Các trường hợp thực hiện nghĩa vụ theo Bộ luật Dân sự

cac-truong-hop-thuc-hien-nghia-vu-theo-bo-luat-dan-su

Bộ luật Dân sự (BLDS) là nền tảng pháp lý quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam, định rõ các quy định và nguyên tắc căn bản về quan hệ pháp lý giữa các cá nhân, tổ chức và tự nhiên. Trong BLDS, việc thực hiện nghĩa vụ đóng một vai trò quan trọng, tạo ra các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia vào các giao dịch và quan hệ pháp lý. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu “Các trường hợp thực hiện nghĩa vụ theo BLDS” qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015.

1. Quy định chung về thực hiện nghĩa vụ

Theo quy định tại Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).

Từ đó có thể thấy, đối tượng mà quan hệ nghĩa vụ hướng đến bao gồm nhiều loại khác nhau nên phải có quy định riêng về việc thực hiện nghĩa vụ đối với từng đối tượng cụ thể.

Việc thực hiện nghĩa vụ phải được tiến hành một nơi nhất định, vào một thời điểm nhất định do các bên thỏa thuận. Về mặt địa điểm, nếu không có thỏa thuận thì, đối với bất động sản là nơi có bất động sản, nếu đối tượng là động sản thì nơi thực hiện nghĩa vụ là địa điểm cư trú hoặc trụ sở nơi có quyền.

Về thời hạn, nếu không có thỏa thuận và pháp luật cũng không quy định thì các bên có thể thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện trước, thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng với nhau. Một trong các bên của hợp đồng song vụ có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý.

2. Các trường hợp thực hiện nghĩa vụ

2.1 Thực hiện nghĩa vụ giao vật

“Điều 279. Thực hiện nghĩa vụ giao vật

  1. Bên có nghĩa vụ giao vật phải bảo quản, giữ gìn vật cho đến khi giao.
  2. Khi vật phải giao là vật đặc định thì bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết; nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận về chất lượng thì phải giao vật đó với chất lượng trung bình; nếu là vật đồng bộ thì phải giao đồng bộ.
  3. Bên có nghĩa vụ phải chịu mọi chi phí về việc giao vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Theo quy định pháp luật, bên có nghĩa vụ giao vật phải chịu trách nhiệm bảo quản, giữ gìn vật cho đến khi thực hiện giao nhận. Lý do cho điều này là bởi họ đang thực hiện việc chiếm hữu vật, do đó có điều kiện và khả năng bảo quản tốt hơn so với các chủ thể khác. Việc bảo quản, giữ gìn vật nhằm đảm bảo quyền lợi của bên nhận được vật chuyển giao đúng với tình trạng như đã thỏa thuận ban đầu.

Vật trong quan hệ nghĩa vụ bao gồm: vật đặc định, vật cùng loại và vật đồng bộ. Đối với từng loại vật, nghĩa vụ thực hiện giao vật của chủ thể sẽ có sự khác nhau phù hợp với đặc điểm, tính chất của vật:

  • Vật đặc định: Phải giao đúng vật đã cam kết (ví dụ: xe Lamborghini Aventador LP700-4 màu bạc).
  • Vật cùng loại: Phải giao đúng số lượng và chất lượng (ví dụ: 1 tấn gạo loại 1).
  • Vật đồng bộ: Phải giao đồng thời, đúng và đầy đủ tất cả các phần/bộ phận (ví dụ: bộ phận lắp ráp máy tính).

Nghĩa vụ chuyển giao vật là nghĩa vụ của bên thực hiện  chuyển giao, nên mọi chi phí chuyển giao phải do bên có nghĩa vụ thanh toán.

2.2 Thực hiện nghĩa vụ trả tiền

Điều 280. Thực hiện nghĩa vụ trả tiền

  1. Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận.
  2. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Hợp đồng giữa hai bên xác định một bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc tiền tệ cho bên kia. Bên nhận thanh toán theo thời gian thỏa thuận. Pháp luật quy định bên trả tiền thực hiện đầy đủ, đúng hạn, đúng nơi và phương thức. Nếu không thực hiện, sẽ chịu phạt theo quy định của pháp luật. Bên có quyền khởi kiện nếu bên kia không thanh toán.

Bên có nghĩa vụ (ví dụ: bên vay) phải trả cho bên có quyền (ví dụ: bên cho vay) khoản tiền gốc và cả tiền lãi (nếu có). Mức lãi suất được áp dụng theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận giữa hai bên.

Nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, khoản tiền mà bên có nghĩa vụ phải trả sẽ bao gồm cả nợ gốc và lãi trên nợ gốc.

Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng bên mua chậm thanh toán tiền cho bên bán, bên mua đương nhiên phải trả lãi trên số tiền cần phải thanh toán cho người bán. Mức lãi suất được áp dụng theo quy định của pháp luật.

2.3 Nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc

Điều 281. Nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc

  1. Nghĩa vụ phải thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng công việc đó.
  2. Nghĩa vụ không được thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ không được thực hiện công việc đó.”

Việc quy định nguyên tắc thực hiện một công việc hoặc không thực hiện một công việc mang lại lợi ích cho bên có quyền, là sự phù hợp của pháp luật trong vấn đề giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Đối tượng dù là công việc phải thực hiện hay không phải thực hiện cũng phải được xác định cụ thể, và trong một quãng thời gian nhất định tùy vào tính chất, đặc điểm của quan hệ đó.

2.4 Thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ

Điều 282. Thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ

Nghĩa vụ được thực hiện theo định kỳ theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ.”

Như vậy, thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ là việc thực hiện nghĩa vụ trong một quãng thời gian nhất định, khoảng thời gian đó có hạn định và tính chất chất lặp đi lặp lại theo kỳ. Nghĩa vụ được thực hiện theo định kỳ được tiến hành như sau: thực hiện theo thỏa thuận, theo quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Bên mang nghĩa vụ có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn trong các kỳ hạn thực hiện nghĩa vụ. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ.

2.5 Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba

Điều 283. Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba

Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”

Pháp luật cho phép đối với một số loại giao dịch mà không nhất thiết phải do người có nghĩa vụ đích thân thực hiện thì người đó có thể ủy quyền cho người khác thực hiện giúp mình.

Việc ủy quyền phải đảm bảo các điều kiện sau: việc ủy quyền phải được người có quyền ủy quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền.

Cũng cần lưu ý rằng với quy định này của Luật sẽ có một số ngoại lệ như sau:

  • Có một số loại nghĩa vụ phải do chính người có nghĩa vụ thực hiện mà không thể thực hiện thông qua người thứ ba, đó là các nghĩa vụ liên quan đến nhân thân như nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến sức khỏe
  • Các chủ thể mang nghĩa vụ không thể đưa ra lý do là đã ủy quyền cho người khác để mình không phải thực hiện nghĩa vụ này .
  • Đối với nghĩa vụ không thể thực hiện một công việc không thể ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện vì trong trường hợp này đòi hỏi chính các chủ thể mang nghĩa vụ phải thực hiện.

2.6 Thực hiện nghĩa vụ có điều kiện

“Điều 284. Thực hiện nghĩa vụ có điều kiện

  1. Trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ thì khi điều kiện phát sinh, bên có nghĩa vụ phải thực hiện.
  2. Trường hợp điều kiện không xảy ra hoặc xảy ra do có sự tác động của một bên thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 120 của Bộ luật này.”

Bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ để thỏa mãn nhu cầu lợi ích của bên có quyền. Tùy vào đặc điểm, tính chất của từng quan hệ mà các bên có thể thỏa thuận về điều kiện phát sinh để thực hiện nghĩa vụ.

Theo đó, điều kiện được hiểu là điều phụ thuộc bắt buộc phải có trong một sự cam kết để định đoạt. Hay, điều kiện là những căn cứ phải phát sinh trong tương lai, thì thỏa thuận của các bên mới có hiệu lực.

Nghĩa vụ có điều kiện là nghĩa vụ chỉ được thực hiện khi phát sinh các sự kiện nhất định trong tương lai. Điều kiện có thể được dữ thực hiện bởi các trường hợp sau: do thỏa thuận của các bên, do quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp khi điều kiện xảy ra, các bên cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Điều kiện sẽ không được chấp nhận khi nó xảy ra do ý chí cố tình tác động đến của các bên.

2.7 Thực hiện nghĩa vụ có đối tượng tùy ý lựa chọn

Điều 285. Thực hiện nghĩa vụ có đối tượng tùy ý lựa chọn

  1. Nghĩa vụ có đối tượng tùy ý lựa chọn là nghĩa vụ mà đối tượng là một trong nhiều tài sản hoặc công việc khác nhau và bên có nghĩa vụ có thể tùy ý lựa chọn, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định dành quyền lựa chọn cho bên có quyền.
  2. Bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền biết về việc tài sản hoặc công việc được lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp bên có quyền đã xác định thời hạn thực hiện nghĩa vụ được lựa chọn thì bên có nghĩa vụ phải hoàn thành đúng thời hạn.
  3. Trường hợp chỉ còn một tài sản hoặc một công việc thì bên có nghĩa vụ phải giao tài sản đó hoặc thực hiện công việc đó.”

Nghĩa vụ có đối tượng tùy ý lựa chọn là nghĩa vụ mà đối tượng là một trong nhiều tài sản hoặc công việc khác nhau và bên có nghĩa vụ có thể tùy ý lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ. Từ quy định trên, có thể thấy đối tượng tùy ý lựa chọn của quan hệ nghĩa vụ bao gồm: tài sản hoặc công việc

Bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền biết về đối tượng mà mình lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ. Khi đã xác định được đối tượng, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn đã thỏa thuận.

Trong trường hợp chỉ còn lại một tài sản hoặc một công việc duy nhất, thì bên có nghĩa vụ bắt buộc phải giao tài sản hoặc thực hiện đúng công việc đó. Vì nghĩa vụ mang tính bắt buộc, quy định về lựa chọn đối tượng chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể thực hiện nghĩa vụ của mình, điều đó không đồng nghĩa với việc miễn nghĩa vụ cho họ. Do đó, khi không còn sự lựa chọn, họ bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ như bình thường.

2.8 Thực hiện nghĩa vụ thay thế được

Điều 286. Thực hiện nghĩa vụ thay thế được

Nghĩa vụ thay thế được là nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện một nghĩa vụ khác đã được bên có quyền chấp nhận để thay thế nghĩa vụ đó”.

Thay thế nghĩa vụ xuất hiện khi các bên có thỏa thuận, theo đó, bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện một nghĩa vụ khác.

Loại nghĩa vụ này được pháp luật ghi nhận trước hết thể hiện được sự tôn trọng ý chí thỏa thuận của các bên. Bên cạnh đó còn thể hiện được tính chất linh hoạt phù hợp với các loại quan hệ dân sự. Qua đó, tạo điều kiện để các bên chủ thể thực hiện được cách tốt nhất các quyền và nghĩa vụ của mình.

2.9 Thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ

Điều 287. Thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ

Khi nhiều người cùng thực hiện một nghĩa vụ, nhưng mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình.”

Mỗi một người chỉ thực hiện phần nghĩa vụ của riêng mình hoặc mỗi người trong số những người có quyền chỉ có thể yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cho riêng phần quyền của mình

Bản chất của loại nghĩa vụ này là giữa những người có nghĩa vụ không có sự liên quan đến nhau, và giữa những người có quyền thực hiện quyền cũng không liên quan đến nhau.

Khi người nào thực hiện xong nghĩa vụ của mình, quan hệ giữa người đó với người có quyền sẽ chấm dứt, phần nghĩa vụ của người khác chưa thực hiện cũng không liên quan đến họ. Người có quyền trong trường hợp này cũng không thể yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của những người còn lại.

2.10 Thực hiện nghĩa vụ liên đới

Điều 288. Thực hiện nghĩa vụ liên đới

  1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
  2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
  3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
  4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.”

Bên có quyền yêu cầu bất kỳ người nào trong số những người có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ toàn bộ nghĩa vụ, bao gồm cả nghĩa vụ của người này và nghĩa vụ của những người còn lại. Khi người này thực hiện đầy đủ toàn bộ nghĩa vụ, nghĩa vụ của những người còn lại chấm dứt và phát sinh nghĩa vụ hoàn lại. Khi một người thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới, họ có quyền yêu cầu những người còn lại thanh toán phần chia sẻ của mình.

Nói cách khác, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ sẽ được chuyển giao cho một người do bên có quyền yêu cầu lựa chọn. Sau đó, người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ có quyền đòi lại phần chi trả từ những người còn lại.

Mặc dù mang tính chất liên đới, người nào đó đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ nhưng trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân trong nghĩa vụ đó cần được xác định rõ ràng. Việc này giúp xác định phần hoàn trả cho mỗi người khi phát sinh quan hệ hoàn lại sau này.

Ngoài ra, nếu người có quyền đã chỉ định một người thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, sau đó miễn cho người đó thì nghĩa vụ chấm dứt với người này và cả với những người còn lại. Tuy nhiên, nếu người có quyền chỉ miễn thực hiện nghĩa vụ cho một trong những người có nghĩa vụ liên đới, những người còn lại vẫn phải tiếp tục thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ. Đồng thời khi có nhiều người cùng quyền, bất kỳ ai trong số họ đều có thể yêu cầu thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2.11 Thực hiện nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới

Điều 289. Thực hiện nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới

  1. Nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới là nghĩa vụ mà theo đó mỗi người trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
  2. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bất cứ ai trong số những người có quyền liên đới.
  3. Trường hợp một trong số những người có quyền liên đới miễn cho bên có nghĩa vụ không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người có quyền liên đới khác.

2.12 Thực hiện nghĩa vụ phân chia được theo phần

Điều 290. Thực hiện nghĩa vụ phân chia được theo phần

  1. Nghĩa vụ phân chia được theo phần là nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ có thể chia thành nhiều phần để thực hiện.”
  2. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện từng phần nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Pháp luật ghi nhận cho các bên được tự do thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ, theo đó, nghĩa vụ có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần. Tuy nhiên, không trong mọi quan hệ nghĩa vụ đều có thể phân chia thành nhiều giai đoạn để thực hiện.

Việc phân chia quan hệ nghĩa vụ được thực hiện nhiều lần phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất của đối tượng trong quan hệ đó. Cụ thể, là đối tượng của quan hệ đó phải là đối tượng có thể chia được. Đối tượng của quan hệ nghĩa vụ bao gồm: vật, công việc.

Việc chia nhỏ đối tượng thực hiện nghĩa vụ là quyền của bên mang nghĩa vụ, miễn rằng bên mang nghĩa vụ đảm bảo mang lại quyền, lợi ích cho bên có quyền. Do đó, họ có thể thực hiện nghĩa vụ chia theo phần nếu muốn.

Pháp luật tôn trọng ý chí của các bên trong các quan hệ dân sự, vì vậy nếu các bên có thỏa thuận khác về việc thực hiện nghĩa vụ thì pháp luật cũng tôn trọng và bảo vệ.

2.13 Thực hiện nghĩa vụ không phân chia được theo phần

“ Điều 291. Thực hiện nghĩa vụ không phân chia được theo phần

  1. Nghĩa vụ không phân chia được theo phần là nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ phải được thực hiện cùng một lúc.
  2. Trường hợp nhiều người cùng phải thực hiện một nghĩa vụ không phân chia được theo phần thì họ phải thực hiện nghĩa vụ cùng một lúc.

Thực hiện nghĩa vụ không phân chia được mang tính công bằng đối với các bên có nghĩa vụ trong trường hợp quan hệ nghĩa vụ do nhiều người cùng thực hiện. Tính công bằng thể hiện ở chỗ những người mang nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cùng một lúc, khi đối tượng của quan hệ là vật không chia được hoặc công việc phải thực hiện một lần.

Bản chất của đối tượng là vật không phân chia được hoặc công việc phải thực hiện một lần là không thể chia làm nhiều giai đoạn thực hiện, nó chỉ mang lại quyền lợi cho bên có quyền khi được thực hiện một lần. Do đó, các bên có nghĩa vụ phải cùng lúc thực hiện nghĩa vụ đó mới có thể thỏa mãn quyền lợi của bên có quyền.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon