Mặc dù hợp đồng được coi là một trong những phương thức hữu hiệu để xác lập các quan hệ tài sản giữa các chủ thể, nhằm đáp ứng các nhu cầu từ cơ bản cho đến các nhu cầu cao hơn của cá nhân, pháp nhân. Tuy nhiên, hợp đồng chỉ thực sự đi vào thực tiễn đời sống khi hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan, hợp đồng có hiệu lực khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhất định. Trong đó có những điều kiện bắt buộc chung với mọi loại hợp đồng như điều kiện về năng lực chủ thể, điều kiện về sự tự nguyện của chủ thể, điều kiện về mục đích và nội dung của hợp đồng. Ngoài ra, điều kiện về hình thức chỉ được coi là điều kiện có hiệu lực của một số loại hợp đồng cụ thể. Nếu các bên trong hợp đồng không tuân thủ về điều kiện của hợp đồng thì sẽ dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015;
1. Hợp đồng là gì?
Theo điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong quan hệ dân sự đã xuất hiện rất nhiều loại hợp đồng, cụ thể:
– Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
– Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.
– Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
– Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
– Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
– Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.
– Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.
– Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
– Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
– Hợp đồng vận chuyển:
+ Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
+ Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
– Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
– Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
– Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng
2.1. Về mặt chủ thể
Chủ thể của hợp đồng dân sự phải là những người tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng để có những quyền, nghĩa vụ phát sinh và phải chịu trách nhiệm về những quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó. Để tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng, các hệ thống pháp luật đều quy định chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của từng chủ thể phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
Đối với cá nhân: Tư cách chủ thể của cá nhân khi tham gia vào hợp đồng phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi dân sự của họ.
– Theo quy định của BLDS 2015, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được tự mình xác lập, thực hiện các hợp đồng dân sự.
– Người dưới 6 tuổi là người không có năng lực hành vi dân sự và giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
– Người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi;
– Cá nhân từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý;
– Người bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện và mọi giao dịch liên quan đều phải được xác lập, thực hiện thông qua người đại diện;
– Người bị tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự thì các giao dịch liên quan tới tài sản của họ phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ các giao dịch phục vụ nhu cầu hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
Đối với pháp nhân:
– Pháp nhân là tập thể chứ không phải là một con người tự nhiên, nên năng lực hành vi dân sự của chủ thể này không biểu hiện trực tiếp bằng hành vi và ý chí của một con người cụ thể nào đó, mà được thể hiện bởi ý chung của các thành viên và được thực hiện thông qua hành vi của người đại diện. Cho nên khi xác định điều kiện về chủ thể của pháp nhân thì ta phải xem xét đến tư cách của người đại diện.
– Trong Bộ luật dân sự 2015 có hai loại đại diện cho pháp nhân là: Đại diện theo pháp luật (người đứng đầu theo quyết định của cơ quan thành lập có thẩm quyền, điều lệ công ty…); đại diện theo ủy quyền (ủy quyền mang tính chất thường xuyên được ghi nhận trong điều lệ hoặc trong văn bản ủy quyền, ủy quyền theo vụ việc thì tùy theo từng quan hệ, người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho các thành viên của pháp nhân tham gia vào hợp đồng).
2.2. Về ý chí tự nguyện của các bên tham gia hợp đồng
Pháp luật đòi hỏi những chủ thể khi tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng bắt buộc phải hoàn toàn tự nguyện. Để được coi là tự nguyện khi tham gia giao kết hợp đồng, sự bày tỏ ý chí của các chủ thể phải đạt được các điều kiện:
– Chủ thể phải có mong muốn tham gia vào hợp đồng nhất định, tức là phải có sự tự do về mặt ý chi Điều này có nghĩa rằng không có một cá nhân, pháp nhân nào có thể ép buộc một chủ thể tham gia giao kết một hợp đồng mà họ không mong muốn. Đây là yếu tố thể hiện rõ quyền tự định đoạt của chủ thể trong việc quyết định tham gia hay không tham gia giao kết hợp đồng.
– Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng phải được bày tỏ ý chí của mình liên quan đến các nội dung của hợp đồng mà mình tham gia. Nếu chủ thể tham gia giao kết hợp đồng nhưng không được bày tỏ ý chí, nguyện vọng của mình trước đối tác thì việc tham gia giao kết hợp đồng không mang lại lợi ích mà chủ thể mong muốn. Điều này trái với bản chất của hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên chủ thể.
– Phải có sự thống nhất giữa mong muốn bên trong và sự bày tỏ ý chí ra bên ngoài. Việc tham gia giao kết hợp đồng của một chủ thể thông thưởng xuất phát từ mong muốn có được những lợi ích nhất định. Việc quyết định tham gia vào hợp đồng nào đó sẽ xuất phát từ những tính toán, lựa chọn kỹ càng của chủ thể. Song lợi ích chỉ thực sự đạt được nếu chủ thể có thể xác lập được một hợp đồng với những nội dung mà mình đã xác định trước.
2.3. Về mục đích và nội dung hợp đồng
Điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
Theo đó, bất cứ hợp đồng nào được giao kết cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật và quy tắc đạo đức trong xã hội.
Mục đích của hợp đồng là yếu tố thuộc về bản chất của hợp đồng chứ không phụ thuộc vào mục đích tham gia hợp đồng của các chủ thể. Điều đó có nghĩa là, mục đích của hợp đồng – yếu tố thuộc về bản chất của hợp đồng và mục đích của chủ thể giao kết hợp đồng – mong muốn của chủ thể khi giao kết hợp đồng là hai yếu tố khác biệt nhau. Ví dụ, hợp đồng mua bán là hợp đồng được xác lập nhằm hướng tới mục đích chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên bán sang cho bên mua, và đó chính là bản chất của hợp đồng mua bán tài sản và là yếu tố bất biến.
Song, các bên giao kết hợp đồng mua bán tài sản có thể không muốn được sở hữu tài sản hoặc được chuyển quyền sở hữu tài sản mà vì một mong muốn nào đó như tẩu tán tài sản. Đây chính là động cơ khiến cho các chủ thể tham gia giao kết vào một hợp đồng nhất định. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự chỉ hướng tới việc ghi nhận điều kiện về mục đích xác lập hợp đồng chứ không điều chỉnh động cơ xác lập hợp đồng.
Nội dung của hợp đồng là toàn bộ các điều khoản trong một hợp đồng. Các điều khoản này có thể do các bên thoả thuận hoặc do Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định sẵn. Thông thường, khi giao kết hợp đồng các bên có quyền thoả thuận về tất cả các điều khoản của hợp đồng đó và sự thỏa thuận này phải nằm trong khuôn khổ luật định. Chỉ những điều khoản không bắt buộc thoả thuận và các bên không có thoả thuận thì quy định của luật về điều khoản đó mới đương nhiên được áp dụng trong hợp đồng giữa các bên.
2.4. Về hình thức hợp đồng
Là phương tiện để diễn đạt ý chí của các bên, cũng như để chứng minh sự tồn tại của hợp đồng. Hợp đồng có thể được thể hiện bằng những hình thức như: bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi cụ thể. Nếu pháp luật quy định phải được công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải các bên phải tuân theo. Ví dụ mua bán nhà đất phải thực hiện công chứng, chứng thực,…
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.