Di chúc miệng là gì? Phát sinh hiệu lực khi nào?

di-chuc-mieng-la-gi-phat-sinh-hieu-luc-khi-nao

Di chúc là văn bản thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi qua đời. Trong đó, di chúc miệng là một hình thức đặc biệt, được lập trong những trường hợp khẩn cấp, khi tính mạng bị đe dọa hoặc khi người lập di chúc không thể thể hiện ý chí bằng văn bản. Tuy nhiên, để di chúc miệng có giá trị pháp lý, cần đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự 2015

1. Di chúc miệng là gì?

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Như vậy, đây là một hình thức thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Điều này được thể hiện dưới nhiều hình thức, có thể được lập thành văn bản hoặc được xác lập bằng miệng theo quy định tại điều  627 Bộ luật Dân sự 2015

“Điều 627. Hình thức của di chúc

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”

Từ hai khái niệm trên, theo chiều hướng dễ hiểu nhất thì di chúc miệng là sự bày tỏ ý nguyện bằng lời nói của cá nhân về việc chuyển tài sản của mình hoặc của người khác sau khi chết cho những người còn sống sau khi người lập di chúc qua đời theo quy định tại Điều 629 và 630 Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên, di chúc miệng chỉ được áp dụng khi không thể lập di chúc bằng văn bản, tức là trong tình huống mà tính mạng của người lập di chúc bị đe dọa và không thể thực hiện việc lập di chúc bằng văn bản.

Ví dụ: Khi một người đang trong tình trạng hấp hối hoặc bị đột quỵ một cách bất ngờ và trong hoàn cảnh đó họ cảm thấy không thể qua khỏi, những lời cuối cùng mà họ nói về việc chuyển giao tài sản cho những người còn sống có thể được xem như việc thiết lập di chúc bằng miệng.

Tuy nhiên vẫn xuất hiện trường hợp có người muốn nhận di sản thừa kế của người mất nên đã tiến hành lừa dối, gian lận khiến người mất để lại di chúc miệng không thể hiện đúng ý chí của người mất. Do đó, để tránh trường hợp này pháp luật đã quy định di chúc miệng cần đảm bảo các điều kiện được nêu trong bộ luật Dân sự 2015 thì mới có hiệu lực và có thể áp dụng.

2. Điều kiện để di chúc miệng có hiệu lực?

Để di chúc miệng có hiệu lực, di chúc này phải thỏa mãn 3 điều kiện theo quy định pháp luật gồm: điều kiện với người lập di chúc, điều kiện với người làm chứng và điều kiện thời điểm lập di chúc miệng

2.1. Điều kiện đối với người lập di chúc

Căn cứ theo điểm a khoản 1, Điều 630, Bộ luật Dân sự 2015 quy định một di chúc hợp pháp thì người lập di chúc phải thỏa mãn điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Như vậy, để thực hiện quyền lập di chúc nhằm định đoạt tài sản của mình, người lập di chúc phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là họ phải đủ tuổi, không mắc bệnh tâm thần hoặc các tình trạng khác làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.

Đặc biệt, trong trường hợp lập di chúc miệng, trạng thái tinh thần của người để lại di chúc phải hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, có khả năng nhận thức rõ ràng về hành vi của mình. Nội dung di chúc phải thể hiện ý chí tự nguyện, không bị tác động bởi sự lừa dối, cưỡng ép hay đe dọa từ bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Nếu có dấu hiệu ép buộc hoặc ảnh hưởng từ bên ngoài làm thay đổi ý chí thực sự của người lập di chúc, di chúc miệng có thể bị tuyên vô hiệu

2.2. Điều kiện đối với người làm chứng

Tại khoản 5, Điều 630 và Điều 632, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rõ về điều kiện đối với người làm chứng là:

– Có ít nhất 02 người làm chứng và được người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên (điểm chỉ) ngay sau khi người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng;

– Có khả năng nhận thức và kể lại được nội dung di chúc mà mình chứng kiến.

– Có đủ năng lực hành vi dân sự;

– Không phải là người được thừa kế trong di chúc;

– Không phải là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc;

– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm hư hại hoặc giả mạo di chúc;

Như vậy, người làm chứng cho di chúc miệng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo tính khách quan và trung thực của di chúc. Trước hết, họ phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tức là có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình, không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Điều này nhằm đảm bảo rằng họ có đủ khả năng chứng kiến, ghi nhận và xác nhận nội dung di chúc một cách chính xác.

Bên cạnh đó, người làm chứng không được là những cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan đến nội dung di chúc, chẳng hạn như người thừa kế, người có quyền lợi đối với di sản hoặc những người có thể tác động đến nội dung di chúc vì lợi ích cá nhân. Điều này giúp tránh xung đột lợi ích và đảm bảo di chúc phản ánh đúng ý chí của người lập di chúc.

Ngoài ra, người làm chứng phải có khả năng ghi nhớ chính xác nội dung di chúc miệng để có thể thuật lại một cách trung thực, không bị sai lệch hoặc nhầm lẫn. Trong thời gian quy định kể từ khi di chúc miệng được lập, những người làm chứng phải ghi chép lại toàn bộ nội dung di chúc, ký tên xác nhận và tiến hành thủ tục công chứng hoặc chứng thực theo quy định. Nếu những điều kiện này không được đảm bảo, di chúc miệng có thể bị xem là không hợp pháp và không có giá trị pháp lý.

2.3. Điều kiện về thời điểm lập di chúc miệng

Căn cứ vào khoản 5, Điều 630, Bộ luật Dân sự 2015, điều kiện về thời điểm di chúc miệng: “5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Theo đó, người được phép lập di chúc miệng khi lâm vào hoàn cảnh tính mạng bị đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Trong trường hợp này, nếu người đó vẫn có nguyện vọng để lại di sản cho người khác nhưng sức khỏe không cho phép tự mình viết thành văn bản thì có thể truyền đạt nguyện vọng của mình qua lời nói dưới sự chứng kiến của người làm chứng và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, người lập di chúc miệng phải thể hiện ý chí của mình một cách rõ ràng, dứt khoát, không bị tác động bởi sự cưỡng ép, lừa dối hoặc đe dọa. Ý chí này phải được công khai trước ít nhất hai người làm chứng, những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền lợi liên quan đến nội dung di chúc. Ngay sau khi người để lại di chúc tuyên bố ý chí của mình, những người làm chứng phải ghi chép lại toàn bộ nội dung di chúc một cách trung thực, đầy đủ, không được thêm bớt hoặc sửa đổi nội dung theo ý chủ quan của mình. Văn bản ghi chép này sau đó phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của tất cả những người làm chứng để xác nhận tính chính xác và khách quan của nội dung di chúc.

Quan trọng hơn, theo quy định pháp luật, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm di chúc miệng được lập, văn bản ghi chép nội dung di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Điều này nhằm đảm bảo tính pháp lý của di chúc miệng, tránh tranh chấp giữa những người thừa kế và bảo vệ tính minh bạch trong việc định đoạt tài sản sau khi người để lại di chúc qua đời.

3. Có thể lập di chúc miệng trong trường hợp nào?

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 629, Bộ luật Dân sự 2015, Có thể lập di chúc miệng trong trường hợp sau:

  1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
  2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Theo quy định trên, di chúc miệng chỉ được lập trong những trường hợp đặc biệt, khi người lập di chúc không thể thực hiện di chúc bằng văn bản do hoàn cảnh khách quan tác động. Cụ thể, di chúc miệng có thể được lập trong các trường hợp Khi tính mạng một người bị đe dọa bởi cái chết hoặc rơi vào trạng thái nguy kịch, có nguy cơ tử vong cận kề và không còn khả năng lập di chúc bằng văn bản.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp cũng như giá trị pháp lý của di chúc thì, di chúc miệng chỉ có giá trị trong trường hợp người lập di chúc không qua khỏi sau một khoảng thời gian nhất định. Cụ thể, nếu sau 03 tháng kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người lập di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt, thì di chúc miệng đó mặc nhiên bị hủy bỏ.

Quy định này nhằm đảm bảo rằng di chúc miệng chỉ được công nhận khi nó thực sự là ý chí cuối cùng của người để lại tài sản. Trong nhiều trường hợp, khi một người rơi vào tình trạng nguy kịch, họ có thể bày tỏ mong muốn phân chia tài sản theo một cách nào đó, nhưng nếu sau đó họ hồi phục, họ hoàn toàn có quyền thay đổi ý định và lập di chúc bằng văn bản theo đúng thủ tục pháp lý. Việc giới hạn hiệu lực di chúc miệng trong vòng 3 tháng giúp tránh những tranh chấp không cần thiết giữa những người thừa kế nếu người lập di chúc vẫn còn sống.

4. Di chúc miệng hợp pháp vẫn có thể bị hủy bỏ?

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, di chúc miệng được coi là hợp pháp và những người có tên trong di chúc được quyền phân chia tài sản thừa kế theo di chúc. Tuy nhiên, có trường hợp di chúc miệng dù hợp pháp vẫn có thể bị hủy bỏ.

Theo khoản 2 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015, sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Như vậy, trong trường hợp di chúc miệng bị hủy bỏ nêu trên, để thể hiện nguyện vọng của mình về việc phân chia tài sản sau khi chết, cá nhân phải lập di chúc bằng văn bản.

Riêng về người làm chứng, Điều 632 Bộ luật Dân sự quy định, những người sau không được làm chứng cho việc lập di chúc:

  • Người thừa kế của người lập di chúc;
  • Người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc;
  • Người chưa thành niên, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Nếu để những người này làm chứng khi lập di chúc miệng, di chúc miệng cũng không được công nhận về mặt pháp lý.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về Di chúc miệng và các vấn đề có liên quan.  Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon