Các cam kết đầu tư của Việt Nam trong WTO

Cac-cam-ket-dau-tu-cua-Viet-Nam-trong-WTO

WTO là tên viết tắt của World Trade Organization là một Tổ chức Thương mại quốc tế đặt trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ, có chức năng giám sát các hiệp định thương mại giữa các nước thành viên với nhau theo các quy tắc thương mại. Hoạt động của WTO nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại. Việt Nam trở thành thành viên của WTO từ ngày 11/01/2007. Dưới đây là một vài cam kết đầu tư của Việt Nam trong WTO.

1. Giới thiệu chung

Những quy định liên quan tới đầu tư nước ngoài ràng buộc Việt Nam trong khuôn khổ WTO nằm rải rác trong các Phụ lục của Hiệp định Marrakesh (Hiệp định thành lập WTO) như Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thưong mại (TRIMs), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM). Các Hiệp định trên có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ khi Việt Nam tham gia WTO năm 2007, tức là 12 năm sau khi các hiệp định có hiệu lực đối với các thành viên ban đầu của WTO. Quy định ưu đãi về thời hạn thực thi nghĩa vụ dành cho các DC, trong đó có Việt Nam, đã hết. Thí dụ: Điều 5 của Hiệp định TRIMs cho phép các DC có thêm thời gian 5 năm chuyển tiếp để loại bỏ tất cả các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại bị cấm. Do Hiệp định này đã có hiệu lực từ ngày 01/01/1995, nên đến khi Việt Nam gia nhập WTO, phải thực thi đầy đủ các nghĩa vụ của Hiệp định TRIMs ngay mà không có giai đoạn chuyển tiếp. Tương tự, điều khoản ưu đãi gia hạn thực hiện nghĩa vụ của các hiệp định TRIPS, GATS, SCM đã hết hạn khi Việt Nam tham gia WTO.

2. Nội dung cam kết

2.1. Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs)

Hiệp định TRIMs điều chỉnh vấn đề đầu tư với mục đích là mở rộng, phát triển tự do hóa đầu tư và thương mại quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế của tất cả các nước thành viên WTO, đặc biệt là DC, trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh tự do và công bằng. Các nghĩa vụ trong Hiệp định có tính đến nhu cẩu cụ thể về thương mại, phát triển và khả năng tài chính của các DC.

Hiệp định TRIMs chỉ áp dụng đối với các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại hàng hóa, không áp dụng trong lĩnh vực dịch vụ. Hiệp định gồm 9 điều khoản và một phụ lục nêu danh mục minh họa các biện pháp bị cấm. Theo Hiệp định này, Việt Nam có nghĩa vụ không được áp dụng bất cứ biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại nào không phù hợp Điều III của GATT về đối xử quốc gia và Điều XI của GATT về cấm hạn chế số lượng. Đây là những biện pháp đặt ra điều kiện hạn chế hay khuyến khích đầu tư nước ngoài và được xác định có tác động làm hạn chế và bóp méo thương mại. Hiệp định TRIMs không đưa ra định nghĩa rõ ràng về “biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại” nhưng liệt kê những biện pháp không phù hợp trong phụ lục. Vì thế, hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư thuộc một thành viên WTO trên lãnh thổ của thành viên khác sẽ được đảm bảo không bị áp đặt những biện pháp cản trở thương mại, cạnh tranh công bằng như được liệt kê trong Hiệp định TRIMs. Ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực, trong vòng 90 ngày, các thành viên WTO phải thông báo về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại không phù hợp của họ cho WT0. Việt Nam cũng có nghĩa vụ không được ban hành bất kỳ biện pháp nào nằm trong Danh mục minh họa của Hiệp định.

Các biện pháp bị cấm theo Hiệp địnhTRIMs được phân loại thành hai nhóm theo tính chất không phù hợp của chúng với Hiệp định chung về thuê’quan và thương mại 1994 (GATT).TRIMs không phù hợp với các nghĩa vụ về đối xử quốc gia được qui định tại Điều III của GATT1994 bao gồm những biện pháp mang tính bắt buộc, hoặc được thực thi thông qua luật trong nước và các quyết định mang tính hành chính, hoặc các Điều kiện mà chỉ khi tuân thủ các Điều kiện này mới được hưởng một ưu đãi nào đó, và biện pháp này qui định:

  • Doanh nghiệp phải mua hoặc sử dụng các sản phẩm có xuất xứ trong nước hoặc từ một nguổn cung cấp trong nước, dù yêu cầu đó được xác định theo sản phẩm nhất định, theo số lượng hoặc giá trị sản phẩm hoặc theo tỷ lệ về số lượng hoặc giá trị của sản xuất trong nước; hoặc
  • Doanh nghiệp chỉ được mua hoặc sử dụng các sản phẩm nhập khẩu được giới hạn trong một tổng số tính theo số lượng hoặc giá trị sản phẩm nội địa mà doanh nghiệp này xuất khẩu.

Nhóm thứ hai bao gồm các biện pháp trái với nghĩa vụ chung về loại bỏ các hạn chế số lượng qui định tại khoản 1 Điều XI của GATT 1994, thí dụ như những biện pháp mang tính bắt buộc, hoặc được thực thi thông qua luật trong nước, và các quyết định mang tính hành chính, hoặc các điều kiện mà chỉ khi tuân thủ các điều kiện này mới được hưởng một ưu đãi nào đó, và biện pháp này hạn chế:

  • Việc doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm để sử dụng cho hoặc liên quan đến sản xuất trong nước dưới hình thức hạn chê’ chung hoặc hạn chế trong một tổng số liên quan đến số lượng hoặc giá trị sản xuất trong nước mà doanh nghiệp đó xuất khẩu;
  • Việc doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm để sử dụng cho hoặc liên quan đến sản xuất trong nước bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận đến nguồn ngoại hối liên quan đến nguồn thu ngoại hối của doanh nghiệp này;
  • Việc doanh nghiệp xuất khẩu hoặc bán để xuất khẩu các sản phẩm, mặc dù được qui định dưới hình thức sản phẩm cụ thể hay dưới hình thức số lượng hoặc giá trị sản phẩm hoặc theo một tỷ lệ về số lượng hoặc giá trị sản xuất trong nước của doanh nghiệp.

Như tiêu đề của Phụ lục và từ ngữ sử dụng trong quy định mỗi nhóm biện pháp (thí dụ từ “trong đó có”), danh sách này không liệt kê toàn bộ mà chỉ mang tính minh họa các TRIMs bị cấm. Thực tiễn có thể có các biện pháp TRIMs khác trái với nguyên tắc NT và nguyên tắc cấm hạn chế số lượng trong thương mại hàng hóa của WTO.

2.2. Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS)

GATS điều chỉnh một phương thức đầu tư trong thị trường dịch vụ là hiện diện thương mại, tức là bất kỳ loại hình kinh doanh hay tổ chức nghề nghiệp nào, bao gổm: (i) việc thiết lập, mua lại hay duy trì một pháp nhân, hoặc (ii) thành lập hay duy trì một chi nhánh hoặc văn phòng đại diện, trên lãnh thổ của một Thành viên nhằm mục đích cung cấp dịch vụ. Khi nhà đầu tư của một thành viên WTO thiết lập đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ tại Việt Nam, theo quy định của GATS, Việt Nam phải tuân thủ một số nghĩa vụ chung.

Thứ nhất, Việt Nam cam kết ngay lập tức và không điều kiện dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ Thành viên nào khác, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Việt Nam dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ tương tựcủa bất kỳ nước nào khác (nguyên tắc MFN).

Thứ hai, Việt Nam có nghĩa vụ nhanh chóng công bố mọi biện pháp có liên quan hoặc tác động đến việc thi hành Hiệp định GATS và thành lập một hoặc nhiều điểm cung cấp thông tin cụ thể theo yêu  cầu của các thành viên WTO khác về các quy định pháp luật, hướng dẫn hành chính liên quan.

Thứ ba, Việt Nam phải đảm bảo các biện pháp chung ảnh hưởng tới thương mại dịch vụ trong các lĩnh vực Việt Nam có cam kết cụ thể phải được quản lý một cách hợp lý, khách quan và bình đẳng.

Thứ tư, Việt Nam không được hạn chế việc chuyển tiền và thanh toán quốc tế cho những giao dịch vãng lai liên quan đến các cam kết cụ thể của mình. Trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của mình, Việt Nam nêu rõ mức độ mở cửa thị trường và đối xử quốc gia, các điều kiện như hạn chế sở hữu nước ngoài cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Bên cạnh những nghĩa vụ chung và cam kết cụ thể, Hiệp định quy định một số ngoại lệ cho phép các thành viên WTO tự do theo đuổi các mục tiêu chính sách khác như giải quyết khó khăn về cán cân thanh toán, bảo vệ các lợi ích công, lợi ích an ninh.

2.3. Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS)

TRIPS bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, một loại tài sản của nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp định này tích hợp quy định của các công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ đã được tham gia rộng rãi trước khi TRIPS ra đời. Hơn nữa, Hiệp định này bổ sung các nghĩa vụ trong các vấn đề mà những Điều ước khác không đề cập đẩy đủ. Thay vì bảo hộ riêng lẻ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp định TRIPS điều chỉnh toàn diện khía cạnh thương mại của các loại quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, các thành viên WTO, trong đó có Việt Nam, có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc và đảm bảo tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu và có thể quy định bảo hộ ở mức cao hơn.

2.4. Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đổi kháng (Hiệp định SCM)

SCM ra đời nhằm cụ thể hóa và phát triển các quy định về trợ cấp của GATT 1994. Trợ cấp là khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ hoặc từ cơ quan công quyền và từ đó doanh nghiệp có được một lợi ích nào đó. Hiệp định SCM thiết lập các quy tắc đa phương điều chỉnh trợ cấp cho sản phẩm công nghiệp gây bóp méo thương mại, và việc sử dụng các biện pháp đối khác để bù đắp các thiệt hại do hàng nhập khẩu được trợ cấp gây ra.Tuy Hiệp định không trực tiếp đề cập tới đầu tư nước ngoài, nhưng trợ cấp có thể được thực hiện thông qua một số biện pháp Ưu đãi đầu tư, như: miễn thuế và cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp kèm theo yêu cầu về sản xuất hàng xuất khẩu, yêu  cầu về hàm lượng nội địa, hay sử dụng hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Những trợ cấp đó bị cấm theo Điều 3 Hiệp định SCM. Việt Nam cũng có nghĩa vụ tuân thủ quy tắc này và không sử dụng hay duy trì trợ cấp liên quan tới đầu tư như vậy.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon