuỷ triều thấp nhất trở ra”.

2.2.1. Lòng đất

Là lãnh thổ nằm dưới vùng đất và vùng nước của quốc gia. Về nguyên tắc, phần lòng đất kéo dài đến tận tâm Trái Đất.

Quốc gia có toàn quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, cũng như định ra quy chế bảo vệ các tài nguyên đó.

2.2.2. Vùng trời

Là vùng không gian nằm trên vùng đất và vùng nước của quốc gia. Ngày nay, độ cao của vùng trời chưa được luật quốc gia quy định cụ thể. Có những nước lấy đến hết độ cao của khí quyển. Có những nước lấy đến độ cao của quỹ đạo hiện đang có các vệ tinh nhân tạo truyền hình hoạt động. Có những nước không quy định độ cao của vùng trời.

Vùng trời nằm dưới chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của quốc gia, phương tiện bay của nước ngoài chỉ được bay vào, hay bay qua khi được nước chủ nhà cho phép.

Ngoài ra, tất cả các tàu biển, máy bay, tàu vũ trụ có mang cờ hay dấu hiệu đặc biệt khác của quốc gia và các đường ống dẫn, công trình, thiết bị của quốc gia nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của quốc gia (như ở vùng biển cả, Nam Cực, ở vùng không phận trên đó và trong khoảng không lãnh thổ) cũng được hưởng quy chế như là quy chế lãnh thổ của quốc gia.

Lãnh thổ là một trong những bộ phận cơ bản cấu thành quốc gia. Nó là cơ sở vật chất tối cần thiết. Không có lãnh thổ thì không thể có quốc gia đúng nghĩa của nó. Ngày nay, không thể quan niệm được một quốc gia không có lãnh thổ.

3. Quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ

Mỗi quốc gia có chủ quyền đầy đủ đối với lãnh thổ của mình gọi là quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ.

Tuy vậy, trong khoa học luật quốc tế có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của quyền tối cao đối với lãnh thổ. Những quan điểm này xuất phát từ lợi ích cơ bản của giai cấp thống trị quốc gia.

3.1. Thuyết coi lãnh thổ quốc gia như là đối tượng của quyền sở hữu nhà nước (Thuyết tài vật)

Học thuyết này ra đời trong chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến. Đại biểu của học thuyết này là: Xpê- ran- xki, Clao, Hốc, Bu- xta- man… đã coi lãnh thổ quốc gia như vật thuộc quyền sở hữu của quốc gia. Hay nói cách khác, lãnh thổ thuộc quyền sở hữu của quốc gia cũng như là một vật nào đó thuộc quyền sở hữu của các nhân vậy. Do đó, cũng như những người chủ sở hữu, quốc gia có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt lãnh thổ của mình.

Lãnh thổ quốc gia là sở hữu của nhà vua. Vua có thể tùy ý sử dụng lãnh thổ (tặng, trao đổi, cho thuê, thừa kế… mà không hề cân nhắc đến lợi ích dân chúng). Đó là hậu quả nguy hiểm của học thuyết này.

3.2. Thuyết cai trị

Thuyết này xuất hiện trong thời kỳ các quan hệ xã hội tư bản và luật quốc tế của tư sản đã được thiết lập. Những người theo thuyết này như: Bơ- lunch- ly; Nhê- đa- bi- tốp- xki, Phi- ríc- ke, E- li- nec, Pa- li- en- cô… cho rằng lãnh thổ là khoảng không mà trong đó có quyền lực quốc gia. Như vậy, họ xem quyền tối cao đối với lãnh thổ là quyền cai trị của nhà nước đối với dân chúng trong phạm vi biên giới (imperium).

Như Nhê-đa-bi-tốp-xki đã viết: “Lãnh thổ không phải là một vật thuộc quyền sở hữu của quốc gia mà là khoảng không gian trong đó chính quyền Nhà nước tồn tại và hoạt động. Nhà nước cai trị trong phạm vi lãnh thổ chứ không phải trên lãnh thổ. Lãnh thổ không phải là vật mà là phạm vi quyền lực của quốc gia”.

Rõ ràng, theo thuyết này, để xác định lãnh thổ quốc gia cần phải xác định được phạm vi quyền lực cai trị của quốc gia đó.

Trước đây, khi chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ còn được coi là hợp pháp, nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia chưa được luật quốc tế ghi nhận thì thuyết này hoàn toàn phù hợp. Ngày nay nó đã quá lỗi thời, bởi vì lãnh thổ mà các nước đế quốc, thực dân đã chiếm và thiết lập quyền cai trị chẳng hạn như đế quốc Mỹ đã từng cai trị ở miền Nam không thể coi là lãnh thổ của chúng được.

3.3. Thuyết thẩm quyền

Thuyết thẩm quyền xuất hiện trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản nước sang giai đoạn tột cùng là chủ nghĩa đế quốc. Nó được Rát- ni- ski đề xướng năm 1961 và được G. kensen, Vet- đơ- rôt, Gi- sen, S. ruxô phát triển. Những người theo thuyết này chủ trương rằng lãnh thổ quốc gia chỉ là khái niệm tương đối. Trong phạm vi của lãnh thổ quốc gia không những chỉ có quyền lực của một quốc gia này mà còn có cả quyền lực của nhiều quốc gia khác nhau. Tổng thể quyền lực này bao gồm trật tự pháp luật địa phương và những nhân tố của trật tự pháp luật các nước khác, bởi vì trên lãnh thổ của nước này bao giờ cũng có những người nước ngoài mà những người này trực tiếp chịu sự chi phối của quyền lực nước mình.

Như vậy, rõ ràng là thuyết này biện hộ cho chính sách bành trướng, xâm lược và can thiệp của các cường quốc đế quốc vào công việc nội bộ của các nước khác, bởi vì bất kỳ một sự xâm chiếm hay can thiệp nào vào công việc nội bộ của nước khác, đều được thuyết này xem như là một sự phân bổ thẩm quyền giữa các quốc gia. Thực chất là nó phủ nhận quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia.

3.4. Thuyết sở hữu quốc tế

Thuyết này ít này phổ biến hơn so với những thuyết trên. Đại diện của nó là La- ban- đơ, Rô- đen, mac- ten, Ô- pen- hai, Lao- ter- pác… Những người theo thuyết này chủ trương rằng đối với luật trong nước thì lãnh thổ là vũ đài quyền lực của quốc gia. Khi xóa nhòa, tráo lộn hai khái niệm này với nhau, thuyết này cố gắng chứng minh rằng “người chủ sở hữu” lãnh thổ quốc gia trên trường quốc tế chính là bộ máy thống trị của Nhà nước tư sản. Nó không hề nhắc đến dân tộc và quyền tự quyết của dân tộc đối với lãnh thổ đó.

Tóm lại, các thuyết trên đều xem xét lãnh thổ quốc gia một cách phiến diện. Cần phải xem xét vấn đề lãnh thổ quốc gia trong mối quan hệ chặt chẽ với vấn đề vị trí, vai trò xã hội của nó và quan điểm của các nước có chế độ kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau về lãnh thổ.

4. Quan điểm của các luật gia XHCN

Theo quan điểm của các luật gia chủ nghĩa xã hội quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ, một mặt là bộ phận cấu thành và sự biểu hiện của chủ quyền quốc gia; mặt khác, lại là thuộc tính của chủ quyền quốc gia. Quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ đều có imperium và dominium tức là nó gồm cả quyền lực của quốc gia được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ quốcgia bằng hệ thống các cơ quan nhà nước (như là cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp) mà không một nhà nước nào khác có thể áp đặt quyền lực của họ lên lãnh thổ quốc gia này ngoài những hành vi hợp pháp được nhà nước này cho phép. Tuy vậy, trong các nước có chế độ kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau, quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ cũng có bản chất giai cấp khác nhau.

Trong xã hội chủ nghĩa tư bản chủ nghĩa, nhà nước tư sản thực hiện quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ bất chấp của nhân dân và nhằm phục vụ quyền lợi ích kỷ của giai cấp tư sản.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ được kết hợp hài hòa với imperium và dominium. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là người đại diện chân chính cho quyền lợi của nhân dân và cũng là người chủ sở hữu duy nhất lãnh thổ quốc gia. Thí dụ: trong điều 6 Hiến pháp 1980 của nước ta quy định “ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. ở điều 19 có ghi: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa… đều thuộc sở hữu của toàn dân”. Nhà nước xã hội chủ nghĩa thực hiện quyền tối cao đối với lãnh thổ nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao đời sống của nhân dân lao động.

Theo quan điểm của luật gia các nước xã hội chủ nghĩa cơ sở pháp lý duy nhất của việc sử dụng và định đoạt lãnh thổ là ý chí chủ quyền của nhân dân sống trên lãnh thổ đó. Theo nguyên tắc dân tộc tự quyết được Hiến chương Liên hợp quốc và nhiều văn kiện quốc tế khác ghi nhận, thì quyền tối cao đối với lãnh thổ thuộc về nhân dân. Chỉ có nhân dân mới là người chủ có toàn quyền đối với lãnh thổ của mình và chỉ có họ mới có quyền định đoạt mà thôi.

Mỗi một quốc gia thực hiện quyền tối cao đối với mọi công dân và tài sản trên lãnh thổ của mình. Quốc gia khác chỉ có thể tiến hành một số hành vi trên lãnh thổ của quốc gia này khi được nó cho phép. Chính sự cho phép đó là một trong những hình thức thực hiện quyền tối cao của quốc gia này khi được nó cho phép. Chính sự cho phép đó là một trong những hình thức thực hiện quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ.

Tóm lại: Lãnh thổ quốc gia là cơ sở vật chất cho sự tồn tại của các dân tộc. Cùng với dân cư, lãnh thổ quốc gia là cơ sở cần thiết cho sự tồn tại của quốc gia. Bởi vậy, mà quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ là thuộc tính bất di bất dịch của quốc gia cũng như chủ quyền vậy.

5. Nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ

Ngay từ thời xa xưa, tư tưởng về tôn trọng quyền bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ đã được các nhà tư tưởng của các nước đưa ra (xem chương II).

Ngày nay, bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ được luật quốc tế hiện đại công nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản. Nó bắt nguồn từ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ.

Bất khả xâm phạm lãnh thổ có nghĩa là không được xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia bằng vũ lực hay các áp lực khác. Còn toàn vẹn lãnh thổ có nghĩa là nghiêm cấm chia cắt lãnh thổ hoặc xâm chiếm một phần lãnh thổ của bất kỳ một quốc gia nào. Hai khái niệm này tuy có điểm giống nhau nhưng lại độc lập với nhau. Cũng có thể có sự xâm phạm nhưng không đưa đến sự chia cắt hay xâm chiếm lãnh thổ. Do vậy có thể xem đó là hai mặt của nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ.

Nguyên tắc này đã được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và nhiều văn bản quốc tế quan trọng khác. Hiến chương Liên hợp quốc (điều 2, khoản 4) đã ghi rõ: “tất cả các thành viên Liên hợp quốc cần phải tự kiềm chế, không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của bất kỳ nước nào và bằng bất cứ cách nào khác trái với mục đích của Liên hợp quốc”.

Nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ được nhấn mạnh trong Tuyên bố năm 1970 các nguyên tắc của Luật quốc tế, Nghị quyết 290 (IV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nhân tố chủ yếu của hòa bình (1/12/1949), Nghị quyết 1514 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa (14/12/1960); Thông cáo chung của Hội nghị á- Phi họp tại Băng- đung (24/4/1955)…

Nguyên tắc này cũng đã ghi nhận Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973). Điều 1 của Hiệp định này ghi rõ: “Hoa kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ- ne- vơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.

Trong Hiến pháp năm 1980 của nước ta, điều 1 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo”. Điều 13 còn nói rõ hơn: “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.

Nội dung của nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm các điểm cơ bản sau:

  • Nghiêm cấm xâm chiếm lãnh thổ bằng cách đe dọa vũ lực hay sử dụng vũ lực;
  • Biên giới quốc gia là ổn định và bất khả xâm phạm;
  • Không được sử dụng lãnh thổ quốc gia khi không có sự đồng ý của quốc gia chủ nhà;
  • Không được sử dụng lãnh thổ của mình hoặc cho quốc gia khác sử dụng ỗể gây thiệt hại cho quốc gia khác;

Vi phạm một trong những điểm cơ bản nêu trên tức là vi phạm nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, các nước đế quốc và bọn phản động quốc tế thường chà đạp thô bạo lên nguyên tắc này.

Ngay từ năm 1954 nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tiến hành chiến tranh dưới dạng bản đồ, cho in bản đồ Trung Quốc gồm lãnh thổ của nhiều nước láng giềng, trong đó có toàn bộ khu vực Đông Nam A. Từ đó đến nay, bằng nhiều thủ đoạn thâm độc từ xâm canh, xâm cư đến chiếm đất, lợi dụng xây dựng các công trình hữu nghị để lấn đất, xê dịch, xuyên tạc vị trí các mốc biên giới… cho đến dùng lực lượng vũ trang uy hiếp, bắn phá và đã lấn chiếm nhiều khu vực lãnh thổ của nước ta. Ngày 19/1/1974, bọn phản động Bắc Kinh đã dùng lực lượng vũ trang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đặc biệt 17/2/1979 chúng đã huy động hơn 60 vạn quan phát động cuộc chiến tranh xâm lược chống Việt Nam và vân tiếp tục đe dọa “cho Việt Nam một bài học nữa”. Rõ ràng, những hành động thô bạo nêu trên đã vi phạm một cách nghiêm trọng nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ và các nguyên tắc cơ bản khác của luật quốc tế.

Lãnh thổ quốc gia là toàn vẹn và bất khả xâm phạm. Nhưng không phải vì vậy mà nó không thể có những thay đổi cần thiết. Bất cứ một sự thay đổi nào cũng phải dựa trên sự thỏa thuận tự nguyện, hợp tình, hợp lý của các bên nhằm củng cố và và duy trì quan hệ hòa bình và hữu nghị. Nó phải dựa trên nguyên tắc dân tộc tự quyết và chỉ có dựa trên cơ sở đó mới thực sự đảm bảo được quyền bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc và quốc gia.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon