Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật phải bồi thường thế nào?

nguoi-lao-dong-don-phuong-cham-dut-hop-dong-lao-dong-trai-luat-phai-boi-thuong-the-nao

Hợp đồng lao động là cơ sở cốt lõi của quan hệ lao động. Nếu như giao kết hợp đồng lao động là bước khởi đầu làm phát sinh quan hệ lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động lại là sự kiện pháp lý cuối cùng để các bên đi đến chấm dứt quan hệ lao động bằng hợp đồng lao động đã thiết lập trước đó, giải phóng các chủ thể của quan hệ lao động khỏi các quyền và nghĩa vụ đã được thiết lập trước đó. Việc chấm dứt hợp đồng lao động, đặc biệt là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người lao động đã gây ra những hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh phát triển kinh tế của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người lao động và hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật lao động năm 2019.

1. Chấm dứt hợp đồng lao động là gì?

Khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động năm 2019 quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. 

Tuy nhiên, Bộ luật lao động hiện hành không có quy định cụ thể về thế nào là chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động có thể hiểu là một sự kiện pháp lý làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trước đó.

2. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật của người lao động

Bộ luật lao động năm 2019 quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

Điều 39. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

“Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Bộ luật này.”

Nếu người lao động vi phạm một trong các căn cứ chấm dứt hoặc vi phạm về thời hạn báo trước thì hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động sẽ bị coi là trái pháp luật.

– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng vi phạm thời hạn báo trước.

Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 35 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Như vậy, trong trường hợp người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì những căn cứ không thuộc khoản 2 Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019 thì phải tuân thủ quy định về thời hạn báo trước. Nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không tuân thủ quy định về thời hạn nói trên thì bị coi là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

– Khoản 2 Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về những căn cứ mà người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước. Khi vi phạm một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 điều 35 Bộ luật này thì sẽ thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

+ Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật lao động.

Để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này, người lao động chứng minh được những thỏa thuận về công việc không được thực hiện theo đúng điều khoản trong hợp đồng lao động, như không được bố trí công việc theo đúng hợp đồng lao động hoặc không được làm việc đúng địa điểm như đã thỏa thuận,… thì lúc này người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu không chứng minh được mà chấm dứt hợp đồng lao động và không báo trước thời hạn luật định thì bị coi là trái pháp luật.

+ Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn.

Nếu người sử dụng lao động vi phạm các quy định về trả lương thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên nếu người lao động lợi dụng việc trả lương không đúng trong trường hợp như vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động không thể trả lương đúng hạn dù đã tìm mọi biện pháp khắc phục để chấm dứt hợp đồng lao động mà không báo trước thì hành vi đó là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ. Do đó, khi người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, cưỡng bức lao động của người lao động thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nếu người lao động căn cứ vào những hành vi khác không được quy định tại điểm này để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước thì bị coi là trái pháp luật.

+ Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động. Do đó, trong trường hợp bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu hành vi không bị coi là quấy rối hoặc không phải diễn ra ở nơi làm việc theo quy định mà người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước thì bị coi là trái pháp luật.

+ Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này.

Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Bộ luật lao động quy định Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Nếu người lao động không có xác nhận của cơ sở khám bệnh hoặc vi phạm nghĩa vụ thông báo mà đơn phương chấm dứt hợp đồng không báo trước thì bị coi là trái pháp luật.

+ Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Người lao động đến tuổi nghỉ hưu thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà giả mạo giấy tờ để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước thì bị coi là hành vi trái pháp luật.

+ Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Nếu vi phạm căn cứ này mà người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước cho người sử dụng lao động thì bị coi là hành vi trái pháp luật.

3. Trách nhiệm bồi thường của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Nghĩa vụ của người lao động đối với người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 43 Bộ luật lao động. Một trong những nguyên tắc chủ đạo trong quá trình xây dựng pháp luật lao động là bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là pháp luật dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật lao động của người lao động. Do đó, việc bảo vệ người lao động luôn đặt trong quan về lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, cụ thể: 

Điều 40. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Không được trợ cấp thôi việc.

2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

– Thứ nhất, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ không được trợ cấp thôi việc.

Xuất phát từ bản chất hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người lao động là sự đơn phương phá bỏ hợp đồng lao động không có căn cứ pháp luật hoặc vi phạm thủ tục chấm dứt nên người lao động không được trả trợ cấp thôi việc do lỗi chủ quan. Trợ cấp thôi việc là khoản tiền người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của pháp luật. Đó là sự ghi nhận công sức đóng góp của người lao động vào sự phát triển chung của doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ người lao động trong thời gian đầu khi chấm dứt hợp đồng lao động, đặc biệt khi người lao động chưa tìm kiếm được việc làm ngay sau khi nghỉ việc. Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người lao động là sự đơn phương phá bỏ hợp đồng lao động không có căn cứ hợp pháp cũng như vi phạm thủ tục chấm dứt thì người lao động sẽ mất khoản trợ cấp thôi việc.

– Thứ hai, phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

Bên cạnh việc không được hưởng trợ cấp mất việc thì người lao động còn phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước. Quy định này tạo sự bình đẳng giữa những người lao động có hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, điều đó giúp cho người lao động có những suy nghĩ đúng đắn, chịu trách nhiệm về hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, từ đó giảm thiểu việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật trên thực tế.

– Thứ ba, phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo theo quy định.

Đối với người lao động được người sử dụng lao động bỏ chi phí đào tạo với cam kết làm việc cho người sử dụng lao động sau khi học xong, khi chấm dứt hợp đồng lao động chưa thực hiện xong cam kết về thời gian làm việc thì sẽ phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

Theo Khoản 3 Điều 62 Bộ luật lao động, chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học.

Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài. Mức bồi thường có thể là một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo tùy theo thỏa thuận của các bên khi giao kết hợp đồng đào tạo nghề.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người lao động. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon