Hợp đồng ủy quyền là gì? Có bắt buộc công chứng hợp đồng ủy quyền không?

hop-dong-uy-quyen-la-gi-co-bat-buoc-cong-chung-hop-dong-uy-quyen-khong

Trong các giao dịch dân sự nói chung và từng giao dịch khác nói riêng thì hợp đồng ủy quyền được xem là một văn bản quan trọng nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Đây là cơ sở pháp lý để một cá nhân hoặc tổ chức thay mặt người khác thực hiện các công việc nhất định theo phạm vi được thỏa thuận.

Tuy nhiên, một câu hỏi thường được đặt ra là: hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải công chứng hay không? Bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm hợp đồng ủy quyền và quy định pháp luật liên quan đến việc công chứng loại hợp đồng này.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật dân sự 2015

– Luật Công chứng 2014

1. Hợp đồng ủy quyền là gì?

Căn cứ theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, hợp đồng uỷ quyền sẽ gồm những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, đây là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, một bên (bên được ủy quyền) sẽ thay mặt bên còn lại (bên ủy quyền) thực hiện công việc đã được thống nhất. Đây là yếu tố cốt lõi giúp phân biệt hợp đồng ủy quyền với các loại hợp đồng khác

Thứ hai, các bên sẽ tự do thoả thuận về việc có trả thù lao hay không.

Không giống như các hợp đồng cho thuê, mua bán, vay mượn,… hợp đồng ủy quyền có kèm theo thù lao hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên. Trong nhiều trường hợp, ủy quyền có thể được thực hiện mà không yêu cầu thanh toán chi phí, chẳng hạn như ủy quyền giữa người thân hoặc đối tác có quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, nếu các bên có thỏa thuận về thù lao, thì bên ủy quyền có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo đúng cam kết trong hợp đồng.

Thứ ba, thời hạn do các bên tự thỏa thuận

Thông thường, các bên có thể tự do thỏa thuận về thời hạn này, tùy theo nhu cầu và tính chất công việc được ủy quyền. Nếu hợp đồng không đề cập đến thời hạn, và pháp luật cũng không có quy định cụ thể, thì theo quy định chung, hợp đồng ủy quyền sẽ có hiệu lực trong vòng 01 năm kể từ ngày xác lập theo quy định tại Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015. Điều này nhằm đảm bảo sự rõ ràng và tránh tranh chấp phát sinh khi thực hiện hợp đồng.

2. Hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không?

Căn cứ Điều 55 Luật Công chứng 2014, Luật này chỉ nêu về thủ tục công chứng hợp đồng uỷ quyền mà không có bất cứ quy định nào bắt buộc phải công chứng loại hợp đồng này.

Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật chuyên ngành như về hộ tịch, về đất đai… thì yêu cầu văn bản uỷ quyền bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Trong đó, có thể kể đến một số loại hợp đồng uỷ quyền bắt buộc phải công chứng dưới đây:

– Ủy quyền đăng ký hộ tịch: Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư số 04/2020/TT-BTP, người yêu cầu đăng ký hộ tịch được phép uỷ quyền cho người khác trừ một trong ba trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn và đăng ký nhận cha, mẹ con là không được uỷ quyền mà một trong các bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký mà không cần hợp đồng uỷ quyèn của bên còn lại.

– Ủy quyền của vợ chồng cho nhau về việc thỏa thuận mang thai hộ phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014…

Như vậy, hợp đồng ủy quyền không mặc nhiên phải công chứng, chứng thực mới có giá trị pháp lý trừ một số trường hợp bắt buộc theo pháp luật chuyên ngành đã nêu ở trên.

3. Thủ tục công chứng Hợp đồng ủy quyền

Có thể thấy, không phải mọi trường hợp đều phải công chứng hợp đồng uỷ quyền. Tuy nhiên, trong các trường hợp phải công chứng thì khi thực hiện thủ tục, quy trình như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

– Phiếu yêu cầu công chứng gồm thông tin về người yêu cầu, thông tin về tổ chức hành nghề công chứng và yêu cầu công chứng.

– Hợp đồng uỷ quyền (dự thảo nếu có).

– Giấy tờ nhân thân của các bên (bản sao): Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận cư trú…

– Giấy tờ về đối tượng uỷ quyền (bản sao): Tuỳ vào từng nội dung uỷ quyền mà giấy tờ vè đối tượng uỷ quyền cũng khác nhau. Trong đó, có thể kể đến Đăng ký xe, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Ngoài các giấy tờ cần nộp nêu trên, trong khi thực hiện uỷ quyền, sau khi Công chứng viên kiểm tra đầy đủ tính pháp lý của hợp đồng uỷ quyền, đọc cho các bên nghe nội dung của hợp đồng uỷ quyền, các bên đồng ý hết các nội dung này… thì Công chứng viên phải đối chiếu bản chính của các giấy tờ được nộp nêu trên.

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ            

Công chứng viên tiến hành kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ các bên yêu cầu công chứng đã nộp. Sau khi kiểm tra hồ sơ và nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý yêu cầu công chứng và ghi vào sổ công chứng.

Bước 3: Soạn thảo hợp đồng ủy quyền

Trường hợp người yêu cầu công chứng đã chuẩn bị dự thảo hợp đồng thì công chứng viên kiểm tra nội dung và hình thức của văn bản.Trường hợp trong dự thảo hợp đồng có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, nội dung của văn bản không phù hợp quy định của pháp luật, Công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Nếu người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

Trường hợp văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng: nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Công chứng viên soạn thảo hợp đồng.

Bước 4: Ký tên

Các bên yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho các bên cùng nghe theo đề nghị của các bên yêu cầu công chứng.

Các bên yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thì ký xác nhận vào từng trang của văn bản đó. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ hồ sơ đã nêu ở mục trên để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký tên cụ thể vào từng trang của hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Bước 5: Nộp phí và nhận kết quả

Nộp phí theo quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền công chứng và nhận giấy kết quả.

5. Không công chứng chứng thực hợp đồng ủy quyền bắt buộc công chứng chứng thực vẫn được thừa nhận hiệu lực khi nào?

Tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức như sau:

Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

  1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
  2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Theo đó, việc công chứng chứng thực hợp đồng ủy quyền là yêu cầu về hình thức trong một số trường hợp bắt buộc. Thông thường khi giao dịch dân sự không tuân thủ theo yêu cầu về hình thức sẽ bị xem là vô hiệu, tuy nhiên trong trường hợp chưa công chứng chứng thực hợp đồng ủy quyền khi luật có yêu cầu bắt buộc nhưng một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của người tham gia ủy quyền Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó

Trên đây là những nội dung liên qua đến Hợp đồng công chứng. Trường hợp có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý, Luật Dương Gia chính là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn, vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo thông tin bên dưới:

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Với đội ngũ luật sư tâm huyết, giàu kinh nghiệm của chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn, mang đến cho bạn giải pháp pháp lý phù hợp nhất

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon