Dựa trên những phân tích về chế độ pháp lý đối với tài sản đã được đề cập trong các bài viết trước, bài viết này sẽ tập trung vào việc phân tích những bất cập trong các quy định hiện hành và đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện chế độ pháp lý về tài sản.
1. Bất cập trong quy định về chế độ pháp lý đối với tài sản
Như đã phân tích ở bài viết khái quát về chế độ pháp lý đối với tài sản ở phần 1 và phần 2, không phải bất cứ chủ thể nào cũng được phép dịch chuyển đối với tài sản hạn chế lưu thông. Hơn nữa, khi xác lập giao dịch dân sự các bên phải tuân thủ chặt chẽ về điều kiện giao dịch, nếu pháp luật có quy định tài sản phải đăng ký hoặc xin phép tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các bên cũng phải chấp hành và tuân theo thủ tục đó.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp dù đã hạn chế lưu thông đối với tài sản nhưng thực tế các chủ thể vẫn đưa vào giao dịch thông thường. Đây không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi pháp luật chưa có cơ chế, quy định rõ ràng để giải quyết các trường hợp này. Hiện nay, rất nhiều giao dịch dân sự các bên thỏa thuận sử dụng đồng tiền là ngoại tệ, đặc biệt là tiền đô la Mỹ (USD) làm đơn vị tiền tệ để sử dụng khi tiến hành báo giá, định giá, ghi giá, thanh toán… trong Hợp đồng.
Trong khi đó, chính sách quản lý ngoại hối trong hệ thống pháp luật Việt Nam không cho phép tự do sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này đã mang lại không ít rủi ro cho các bên đồng thời cũng là nguyên nhân phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật và có thể dẫn tới hậu quả là Hợp đồng giao kết bị tuyên vô hiệu hoàn toàn.
Một vấn đề đặt ra trên thực tế và hiện nay chưa có cơ chế, quy định pháp luật nào xử lý, giải quyết triệt để đó là việc sử dụng ngoại tệ để thực hiện Hợp đồng có làm cho Hợp đồng đã ký kết giữa các bên vô hiệu hay không? Liên quan đến vấn đề này, hiện đang tồn tại một số quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: Nếu trong Hợp đồng chỉ có điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ là vi phạm pháp luật mà tuyên vô hiệu toàn bộ là tương đối “máy móc”, không đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên. Do đó, pháp luật chỉ nên xác định đây là trường hợp vô hiệu một phần, tức là chỉ điều khoản đó bị vô hiệu mà thôi, còn các điều khoản còn lại vẫn có hiệu lực pháp lý.
Những người theo quan điểm này lập luận rằng, nếu rơi vào trường hợp vi phạm điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ, lúc này hợp đồng sẽ được coi là hợp đồng không có điều khoản về giá thanh toán và được xử lý theo quy định tại Điều 431 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 433 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Quan điểm thứ hai: Dù chỉ có điều khoản thanh toán vi phạm pháp luật nhưng cần thiết phải tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ, vì nó đã vi phạm điều cấm của pháp luật (Điều 22, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005). Những người theo quan điểm này lập luận rằng, khi sử dụng ngoại tệ để thanh toán, cần phải tuyên bố hợp đồng này vô hiệu toàn bộ vì hai lý do: thứ nhất, hợp đồng này đã vi phạm điều cấm của pháp luật; thứ hai, việc sử dụng ngoại tệ để thanh toán trong trường hợp pháp luật không cho phép là vô cùng nguy hiểm cho nền kinh tế.
Nếu pháp luật không có thái độ dứt khoát, xử lý nghiêm đối với những trường hợp này sẽ dẫn đến tình trạng ngoại tệ hóa nền kinh tế, Nhà nước sẽ không kiểm soát được tiền tệ, không thực hiện được việc cố định giá trị đồng tiền và mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia không đạt được. Đây cũng là quan điểm trong thực tiễn xét xử của một số Tòa án hiện nay.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN và Điều 1 Thông tư số 03/2019/TT-NHNN quy định cụ thể các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, nếu không thuộc các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Thông tư số 32/2013/TT-NHNN và thông tư số 03/2019/TT- NHNN thì việc các chủ thể hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng ngoại hối sẽ bị coi là vi phạm quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
Sự vi phạm này được đặt trong mối liên hệ với Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không bị coi là vô hiệu, bởi Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định rõ ràng: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Đối chiếu với quy định này thì quy định cấm giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ là quy định trong pháp lệnh mà không phải quy định của luật. Do vậy, hợp đồng do các bên xác lập trong trường hợp này không thể bị tuyên bố vô hiệu nữa.
Tuy nhiên, nếu các bên vẫn thực hiện thì sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính quy định tại Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Từ những quan điểm dẫn chiếu trên cho thấy, hiện nay việc tuyên vô hiệu giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ dựa theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Pháp lệnh ngoại hối đang có sự “chênh phô”, không thống nhất; gây khó khăn trong quá trình xét xử các tranh chấp phát sinh. Xét dưới góc độ quan điểm, tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba, bởi lẽ:
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, điều kiện có hiệu lực của một giao dịch hay một hợp đồng như sau:
“a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
Đồng thời, Điều 122 Bộ luật này quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”. Như vậy, khi mục đích và nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái với đạo đức xã hội thì hợp đồng đó vô hiệu.
Thứ hai, so với BLDS năm 2005 thì BLDS năm 2015 đã thay thế cụm từ “vi phạm điều cấm của pháp luật” thành “vi phạm điều cấm của luật”;
Theo đó, “điều cấm của pháp luật” ở đây được hiểu là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Các quy định về “điều cấm” này có thể tồn tại trong luật hoặc các văn bản dưới luật như các Nghị định, Thông tư, Pháp lệnh…
Trong khi đó, “điều cấm của luật” là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định chỉ ở trong văn bản Luật do Quốc hội ban hành. Đồng thời, theo quy định tại Điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì pháp lệnh và thông tư không phải là văn bản luật.
Do vậy, các giao dịch/hợp đồng có đối tượng là ngoại hối, cụ thể là việc thỏa thuận giá cả và phương thức thanh toán bằng ngoại tệ là hành vi bị cấm tại Pháp lệnh ngoại hối, đối chiếu với Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp này không thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của luật nên sẽ không bị vô hiệu.
Thứ ba, để đánh giá tính pháp lý của Hợp đồng có quy định phương thức thanh toán bằng ngoại tệ phải được soi chiếu trên tổng thể các văn bản pháp luật.
Không thể chỉ dựa vào quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối để kết luận về hiệu lực của Hợp đồng trong khi đó BLDS là luật gốc điều chỉnh các giao dịch dân sự, quy định trực tiếp về điều kiện có hiệu lực của giao dịch/hợp đồng và có hiệu lực pháp luật cao hơn pháp lệnh, thông tư.
Mặt khác, Hợp đồng quy định phương thức thanh toán bằng ngoại tệ không bị tuyên vô hiệu không có nghĩa là “khuyến khích” cho việc sử dụng ngoại tệ mà các chủ thể vi phạm nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam vẫn bị chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Ngoài ra, dù việc thanh toán bằng ngoại tệ đã được pháp luật quy định hạn chế lưu thông, chuyển dịch nhưng thực tế vẫn phát sinh hiện tượng lợi dụng để chuyển tiền cho các mục đích bất hợp pháp, cụ thể có thể dẫn chứng một số trường hợp sau:
(i) Chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài qua các trung gian, người gửi tiền tại Việt Nam thông qua trung gian tại Việt Nam và trung gian tại nước ngoài để chuyển tiền; các bên trung gian được hưởng mức phí dịch vụ nhất định theo thỏa thuận. Trường hợp này không có luồng ngoại tệ dịch chuyển ra khỏi Việt Nam;
(ii) Chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài thông qua các hợp đồng xuất nhập khẩu khống, không có hàng hóa thực hoặc giá trị hàng hóa ghi trên hợp đồng cao hơn giá trị hàng hóa nhập khẩu thực tế. Các cá nhân sử dụng các hợp đồng nhập khẩu khống này để chuyển tiền bất hợp pháp qua ngân hàng ra nước ngoài;
(iii) Sử dụng thẻ ngân hàng do các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam phát hành như: Visa, Master để thanh toán cho các giao dịch trên sàn Forex, mua bất động sản, chứng khoán, tiền ảo, đánh bạc…;
(iv) Sử dụng trung gian thanh toán (ví điện tử) để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài như trường hợp của sàn Forex, đầu tư tiền ảo, chứng khoán.
Từ những tồn tại trên cho thấy, các quy định liên quan đến việc hạn chế sử dụng ngoại tệ trong nước chưa tương thích với thay đổi nhanh chóng của thị trường, chưa giải quyết được mục tiêu ưu tiên cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền.
2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về chế độ pháp lý đối với tài sản
Để hoàn thiện chế độ pháp lý đối với tài sản, giúp việc hiện thực hóa các quy định của pháp luật vào đời sống có hiệu quả; hạn chỗ tối đa những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại; tránh sự mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật đồng thời tạo sự thống nhất trong quá trình giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc dịch chuyển đối với tài sản, tác giả đề xuất một số ý kiến hoàn thiện sau:
Thứ nhất, cần bổ sung quy định rõ ràng hơn về chế độ pháp lý đối với tài sản.
Hiện nay, tài sảm cấm lưu thông, tài sản hạn chế lưu thông, tài sản tự do lưu thông không được quy định tập trung tại một văn bản pháp luật mà được liệt kê, dàn trải trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Vì vậy rất khó để có thể theo dõi, nắm bắt được các quy định liên quan điều chỉnh đối với các loại tài sản này. Do đó, cần ghi nhận phân loại tài sản này trong Bộ luật Dân sự để có thể kiểm soát các giao dịch liên quan đến tài sản bị cấm lưu thông, bị hạn chế lưu thông.
Thứ hai, như đã phân tích, đối với tài sản hạn chế lưu thông điển hình là quy định về thanh toán bằng ngoại tệ, pháp luật cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về hậu quả pháp lý của các giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ.
Nhằm tránh tình trạng ngoại tệ hóa nền kinh tế, cần tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới về chính sách quản lý ngoại tệ. Chẳng hạn, cần phải xác lập một nguyên tắc để hạn chế ngoại tệ hóa (cụ thể là đô la Mỹ hóa) tiến tới thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam. Hơn nữa, về hậu quả pháp lý đối với các giao dịch vi phạm quy định hạn chế lưu thông tài sản cần thống nhất về cách thức xử lý.
Như các giao dịch thanh toán bằng ngoại hối, cần xây dựng Luật ngoại hối thay vì Pháp lệnh ngoại hối để phù hợp khi áp dụng quy định về giao dịch vô hiệu của Bộ luật Dân sự 2015 đối với các giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ, đồng thời hạn chế việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu quá nhiều, tùy tiện khiến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên không được đảm bảo.
Thứ ba, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có thêm văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể cách thức giải quyết đối với những trường hợp vi phạm các chế độ pháp lý đối với tài sản, đồng thời xem xét, lựa chọn các bản án phù hợp phát triển thành án lệ để làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ án tương tự.
Trên đây là bài viết của Luậ Dương Gia về “Bất cập trong quy định và kiến nghị hoàn thiện về chế độ pháp lý đối với tài sản”. Trường hợp bạn đang còn thắc mắc hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý, liên hệ ngay Hotline: 079.497.8999 hoặc 093.154.8999 để đươc tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!