Chiếm hữu là gì? Các loại chiếm hữu theo Bộ luật Dân sự

chiem-huu-la-gi-cac-loai-chiem-huu-theo-bo-luat-dan-su

Chiếm hữu là một quyền năng đặc biệt của các chủ thể có quyền đối với tài sản được quy định trong pháp luật dân sự. Chiếm hữu là một trong những nội dung của quyền sở hữu. Người không phải là chủ sở hữu cũng có quyền chiếm hữu tài sản, nếu được chủ sở hữu chuyển giao hoặc do pháp luật quy định thuộc quyền của chủ sở hữu. Chiếm hữu gồm chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích chiếm hữu là gì, phân loại chiếm hữu theo quy định của Bộ luật dân sự.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Chiếm hữu là gì?

Chiếm hữu là việc một người tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc theo giấy ủy quyền của người khác với tính chất ổn định, liên tục, công khai theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 179 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định:

Điều 179. Khái niệm chiếm hữu 

“Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản”.

Quyền chiếm hữu của chủ thể có quyền được pháp luật quy định và bảo vệ. Theo đó, quyền chiếm hữu có thể được thực hiện thông qua chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản, người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự, người được nhà nước giao quyền chiếm hữu thông qua quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật.

Các chủ thể nắm giữ và chi phối tài sản tức là trực tiếp quản lý, tác động vào tài sản theo ý chí của mình nhằm duy trì tình trạng tài sản theo ý chí của mình nhằm duy trì tình trạng tài sản theo ý chí của mình. Chủ thể có thể bằng hành vi của mình thực hiện việc chiếm hữu goi là chiếm hữu trực tiếp. Chủ thể thực hiện việc chiếm hữu thông qua hành vi của người khác gọi là chiếm hữu gián tiếp. Trường hợp này người chiếm hữu giao tài sản của mình cho người khác kiểm soát, vì vậy người kiểm soát tài sản phải thực hiện các hành vi mà người chiếm hữu cho phép.

Người chiếm hữu tài sản được pháp luật bảo vệ quyền năng của mình và nếu như việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại.

Chiếm hữu trong pháp luật dân sự gồm có chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

2. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật

Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về các trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật. Theo đó, chiếm hữu có căn cứ pháp luật gồm các trường hợp::

– Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

– Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

– Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

– Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

– Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

– Trường hợp khác do pháp luật quy định.

3. Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật

Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu của một người đối với một tài sản mà không dựa trên những căn cứ của pháp luật quy định (hay nói cách khác là chiếm hữu không phù hợp với quy định của pháp luật). Dựa vào ý chỉ của chủ thể chiếm hữu tài sản mà luật dân sự phân thành: Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình, chiếm hữu liên tục và chiếm hữu công khai.

3.1 Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình

Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình là việc chiếm hữu của một người không có căn cứ pháp luật nhưng không biết và không thể biết (pháp luật không buộc phải biết) việc chiếm hữu là không có căn cứ. Ví dụ như mua nhầm tài sản của kẻ gian, mà tài sản đó có được do thực hiện hành vi phạm tội mà không biết,…

– Về bản chất: Người chiếm hữu không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.

– Chế độ pháp lý: Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình được pháp luật công nhận và bảo vệ trong một số trường hợp:

+ Có thể trở thành chủ sở hữu tài sản theo BLDS quy định;

+ Có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi , lợi tức trong một số trường hợp.

– Hậu quả pháp lý: Người chiếm hữu ngay tình sẽ phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu nhưng nếu việc chiếm hữu có yếu tố liên tục, công khai thì người chiếm hữu ngay tình được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại và được áp dụng thời hiệu hưởng quyền:

+ Đối với bất động sản: nếu trong vòng 30 năm mà không xác nhận được chủ sở hữu tài sản thì người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trở thành chủ sở hữu hợp pháp của bất động sản.

+ Đối với động sản: nếu trong vòng 10 năm mà không xác nhận được chủ sở hữu tài sản thì người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trở thành chủ sở hữu hợp pháp của động sản đó.

Hậu quả suy đoán: Ngay tình là trường hợp mặc nhiên thừa nhận của người chiếm hữu theo tình trạng suy đoán.

3.2. Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình

Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình là việc chiếm hữu của một người không có căn cứ pháp luật và người đó biết là không có căn cứ hoặc là tuy không biết nhưng pháp luật buộc phải biết việc chiếm hữu của họ là không có căn cứ. Ví dụ như người mua biết tài sản mình mua là vật có được từ việc trộm cắp nhưng vẫn mua vì giá rẻ, …

– Về bản chất: Người chiếm hữu biết rõ tài sản mình đang chiếm hữu là không có căn cứ pháp luật.

– Chế độ pháp lý: Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình không được pháp luật bảo vệ trong mọi trường hợp.

– Hậu quả pháp lý: Người chiếm hữu không ngay tình buộc phải chấm dứt việc chiếm hữu thực tế đối với tài sản, hoàn trả lại tài sản cho chủ thể có quyền đối với tài sản, bồi thường thiệt hại nếu có do hành vi chiếm hữu bất hợp pháp gây ra.

3.3. Chiếm hữu liên tục

Chiếm hữu liên tục được quy định tại Điều 182 Bộ luật dân sự năm 2015. Tuy chiếm hữu liên tục không phải là căn cứ để chứng minh là chiếm hữu ngay tình hay không ngay tình nhưng lại là cơ sở để xác lập quyền sở hữu của các chủ thể trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 182 Bộ luật dân sự năm 2015, chiếm hữu liên tục được hiểu là việc chiếm hữu về mặt thực tế và về mặt pháp lý của một chủ thể đối với tài sản, việc chiếm hữu này được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.

Theo đó, chiếm hữu về mặt thực tế là việc chủ sở hữu, hoặc người có quyền chiếm hữu tự mình nắm giữ tài sản. Còn chiếm hữu về mặt pháp lý là việc chủ sở hữu trao quyền chiếm hữu tài sản của mình cho một chủ thể khác; chủ thể được trao quyền có quyền chiếm hữu về mặt thực tế, ngược lại chủ sở hữu trao quyền chỉ có quyền chiếm hữu về mặt pháp lý.

Căn cứ theo quy định tại Điều 182 Bộ luật dân sự năm 2015, có thể thấy, tính liên tục của việc chiếm hữu được xác định căn cứ vào hai điều kiện sau:

– Thứ nhất: Việc chiếm hữu diễn ra trong một khoảng thời gian xác định;

– Thứ hai: Không có tranh chấp về quyền đối với tài sản hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật tại Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Việc xác định là chiếm hữu liên tục tại Điều 190 Bộ luật dân sự năm 2005 được quy định là việc chiếm hữu liên tục trong một khoảng thời gian và không có tranh chấp về tài sản. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Như vậy, điều này có nghĩa là dù việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà có tranh chấp hay không có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì vẫn được coi là chiếm hữu liên tục.

3.4 Chiếm hữu công khai

Chiếm hữu công khai được ghi nhận tại Điều 183 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó, chiếm hữu công khai được thể hiện ở việc người chiếm hữu thực hiện các tác động vật chất đối với tài sản một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.

Việc chiếm hữu liên tục, công khai vừa có ý nghĩa trong việc xác định và bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu, chủ thể khác có quyền đối với tài sản vừa là căn cứ quan trọng để xác định quyền sở hữu của người chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục đối với tài sản. Theo đó, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản tuy không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật dân sự năm 2015, luật khác có liên quan có quy định khác.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về chiếm hữu là gì và phân loại chiếm hữu theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon