Cầm cố tài sản là gì? Quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố tài sản

quyen-va-nghia-vu-cua-ben-nhan-cam-co-tai-san

Trong đời sống kinh tế – xã hội, ngày càng nhiều các chủ thể tham gia vào các giao dịch dân sự. Khi xác lập giao dịch dân sự, quyền của chủ thể này là nghĩa vụ của chủ thể kia. Để khắc phục tình trạng chủ thể có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể có quyền. Do đó, pháp luật dân sự đã ghi nhận các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung và biện pháp cầm cố tài sản nói riêng nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên trong giao dịch dân sự. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về biện pháp cầm cố tài sản là gì, quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố tài sản.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Cầm cố tài sản là gì?

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về cầm cố tài sản như sau:

Điều 309. Cầm cố tài sản

“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”

Có thể thấy, việc chuyển giao tài sản bảo đảm trong cầm cố là chuyển giao thực tế, do đó chỉ được coi là hoàn thành nghĩa vụ chuyển giao tài sản khi bên nhận cầm cố hoặc người thứ ba được bên nhận cầm cố ủy quyền đã giữ tài sản. Như vậy, tài sản cầm cố có thể do bên nhận cầm cố trực tiếp giữ tài sản hoặc ủy quyền cho bên thứ ba giữ tài sản. Cầm cố tài sản mang những đặc điểm sau:

– Đối tượng của cầm cố phải là một tài sản chiếm giữ thực tế được (vật, giấy tờ cỏ giả và quyền tài sản). 

Bản chất pháp lý của cầm cố là sự dịch chuyển một tài sản từ bên cầm cố sang bên nhận cầm cố. Vì vậy, đối tượng của nó đương nhiên phải là những tài sản có thể dịch chuyển được. Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định tài sản gồm bất động sản và động sản. Tất cả những tài sản không phải là bất động sản đều là động sản và có thể trở thành đối tượng của cầm cố, dù đó là động sản vô hình hay hữu hình, là vật đặc định hay vật cùng loại. Đối tượng của cầm cố có thể là toàn bộ một vật nhưng cũng có thể chỉ là một phần giá trị của vật đó (trong trường hợp một tài sản được dùng để cầm cố đảm bảo nhiều nghĩa vụ dân sự khác nhau). Đối tượng của cầm cố có thể là bất động sản, trường hợp này người nhận cầm cố sẽ trực tiếp giữ bất động sản đó như nhà ở, thậm chí đất đai.

– Biện pháp cầm cố có giá trị pháp lý khi chuyển giao tài sản cầm cố.

Kể từ khi quyền chiếm hữu đối với tài sản cầm cố đã được dịch chuyển cho người nhận cầm cố hoặc tài sản cầm cố đã được đưa vào nơi gửi giữ thì bên nhận cầm cố được coi là hoàn thành nghĩa vụ chuyển giao tài sản cầm cố. Thông qua việc chuyển giao tài sản, bên cầm cố tạm thời mất đi quyền chiếm hữu thực tế đối với vật. Một khi bên nhận cầm cố đã chiếm hữu thực tế, quản lý và kiểm soát tài sản đó thì bên cầm cố không thể đưa tài sản đó để thực hiện vào các mục đích khác nữa. Ngoài ra, nếu đến hạn mà bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, không đầy đủ thì việc xử lý tài sản để thanh toán nghĩa vụ cũng dễ dàng thuận lợi. Vì vậy nếu biện pháp cầm cố được thực hiện theo phương thức này sẽ có giá trị pháp lý, có độ an toàn và tính bảo đảm rất cao.

– Xử lý tài sản cầm cố hiệu quả đảm bảo ngay quyền của bên nhận cầm cố.

Khi đến thời hạn phải thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì bên nhận cầm cố có quyền xử lý tài sản cầm cố để bù đắp cho mình các khoản lợi ích mà bên kia không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ. Tuỳ thuộc vào sự xác định khi hai bên thoả thuận mà người nhận cầm cố có thể tự mình tiến hành các hành vi tác động trực tiếp đến tài sản để thoả mãn quyền lợi của mình hoặc các bên có thể cùng nhau tiến hành việc xử lý tài sản mà không cần đến sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp các bên chưa thoả thuận về phương thức xử lý tài sản cầm cố thì tài sản cầm cố được bán đấu giá. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, chi phí cho việc bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố được dùng để thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự ưu tiên luật định.

2. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố tài sản

2.1. Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố tài sản

– Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.

Bên nhận cầm cố có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản như tài sản của chính mình. Dù tài sản đó là của người khác nhưng người nhận cầm cố phải coi như của chính mình mà bảo quản, giữ gìn cẩn thận. Bởi vậy, khi nhận tài sản bên nhận cầm cố phải kiểm tra xác định tài sản, số lượng, chất lượng, các tính chất khác của tài sản…

Thông thường tài sản cầm cố là những vật nhỏ có giá trị lớn và không cần những điều kiện đặc biệt để bảo quản (vàng, đá quý, đồ cổ) nhưng đối với những vật mà việc bảo quản cần duy trì ở những điều kiện nhất định thì phải bảo quản theo điều kiện tiêu chuẩn đối với loại hàng hóa đó.

– Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

Tài sản cầm cố chỉ được dịch chuyển từ bên cầm cố cho bên nhận cầm cố chiếm hữu mà không có thêm bất cứ quyền năng nào khác. Việc chuyển giao đó không làm phát sinh quyền sở hữu của bên nhận cầm cố đối với tài sản cầm cố. Các giao dịch “bán, tặng, cho, trao đổi tài sản” là những giao dịch nhằm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cầm cố; các giao dịch “cho thuê, cho mượn” là những hành vi chuyển quyền chiếm hữu và quyền sử dụng đối với tài sản.

Do đó, Bên nhận cầm cố chỉ được giao quyền chiếm hữu nên không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác cũng như không được cho thuê, cho mượn nếu không có thỏa thuận khác.

– Không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Người nhận cầm cố không phải là chủ sở hữu của tài sản cầm cố. Vì vậy, ngoài quyền chiếm hữu ra họ không có quyền năng nào khác nếu không được chủ sở hữu của tài sản đồng ý và cho phép. Về nguyên tắc, hành vi “không” khai thác công dụng tài sản là một nghĩa vụ của người nhận cầm cố. Tuy nhiên, nếu có sự thỏa thuận và đồng ý của bên cầm cố thì việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản lại là quyền của bên nhận cầm cố.

– Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Cầm cố với chức năng bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ chính và chúng chỉ được áp dụng xử lý khi nghĩa vụ chính không được thực hiện hay thực hiện không đúng nhằm bảo đảm quyền lợi của bên có quyền. Bởi vậy nghĩa vụ chính đã được thực hiện xong thì vai trò bảo đảm, mục đích bảo đảm mặc nhiên không cần nữa, cho nên việc trả lại tài sản cầm cố phải được thực hiện ngay sau khi nghĩa vụ chính được hoàn thành. Bên nhận cầm cố chỉ phải trả lại tài sản cầm cố khi toàn bộ nghĩa vụ đã được thực hiện xong, chứ không buộc phải trả lại một phần tài sản cầm cố tương ứng với phần nghĩa vụ mà bên nhận cầm cố đã thực hiện.

Ngoài ra việc hoàn trả lại tài sản cầm cố cũng được thực hiện khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp bảo đảm khác hoặc hủy bỏ việc cầm cố. Việc thay thế cầm cố bằng biện pháp bảo đảm khác hay việc hủy bỏ cầm cố phải được sự đồng ý của bên nhận cầm cố. Vì vậy về bản chất đó chính là việc các bên đã sửa đổi nội dung hợp đồng chính. Vấn đề này nằm trong phạm vi quyền tự định đoạt của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng.

2.2. Quyền của bên nhận cầm cố tài sản

– Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó. 

Đây là quyền của người nhận cầm cố nói riêng đồng thời cũng là quyền của người chiếm hữu hợp pháp nói chung đối với một tài sản. Với tư cách là người chiếm hữu hợp pháp tài sản cầm cố, người nhận cầm cố có quyền đòi lại vật đó ở bất cứ người nào. Quyền đòi tài sản từ người chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật không chỉ là đặc quyền của chủ sở hữu tài sản mà người chiếm hữu hợp pháp cũng có quyền này. Bên cầm cố đã giao tài sản cho bên nhận cầm cố chiếm hữu bởi vậy, bên nhận cầm cố cũng như bên cầm cố đều có thể thực hiện quyền này. Ngoài ra bên nhận cầm cố còn có quyền yêu cầu chính bên cầm cố, nếu họ chiếm hữu tài sản cầm cố, mặc dù bên cầm cố là chủ sở hữu của tài sản cầm cố.

– Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu này chỉ được đặt ra khi đến thời hạn mà nghĩa vụ chính không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng, nhằm qua đó để thỏa mãn quyền được thanh toán các khoản lợi ích vật chất của người nhận cầm cố. Xử lý tài sản cầm cố là áp dụng biện pháp cuối cùng để thanh toàn nghĩa vụ cho bên có quyền. Thông qua việc cầm cố, người có quyền có thể thỏa mãn yêu cầu của mình đối với bên có nghĩa vụ.

Phương pháp xử lý tài sản cầm cố được các bên thỏa thuận khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thì tài sản cầm cố sẽ được xử lý bằng phương pháp bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ, có nghĩa là bên nhận cầm cố phải khởi kiện, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện việc bán đầu giá tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

– Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.

Việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức của bên nhận cầm cố (bên chiếm hữu tài sản cầm cố) không phát sinh đương nhiên. Bên nhận cầm cố chỉ có thể chiếm hữu tài sản. Còn việc sử dụng tài sản và khai thác lợi ích từ tài sản, được hưởng phải được sự đồng ý của bên cầm cố, chủ sở hữu tài sản. Việc đồng ý này phải được thể hiện ngay trong hợp đồng cầm cố được tạo lập trước khi hợp đồng được hình thành và phải coi đó là một trong những nội dung cấu thành hợp đồng.

– Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.

Trong thời hạn giữ tài sản cầm cố, người chiếm hữu tài sản phải bảo quản, giữ gìn để tài sản không bị hư hỏng, mất mát. Tuy nhiên, khi người nhận cầm cố phải bỏ ra các chi phí để bảo quản tài sản thì thực chất là họ đã thực hiện một công việc thay cho bên cầm cố (thực hiện việc bảo dưỡng, duy trì tài sản thay cho chủ sở hữu của nó).

Vì vậy, họ có quyền yêu cầu người cầm cố thanh toán lại cho mình các khoản chi phí cần thiết trong việc bảo quản, giữ gìn tài sản. Việc thanh toán các khoản chi phí này được tiến hành cùng thời điểm với việc thanh toán món nợ trong nghĩa vụ chính và trả lại tài sản cầm cố.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về biện pháp cầm cố tài sản, quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon