Hầu hết các vụ, việc về bạo lực gia đình mà hành vi vi phạm cấu thành tội phạm được đưa ra xét xử có liên quan đến các dạng thức bạo lực về thể chất, bạo lực về tình dục, trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Áp dụng pháp luật vào việc giải quyết các vụ, việc bạo lực gia đình trong trường hợp này thực chất là áp dụng pháp luật hình sự để xử lý hành vi vi phạm.
1. Đối với các trường hợp hành vi bạo lực gia đình cấu thành tội phạm
Một bản án nghiêm khắc, đúng người đúng tội không chỉ bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật mà còn góp phần phòng ngừa bạo lực gia đình. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi vi phạm là việc giải quyết phải bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt được tình trạng bạo lực, bảo đảm an toàn về sức khoẻ, tính mạng cho nạn nhân. Thực tế, giải quyết về hình sự đối với các hành vi bạo lực gia đình vẫn còn một số tồn tại sau:
- Số lượng các vụ, việc bạo lực gia đình được xử lý hình sự rất hạn chế, thường các trường hợp xử lý hình sự là các vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nạn nhân chịu đựng, không trình báo vì sợ ảnh hưởng đến gia đình, sợ mang tiếng. Nếu nạn nhân là người vợ thì việc không tố cáo hành vi của người chồng còn có tâm lý mong muốn duy trì quan hệ hôn nhân. Vì vậy, nhiều trường hợp bạo lực gia đình giữa vợ và chồng tái diễn, mâu thuẫn giữa vợ và chồng sâu sắc hơn và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
- Về sự chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận và giải quyết vụ, việc ảnh hưởng đến việc chứng minh hành vi phạm tội
Xử lý hình sự, việc chứng minh hành vi phạm tội thuộc về trách nhiệm của cơ quan điều tra. Tuy nhiên sự chậm trễ, trì hoãn của cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận và giải quyết có thể sẽ dẫn đến khó khăn trong việc chứng minh hành vi phạm tội, điều này sẽ bất lợi cho nạn nhân trong hành trình đi tìm công lý. Một nạn nhân bạo lực gia đình bị chồng bạo hành trong suốt một thời gian dài, trong đó có lần phải nhập viện 9 ngày và khâu 5 mũi.
Tuy nhiên, nạn nhân cho biết: Ban đầu công an nói rằng đó là hành vi phạm tội hình sự nhưng khuyên nạn nhân không tiếp tục theo đuổi vụ việc này vì nếu nạn nhân làm như vậy là quá nặng với chồng. Cuối cùng, sau khi bị trì hoãn khá lâu, giám định pháp y được tiến hành với mức độ thương tật là 6% và người chồng không bị xử lý hình sự. Như vậy, trong trường hợp này nạn nhân cho rằng việc giải quyết chậm trễ đã ảnh hưởng đến việc xác định hành vi phạm tội của người thực hiện hành vi, nạn nhân không tin tưởng ở công lý.
2. Bạo lực về tình dục
Các hành vi bạo lực về tình dục, việc xử lý hình sự còn nhiều vướng mắc. Vướng mắc có nguyên nhân từ những bất cập của pháp luật. Chẳng hạn, các hành vi bạo lực về tình dục giữa vợ và chồng khung pháp lý còn bỏ ngỏ, cho nên hành vi bạo lực về tình dục nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của nạn nhân nhưng lại không có đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi.
Mặc dù, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội hiếp dâm. Theo quy định này, hành vi của người chồng cố tình giao cấu trái với ý muốn của người vợ, vẫn có thể cấu thành tội hiếp dâm. Tuy nhiên, việc chứng minh hành vi phạm tội trên thực tế là rất khó, dẫn đến nhiều trường hợp bạo lực về tình dục không thể xử lý theo Luật Hình sự.
Bạo lực tình dục đối với trẻ em rất đáng lo ngại. Điều đau lòng là nhiều trẻ em gái lại là nhân của hành vi bạo lực về tình dục mà người thực hiện hành vi lại là những người thân trong gia đình và khi vụ, việc được phát hiện và xử lý thì hành vi vi phạm đã diễn biến kéo dài, gây tổn thương rất nghiêm trọng cho trẻ em gái là nạn nhân của hành vi bạo lực này.
Điều này cũng dấy lên những lo ngại về việc hành vi vi phạm không bị tố cáo, dẫn đến việc vi phạm kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng Ví dụ sau đây là một tiếng chuông cảnh tỉnh về một dạng thức bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em gái, cần phải được xử lý một cách triệt để để phòng ngừa hậu quả xấu với nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em.
3. Thực tiễn giải quyết vụ việc bạo lực gia đình tại Tòa án
Bị cáo Kiều Văn Th bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long truy tố về hành vi phạm tội như sau: Kiều Văn Th và bà Nguyễn Thị T kết hôn với nhau năm 1997, có 03 người con chung là Kiều Văn G, sinh năm 1999, Kiều Thị Ngọc Q sinh ngày 06/10/2000 và Kiều Thị Thanh T, sinh năm: 2007, tất cả cùng sinh sống bằng nghề làm thuê trong cùng một nhà tại ấp Tân An, xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Bắt đầu từ khoảng giữa năm 2010 (lúc đó Q học lớp 5 và chỉ mới 10 tuổi) đến tháng 12 năm 2015, lợi dụng lúc bà Nguyễn Thị T, Kiều Văn G, Kiều Thị Thanh T không có ở nhà, Kiều Văn Th đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục với Kiều Thị Ngọc Q rất nhiều lần, ở nhiều địa điểm khác nhau.
Sau đó, kể từ năm 2010 đến năm 2012 (lúc đó Q chưa đủ 13 tuổi) thì Th quan hệ tình dục với Q rất nhiều lần tại phòng ngủ và cạnh gốc bưởi gần nhà tắm ở phía sau nhà Th hoặc có khi đi xiệt cá, bẫy chuột. Thời điểm này Q còn nhỏ, chưa hiểu biết gì về tình dục, Th kêu Q làm sao thì Q làm như vậy và không có phản đối gì.
Từ năm 2013 đến năm 2015, Th tiếp tục quan hệ tình dục với Q nhiều lần trong phòng ngủ của Q, nhưng có lúc Q không cho thì Thanh dùng lời lẽ uy hiếp Q “Giờ mày chống hả gì, mày không cho (tức không cho quan hệ tình dục) tao giết mày”. Sau khi bị uy hiếp tinh thần vài ngày thì Q mới cho Th quan hệ tình dục. Có tuần Th quan hệ tình dục với Q đủ 7 ngày trong tuần. Thanh sợ Quyên có thai nên chỉ cho Q uống cây chó đẻ và cây răng cưa để ngừa thai. Lần cuối cùng Th dùng dao Thái Lan đe dọa uy hiếp Q cho Th quan hệ tình dục. Vài ngày sau Q cho Th quan hệ tình dục tại phòng ngủ của Q (lúc đó Th mặc quần màu xanh đã cũ, không mặc áo). Sau đó, Th đi làm hồ ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 09/02/2016 (mùng 02 tết nguyên đán năm 2016), Q kể lại cho mẹ là Nguyễn Thị T, anh trai Kiều Văn G biết hết sự việc Th quan hệ tình dục với Q nhiều năm qua. Quyên đòi thưa Th nhưng bà T khuyên “Khoan hảy thưa để mẹ khuyên cha, dù gì cũng là cha, có gì từ từ tính”. Bà T về hỏi Th thì Th thừa nhận toàn bộ sự việc, nhưng do sợ mất uy tín gia đình nên bà Tám không trình báo chính quyền địa phương.
Đến chiều ngày 17/02/2016, Th tổ chức tiệc nhậu với vài người bạn, sau khi những người này ra về thì Th gọi 2 con là Q và G ra nhậu chung. Trong lúc nhậu, Q uống được 3 ly rượu thì Th nói với Q, có bức xúc gì thì nói ra đi. Q trả lời Th rằng “Cha biến khỏi cuộc đời con thì đời con tươi đẹp biết mấy”. Thanh nghĩ Q đang trách Th vì Th quan hệ tình dục với Q, nên đánh Q, Q tức giận chạy đến Công an xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long tố giác hành vi của Kiều Văn Th. Vụ việc được chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long thụ lý làm rõ.
Căn cứ bản kết luận giám định pháp y về tình dục số 22/BKLPY ngày 19/02/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Long kết luận đối với Kiều Thị Ngọc Q như sau: Màng trinh dãn rộng có 02 điểm rách cũ ở hai vị trí 3 giờ, 7 giờ vết rách nông.
Về trách nhiệm hình sự: Bà Nguyễn Thị T là người đại diện hợp pháp của người bị hại Kiều Thị Ngọc Q yêu cầu xử lý bị cáo Kiều Văn Th theo quy định pháp luật, nhưng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Về bồi thường thiệt hại: Không yêu cầu bị cáo bồi thường cho Kiều Thị Ngọc Q bất kỳ khoản tiền nào.
Tại Bản cáo trạng số: 09/CT-VKS-P1 ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã truy tố bị cáo Kiều Văn Thanh về tội “Hiếp dâm trẻ em” theo quy định tại khoản 4 Điều 112 và tội “Giao cấu với trẻ em” theo quy định tại điểm a, c khoản 2 Điều 115 của Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa bị cáo Kiều Văn Th: Thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Tại bản án số 13/2016/HSST ngày 1/8/2016, Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Long tuyên án:
Tuyên bố bị cáo Kiều Văn Th phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Áp dụng khoản 4 Điều 112 của Bộ luật hình sự, điểm g, h khoản 1 Điều 48, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Kiều Văn Th hình phạt tù chung thân.
Nhận thấy rằng, hành vi của Kiều Văn Th là đặc biệt nghiêm trọng. Sự việc kéo dài trong suốt nhiều năm nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, gây tổn thương sâu sắc cho nạn nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu Kiều Thị Ngọc Q. Bản án nghiêm khắc giành cho Kiều Văn Th là thoả đáng. Tuy nhiên, trong vụ việc này, bà T khi biết được sự việc mà không trình báo cơ quan công an, lại không bị xem xét xử lý về hành vi không tố giác tội phạm.
Chúng tôi cho rằng, khi giải quyết các vụ việc về bạo lực gia đình có tính chất đặc biệt nghiêm trọng này, cần phải xử lý nghiêm đối với hành vi của người biết mà không tố giác tội phạm để đảm bảo tính phòng ngừa tình trạng bạo lực gia đình và hạn chế đến thấp nhất tổn thương gây ra đối với trẻ em. Việc bỏ lọt đối với hành vi không tố giác tội phạm có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc bạo lực gia đình đối với trẻ em có tính chất nghiêm trọng không được phát hiện hoặc khi phát hiện thì hậu quả của hành vi vi phạm đã làm tổn thương rất lớn, đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ em.