Cả Pháp, Đức và Nhật Bản theo hệ thống các nước Civil Law. Do đó, những nước này có nguồn luật có sự tương đồng nhất định và có khác biệt lớn so với hệ thống Common Law của các nước như Anh, Mỹ… Trong bài viết dưới đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguồn và áp dụng nguồn pháp luật ở các nước Pháp, Đức và Nhật Bản.
1. Áp dụng nguồn pháp luật ở Pháp
Luật thành văn:
Khác với các nước theo hệ thống thông luật, Pháp là quốc gia thuộc hệ thống dân luật nên không giống như các quốc gia Common law, luật thành văn được coi là nguồn cơ bản, chính yếu của pháp luật pháp. Hệ thống pháp luật của Pháp nhấn mạnh rằng các đạo luật là nguồn luật chính và bao gồm có 4 loại được xếp theo thứ tự sau:
Hiến pháp: Hiến pháp được ban hành năm 1958 là nguồn tối cao, quan trọng của Pháp. Tất cả các đạo luật và các quy tắc khác được ban hành đều phải tuân thủ Hiến pháp
Các Hiệp ước: Pháp là một quốc gia thuộc liên minh Châu Âu nên các hiệp ước của liên minh Châu Âu có hiệu lực và bị ràng buộc tại Pháp. Theo các nguyên tắc của Luật Châu Âu thì Luật của liên minh được đặt cao hơn Luật của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên thì tại Pháp, nguyên tắc áp dụng lại có vẻ như đi ngược với nguyên tắc của liên minh Châu Âu đó là Hiến pháp là nguồn được ưu tiên áp dụng trước.
Các luật, quy chế của nghị viện: Các luật được thông qua bởi Nghị viện là nguồn cơ bản, nền tảng. Ở Pháp, Bộ luật dân sự Naponeon năm 1804 là đạo luật thành văn cao nhất điều chỉnh các quan hệ dân sự bao gồm các nội dung về tài sản, thừa kế, hợp đồng, hôn nhân gia đình… Bộ luật dân sự Naponeon không chỉ là nguồn quan trọng của Pháp mà còn là hình mẫu cho các Bộ luật dân sự khác trên thế giới.
Các quy tắc của Chính phủ:
Ngoài các đạo luật do Nghị viện ban hành thì các quy tắc của Chính Phủ hoặc các cơ quan hành pháp khác cũng được coi là nguồn luật tại Pháp. Các quy tắc của Chính phủ bảo gồm sắc lệnh, thông tư… Các quy tắc của Chính phủ được sử dụng để giải quyết các vụ việc trong những lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là các công việc trong qúa trình thực thi pháp luật.
Án lệ: không có tính ràng buộc và không phải là nguồn luật chính thức ở Pháp mặc dù trên thực tế nó đã có ảnh hưởng khá lớn. Các tòa án Pháp đã công nhận vai trò của họ trong việc dần dần định hình luật thông qua các quyết định tư pháp. Sự khác biệt giữa án lệ của Pháp và án lệ trong các hệ thống thông luật dường như là: (1) chúng không được viện dẫn tại các tòa án cấp cao nhất; (2) các tòa án cấp dưới về mặt lý thuyết được độc lập và không bắt buộc phải bị ràng buộc bởi các tòa án cấp cao hơn; và (3) các tòa án không được chỉ trích dẫn án lệ làm cơ sở quyết định trong trường hợp không có luật được công nhận.
Án lệ trong lĩnh vực luật dân sự là yếu bổ sung cho sự trường tồn của BLDS Pháp. Nhìn chung, sẽ là sai lầm nếu ai đó cho rằng, BLDS nước Pháp được pháp điển hoá rất chi tiết và đầy đủ, nó sẽ là cơ sở để giải quyết được tất cả những vấn đề pháp luật dân sự nảy sinh trong xã hội. Thực tiễn đã cho thấy, án lệ trong lĩnh vực luật dân sự đã và đang đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển pháp luật dân sự ở Pháp. Điều này có thể hiểu là, các thẩm phán nên giải thích các qui định, nguyên tắc của Bộ luật dân sự Pháp một cách linh hoạt để nó phù hợp với sự thay đổi của đời sống xã hội.
Thực sự thì Bộ luật dân sự Pháp sẽ không thể tồn tại tách rời với những án lệ của các vụ án dân sự. Án lệ trong luật dân sự chính là nguồn luật bổ trợ cho luật thành văn. Nhiều điều luật trong Bộ luật dân sự được giải thích bởi các toà án. Điều này làm cho các án lệ trong lĩnh vực luật dân sự trở thành phương tiện để hiểu được Bộ luật. Những án lệ quan trọng nhất trong lĩnh vực luật dân sự ở Pháp được thiết lập bởi Toà phá án.
2. Nguồn của pháp luật Đức
Tương tự như pháp luật của Pháp, là một nước theo truyền thống civil law nên nguồn chủ yếu của pháp luật Đức cũng là các văn bản pháp luật bao gồm các văn bản của Luật Quốc tế, Luật của liên minh Châu Âu và các văn bảo pháp luật quốc gia từ Hiến pháp đến văn bản dưới Luật, từ Luật do các cơ quan lập pháp thông qua cho đến quy tắc, văn bản do cơ quan hành pháp ban hành.
Bên cạnh đó, án lệ cũng được coi là một loại nguồn của luật dân sự giống như pháp luật Pháp. Có thể nói, trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ XVII đến thế kỷ thứ XVIII, án lệ đã đóng vai trò quan trọng trong pháp luật Đức.
Sự hiểu biết và thông thạo các án lệ trong lĩnh vực dân sự có lẽ là cách tốt nhất để các thẩm phán và luật sư ở Đức áp dụng đúng các qui định của Bộ luật dân sự Đức năm 1900. Trong Bộ luật dân sự Đức, các quy định về hợp đồng, bồi thường thiệt hại v.v.. đã được hỗ trợ bởi hàng loạt những án lệ.
Ví dụ, Điều 181 Bộ luật dân sự Đức 1900 quy định một chi nhánh không được cam kết, khi không có sự đồng ý của Công ty mẹ của nó, các hợp đồng nhân danh công ty mẹ, trừ những giao dịch trong phạm vi nghĩa vụ của chi nhánh. Tòa án tối cao CHLB Đức đã giải thích điều 181 với cách hiểu là: các chi nhánh không thể tham gia các giao dịch dân sự khi không có sự cho phép, trừ trường hợp các giao dịch đó chỉ đem lại lợi ích cho công ty mẹ.
Án lệ của Tòa án tối cao CHLB Đức luôn được các toà án cấp dưới tuân theo khi áp dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Nếu toà án cấp dưới không tuân theo cách giải thích và áp dụng pháp luật của các bản án mà Tòa án tối cao CHLB Đức đã tuyên, thì các toà án cấp dưới có nghĩa vụ giải thích rõ vì sao nó không tuân theo. Thậm chí các luật sư cũng phải thực sự quan tâm đến án lệ, bởi nếu không chú ý đến các án lệ của các toà án cấp cao, thì luật sư có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng vì tư vấn không đúng.
3. Nguồn của pháp luật Nhật Bản
Nhật Bản là một quốc gia theo truyền thống pháp luật civil law nên nguồn quan trọng, cơ bản của Luật Dân sự cũng như các ngành luật khác là luật thành văn. Tuy nhiên, án lệ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật.
Luật thành văn là nguồn của pháp luật Nhật Bản hiện nay bao gồm:
Hiến pháp: Hiến pháp của Nhật Bản được thông qua sau chiến tranh thế giới thứ hai vào năm 1947. Hiến pháp của Nhật chứa đựng các phần ghi nhận và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, quy định về thể chế tam quyền phân lập của Nhật Bản gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp là nguồn cơ bản, quan trọng nhất của Nhật Bản. Luật, pháp lệnh và các hành vi của chính phủ vi phạm Hiến pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật. Tòa án là cơ quan tư pháp được trao thẩm quyền độc lập để phán xét luật và các hành vi có tuân thủ hiến pháp không.
Các Bộ luật: Sau Hiến pháp là các Bộ luật như Hình sự, Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự. Trong đó, Bộ luật dân sự là nguồn trực tiếp và quan trọng nhất trong việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Bộ luật dân sự Nhật Bản được thông qua vào năm1896. Bộ luật dân sự chịu ảnh hưởng bởi Dự thảo của Bộ luật Dân sự Đức năm 1887 và Bộ luật Dân sự Pháp. Bộ luật dân sự Nhật Bản chia thành 5 quyển:
Quyển một là những quy định chung bao gồm các nguyên tắc, các định nghĩa và quy định cơ bản về dân sự như năng lực chủ thể của cá nhân và pháp nhân, hành vi pháp lý…
Quyển hai là quy định về vật quyền bao gồm các quy định về tài sản gồm vật có thực và quyền tài sản và các quy định về bảo đảm quyền đối với tài sản.
Quyển Ba là Luật nghĩa vụ. Giống như ở các nước luật dân sự khác, luật tra tấn được coi là một nguồn để phát sinh nghĩa vụ, cùng với việc làm giàu bất chính và luật hợp đồng.
Quyển Bốn đề cập đến quan hệ gia đình, bao gồm hôn nhân và giám hộ.
Quyển Năm đề cập đến quyền thừa kế, bao gồm di chúc và quyền thừa kế.
Qua một thời gian áp dụng, Bộ luật dân sự Nhật Bản cũng có sự sửa đổi cho phù hợp nhưng nhìn chung vẫn bao gồm những nội dung cơ bản trên.
Ngoài Bộ luật thì Nhật bản còn ban hành nhiều Luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ dân sự và cũng được coi là nguồn của Luật Dân sự bao gồm Bộ luật thương mại, Luật Đăng ký bất động sản (1899), Luật Đặt cọc (1899), Luật Đất đai và Cho thuê xây dựng năm 1991, Luật trách nhiệm sản phẩm năm 1994 và Luật hợp đồng người tiêu dùng năm 2000….
Tập quán: Nhật Bản cũng thừa nhận nguyên tắc áp dụng tập quán và tập quán cũng được coi là nguồn của Luật dân sự. Chẳng hạn như trong Bộ luật thương mại của Nhật Bản cho phép áp dụng tập quán thương mại thay cho Bộ luật dân sự.
Án lệ:
Ở Nhật Bản, mặc dù có Bộ luật dân sự thì việc áp dụng án lệ cũng được thừa nhận và đóng một vai trò quan trọng. Việc công bố và áp dụng án lệ ở Nhật Bản phải tuân theo một quy trình và nguyên tắc nhất định. Ở Nhật Bản có Uỷ ban án lệ của Toà án tối cao sẽ lựa chọn những bản án đảm bảo đủ điều kiện và tiêu chuẩn để công bố thành án lệ trong tuyển tập án lệ của Toà tối cao và định kỳ 6 tháng 1 lần Toà án tối cao Nhật Bản in và công bố công khai.
Tiêu chí để xác định tính ràng buộc của án lệ tại Nhật Bản phụ thuộc vào việc xác định loại án lệ là án lệ quy phạm, án lệ giải thích hay án lệ hướng dẫn. Thực tế, án lệ quy phạm hoặc án lệ giải thích có tính thực tiễn cao tại Nhật khi được tham khảo để giải quyết vụ việc khác.