Mọi quốc gia để đưa pháp luật đi vào đời sống, để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội, để giữ gìn trật tự an ninh, đưa xã hội đi vào khuôn khổ thì đã đưa ra các quy định của pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ đó. Tuy nhiên để thi hành trên thực tế, để mang tính chất răn đe, để mọi tầng lớp trong xã hội đều phải tuân theo thì theo đó cần có các cơ quan tư pháp thực thi quy định của pháp luật đó và một trong những cơ quan không thể thiếu đó chính là Tòa án. Đối với Việt Nam Tòa án đã được thừa nhận trong hiến pháp của Việt Nam và đó chính là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Căn cứ pháp lý:
- Hiến pháp năm 2013;
- Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014
1. Tòa án nhân dân là gì?
Theo quy định tại khoản 1 điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.”
Như vậy, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Nhà nước đã ban hành ra pháp luật thì phải có cơ chế để đảm bảo cho pháp luật được thực thi, bởi lẽ pháp luật sẽ trở nên vô nghĩa, nếu nó không được các giai cấp và tầng lớp khác tuân theo, pháp luật không đi vào đời sống hàng ngày của dân cư. Mặt khác trong bất cứ xã hội nào, luôn luôn có các cá nhân, tổ chức hoặc giai cấp đối lập tìm mọi cách để làm trái các điều luật của nhà nước, đi ngược lại với lợi ích của giai cấp thống trị. Do vậy giai cấp thống trị đã tổ chức ra một hệ thống các cơ quan chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ và bảo đảm cho pháp luật được thực thi như quân đội, cảnh sát…
1.1. Cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân
Tại Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về tổ chức Tòa án nhân dân gồm:
– Tòa án nhân dân tối cao.
– Tòa án nhân dân cấp cao.
– Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
– Tòa án quân sự.
1.2. Chức năng của Tòa án nhân dân
Căn cứ tại khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định:
– Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật;
– Xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng;
– Căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân;
– Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng;
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
1.3. Quyền của toà án nhân dân
Căn cứ tại khoản điều 2 Luật tổ chức toà án nhân dân 2014 quy định:
Thứ nhất, Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền:
– Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án;
– Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp;
– Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
– Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm;
– Ra quyết định để thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Thứ hai, Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.
Thứ ba, Xử lý vi phạm hành chính; xem xét đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, Ra quyết định thi hành bản án hình sự, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích, miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật hình sự, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành án dân sự.
Ra quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính do Tòa án áp dụng và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Thứ năm, Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.
2. Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân
2.1. Nhiệm vụ chung của Tòa án nhân dân
Tại khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về như sau:
– Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
2.2. Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao
Căn cứ Điều 20 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao như sau:
– Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
– Giám đốc thẩm việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.
– Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
– Đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân.
– Quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định của Luật này và các luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án.
– Trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của luật.
2.3. Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp cao
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao được quy định tại Điều 29 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 như sau:
– Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
– Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
2.4. Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Điều 37 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh như sau:
– Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
– Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
– Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị.
– Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.
2.5. Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện
Tại Điều 44 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương gồm:
– Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
– Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.
2.6. Nhiệm vụ của Tòa án quân sự
Tại Điều 49 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án quân sự như sau:
Các Tòa án quân sự được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của luật.
Như vậy theo các quy định trên cho thấy Tòa án nhân giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong nền tư pháp của nước nhà, trong việc bảo vệ gìn giữ hòa bình, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện việc giải quyết tranh chấp trong xã hội, bảo vệ quyền con người là quyền cao nhất và đã được Hiến định, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ công lý, nơi mà công dân thực hiện gửi gắm niềm tin để bảo vệ công bằng xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Trên đây là những thông tin cơ bản về “Toà án nhân dân là gì? Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Toà án nhân dân” mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp cần được tư vấn khác vui lòng liên hệ theo số Hotline: 19006568 để được hỗ trợ chi tiết.