Tài sản đã được Bộ luật dân sự và các luật liên quan khác (luật về tài sản) xác định tương đối cụ thể. Tuy nhiên, mối liên hệ và sự khác nhau giữa tài sản với các phạm trù có liên quan đến tài sản như: Luật tài sản, vật quyền, quyền đối vật hiện còn nhiều quan điểm khác nhau.
Bài viết này phân tích các thuộc tính của tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 nhằm qua đó đưa ra quan điểm về tài sản, về mối liên hệ và sự khác nhau giữa tài sản với Luật tài sản, giữa tài sản với vật quyền, giữa quyền tài sản với quyền đối vật.
1. Khái niệm chung về tài sản
Thông qua các học thuyết, các quan điểm khác nhau về tài sản có thể nêu khái niệm về tài sản mang tính học thuật như sau:
Tài sản là các vật thể hoặc phi vật thể (hữu hình hoặc vô hình), có thể trị giá được thành tiền mà con người có thể chiếm hữu hoặc kiểm soát được nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất hoặc tinh thần cho con người và quyền sở hữu đối với chúng chấm dứt, khi chúng không còn tồn tại.
2. Các thuộc tính của tài sản
Để nhận biết về vấn đề nào đó, người ta thường phải xét đến các thuộc tính của nó, và như vậy, tài sản chỉ có thể được nhận biết khi thông qua các dấu hiệu/thuộc tính sau đây:
– Con người có thể chiếm hữu, quản trị được;
Thuộc tính này cho chúng ta thấy tất cả các sự vật dù hữu hình hay vô hình nhưng nếu nó đang tồn tại trong trạng thái không ai có thể chiếm hữu được thì các sự vật đó không thể là tài sản mặc dù chúng rất có ích lợi cho cuộc sống. Tuy nhiên, khi con người chiếm hữu, quản trị được chúng thì chúng là tài sản. Đối với tài sản hữu hình thì phải là những thứ mà con người có thể nắm giữ, chiếm giữ thông qua các hành động cụ thể của mình.
Chẳng hạn, nước biển trong đại dương, không khí trong tự nhiên trong trạng thái không ai chiếm hữu, quản trị thì không phải là tài sản nhưng một khi nước biển đã được đưa vào các thùng, téc đựng nước; không khí đã được đóng vào các bình khí thì trở thành tài sản, bởi trong trạng thái này chúng đã nằm trong sự quản trị của một chủ thể nhất định, có thể xác định được giá trị và tham gia thị trường.
Đối với tài sản vô hình thì con người kiểm soát, quản trị được sự tồn tại của chúng. Chẳng hạn như các quyền tài sản phải được xác định, kiểm soát thông qua các tài liệu, giấy tờ liên quan. “Tài sản bao gồm bất kể những gì có khả năng sở hữu bởi cá nhân, tập thể hoặc lợi ích cho người khác.”
– Đáp ứng được một nhu cầu nhất định cho con người;
Người ta chỉ nghĩ đến cần có một thứ gì đó và sở hữu chúng nếu thứ đó có thể thỏa mãn cho mình một nhu cầu nhất định. Đành rằng nhu cầu của mỗi người đối với từng tài sản có thể khác nhau và việc khai thác công dụng cũng có thể khác nhau nhưng chí ít, nó phải đem đến một ích lợi nào đó cho con người.
Chẳng hạn như sở hữu một viên đá cuội có thể không phải là nhu cầu của người này nhưng lại thỏa mãn một nhu cầu của người khác, nếu họ cần nó để chặn giấy tờ. Một vật nếu vô lợi với tất cả mọi người sẽ không có khái niệm sở hữu và chúng không phải là tài sản. Tùy từng loại với chức năng, công dụng khác nhau mà tài sản có thể đáp ứng cho con người về nhu cầu vật chất hay nhu cầu tinh thần để thỏa mãn trong sinh hoạt đời sống hoặc trong sản xuất, kinh doanh.
– Phải mang tính giá trị và có thể trị giá được thành tiền;
Nếu giá trị của hàng hóa được xác định thông qua lượng lao động sống và lao động quá khứ kết tinh trong một đơn vị hàng hóa và thường được biểu hiện thông qua giá cả thì giá trị của tài sản nói chung được hiểu là tài sản đó có ý nghĩa thế nào đối với từng chủ thể, kể cả về mặt tinh thần hay vật chất.
Có những tài sản không có ý nghĩa với người này nhưng yếu tố tinh thần lại vô cùng lớn đối với người khác nên nếu giá trị không thể tính được bằng tiền sẽ là câu chuyện khó khăn cho cơ quan áp dụng pháp luật khi giải quyết tranh chấp.
Bởi vậy, giá trị của tài sản phải có thể trị giá được bằng tiền. Tiền là thước đo giá trị của mọi tài sản nhưng chỉ có thể thực hiện được khi tài sản đó có thị trường lưu thông.
– Khi nó không còn tồn tại thì quyền sở hữu đối với nó bị chấm dứt;
Quyền sở hữu chỉ tồn tại khi tài sản thuộc quyền sở hữu đó còn tồn tại và vì vậy, quyền sở hữu sẽ bị chấm dứt ngay khi tài sản thuộc quyền sở hữu đó chấm dứt sự tồn tại của nó. Thuộc tính này cho phép chúng ta phân biệt loại giấy tờ là tài sản với loại giấy tờ không phải là tài sản. Chẳng hạn, ngân phiếu là tài sản bởi nếu nó bị cháy/không còn tồn tại thì người sở hữu nó mất đi một lượng tài sản được xác định thông qua mệnh giá của tờ ngân phiếu đó.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899
Ngược lại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất là loại giấy tờ không phải là tài sản bởi khi nó mất đi sự tồn tại (do bị cháy hoặc các nguyên nhân khác) thì đất, nhà, tài sản khác gắn liền với đất vẫn tồn tại và vẫn thuộc sở hữu của người đứng tên trong giấy chứng nhận đó. Hoặc Sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi là loại giấy tờ không phải là tài sản vì nó chỉ là chứng thư ghi nhận một lượng tiền đang được gửi trong một tổ chức tín dụng nhất định, khi nó chấm dứt sự tồn tại không đồng nghĩa với việc mất đi khoản tiền đó.
Tuy nhiên, vẫn có thể có tranh chấp xảy ra về những giấy tờ không phải là tài sản ở dạng giấy tờ có giá và đương nhiên trong những trường hợp này vẫn phải coi nó là một tài sản nhưng ở dạng vật.
Bên cạnh các loại tài sản truyền thống, trong nền kinh tế số đã và đang xuất hiện rất nhiều các thị trường trao đổi đa dạng các sản phẩm khác nhau mà những sản phẩm này phù hợp với tính chất của một tài sản. Tuy nhiên, nó có thể là tài sản được luật định ở quốc gia này nhưng không phải là tài sản được luật định ở quốc gia khác bởi phụ thuộc vào khả năng kiểm soát, quản lý rủi ro của từng quốc gia khác nhau.
Để nhận thức về tài sản, chúng tôi cho rằng cần có cái nhìn rành mạch hơn giữa tài sản với luật về tài sản; giữa tài sản với vật quyền; giữa quyền tài sản với góc độ là tài sản với quyền đối với tài sản cũng như cần xác định được các dấu hiệu/thuộc tính của tài sản thông qua các tiểu mục sau đây:
3. Mối liên hệ và sự khác nhau giữa tài sản và luật về tài sản
Nếu như tài sản là sự tồn tại của một yếu tố mang tính vật chất, tính giá trị thì luật tài sản là luật sinh ra để điều chỉnh về yếu tố đó và do vậy không thể đánh đồng giữa tài sản và luật về tài sản, đành rằng thông qua luật về tài sản để xác định tài sản. Với chức năng điều chỉnh, luật tài sản quy định những gì là tài sản, xác định tài sản tồn tại theo những dạng nào với trạng thái ra sao, dựa vào tiêu chí nào để phân loại tài sản.
Đến lượt mình, tài sản là những thứ được luật định danh trên cơ sở phải có những thuộc tính nhất định. (Chúng tôi sẽ bàn về thuộc tính của tài sản ở mục sau của bài viết này).
Chức năng của tài sản là thông qua giá trị, giá trị sử dụng của mình để thỏa mãn cho con người một nhu cầu nhất định. Nhu cầu đó có thể là nhu cầu về vật chất hoặc tinh thần, được thực hiện trong sinh hoạt đời sống hoặc sản xuất, kinh doanh.
4. Mối liên hệ và sự khác nhau giữa tài sản và vật quyền
Bộ luật dân sự năm 2015 xác định:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”
Và theo đó, Bộ luật này xác định một hệ thống các quyền đối với tài sản như: Quyền sở hữu, quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.
Theo luật Việt Nam thì tài sản được định dạng tại Điều 105 và được phân loại theo các điều luật tiếp theo. Từ các tài sản đó, các chủ thể có những quyền nhất định đối với nó.
Lý thuyết về vật quyền cho thấy các chủ thể có một hệ thống các quyền đối với tài sản, trong đó quyền sở hữu tài sản là vật quyền gốc, là vật quyền thống trị và các quyền khác đối với tài sản là các vật quyền phái sinh (bao gồm quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền đối với tài sản bảo đảm). Theo đó, trong mối liên hệ giữa tài sản và vật quyền cho thấy tài sản là đối tượng của vật quyền, vật quyền là các quyền của chủ thể đối với tài sản (được ghi nhận bởi pháp luật về tài sản). Giữa vật quyền và tài sản có mối liên hệ không thể tách rời bởi chỉ có sự tồn tại của tài sản mới có vật quyền, nhưng không thể coi hai thứ này là một.
Chẳng hạn, so sánh giữa quyền sở hữu đối với một ngôi nhà và bản thân ngôi nhà đó thì quyền sở hữu là các quyền năng luật định cho chủ thể (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) đối với tài sản là ngôi nhà thuộc sở hữu của họ. Trong khi, ngôi nhà là tài sản bởi tự bản thân nó có đầy đủ thuộc tính của một tài sản, còn các quyền năng đối với ngôi nhà chỉ mang tính cách pháp lý, không mang bất kỳ một thuộc tính nào của tài sản.
Tương tự, nếu xét mối liên hệ giữa quyền hưởng dụng hay quyền bề mặt đối với một tài sản thì vật quyền hưởng dụng hay vật quyền bề mặt cho thấy chủ thể nào có quyền gì đối với tài sản nào vốn dĩ không thuộc quyền sở hữu của mình, còn tài sản mà từ đó tạo nên quyền hưởng dụng, quyền bề mặt là đối tượng của các quyền đó. Tài sản đó vẫn thuộc sở hữu của chủ sở hữu đã chuyển giao quyền hưởng dụng, quyền bề mặt. Chủ thể có quyền hưởng dụng chỉ được quyền khai thác công dụng của tài sản, thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.
Tương tự, chủ thể có quyền bề mặt chỉ có quyền xác lập các tài sản trên mặt đất, mặt nước, khoảng không trên mặt đất, mặt nước và trong lòng đất. (Quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác). Quyền sử dụng và quyền bề mặt không mang giá trị vật chất cũng như không mang bất kỳ một thuộc tính nào của tài sản nhưng là cơ sở để tạo nên các tài sản.
Giả sử rằng, một người được hưởng quyền bề mặt đối với một diện tích đất nhưng họ không khai thác quyền đó để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác thì họ chẳng có tài sản nào từ quyền bề mặt đó, lúc này quyền bề mặt đơn thuần chỉ là sự ghi nhận các quyền đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước là lòng đất mà thôi.
Vì vậy, có thể nói trong quyền hưởng dụng và quyền bề mặt thì tài sản chính là kết quả của việc thực hiện các quyền đó và đương nhiên, bản thân các quyền đó không phải là tà sản. Chẳng hạn, một người xây dựng một công trình trên mảnh đất mà mình có quyền bề mặt thì công trình đó là tài sản và thuộc quyền sở hữu của họ và vì thế, họ được dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng không được phép dùng quyền bề mặt để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Theo góc nhìn này, Điều 11, Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ đã quy định:
“1. Tài sản thuộc sở hữu của chủ thể quyền bề mặt quy định tại khoản 2 Điều 271 của Bộ luật Dân sự được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp tài sản quy định tại khoản này là tài sản gắn liền với đất thì áp dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9, các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 Nghị định này.
2. Hoa lợi, lợi tức hoặc tài sản khác có được từ việc khai thác, sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
Có thể thông qua một ví dụ sau đây để thấy sự khác nhau giữa tài sản với quyền bề mặt: Một cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với một doanh nghiệp về việc doanh nghiệp san lấp và bê tông hóa một đoạn kênh mương, theo đó sau khi hoàn thành việc bê tông hóa kênh mương đó, doanh nghiệp được quyền khai thác bề mặt để xây dựng một nhà để xe ô tô nhằm mục đích kinh doanh về trông giữ xe ô tô.
Như vậy, nhà trông giữ xe thuộc sở hữu của doanh nghiệp là kết quả của quá trình thực hiện quyền bề mặt của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền chuyển giao, cho thuê, thế chấp… nhà trông giữ xe nhưng không được quyền chuyển giao quyền bề mặt (mặc dù Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 có dùng thuật ngữ này). Theo đó bên được chuyển giao có quyền khai thác lợi ích từ nhà trông giữ xe trong thời hạn của quyền bề mặt. Có chăng, chỉ chủ thể có quyền sử dụng đất là đối tượng của quyền bề mặt mới có quyền chuyển giao quyền bề mặt.
5. Sự khác nhau giữa quyền tài sản với quyền đối với tài sản
Bên cạnh các tài sản tồn tại ở dạng vật, luật dân sự của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Bộ luật dân sự năm 2015 của nước ta cũng ghi nhận loại tài sản tồn tại ở dạng quyền. Theo luật Việt Nam hiện hành, quyền tài sản chỉ được coi là tài sản nếu trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Quyền đối với tài sản là các quyền của chủ thể được thực hiện các hành vi tác động đến một tài sản cụ thể để chếm hữu, quản trị, khai thác công dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Chẳng hạn, chủ sở hữu có quyền đối với tài sản của mình trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nó. Chủ thể có quyền bề mặt có quyền trồng cây, canh tác trên bên mặt đất, mặt nước, có quyền xây dựng công trình trên mặt đất, sử dụng khoảng không trên mặt đất hoặc trong lòng đất.
Như vậy quyền tài sản là hiện thân của tài sản, trong khi quyền đối với tài sản là quyền được tác động tới tài sản để thỏa mãn một nhu cầu nhất định mà trong mối liên hệ này, có trường hợp quyền tài sản là đối tượng của quyền quyền đối với tài sản. Chẳng hạn, quyền sử dụng đất là một tài sản và là đối tượng của quyền bề mặt.
Trên đây là bài viết về “Tổng quan về chế định tài sản theo Bộ luật Dân sự 2015”. Trường hợp bạn đang còn thắc mắc hoặc cần tư vấn, hỗ hợ liên hệ ngay với Luật Dương Gia để được giải đáp sớm nhất.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899