Về nguyên tắc, việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại sẽ dẫn đến việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào có thiệt hại xảy ra cũng bị áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều này phản ánh tính thực tế của hành vi cũng như tính nhân văn từ quy định pháp lý. Trong bài viết này, hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểm về Khái niệm, đặc điểm của miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Căn cứ pháp lý:
1. Quy định về miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
1.1. Khái niệm
Thuật ngữ miễn trừ trách nhiệm dân sự hay miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại (sau đây được viết tắt là TNBTTH) ngoài hợp đồng không phải là mới đối với các luật gia và những nhà nghiên cứu luật học. Mặc dù đối với các quy định hiện hành, thuật ngữ miễn trừ trách nhiệm còn xuất hiện khá khiêm tốn ở các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng bản chất và ý nghĩa sâu xa của thuật ngữ này đã xuất hiện từ rất lâu. Ví dụ: Điều 582 Bộ luật Hồng Đức quy định về miễn trừ trách nhiệm: “Người thuê đến để chữa bệnh cho gia súc, hay là vô cớ trêu ghẹo những súc vật kia mà bị thương hay chết thì người chủ không bị xử tội. Đồng thời, trường hợp một người vô cớ trêu ghẹo dẫn đến sự tổn thiệt hì cũng phải tự mình chịu sự tổn thiệt, người chủ súc vật không chịu trách nhiệm bồi thường” hoặc miễn một phần trách nhiệm như Điều 499: “những việc lầm lỡ làm người bị thương hay chết, đều xét theo tình trạng sự việc mà giảm tội (nghĩa là việc xảy ra ngoài sức khỏe, tai mắt không kịp nhận thấy, không kịp nghe thấy, hay vì vật nặng, sức người không chống nổi, hoặc trèo lên cao, tới chỗ nguy hiểm, săn bắt cầm thú, để đến nỗi thành ra sát thương đều là việc lầm lỡ)”. Đây chính là các trường hợp luật định cho phép bên vi phạm không phải bồi thường hoặc bồi thường một phần trách nhiệm đối với thiệt hại đã gây ra của mình.
Bộ luật dân sự năm 2015 (sau đây viết tắt là BLDS 2015) không đề cập trực tiếp tới khái niệm miễn trừ trách nhiệm dân sự nói chung và TNBTTH ngoài hợp đồng nói riêng nhưng lại hiện hữu các quy định và các điều luật khác thể hiện việc áp dụng việc miễn trừ trách nhiệm dân sự và TNBTTH ngoài hợp đồng. Nó được thấy trong các trường hợp được quy định không phải BTTH, giảm BTTH mặc dù có tạo ra thiệt hại. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có khái niệm pháp lý hoặc học thuật liên quan tới nội dung miễn trừ trách nhiệm dân sự nói chung và TNBTTH ngoài hợp đồng nói riêng để đảm bảo sự thống nhất trong cách hiểu cũng như áp dụng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 584 BLDS 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Theo đó, người gây thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, người gây thiệt hại trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng.
Thứ hai, trường hợp một bên có hành vi gây thiệt hại nhưng nguyên dân dẫn đến thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Theo lẽ công bằng, người gây thiệt hại nhưng không có lỗi mà lỗi hoàn toàn là do bên bị thiệt hại thì trong trường hợp này người gây thiệt hại sẽ được xem xét miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại là hoàn toàn phù hợp.
Thứ ba, các bên tự thoả thuận miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Về cơ bản bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự và được thực hiện trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Do đó, các bên có thể tự thoả thuận về vấn đề miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Thứ tư, Điều 594 Bộ luật dân sự 2015 còn quy định về việc người gây thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp phòng vệ chính đáng. Trong một số trường hợp phòng vệ, hành vi của người phòng vệ chính đáng sẽ gây ra thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công. Do đó, hành vi của người phòng vệ (người gây thiệt hại) chống trả gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công (người bị thiệt hại) sẽ được xem xét miễn trừ trách nhiệm bồi thường.
1.2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
Về căn cứ miễn trừ trách nhiệm dân sự, có một số quan điểm cho rằng, nếu là vi phạm trong hợp đồng, bên có hành vi vi phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự khi rơi vào các trường hợp do pháp luật quy định hoặc các bên thỏa thuận, còn đối với trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng thì hoàn toàn do pháp luật quy định. Về mặt bản chất, đây không phải là những căn cứ để miễn trừ trách nhiệm dân sự mà là loại trừ trách nhiệm dân sự. Những nhà nghiên cứu khi theo quan điểm này, họ cho rằng không nên sử dụng thuật ngữ miễn trừ trách nhiệm dân sự mà phải là loại trừ vì rõ ràng do pháp luật quy định khi xuất hiện những sự kiện đó (ví dụ: nếu do sự kiện bất khả kháng thì họ sẽ không phải thực hiện trách nhiệm dân sự của mình mặc dù có sự vi phạm pháp luật dân sự – sau đây viết tắt là PLDS). Xét về mặt bản chất thì không có gì mâu thuẫn lớn dù theo quan điểm nào đó khi xác định miễn trừ trách nhiệm dân sự hoặc TNBTTH ngoài hợp đồng cũng đều phải thừa nhận một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đây là ý chí của Nhà nước thể hiện dưới dạng các quy phạm pháp luật cho phép một chủ thể không phải chịu trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ, đặc biệt là TNBTTH ngoài hợp đồng;
Thứ hai, sự vi phạm này xuất hiện trong sự kiện, hoàn cảnh đặc biệt mới dẫn đến bên vi phạm được miễn trừ toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm dân sự;
Thứ ba, việc miễn trừ TNBTTH ngoài hợp đồng không đồng nghĩa với việc xóa bỏ tư cách chủ thể chịu trách nhiệm dân sự của bên vi phạm mà khi rơi vào trường hợp được miễn trừ một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm dân sự họ sẽ phải chứng minh, vì sao mình được áp dụng quy định về miễn trừ. Lý giải thêm cho điều này, tác giả dẫn chiếu Bộ nguyên tắc của Unidroit về Hợp đồng Thương mại quốc tế năm 2004 tại Điều 7.1.6 lại mang tên gọi “điều khoản miễn trừ”. Đây cũng chính là lý do mà Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 quy định về “Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm”, nội dung của điều luật này thể hiện khá đầy đủ các căn cứ miễn trách nhiệm dân sự được quy định trong BLDS 2015.
2. Đặc điểm miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
2.1. Tiền đề áp dụng căn cứ miễn trừ TNBTTH ngoài hợp đồng là hành vi vi phạm tạo ra thiệt hại.
Trong khi trách nhiệm dân sự được áp dụng khi có hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm nghĩa vụ thì TNBTTH ngoài hợp đồng phải cần tới điều kiện tiên quyết là thiệt hại do hành vi vi phạm tạo ra. Do đó, giống như TNBTTH, miễn trừ TNBTTH ngoài hợp đồng xuất hiện khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ tạo ra thiệt hại của chủ thể trong quan hệ PLDS. Điều này có thể hiểu như sau: (i) việc thực hiện nghĩa vụ của các chủ thể trên thực tế không phải lúc nào cũng nằm trong tầm kiểm soát của mình được; khi có hành vi vi phạm dưới bất kể nguyên nhân nào có thể là khách quan, chủ quan để tránh việc áp dụng TNBTTH phải hướng tới quy định của pháp luật – những ghi nhận về quyền và lợi ích cho một chủ thể.
Từ đây có thể hình dung, tiền đề để áp dụng việc miễn trừ TNBTTH ngoài hợp đồng phải xuất hiện hành vi vi phạm pháp luật tạo ra thiệt hại.
2.2. Là khả năng chủ thể vi phạm không phải thực hiện một phần hoặc toàn bộ
Như trên đã phân tích hệ quả tất yếu dẫn đến việc áp dụng miễn TNBTTH ngoài hợp đồng là phải xuất hiện sự vi phạm pháp luật tạo ra thiệt hại và căn cứ vào từng điều kiện, hoàn cảnh, lý do phù hợp có thể do các chủ thể thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Theo đó, bên vi phạm sẽ được miễn trừ một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm dân sự của mình. Như vậy, đặc điểm của miễn trừ TNBTTH ngoài hợp đồng là căn cứ vào những yếu tố khác nhau như: Thỏa thuận của các bên, sự kiện bất khả kháng, lỗi thuộc về bên có quyền, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết… mà chủ thể vi phạm nghĩa vụ không phải thực hiện một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm của mình.
2.3. Được áp dụng thống nhất và như nhau đối với các chủ thể của quan hệ
Khoa học pháp lý khi đưa ra quy định liên quan tới vấn đề miễn trừ trách nhiệm pháp lý nói chung luôn xác định chủ thể vi phạm phải gánh chịu một chế tài nào đó nhưng họ được miễn trừ toàn bộ hoặc một phần khi rơi vào các trường hợp đặc biệt mà pháp luật đã dự liệu. Tuy vậy, ở mỗi loại trách nhiệm pháp lý thì cơ chế này lại khác nhau: Nếu pháp luật hình sự xem xét nhân thân người phạm tội để hướng tới khả năng chịu trách nhiệm thì PLDS lại quy định vấn đề này hoàn toàn khác, dù chủ thể nào gây thiệt hại thì một số vấn đề sau vẫn được xác định rõ ràng: Mức độ thiệt hại, mức BTTH, chủ thể phải BTTH … Điều này phản ánh một thực tế trách nhiệm dân sự nói chung và miễn trừ trách nhiệm dân sự nói riêng không hướng tới yếu tố tư cách tham gia quan hệ của chủ thể để áp dụng hoặc miễn trừ.
2.4. Được áp dụng dựa trên ý chí của một bên hoặc hoàn toàn do luật định.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm của một hoặc nhiều chủ thể trước hành vi vi phạm hoặc quy định của pháp luật tạo ra thiệt hại về quyền, lợi ích với một hoặc nhiều chủ thể khác. Vì quyền, lợi ích là yếu tố được luật định gắn liền với bên bị vi phạm cho nên họ có quyền tự định đoạt về việc có yêu cầu bên vi phạm thực hiện trách nhiệm của mình hay không. Do đó, khi phát sinh quan hệ BTTH, bên vi phạm có thể không phải chịu TNBTTH do bên bị vi phạm miễn việc thực hiện trách nhiệm.
Trên đây là nội dung về “Khái niệm, đặc điểm của miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất.