Trong bối cảnh hội nhập và giao thương quốc tế ngày càng phát triển, việc xác định thời hiệu trong các tranh chấp dân sự xuyên biên giới không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia mà còn bị ảnh hưởng bởi các điều ước quốc tế, tập quán thương mại và nguyên tắc pháp lý chung. Đây là một vấn đề quan trọng trong pháp luật quốc tế tư, nhằm xác định thời gian mà một chủ thể có quyền khởi kiện hoặc thực hiện quyền yêu cầu của mình trước cơ quan có thẩm quyền.
Do đó, nghiên cứu về thời hiệu trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài giúp làm rõ cơ sở pháp lý, tránh xung đột pháp luật và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên trong mọi giao dịch. Trên cơ sở này, Luật Dương Gia sẽ làm rõ các yếu tố có liên quan đến nội dung nêu trên qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
1. Thế nào là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
– Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
– Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
2. Một số quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
2.1. Xác định pháp luật áp dụng với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là một bước quan trọng nhằm giải quyết tranh chấp và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, việc áp dụng pháp luật có thể dựa trên thỏa thuận của các bên, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp không có thỏa thuận và điều ước liên quan. Việc xác định chính xác hệ thống pháp luật áp dụng giúp đảm bảo tính công bằng, minh bạch, giảm thiểu rủi ro pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, hợp tác giữa các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Như vậy, việc xác định được căn cứ trên cơ sở sau:
– Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
– Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
– Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng như trên thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
2.2. Áp dụng điều ước quốc tế với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì quy định của điều ước quốc tế đó được áp dụng.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Phần này và luật khác về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì quy định của điều ước quốc tế đó được áp dụng.
2.3. Áp dụng tập quán quốc tế với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 664 của Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
2.4. Áp dụng pháp luật nước ngoài với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó.
2.5. Phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến
Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 668 Bộ luật Dân sự 2015.
- Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định của pháp luật Việt Nam về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
- Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước thứ ba về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
- Trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 664 của Bộ luật Dân sự 2015 thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng.
2.6. Áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật
Trường hợp pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật được dẫn chiếu đến thì pháp luật áp dụng được xác định theo nguyên tắc do pháp luật nước đó quy định.
2.7. Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài
Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây:
- Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
- Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng như trên thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
3. Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
3.1. Thời hiệu là gì?
Khác với thời hạn, thời hiệu chỉ do pháp luật quy định, các bên không có quyền thỏa thuận như thời hạn. Vì vậy, thời hiệu mang tính bắt buộc. Mọi sự thỏa thuận của các bên tham gia quan hệ pháp luật dân sự nhằm thay đổi thời hiệu hoặc cách tính thời hiệu đều bị xem là vô hiệu và việc áp dụng thời hiệu cũng mang tính bắt buộc với Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xem xét, giải quyết các yêu cầu của người khởi kiện.
Căn cứ theo Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thi phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định”.
Thời hiệu là một sự kiện dẫn đến hậu quả làm phát sinh quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền được bảo vệ quyền dân sự bị vi phạm. Theo đó, khi thụ lý vụ việc, Tòa án có trách nhiệm giải thích cho các bên về quyền, nghĩa vụ của mình, bao gồm cả quyền về áp dụng thời hiệu. Nếu ít nhất một bên yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết do đã hết thời hiệu thì Tòa án có trách nhiệm áp dụng quy định về thời hiệu. Trường hợp các bên vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền, lợi ích của mình thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết theo tinh thần bảo vệ tố đa quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.
3.2. Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Căn cứ quy định tại điều 671 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu thì: “Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó”
Theo quy định trên thì thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tùy thuộc vào pháp luật áp dụng đối với quan hệ đó. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là một quan hệ đa dạng, tùy vào từng trường hợp mà điều ước quốc thế, luật Việt Nam, hay luật nước ngoài sẽ được áp dụng để điều chỉnh. Do đó, để xác định thời hiệu của một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trước hết, phải xác định được quan hệ đó đang được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật nào.
4. Cách giải quyết khi không tìm được nội dung pháp luật nước ngoài
Trên thực tế, có những trường hợp mặc dù đã nỗ lực nhưng cơ quan giải quyết tranh chấp cũng như các bên không thể tìm ra được nội dung pháp luật nước ngoài. Theo đó, pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định cụ thể thời hạn 06 tháng để tìm kiếm pháp luật nước ngoài theo quy định tại 481 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Mặc dù điều này sẽ giúp cơ quan tố tụng cũng như các đương sự biết được chính xác họ phải cung cấp pháp luật nước ngoài trong thời gian bao lâu nhưng hạn chế lại khá lớn. Bởi lẽ, khác với sự linh hoạt như các quốc gia khác, thời hạn 06 tháng này không thể đủ để phù hợp với từng vụ việc, hơn nữa, việc thực hiện tìm kiếm nội dung pháp luật nước ngoài qua con đường tương trợ tư pháp rất phức tạp và tốn nhiều thời gian.
Về hậu quả của việc không cung cấp được pháp luật nước ngoài, pháp luật Việt Nam quy định khá rõ ràng. Nếu hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Tòa án yêu cầu cung cấp pháp luật nước ngoài mà không có kết quả thì Tòa án áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết vụ việc dân sự đó. Điều này giúp điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế được khách quan và công bằng hơn, đảm bảo tốt nhất lợi ích của công dân tham gia quan hệ dân sự quốc tế. Đồng thời, luôn khẳng định và gắn liền với việc bảo đảm độc lập, chủ quyền, bình đẳng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo đảm sự an ninh, ổn định chế độ xã hội chủ nghĩa và nền tảng pháp luật của nhà nước ta.
Trường hợp bạn đang còn thắc mắc về nội dung này cũng như các vấn đề có liên quan hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý, liên hệ ngay Hotline để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899