Áp dụng nguồn pháp luật ở Anh và Mỹ

ap-dung-nguon-phap-luat-o-anh-va-my

Trong lịch sửa pháp luật thế giới, nguồn của luật nói chung và nguồn của luật dân sự nói riêng là một nội dung pháp lý cơ bản được nhiều học giả cũng như những nhà lập pháp của các quốc gia trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới đều ghi nhận nguồn và thứ tự áp dụng các loại nguồn trong việc giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp dân sự nói riêng. Việc nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn của các quốc gia khác trên thế giới không chỉ có ý nghĩa trong việc ban hành, giải thích pháp luật mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra cách hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất trong thực tiễn. Bài viết dưới đây sẽ phân tích nguồn và áp dụng nguồn pháp luật dân sự tại Anh và Mỹ.

1. Nguồn của pháp luật Anh

Anh là một nước điển hình đại diện cho truyền thống pháp luật Common Law. Ở Anh, nguồn của pháp luật bao gồm và được xếp theo thứ tự sau

Thứ nhất là luật thành văn: Trước đây luật là nguồn của pháp luật anh rất rộng bao gồm cả luật của liên minh Châu Âu và luật quốc gia (luật cũng như văn bản dưới luật) thì sau khi Anh tách ra khỏi liên minh Châu Âu thì nước Anh không bị ràng buộc bởi pháp luật của liên minh Châu Âu và nguồn luật thành văn của nước Anh chỉ là luật được ban hành bởi Nghị viện Anh. Mặc dù là một nước theo truyền thống Common Law và chủ nghĩa kinh nghiệm thì nước Anh cũng ngày càng sử dụng nhiều hơn luật thành văn trong việc giải quyết các vụ án nói chung và các vụ việc dân sự nói riêng.

Thứ hai là án lệ:

Khác với các nước Dân luật coi pháp luật thành văn (status law/ legislation) làm nguồn chính, Án lệ là nguồn chính của Pháp luật Anh. Hệ thống án lệ này sẽ được phát triển qua các vụ việc được tòa án xét xử. Việc sử dụng án lệ làm nguồn chính cho thấy đặc điểm tư duy pháp lý của chủ nghĩa kinh nghiệm hay lối suy luận quy nạp đi từ trường hợp cá biệt đến cái tổng quát, nguyên tắc ở Anh. Hệ quả tích cực của nó là làm thành một hệ thống luật mở, gần gũi với đời sống thực tế, tạo nên tính chủ động sáng tạo, mềm dẻo và linh hoạt trong tư duy pháp luật. Đồng thời cũng đảm bảo được trong thực tế nhiều vụ án tương tự nhau được giải quyết giống nhau.

Tuy nhiên, ở Anh chỉ có những bản án có tính chất bắt buộc mới trở thành án lệ và có tính pháp lý. Còn các bản án khác chỉ có tính gợi ý, tham khảo. Cụ thể, ở Anh, chỉ có Tòa án tối cao mới được phép ban hành án lệ mà các tòa án cấp dưới phải tuân theo. Các án lệ bắt buộc được viết trong tập san án lệ (Law Reports) … Điều này thể hiện án lệ ở Anh cũng được pháp điển hoá. Đây có thể coi là một minh chứng cho sự xích lại gần nhau của 2 hệ thống pháp luật Common law và Civil law.

Tập quán, bán án không phải án lệ hoặc các bình luận của thẩm phán:

Ở Anh, tập quán, bản án không có tính bắt buộc hoặc các bình luận, nhận xét của thẩm phán (obiter dicta) cũng là nguồn của luật. Tuy nhiên, viện dẫn các tập quán hoặc bản án không phải là án lệ hoặc các obiter dicta không có giá trị bắt buộc, đây chỉ là nguồn bổ sung mà các chủ thể sử dụng mang tính giải đáp nhằm đảm bảo cho việc giải quyết các quan hệ pháp lý nói chung và các vụ việc dân sự nói riêng được thuyết phục hơn.

Lẽ công bằng

Lẽ công bằng là một nguồn luật của pháp luật Anh thể hiện ở Luật Công bình (equity law). Trường hợp trong một vụ án phát sinh không có tiền lệ pháp phù hợp, không có luật thành văn hay tập quán thì thẩm phán chính là người tạo ra luật bằng cách sử dụng lẽ công bằng.

Các nguồn khác

Ngoài các nguồn cơ bản trên thì ở Anh cũng thừa nhận thêm một số nguồn khác như học thuyết pháp lý, các cuốn sách pháp lý (books of authority- được hiểu là những cuốn sách được viết bởi các thẩm phán hoặc những chuyên gia pháp lý lớn như thẩm phán William Blackstone có chứa đựng các tuyên bố pháp lý chắt lọc từ các nhận định, các quyết định tư pháp)…

2. Nguồn của pháp luật Mỹ

Nguồn của pháp luật Mỹ bảo gồm các loại cơ bản ở cấp liên bang và các bang bao gồm 4 loại sau đây:

  • Luật thành văn:

Hiến pháp Mỹ (Constitution) là nguồn luật thành văn cơ bản, tối cao, quan trọng nhất. Hiến pháp ghi nhận nguyên tắc hoạt động của Nhà nước và các quyền cơ bản của con người, của công dân. Tất cả các đạo luật khác, các quan điển của toà án hoặc các quy định hành pháp đều phải tuân thủ theo Hiến pháp. Hiến pháp của các bang có thể được ghi nhận và bảo vệ nhiều hơn các quyền được ghi nhận trong Hiến pháp của liên bang nhưng không được bảo vệ ít hơn các quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp của liên bang.

Các đạo luật (Statutes) được thông qua bởi các cơ quan lập pháp từ cấp liên bang đến cấp tiểu bang là nguồn luật thành văn thứ hai ở Mỹ. Luật thành văn có thể bao gồm các Bộ luật, các luật…Quốc hội Hoa Kỳ ban hành các đạo luật liên bang và các đạo luật này được áp dụng ở tất cả trên 50 tiểu bang. Các đạo luật của tiểu bang được ban hành bởi các cơ quan lập pháp của tiểu bang và chỉ áp dụng trong tiểu bang. Mặc dù điều chỉnh hoạt động trong một tiểu bang, các luật này phải nhường chỗ cho các quy chế liên bang trong các trường hợp có xung đột. Điều khoản “quyền tối cao” của Hiến pháp Hoa Kỳ, Điều VI, Khoản 2, quy định rằng Hiến pháp và các luật liên bang là “Luật tối cao” và khi có xung đột thì luật liên bang sẽ được ưu tiên.

– Các án lệ và các quan điểm của Toà án  (case law and Court Opinions): Luật do thẩm phán đặt ra, được gọi là án lệ, đôi khi còn được gọi là “thông luật”. Các cơ quan lập pháp có thể ban hành luật thành văn được áp dụng rộng rãi và cho phép các thẩm phán giải thích ý nghĩa của các luật bằng cách áp dụng chúng vào các vụ việc trong thực tiễn. Ngoài ra, có thể nảy sinh các vấn đề mà chưa có quy phạm để giải quyết, các tòa án có thể áp dụng các định nghĩa và quy tắc dựa trên cách thức truyền thống mà các vấn đề này đã được giải quyết.

Một khi tòa án đưa ra quyết định, quyết định hoặc “ý kiến” của tòa án sẽ trở thành tiền lệ phải được áp dụng trong các tình huống thực tế tiếp theo. Khi một tòa án sử dụng các phán quyết từ các vụ án trước đó để đưa ra quyết định, thì tòa án đang tuân thủ nguyên tắc nghiêm khắc. Tuy nhiên, không phải tòa án nào cũng bắt buộc phải tuân theo phán quyết của mọi tòa án khác. Các tòa án chỉ cần tuân theo các quyết định của các tòa phúc thẩm trong hệ thống của chính họ. Các quyết định của các tòa án khác có thể mang tính chất “thuyết phục” nhưng không phải là “bắt buộc”. Ví dụ, tòa án bang New Jersey phải tuân theo các quyết định của Tòa án Tối cao New Jersey, nhưng không cần tuân theo các quyết định của các tòa án New Jersey cấp thấp hơn khác hoặc thậm chí của Tòa án Tối cao Pennsylvania.

Hệ thống tòa án liên bang cũng có các tòa án sơ thẩm và tòa phúc thẩm. Các quyết định của tòa án cấp có thể được kháng nghị lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Tất cả các tòa án này (và trên thực tế, tất cả các tòa án trong nước) đều phải tuân theo các quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Cũng như luật của Anh, Toà án của Mỹ cũng có quyền ban hành luật, tuy nhiên các luật này cũng có thể bị bãi bỏ bởi cơ quan lập pháp của Mỹ nếu các luật này bị coi là vi hiến.

– Các quy tắc của cơ quan hành pháp (Administrative Regulations): Khi thực hiện các hoạt động hành pháp, các cơ quan hành pháp của Hoa Kỳ cũng được ban hành các quy tắc để hoạt động và thực thi vai trò hành pháp như lệnh, quyết định… thì các quy tắc này cũng được coi là nguồn của luật. Các quy tắc này cũng được kiểm soát bởi cơ quan lập pháp và cũng có thể bị bãi bỏ bởi Toà án nếu không phù hợp với Hiến pháp.

Có thể nói, nguồn của pháp luật nói chung và nguồn của luật dân sự nói riêng là một vấn đề pháp lý quan trọng được thừa nhận ở tất cả các quốc gia trên thế giới dù theo truyền thống pháp luật common law hay civil law. Mỗi một quốc gia khác nhau ghi nhận về các loại nguồn và thứ tự áp dụng các loại nguồn khi giải quyết tranh chấp khác nhau.

Tuy nhiên, nhìn chung thì pháp luật của tất cả các nước đều thừa nhận luật thành văn và án lệ là nguồn của luật dân sự. Một số nước theo hướng cởi mở hơn thì còn thừa nhận tập quán, lẽ công bằng, các học thuyết, quan điểm của Toà án, các nhà tư tưởng, giá trị đạo đức… là nguồn của Luật dân sự. Có thể nói việc sử dụng đa dạng các loại nguồn sẽ giúp cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, thuận tiện và đảm bảo tính thống nhất của các Toà án. Thực tế hiện nay, giữa các nước common law và các nước civil law đang có một sự xích lại gần nhau trong việc công nhận và áp dụng nguồn giải quyết các vụ việc dân sự. Đây là một xu thế phù hợp trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hoá về các lĩnh vực trong đó có pháp luật hiện nay.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon