Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đây là quy định mang đậm tính nhân văn, nhằm góp phần đảm bảo quyền làm cha, làm mẹ của các cặp vợ chồng vô sinh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quan hệ mang thai hộ giữa các bên với nhau cũng xảy ra tranh chấp, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên, đặc biệt là đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích việc giải quyết tranh chấp liên quan đến mang thai hộ và xử lý các hành vi vi phạm về mang thai hộ, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
1. Mang thai hộ là gì?
Khoản 22 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.
Khái niệm trên đã thể hiện rõ được đặc điểm của mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cụ thể:
– Mang thai hộ chỉ được đặt ra với những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tức là những người phụ nữ hiếm muộn, vô sinh nhưng vẫn có khả năng tự mang thai và sinh con khi có sự hỗ trợ về mặt y học thì không thuộc đối tượng được phép tiến hành mang thai hộ.
– Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được tiến hành bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản . Mang thai hộ được tiến hành thông qua thụ tinh trong ống nghiệm, cụ thể là lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Đây là hoạt động mang thai phi tự nhiên với sự can thiệp của con người cùng các kỹ thuật y học để đảm bảo việc thụ thai diễn ra thành công trên cơ sở các quy luật tự nhiên về sinh sản.
– Việc mang thai hộ phải được tiến hành tự nguyện trên cơ sở các quyền tự nhiên của con người. Việc tiến hành mang thai hộ bằng sự can thiệp của kỹ thuật công nghệ chỉ có thể được thực hiện khi có sự đồng ý và thỏa thuận của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một hoạt động phi thương mại. Quan hệ này chỉ được xác lập vì mục đích nhân đạo mà không nhằm hưởng lợi về kinh tế hay các lợi ích khác.
Thuật ngữ mang thai hộ trong tiếng Anh là “surrogacy”.
2. Giải quyết tranh chấp liên quan đến việc mang thai hộ
Điều 99 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cụ thể:
“Điều 99. Giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
1. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ.
2. Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật này và Bộ luật dân sự.”
Theo Khoản 1 Điều 99 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ. Tranh chấp về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được hiểu là những tranh chấp về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 97, 98 Luật hôn nhân và gia đình 2014, như bên nhờ mang thai hộ không thực hiện nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản,…
Cụ thể, Tòa án có thẩm quyền giải quyết ở đây sẽ là Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nếu có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tuân thủ theo các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 99 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì khi đứa trẻ chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ. Trường hợp nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 60, 61, 63 Bộ luật dân sự 2015
Cụ thể, Điều 60 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc thay đổi người giám hộ. Trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những người được quy định tại Điều 52 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 là người giám hộ đương nhiên của đứa trẻ.
Trong trường hợp bên mang thai hộ không nhận nuôi trẻ chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người giám hộ của đứa trẻ bao gồm: giám hộ đương nhiên và giám hộ cử.
Bởi đứa trẻ sinh ra trong trường hợp mang thai hộ là con của cặp vợ chồng vô sinh không có con chung, nên người giám hộ đương nhiên của đứa trẻ trong trường hợp này được xác định là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người giám hộ đương nhiên là một trong số bác, chú, cậu, cô, dì của đứa trẻ.
Nếu không có người giám hộ đương nhiên thì việc cử, chỉ định người giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Bộ luật dân sự 2015. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ. Việc cử người giám hộ phải có sự đồng ý của người được cử và được ghi nhận bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
3. Xử lý hành vi vi phạm về mang thai hộ
Điều 100 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xử lý hành vi vi phạm về mang thai hộ như sau:
Điều 100. Xử lý hành vi vi phạm về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ
Các bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ được quy định tại Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự.”
Đối với vấn đề xử lý các sai phạm trong hoạt động mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, các bên trong quan hệ mang thai hộ vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự.
Vi phạm pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thể là trường hợp một hoặc các bên tham gia không được nhờ mang thai hộ hoặc là người không được nhờ mang thai hộ hoặc là người không được tiến hành mang thai hộ.
Nói cách khác, các bên trong quan hệ mang thai hộ không đáp ứng được các điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, như: người nhờ mang thai hộ không phải cặp vợ chồng hợp pháp, từng có con chung, bên mang thai hộ không phải là họ hàng thân thích cùng hàng, chưa từng mang thai và sinh con, không có sự đồng ý của người chồng,…
Vi phạm pháp luật về mang thai hộ còn có thể là trường hợp chủ thể tham gia quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có sự vi phạm quyền hoặc nghĩa vụ do pháp luật hôn nhân và gia đình quy định, như từ chối nhận hoặc giao con khi trẻ được sinh ra, bên nhờ mang thai hộ không hỗ trợ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người mẹ mang thai hộ,…
Bên cạnh đó, trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại cũng bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật hôn nhân gia đình nghiêm cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại (điểm g Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014).
Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Đây là một điều luật mới nhằm đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để trục lợi. Cụ thể:
Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tổ chức mang thai hộ là hành vi bao gồm tổng hợp của nhiều hành vi khác nhau từ việc tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu mang thai hộ gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, sắp xếp, tạo điều kiện và hỗ trợ về các phương tiện để các bên tiến hành việc mang thai hộ. Mục đích cuối cùng của người thực hiện hành vi là vì mục đích thương mại. Trong chuỗi các hành vi của việc tổ chức mang thai hộ thì hậu quả của hành vi này là việc những người tham gia đạt được mục đích mang thai không phải là yếu tố quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người tổ chức.
Căn cứ vào nội dung của điều luật, có thể hiểu, quy định này hướng tới điều chỉnh đối với các chủ thể có hành vi tổ chức mang thai hộ mà không hướng tới cá nhân trực tiếp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tức là, đối tượng phạm tội ở đây là “người tổ chức”, còn bên mang thai hộ đơn thuần (không có yếu tố tổ chức) thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội danh này.
Bên cạnh đó, việc phân định hành vi “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” và “mang thai hộ vì mục đích thương mại” để đánh giá chứng cứ, truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế là khá khó khăn. Bởi trên thực tế, việc mang thai hộ có nhiều biến tướng nên việc xác định mục đích của người tổ chức mang thai hộ chỉ dựa vào tiêu chí có hay không việc “hưởng lợi ích kinh tế và lợi ích khác” không phải là điều dễ dàng.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về giải quyết tranh chấp liến quan đến mang thai hộ và xử lý hành vi vi phạm về mang thai hộ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.