Các trường hợp hủy bỏ hợp đồng? Hậu quả pháp lý hủy bỏ hợp đồng

cac-truong-hop-huy-bo-hop-dong-hau-qua-phap-ly-huy-bo-hop-dong

Hủy bỏ hợp đồng là một quyền pháp lý của các bên trong trường hợp có vi phạm hoặc điều kiện không thỏa mãn theo thỏa thuận ban đầu. Các trường hợp hủy bỏ hợp đồng thường phát sinh do vi phạm nghĩa vụ, lừa dối, hoặc không thực hiện đúng cam kết. Khi hợp đồng bị hủy bỏ, các bên phải chịu các hậu quả pháp lý nhất định, như bồi thường thiệt hại hoặc trả lại tài sản đã nhận. Việc nắm vững các quy định về hủy bỏ hợp đồng giúp đảm bảo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi của các bên trong giao dịch.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

1. Khái niệm và căn cứ pháp lý về hủy bỏ hợp đồng

1.1. Khái niệm về hủy bỏ hợp đồng

Căn cứ theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015, khái niệm hợp đồng được hiểu là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên được đề nghị.

Theo đó, các bên cũng có quyền hủy bỏ hợp đồng đã được giao kết và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.  Hủy bỏ hợp đồng là hình thức chấm dứt hiệu lực của hợp đồng đã được giao kết hợp pháp theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Bên nào có lỗi trong việc hủy bỏ hợp đồng thì phải bồi thường

1.2. Căn cứ pháp lý về hủy bỏ hợp đồng

Hủy bỏ hợp đồng là một trong các quyền của các bên chủ thể khi giao kết và thực hiện hợp đồng. Hợp đồng bị hủy bỏ khi điều kiện hủy bỏ hợp đồng xảy ra, cụ thể là trong các trường hợp được quy định tại các Điều 423, 424, 425, 426  Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Các trường hợp huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại hợp đồng

Căn cứ pháp lý tại  khoản 1 Điều 423 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, khoản 1 Điều 423 cho phép một bên trong hợp đồng được hủy bỏ hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp nhất định. Đây là một quy định quan trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên không vi phạm, đảm bảo tính công bằng và sự răn đe trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.

Điều 423. Huỷ bỏ hợp đồng

1. Một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận;

b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

c) Trường hợp khác do luật quy định.

2.1. Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận

Trường hợp hủy bỏ hợp đồng thuộc điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận khi một bên vi phạm hợp đồng. Đây là trường hợp các bên đã dự liệu trước trong hợp đồng rằng nếu một bên vi phạm một nghĩa vụ nào đó thì bên còn lại có quyền hủy bỏ.

Theo đó, pháp luật cho phép một bên đơn phương hủy bỏ hợp đồng nếu bên kia vi phạm điều khoản được thỏa thuận trước là điều kiện để hủy bỏ. Đây là sự cụ thể hóa nguyên tắc tự do cam kết và thỏa thuận trong pháp luật dân sự. Việc các bên có thể tự đặt ra điều kiện hủy bỏ tạo nên sự chủ động và linh hoạt trong quản trị rủi ro hợp đồng. Ý nghĩa của quy định này là tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận của Bộ luật Dân sự, giúp các bên chủ động kiểm soát rủi ro trong giao kết.

Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên thỏa thuận rằng: “Nếu bên B giao hàng chậm quá 10 ngày thì bên A có quyền hủy bỏ hợp đồng”. Khi đó, nếu bên B thực sự giao trễ 11 ngày, bên A có quyền đơn phương hủy mà không cần chứng minh thiệt hại. Vậy điều kiện để hủy bỏ hợp đồng là chỉ cần vi phạm xảy ra đúng điều kiện đã cam kết.

2.2. Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng

Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng là hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Tính “nghiêm trọng” ở đây có thể được hiểu là hành vi vi phạm của một bên làm hợp đồng không thể đạt được mục tiêu ban đầu, hoặc vi phạm gây hậu quả lớn, không thể khắc phục trong thời gian hợp lý, hoặc vi phạm làm mất lòng tin giữa các bên, gây thiệt hại lớn về tài sản, uy tín. Ý nghĩa của quy định này là một cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng trong trường hợp không có điều khoản thỏa thuận cụ thể, đồng thời được áp dụng linh hoạt trong nhiều loại hợp đồng dân sự, thương mại.

Ví dụ, trong hợp đồng xây dựng, nếu bên thi công sử dụng vật liệu không đúng tiêu chuẩn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình, thì đó có thể được xem là vi phạm nghiêm trọng và tạo điều kiện cho bên giao thầu hủy hợp đồng.

2.3. Trường hợp khác do luật quy định

Có thể hiểu đây là điểm mở, cho phép áp dụng các quy định pháp luật chuyên ngành hoặc quy định cụ thể khác của BLDS trong việc xác định quyền hủy bỏ hợp đồng, giúp tăng tính toàn diện và liên thông giữa các quy định pháp luật, tạo điều kiện áp dụng linh hoạt và phù hợp với thực tế của từng lĩnh vực quan hệ pháp lý.

Vậy, pháp luật dân sự quy định cụ thể về các trường hợp hủy bỏ hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại, tuy nhiên việc hủy bỏ hợp đồng cũng phải tuân thủ quy định về việc thông báo, khi hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Huỷ bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể huỷ bỏ hợp đồng. Theo đó, nếu một bên trong hợp đồng không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên có quyền có thể yêu cầu thực hiện trong một “thời hạn hợp lý”. Nếu sau thời hạn đó bên có nghĩa vụ vẫn không thực hiện, thì bên có quyền được phép hủy bỏ hợp đồng. Căn cứ này đòi hỏi ba điều kiện cụ thể: Có hành vi vi phạm: Một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; Bên có quyền đã đưa ra yêu cầu thực hiện nghĩa vụ; Thời gian chờ đợi đã đủ hợp lý mà bên vi phạm vẫn không thực hiện.

Ví dụ: Trong hợp đồng cung ứng nguyên liệu, bên bán cam kết giao hàng vào ngày 01/5. Tuy nhiên, đến ngày 05/5 vẫn chưa giao hàng và bên mua đã gửi văn bản yêu cầu bên bán hoàn thành nghĩa vụ trong vòng 3 ngày. Nếu đến hết thời hạn mà bên bán vẫn không giao, thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng.

Vậy, có thể hiểu, điểm mấu chốt ở đây là “thời hạn hợp lý” – yếu tố này phụ thuộc vào tính chất nghĩa vụ, thông lệ thương mại, hoặc thỏa thuận giữa các bên. Việc có gửi yêu cầu và có chứng cứ về thông báo là điều kiện quan trọng để đảm bảo quyền hủy bỏ hợp đồng được thực hiện hợp pháp.

Ngoài ra, trường hợp do tính chất của hợp đồng hoặc do ý chí của các bên, hợp đồng sẽ không đạt được mục đích nếu không được thực hiện trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải tuân theo quy định pháp luật. Cụ thể, khi bản chất hợp đồng hoặc do ý chí các bên xác định rằng hợp đồng chỉ có ý nghĩa nếu nghĩa vụ được thực hiện trong thời điểm nhất định, thì nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng hạn, bên còn lại có thể hủy bỏ hợp đồng ngay lập tức, không cần tuân thủ thủ tục yêu cầu và chờ đợi.

Ví dụ: Bên A thuê bên B tổ chức sự kiện khai trương vào ngày 15/10. Nếu bên B không thực hiện đúng vào ngày này, sự kiện không thể chuyển sang thời điểm khác và hợp đồng coi như mất mục đích. Trong tình huống này, bên A có thể hủy bỏ hợp đồng ngay mà không cần gửi yêu cầu gia hạn thời gian thực hiện.

Vậy, có thể hiểu, quy định này nhằm đáp ứng phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính linh hoạt trong giao kết và thực hiện hợp đồng.

4. Huỷ bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện

Pháp luật dân sự quy định rõ trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đây là một căn cứ đặc biệt để bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng, khi bên có nghĩa vụ không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ đó, ngoài ra, quy định này còn đáp ứng tính thực tiễn cao, nhằm giải quyết những tình huống bất khả kháng hoặc mất năng lực thực hiện nghĩa vụ của một bên. Nhận thấy, quy định này có hai điều kiện chính: Bên có nghĩa vụ không thể thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ; Sự không thực hiện đó làm cho mục đích hợp đồng của bên có quyền không thể đạt được.

Khi bên có nghĩa vụ không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ: Bên có quyền được hủy bỏ hợp đồng mà không cần tuân thủ thời hạn yêu cầu hay cảnh báo; Bên có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên có nghĩa vụ không thể thực hiện do lỗi của mình. Tuy nhiên, nếu sự không thể thực hiện là do sự kiện bất khả kháng và bên vi phạm không có lỗi, thì bên có quyền chỉ được hủy hợp đồng chứ không được yêu cầu bồi thường theo nguyên tắc tại Điều 351 BLDS.

Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng cung cấp hàng hóa cho công ty B, thời hạn giao hàng là trong vòng 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Sau khi thực hiện được một phần nghĩa vụ, toàn bộ kho hàng của công ty A bị hỏa hoạn thiêu rụi. Do ảnh hưởng của vụ hỏa hoạn mà công ty A cũng không thể tiến hành sản xuất hàng mới. Trong tình huống này, công ty A không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ giao hàng. Đồng thời, bên công ty B cần nhập lô hàng trên để làm sự kiện quà tặng, lúc này mục đích của công ty B không còn đạt được. Công ty B có quyền hủy bỏ hợp đồng theo Điều 425 và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu công ty A có lỗi).

5. Huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng

Trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền huỷ bỏ hợp đồng.

Điều kiện để hủy bỏ hợp đồng: Theo quy định, các điều kiện sau đây phải đồng thời thỏa mãn:

Tài sản là đối tượng của hợp đồng bị mất hoặc bị hư hỏng; Việc mất, hư hỏng tài sản do một bên trong hợp đồng gây ra; Không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác, hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại. Khi đó, bên kia – tức bên có quyền – có thể hủy bỏ hợp đồng.

Ngoài quyền hủy bỏ, bên gây thiệt hại còn phải bồi thường bằng tiền tương ứng giá trị tài sản bị mất, hư hỏng theo quy định pháp luật.

Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng thuê công ty B vận chuyển một lô hàng máy móc trị giá 1 tỷ đồng. Trong quá trình vận chuyển, do lỗi của tài xế công ty B không tuân thủ quy trình bảo quản, máy móc bị ngập nước và hư hỏng hoàn toàn. Máy móc này là thiết bị chuyên dụng, không thể sửa chữa hay thay thế trên thị trường. Trong tình huống này, công ty A có quyền hủy hợp đồng và yêu cầu công ty B bồi thường giá trị của lô hàng.

Ngoài ra, pháp luật quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự của bên vi phạm, cụ thể như sau:

Căn cứ pháp lý tại Điều 426 Bộ luật Dân sự 2015.

Điều 426. Huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng

Bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 351 và Điều 363 của Bộ luật này

Theo đó, khi có thỏa thuận khác hoặc các trường hợp loại trừ trách nhiệm theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 351 và Điều 363 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

Khoản 2, khoản 3 Điều 351 quy định về miễn trách nhiệm khi thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Đối với quy định này, bên vi phạm sẽ không phải bồi thường thiệt hại nếu tài sản là đối tượng của hợp đồng bị mất hoặc hư hỏng do sự kiện bất khả khán hoặc bên có nghĩa vụ chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Điều 363 quy định về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi, trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Cụ thể là bên vi phạm sẽ không phải bồi thường nếu khi tài sản bị mất, bị hư hỏng nhưng không do lỗi của bên vi phạm hợp đồng.

Vậy nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì bên bên gây thiệt hại không phải bồi thường phần thiệt hại mà mình không có lỗi theo quy định pháp luật.

Hủy bỏ hợp đồng là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các quan hệ dân sự – thương mại ngày càng đa dạng và phức tạp. Việc nắm rõ các quy định pháp luật về vấn đề này cũng sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng.

Nếu bạn đang có nhu cầu tìm hiểu về các trường hợp hủy bỏ hợp đồng và hậu quả pháp lý hủy bỏ hợp đồng và cần hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp, hãy liên hệ ngay với Luật Dương Gia để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Mục Lục
Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon