Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội

hinh-phat-ap-dung-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai-pham-toi

Với tư cách là chủ thể của trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại khi phạm tội sẽ có thể phải chịu các hình phạt hoặc biện pháp tư pháp theo quy định của BLHS năm 2015. Tuy vậy, vì pháp nhân thương mại là một tổ chức kinh tế, do đó, hệ thống hình cho pháp nhân cũng khác biệt so với cá nhân.

Các hình phạt trong hệ thống hình phạt đối với pháp nhân được xây dựng có những nét đặc thù so với hình phạt áp dụng với các cá nhân nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền của các pháp nhân, trừng trị, răn đe và ngăn ngừa pháp nhân phạm tội mới. Hệ thống hình phạt áp dụng đối với pháp nhân. Vì vậy, hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội qua nội dung sau đây.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

1. Hình phạt tiền

Điều 77 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định:

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

2. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.

Trong hệ thống hình phạt, hình phạt tiền là hình phạt áp dụng cho cả cá nhân phạm tội và pháp nhân phạm tội. Cũng giống như đối với cá nhân phạm tội, hình phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân vừa có thể là hình phạt chính, vừa có thể là hình phạt bổ sung (trong trường hợp không áp dụng là hình phạt chính).

Vì phạt tiền là hình phạt chung nên tại Điều 35 quy định về hình phạt tiền đối với cá nhân mặc dù không quy định mức phạt cụ thể đối với pháp nhân nhưng đã bổ sung thêm khoản 4 dẫn chiếu tới quy định tại Điều 77 về hình phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, Toà án cần căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm, xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội và sự biến động của giá cả.

Việc cân nhắc các căn cứ trên góp phần bảo đảm khả năng thi hành án và hiệu quả áp dụng hình phạt đối với pháp nhân. Bộ luật không giới hạn mức phạt tiền tối đa dành cho pháp nhân mà chỉ đưa ra mức phạt tiền tối thiểu là 50.000.000 đồng. Mức tiền phạt tối thiểu áp dụng đối với pháp nhân cao hơn nhiều so với mức tiền phạt dành cho cá nhân.

Trong phần tội phạm cụ thể, đối với từng tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, các nhà làm luật đã xác định cụ thể mức tiền phạt theo khung từ mức thấp nhất đến mức cao nhất đối với từng trường hợp phạm tội của pháp nhân và các mức này đều cao hơn nhiều so với mức phạt tiền quy định với cá nhân phạm tội tương ứng. Điều này đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc của hình phạt đối với pháp nhân.

2. Hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn

Điều 78 BLHS năm 2015. Cụ thể:

1. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

2. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm”.

Đây là hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Đình chỉ hoạt động có thời hạn được hiểu “là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế”.

Thời hạn đình chỉ hoạt động áp dụng đối với pháp nhân là từ 06 tháng đến 03 năm. Theo quy định này, đình chỉ hoạt động có thời hạn sẽ được áp dụng khi pháp nhân thương mại phạm tội trong một hoặc một số lĩnh vực và gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người, gây thiệt hại cho môi trường, anh ninh, trật tự, an toàn xã hội đồng thời phải có thêm điều kiện là hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

Như vậy, hình phạt này chỉ được áp dụng khi thoả mãn cả ba điều kiện: pháp nhân phạm tội gây thiệt hại, hậu quả gây ra có khả năng khắc phục được và trong trường hợp điều luật về tội phạm cụ thể có quy định. Tuy nhiên đối với một số tội, việc xác định hậu quả rất khó khăn, do đó, cần phải làm rõ trong một số trường hợp hậu quả của tội phạm ở đây được xác định như thế nào và có thể lượng hoá được không liên quan đến khả năng khắc phục hậu quả trên thực tế, chẳng hạn như đối với tội buôn lậu Điều 188 BLHS năm 2015. Để hình phạt này áp dụng được và có hiệu quả trên thực tế đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết tạo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự do pháp nhân thực hiên.

3. Hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Điều 79 BLHS năm 2015. Cụ thể:

“1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.”

Đây là hình phạt chính nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn được hiểu “là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra”.

Theo quy định này, ba điều kiện để áp dụng hình phạt này với pháp nhân thương mại phạm tội đó là: khi phạm tội pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại, không có khả năng khắc phục hậu quả và được quy định trong khung hình phạt cụ thể. Khi thoả mãn các điều kiện đó, pháp nhân thương mại sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong một lĩnh vực hoặc một số lĩnh vực mà họ phạm tội. Trong trường hợp “pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm” thì pháp nhân đó sẽ bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với toàn bộ hoạt động.

4. Các hình phạt bổ sung

Bao gồm: hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80 BLHS năm 2015) và cấm huy động vốn (Điều 81 BLHS năm 2015).

+ Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80 BLHS năm 2015):

“1. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội.

2. Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động.

3. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật”.

Đây là hình phạt buộc pháp nhân thương mại không được tiếp tục kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Trong đó, hoạt động kinh doanh được hiểu là hoạt động thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Ngoài kinh doanh, pháp nhân thương mại còn có hoạt động khác là hoạt động không trực tiếp sinh lợi nhưng cần thiết cho kinh doanh.

Khoản 1 của điều luật quy định điều kiện cho phép áp dụng hình phạt này. Theo đó, hình phạt này được áp dụng khi xét thấy việc pháp nhân thương mại bị kết án mà được tiếp tục kinh doanh, hoạt động trong những lĩnh vực nhất định có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. Như vậy, việc quyết định áp dụng hình phạt này hoàn toàn xuất phát từ sự cần thiết phải phòng ngừa việc gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. Điều kiện này cũng xác định phạm vi lĩnh vực bị cấm kinh doanh hoặc bị cấm hoạt động đối với pháp nhân thương mai bị kết án.

Khoản 2 của điều luật xác định quyền quyết định của Tòa án về phạm vi các lĩnh vực bị cấm. Để có cơ sở cho quyết định này Tòa án cần xác định phạm vi các lĩnh vực mà trong đó tiềm ẩn khả năng xảy ra thiệt hại cho con người hoặc xã hội khi pháp nhân thương mại tiếp tục kinh doanh, hoạt động trong các lĩnh vực này. Đó vừa là điều kiện áp dụng vừa là cơ sở để Tòa án quyết định những lĩnh vực cụ thể mà pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh hoặc hoạt động.

Khoản 3 của điều luật quy định thời hạn mà pháp nhân thương mại có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực. Thời hạn có thể là từ một năm đến ba năm. Thời điểm bắt đầu của thời hạn này là ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

+ Cấm huy động vốn (Điều 81 BLHS năm 2015):

“1. Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.

2. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:

a) Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư;

b) Cấm phát hành, chào bán chứng khoán;

c) Cấm huy động vốn khách hàng;

d) Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;

đ) Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.

3. Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.”

Cấm huy động vốn là hình phạt bổ sung được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Vốn là điều kiện cần thiết cho việc duy trì cũng như mở rộng kinh doanh. Do vậy, việc cấm huy động vốn có thể hạn chế hoạt động kinh doanh mà trong đó có nguy cơ tội phạm tiếp tục phát sinh.

Các hình thức huy động vốn bị cấm được liệt kê tại khoản 2 Điều 81 bao gồm: cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư; cấm phát hành, chào bán chứng khoán; cấm huy động vốn khách hàng; cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản. Đây là các hình thức khác nhau giúp pháp nhân thương mại tăng nguồn vốn của mình.

Việc áp dụng một hay một số hình thức cấm huy động vốn nêu trên đối với pháp nhân thương mại bị kết án do tòa án quyết định. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là nội dung về Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon