Tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội

tinh-huong-thien-trong-xu-ly-nguoi-pham-toi

Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, tại kỳ họp thứ 10. Việc ban hành Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng[1], đặc biệt là chủ trương: Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm”.[2]

Đồng thời, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lĩnh vực hình sự, đặc biệt là yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo khung pháp luật hình sự hữu hiệu nhằm tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.                                               

1. Bổ sung quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp

Xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm những năm qua, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, có tham khảo kinh nghiệm lập pháp hình sự của một số nước trên thế giới, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Đó là: (i) gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội[3], (ii) rủi ro trong nghiên cứu, thí nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ[4], và (iii) thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên[5].

2. Thu hẹp đáng kể phạm vi xử lý hình sự đối với người có hành vi chuẩn bị phạm tội

Theo quy định của BLHS năm 1999 thì một người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, quy định này của BLHS năm 1999 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn, thể hiện ở chỗ theo quy định của BLHS 1999 thì tội phạm được phân chia thành 04 loại (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng). Nếu căn cứ vào hành vi chuẩn bị phạm tội (tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm) thì không thể chứng minh được là người đó chuẩn bị phạm loại tội nào nêu trên để xem xét có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Hơn nữa, về mặt lý thuyết thì diện xử lý hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội theo quy định hiện hành là khá rộng. Trong khi đó, trên thực tế hầu như rất ít trường hợp xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội theo quy định của BLHS. Vì thế, BLHS năm 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi xử lý hình sự đối với người có hành vi chuẩn bị phạm tội, theo đó, người có hành vi chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 24 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS năm 2015, không kể tội chuẩn bị phạm  là loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 7,64%) thuộc 04 nhóm tội phạm (các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; các tội xâm phạm sở hữu và các tội xâm phạm an toàn công cộng)[6].

3. Bảo vệ lợi ích chính đáng của các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội

 Thực hiện chủ trương xử lý hướng thiện đối với người phạm tội, BLHS năm 2015 đã có những quy định nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội. Theo đó, Bộ luật quy định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng phạm tội là: (i) người đủ 70 tuổi trở lên; (ii) phụ nữ có thai; (iii) người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; (iv) người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; (v) cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng (Điều 51). Đồng thời, Bộ luật cũng có chính sách tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội xâm hại đến những đối tượng như: (i) người ở trong tình trạng không thể tự vệ được; (ii) người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; (iii) người bị hạn chế khả năng nhận thức; (iv) người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; (v) người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên (Điều 52).

4. Bổ sung chế định tha tù trước hạn có điều kiện

Xét về bản chất, tha tù trước thời hạn có điều kiện là một trong những giải pháp để rút ngắn thời hạn phải chấp hành hình phạt trong trại giam của người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn và cho phép sớm đưa người phạm tội bị xử phạt tù quay trở về với cộng đồng để phục thiện, sửa chữa lỗi lầm với sự giúp đỡ và giám sát của gia đình, các cơ quan, đoàn thể xã hội. Đây là một biện pháp được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới dưới các tên gọi như phóng thích có điều kiện hay trả tự do có điều kiện. Thực chất, đây là việc trả tự do sớm đối với người đang chấp hành hình phạt tù và sau khi được trả tự do, người đó phải tuân thủ một số điều kiện nhất định do cơ quan có thẩm quyền xác định trong một thời gian tạm gọi là thời gian thử thách. Nếu trong thời gian thử thách mà người phạm tội vi phạm các điều kiện đặt ra thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có thể thay đổi điều kiện thử thách hoặc có thể buộc người đó phải chấp hành nốt thời hạn còn lại của hình phạt tù trong trại giam. Về bản chất, biện pháp này tương tự như  quy định về án treo, chỉ khác nhau về thời điểm áp dụng. 

BLHS năm 2015 đã bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện với những quy định hết sức chặt chẽ  các điều kiện cho phép người đang chấp hành hình phạt tù được áp dụng chế định này, đó là điều kiện về loại tội phạm[7], điều kiện về thời gian thực tế đã chấp hành hình phạt tù và điều kiện về nhân thân, thái độ cải tạo của người đang chấp hành hình phạt tù[8]. Riêng đối với điều kiện về thời gian thực tế chấp hành hình phạt tù có thời hạn của người bị kết án, BLHS năm 2015 đã quy định thời hạn thực tế chấp hành hình phạt tù này là khác nhau tùy vào từng đối tượng cụ thể, đó là: (1) người đang chấp hành phạt tù là người từ đủ 18 tuổi trở lên thì thời gian thực tế đã chấp hành hình phạt ít nhất là 1/2 thời hạn phạt tù (đối với án tù có thời hạn) hoặc 15 năm đối với án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn; (2) người đang chấp hành hình phạt tù là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, người từ đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì thời hạn thực tế chấp hành hình phạt tù ít nhất là 1/3 thời hạn phạt tù (đối với án tù có thời hạn) hoặc 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn; (3) người đang chấp hành hình phạt tù là người dưới 18 tuổi thì thời hạn thực tế chấp hành hình phạt tù là 1/3 thời hạn phạt tù.

Sau khi được áp dụng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đó được áp dụng chế định này phải trải qua thời gian thử thách tại cộng đồng và thực hiện một số nghĩa vụ nhất định trong thời gian thử thách này. Trong thời gian thử thách mà người đó vi phạm nghĩa vụ thử thách hoặc phạm tội mới thì Tòa án buộc họ phải chấp hành phần hình phạt đã được miễn chấp hành có điều kiện và hình phạt của tội mới (nếu có) theo nguyên tắc chung như người được hưởng án treo phạm tội mới. Nếu trong thời gian thử thách mà người được tha tù trước hạn cố ý vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội mới thì phải trở lại cơ sở giam giữ để chấp hành tiếp phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đang chấp hành hình phạt tù là giải pháp hữu hiệu, thiết thực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội” đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

5. Sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích cho người bị kết án

 Để tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống sau khi chấp hành xong hình phạt, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi cơ bản về chế định xóa án tích đối với người bị kết án, thể hiện tập trung ở 04 điểm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, khoản 2 Điều 69 và Điều 107 của BLHS năm 2015 quy định rõ 05 trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích. Đó là: (1) người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án không kể về tội gì; (2) người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; (3) người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; (4) người đã thành niên bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng; (5) người được miễn hình phạt.

Như vậy, theo BLHS năm 2015 thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và bị áp dụng hình phạt thì mới phải mang án tích và đối với họ áp dụng hình thức xóa án tích đương nhiên. Đối với người đã thành niên thì họ phải mang án tích trong trường hợp bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị kết án do lỗi cố ý về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

Thứ hai, khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 giữ nguyên thời hạn 01 năm để được xóa án tích (đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo), đồng thời, rút ngắn thời hạn để được xóa án tích theo hướng còn 02 năm (đối với trường hợp bị phạt tù đến 05 năm); 03 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm) và 05 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án). Riêng trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án thì đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Thứ ba, BLHS năm 2015 quy định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với BLHS năm 1999 theo hướng kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án.

Thứ tư, BLHS năm 2015 đã bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án, đồng thời, giao trách nhiệm cho Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 70 của BLHS.

Tóm lại, với những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Phần thứ nhất –  Các quy định chung của BLHS năm 2015 có thể thấy, các quy định này đã quán triệt sâu sắc tinh thần, chủ trương trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là chủ trương “đảm bảo tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội”. Đồng thời, những quy định này đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 – một đạo luật cơ bản của Nhà nước ta, là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật./.

[1] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991(bổ sung và phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

[2] Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Mục II-2- 2.1).

[3] Điều 24 BLHS  quy định hành vi cảu người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

[4] Điều 25 BLHS quy định hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khao học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầu đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

[5] Điều 26 BLHS quy định người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

[6] Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của BLHS thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 24 tội thuộc 04 nhóm tội phạm:

– 14 tội xâm phạm ANQG: Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc); Điều 109 (tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân); Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (tội bạo loạn); Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 115 (tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội); Điều 116 (Tội phá hoại chính sách đoàn kết); Điều 117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 118 (tội phá rối an ninh); Điều 119 (tội chống phá trại giam); Điều 120 (tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 121 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân);

– 02 tội xâm phạm TMSK: Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);

– 02 tội xâm phạm sở hữu: Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản);

– 06 tội xâm phạm an toàn công cộng: Điều 299 (tội khủng bố); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 324 (tội rửa tiền)..

[7] Điều 66 BLHS năm 2015 quy định điều kiện về loại tội để người đang chấp hành hình phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn có điều kiện đó là người bị kết án nếu không thuộc một trong các trường hợp: (i) bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; (ii) bị kết án từ 10 năm tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; bị kết án 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy; (iii) bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc một trong các trường hợp không thi hành án tử hình tại khoản 3 Điều 40 BLHS.

[8] Khoản 1 Điều 66 BLHS năm 2015 quy định điền kiện về nhân thân, thái độ cải tạo của người đang chấp hành hình phạt tù được xem xét cho tha tù trước thời hạn có điều kiện  gồm đủ 05 tiêu chí, đó là: (i) phạm tội lần đầu; (ii) có nhiều tiến bộ, ý thức cải tạo tốt; (iii) có nơi cư trú rõ ràng; (iv) đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự; (v) đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên. Riêng đối với người dưới 18 tuổi đang chấp hành hình phạt tù thì điều kiện về nhân thân không chặt chẽ như đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Theo đó, người dưới 18 tuổi cần có đủ 03 tiêu chí, đó là: phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; có nơi cư trú rõ ràng.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon