Người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

nguoi-kho-khan-trong-nhan-thuc-lam-chu-hanh-vi

Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Có thể nhận thấy một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam đó là mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Tuy nhiên, mỗi cá nhân có thể do khuyết tật, rối loạn tâm thần hoặc thể chất, suy giảm chức năng trí tuệ hoặc những nhóm người dễ bị tổn thương nên các điều kiện về thể chất, tinh thần của họ cũng khác nhau… Do đó, để hỗ trợ nhóm người này, bên cạnh năng lực pháp luật dân sự thì pháp luật đã quy định năng lực hành vi dân sự trao cho chủ thể quyền tự mình hoặc thông qua cơ chế giám hộ, người đại diện. Hãy cùng luật Dương Gia tìm hiểu rõ hơn về các quy định đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Căn cứ pháp lý

1. Thế nào là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi?

Theo khoản 1 Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2015 định nghĩa về người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, cụ thể như sau:

“Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”.

Như vậy, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, do tình trạng thể chất và tinh thần mà không đủ khăn năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Tình trạng thể chất hoặc tinh thần dẫn đến không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi có thể là trường hợp cá nhân bất chợt bị tâm thần nhưng chưa đến mức không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình (Ví dụ: Người mắc bệnh Down, ….) người bị tai nạn phải nằm điều trị lâu ngày trong bệnh viện và theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan, trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định pháp y tâm thần, Toà án ra quyết định tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Những người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khác với người mất năng lực hành vi dân sự. Vì người mất năng lực hành vi dân sự không có khả năng để nhận thức và hành động một cách đúng đắn theo ý chí của mình, nên họ không có đủ khả năng để hiểu và làm chủ được hành vi của mình. Trong khi đó, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi không mất hoàn toàn khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, một phần nào đó họ vẫn hiểu, nhận thực được hành vi của mình nhưng không đầy đủ như người bình thường.

2. Khi nào thì một người được xác định là có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi?

– Quyền yêu cầu tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quy định tại Điều 376 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, như sau:

+ Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.

+ Người thành niên không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do tình trạng thể chất, tinh thần nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố họ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.

– Tại Điều 377 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về chuẩn bị xét đơn yêu cầu, cụ thể:

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, theo đề nghị của người yêu cầu, Tòa án có thể trưng cầu giám định sức khỏe, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trong trường hợp này, khi nhận được kết luận giám định, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

– Việc quyết định một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quy định tại Điều 378 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

+ Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

+ Trong quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Tòa án phải xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

+ Trong quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Tòa án phải chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Như vậy, một người chỉ bị coi là có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi người này bị Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

3. Căn cứ xác định người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

Để xác nhận một người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 căn cứ vào các điều kiện sau:

– Thứ nhất, Khả năng nhận thức và điều khiển hành vi: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự

– Thứ hai, Có  yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan

– Thứ ba, Có kết luận giám định y khoa về mức độ khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi

“…theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi ”

Theo Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015.

– Thứ tư, Quyết định của Tòa án tuyên bố người này có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi  và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Như vậy một người chỉ được coi là có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi khi có quyết định tuyên bố của tòa án dựa trên yêu cầu của người đó hoặc người có quyền và lợi ích liên quan và có kết luận của cơ sở kết luận giám định pháp y.

4. Người giám hộ, chỉ định người giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

Cùng với việc ra quyết định tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Toà án phải chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Trong trường hợp này, mọi giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của cá nhân bị Toà án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi đều phải có sự đồng ý của người giám hộ.

Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sẽ bị hạn chế trong việc thực hiện giao dịch dân sự bởi vì mọi giao dịch của họ đều được thông qua người đại diện hợp pháp của họ được Tòa án chỉ định.

Theo quy định tại khoản 4 điều 54 Bộ luật dân sự 2015 thì người được chỉ định làm người đại điện theo pháp luật của người có khó khăn về nhận thức và làm chủ hành vi bao gồm:

  • Trường hợp vợ là người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì chồng là người giám hộ nếu chồng là người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì vợ là người giám hộ.
  • Trường hợp cha và mẹ đều có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi hoặc một người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
  • Trường hợp người thành niên có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Nếu trong trường hợp không có người giám hộ nêu trên thì Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.

5. Thực hiện giao dịch dân sự đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sẽ như thế nào?

Trường hợp 1: Giao dịch dân sự vô hiệu

Nếu cá nhận, tổ chức thao gia các giao dịch đã biết đối tượng tham gia giao dịch là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng vẫn cố tình thực hiện giao dịch với người có khó khăn về nhận thức và làm chủ hành vi thì sẽ bị vô hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật dân sự 2015 ” Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo đó, trong trường hợp này, giao dịch dân sự chỉ bị vô hiệu khi có yêu cầu của người đại diện của những người đó yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu, tức giao dịch đó chỉ bị vô hiệu khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Trường hợp 2: Giao dịch dân sự không bị vô hiệu

Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật dân sự 2015 không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:

+ Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

+ Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

+ Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.”

– Hệ quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận

– Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

+ Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

+ Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

+ Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Trên đây là bài viết về các quy định đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trường hợp bạn có thắc mắc, cần hỗ trợ vui lòng liên hệ Luật Dương Gia qua hotline 1900.6568 để được tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon